3 lập luận bảo thủ ủng hộ hôn nhân đồng giới
3 lập luận bảo thủ ủng hộ hôn nhân đồng giới - Phạm Minh Phụng0:00/319.921× Mặc dù
Trên một con đường yên tĩnh nằm trên khu phố Đông Boston cũ kỹ không xa sân bay Logan, có một người đàn ông già 84 tuổi đang sinh sống. Ông tên là Gene Sharp, người khiến các nhà độc tài trên khắp thế giới phải sợ hãi và khinh miệt.
(Bài viết này được đăng trên New York Times vào tháng 9/2012. Nhân vật được bài này đề cập đến, Gene Sharp, vừa qua đời ngày 28/1 vừa qua – ND).
Vào cái buổi sáng tôi tìm gặp Gene Sharp, người lái taxi thậm chí còn không tìm được nhà của ông. Trước cửa không có tấm biển nào đề rằng tòa nhà là trụ sở của Viện Albert Einstein, tổ chức phi lợi nhuận mà Sharp thành lập vào năm 1983. Khi tôi đến, Jamila Raqib, giám đốc điều hành của tổ chức này, đã ra mở cửa trong bộ quần jean và áo thun.
Sharp, cựu giáo sư trường Đại học Massachusetts, đồng thời là tác giả của 11 cuốn sách, được coi là cha đẻ của cách mạng phi bạo lực.
Cuốn sách “Từ độc tài tới dân chủ” dài 93 trang của ông, hiện được đăng tải trên Internet với 24 thứ tiếng, chính là tác phẩm gây ảnh hưởng tới cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập.
Tác phẩm của ông được cho là đã được đem ra dạy trong các buổi tập huấn đào tạo cho các nhà cách mạng Ai Cập từ lâu, trước khi xảy ra những sự kiện ở quảng trường Tahrir. Nó cũng được các nhà hoạt động tại Zimbabwe, Estonia, Serbia, Việt Nam, Burma và Lithuania sử dụng. Giới chức tại Damascus và Iran cáo buộc Sharp là một nhân viên của Cục Tình báo Trung ương (CIA) của chính quyền Mỹ.
Những người biểu tình từ khu vực nông thôn Tunisia đang hô khẩu hiệu bên ngoài văn phòng Thủ tướng chính phủ, 2011. Ảnh: Zohra Bensemra/Reuters.
Sharp không trực tiếp quan hệ với các nhà hoạt động phản kháng ở quảng trường Tahrir hay ở Homs hay là Tunis. Ông chỉ dõi theo cuộc cách mạng Ai Cập trên truyền hình như chúng ta. Ông miễn cưỡng đón nhận danh tiếng song khăng khăng rằng chính người dân – chứ không phải ông – mới là những người làm nên ảnh hưởng cho cuộc cách mạng của chính họ.
Không giống như Gandhi hay Martin Luther King – những người Sharp ngưỡng mộ – Sharp không trực tiếp tham gia vào các phong trào phi bạo lực mà đơn thuần là một nhà lý thuyết về quyền lực. Ông khẳng định rằng con người có thể nắm giữ các vị trí quyền lực không phải bởi một thứ sức mạnh cá nhân nội tại nào đó mà chính bởi người dân đã trao quyền cho họ. Khi có đủ người dân dừng ủng hộ chế độ trong một thời gian đủ lâu, thì chế độ ấy sẽ sụp đổ.
Tác phẩm của Sharp không dựa trên niềm tin tôn giáo hay những nguyên tắc đạo đức cao cấp về sự chung sống hòa bình của nhân loại, mà hoàn toàn thực dụng: cuốn sách “Tính chính trị của Hành động Phi bạo lực” xuất bản năm 1973 đã liệt kê 198 phương pháp để phản kháng mà không gây giết hại hay hủy diệt, trong số đó có những phương pháp như tẩy chay bầu cử hoặc khước từ xài tiền của chính quyền.
Ông viết rằng “những lời cổ vũ ủng hộ tình thương và phi bạo lực đã chẳng mấy hoặc thậm chí không đóng góp chút gì cho việc chấm dứt chiến tranh và bạo lực chính trị. Tôi thấy có vẻ như chỉ khi thực hiện một hình thức đấu tranh thay thế… mới có thể giúp làm giảm hẳn bạo lực chính trị.” Mà theo Sharp, bạo lực chính là “vũ khí tốt nhất của kẻ thù”. Các nhà độc tài chỉ cố gắng dẹp tan các cuộc nổi dậy.
Người phụ nữ Ukraine đặt hoa cẩm chướng vào lá chắn của những người cảnh sát chống bạo động bên ngoài văn phòng tổng thống ở Kiev. Ảnh: theodysseyonline.com
Dẫu Sharp là một phần của truyền thống kinh viện, song những tác phẩm của ông lại được dùng tới trong giới những người theo chủ nghĩa can thiệp chính trị bên ngoài tháp ngà – như là bài viết của Noam Chomsky về chính sách đối ngoại của Mỹ hoặc tác phẩm của Cornel West về bất bình đẳng chủng tộc. Nhưng bản thân Sharp không đề cập thẳng tới những nước nào cần phải cải cách.
“Tôi không bàn về chuyện thứ gì phải thay đổi và thay đổi ở đâu,” ông nói khẽ bằng giọng nói miền Trung Tây nhẹ nhàng. “Điều ấy phụ thuộc vào chính bản thân những người dân quyết định thay đổi.”
Sự khiêm tốn của Sharp đôi khi có vẻ mâu thuẫn với tầm vóc của ông. Văn phòng của ông nhỏ chút, lộn xộn và bụi bặm, ngổn ngang những cái hộp còn chưa được xếp gọn kể từ ngày ông chuyển tới vào năm 2004.
“Tôi xin lỗi, chỗ này lộn xộn quá”, ông nói trong lúc chỉ tay vào mấy cái hộp và một đống sách. Khi ông phàn nàn rằng ông vẫn chưa tìm ra cuốn từ điển Anh ngữ Oxford của mình, tôi nói với ông rằng nó có sẵn trên mạng và ông có vẻ bối rối.
Văn phòng của Sharp không có công nghệ gì. Chỉ có một tấm giấy treo tường do Raqib viết tay, trên đó hướng dẫn cách gửi một e-mail.
Ông không sử dụng Facebook hay Twitter, thậm chí ông còn không truy cập trang web của tổ chức. Viện Albert Einstein gồm ông, Raqib và một trợ lý nữa. Chỗ duy nhất không dính dáng tới công việc là phòng phong lan của Sharp.
Khi nghe những người mà Sharp đã truyền cảm hứng kể lại, có thể thấy rằng ông là một trong những giảng viên xuất sắc về kháng cự ôn hòa.
“Nếu có thông điệp mạnh mẽ nào cần nhắn nhủ cho thế giới – rằng thay đổi xã hội phi bạo lực là cách để thay đổi nó theo hướng tốt hơn – thì không có ai xứng đáng được giải Nobel hòa bình hơn Gene”, theo lời của Srdja Popovic, một người Serbia trẻ tuổi lần đầu đọc sách của Sharp trong cuộc nổi dậy chống lại Slobodan Milosevic năm 2000, hiện đang điều hành Trung tâm Hành động và Chiến lược Phi bạo lực ở Belgrade.
Popovic gọi Sharp là “Bậc thầy” và sử dụng lý thuyết của ông vào việc giảng dạy cho các nhà hoạt động trên toàn thế giới, bao gồm cả Syria, Iran và Maldives.
Theo Tiến sĩ Mary Elizabeth King, giáo sư nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại Đại học Hòa bình, một cơ quan liên kết với Liên Hợp Quốc, “theo tôi, Gene đã làm được nhiều điều để kiến thiết hòa bình hơn bất kỳ ai hiện tại. Vì nếu không có kiến thức sâu rộng về cách đấu tranh để thay đổi xã hội và đạt được công lý mà không dùng tới bạo lực, thì dường như khó mà tạo ra được xã hội hòa bình. Những xã hội thời hậu xung đột cần đọc những cuốn sách của Gene để tránh quay lại cảnh nội chiến.”
Mahatma Gandhi, người có ảnh hưởng tới các nghiên cứu của Gene Sharp, cũng là người mà Sharp ngưỡng mộ.
Sharp không thoải mái khi nói về bản thân mình, và ông cứ ngọ nguậy trên ghế khi được hỏi về những năm tháng còn trẻ.
Ông được một mục sư Tin Lành nuôi dạy, cả gia đình đã di chuyển rất nhiều trước khi định cư tại Columbus, Ohio năm Sharp lên 15 tuổi.
“Tuổi thơ của tôi không quan trọng”, ông nói, và thêm rằng hồi đó ông nhận thức được về bất bình đẳn chủng tộc và từng tham gia tọa kháng. “Tôi biết rằng đang có chiến tranh và một hệ thống Quốc xã,” ông nói. “Điều đó, và cả bom nguyên tử nữa, đã ảnh hưởng tới tôi, có lẽ vậy. Rồi về sau, khi đang là sinh viên, thì người ảnh hưởng tới tôi là Gandhi.”
Năm 1951, Sharp nhận bằng thạc sĩ ở Đại học bang Ohio. Tới năm 1953, Sharp tới New York, đầu tiên ở Harlem rồi sang Brooklyn. Ông làm nhân viên vận hành thang máy và trợ giúp người khiếm thị trong một thời gian. “Tôi không quan tâm tới việc đi kiếm một công việc thực sự,” ông nói. Ông cũng từng thư từ với Albert Einstein, thử đề nghị Einstein viết lời giới thiệu cho cuốn sách của mình. Einstein đã đồng ý trong sự ngỡ ngàng của Sharp.
Khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Sharp mới 25 tuổi. Ông đã bất tuân dân sự và từ chối nhập ngũ vì lương tâm. Do đó, ông bị kết án hai năm tù. Người ta chuyển ông từ trại giam trên đường West Street ở New York tới Cơ quan Cải huấn Liên bang ở Danbury, Connecticut. Sharp nói đáng ra có khi ông đã bị giam tới 14 năm, song cuối cùng họ chỉ giam ông trong 9 tháng 10 ngày.
“Sáu tháng đầu không tệ,” ông nhớ lại. “Sau đó, tôi rất khó tập trung. Tôi có thể đọc sách nhưng không thể nghiên cứu được.”
Sau khi được trả tự do vào năm 1954, Sharp làm việc cho AJ Muste, người mà ông gọi là “người Mỹ theo chủ nghĩa hòa bình nổi tiếng nhất”. Sau đó, ông bay sang Châu Âu: ở Anh, ông làm việc cho Thời báo Hòa bình, viết bài về cuộc khủng hoảng Suez và cuộc xâm lược của Anh ở Ai Cập. Ở Na Uy, ông làm việc cho Arne Naess, giáo sư trường Đại học Oslo và cũng là một người hâm mộ Gandhi.
Những ngày ở Na uy đã ảnh hưởng sâu sắc tới Sharp. Phong trào kháng chiến của Na Uy chống chủ nghĩa phát xít và chống chế độ ủng hộ Đức Quốc Xã của Vidkun Quisling đã giảng dạy về hành động bất tuân dân sự, trong số các hình thức kháng cự phi bạo lực khác. Các giáo viên đã dạy chống lại hệ thống phát xít trong trường học và phân phát các tờ báo bất hợp pháp.
“Còn nhiều phương pháp khác nữa, như mặc đồ in hình một củ khoai tây hoặc một cây tăm, để phản đối sự chiếm đóng”, Sharp nói. Sharp ở Na Uy trong vòng hai năm rưỡi và sống cùng nhà với một gia đình từng có lịch sử kháng chiến.
“Người ta thường nhắc tới những chàng trai vùng núi đang chiến đấu chống Đức Quốc xã”, ông nói, “nhưng điều khiến tôi thấy hứng thú lại là các giáo viên, tu sĩ và phong trào lao động. Họ là những người chống đối thực sự.” Từ Na Uy, ông đã đi Oxford, cuối cùng bằng cách nào đó – sống nhờ các khoản tài trợ hoặc đi dạy – mà ông đã trở thành một giáo sư tại Đại học Massachusetts ở Dartmouth.
Khi Sharp giảng dạy tại Đại học Harvard năm 1988, vị Đại tá về hưu Robert Helvey là một nghiên cứu viên cao cấp về quân sự tại Trung tâm Vấn đề Quốc tế của trường này. Vào ngày đầu tiên, Helvey đã nhìn thấy một thông báo dán trên thang máy giới thiệu một buổi hội thảo bàn về phi bạo lực. Ông khá rảnh rỗi vào chiều hôm đó, nên ông đã tới dự buổi hội thảo của Sharp.
“Anh ấy dường như không bận tâm tới áo quần anh đang mặc,” đó là ấn tượng đầu tiên của Helvey về Sharp. Thứ mà Sharp bận tâm, theo Helvey, chính là sự thật.
“Tôi nghĩ những tác phẩm của Gene đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về giải pháp xung đột”, Helvey nói. “Có những lựa chọn khác thay vì chiến tranh và hủy diệt đẫm máu, nhằm mang lại thay đổi về chính trị. Giờ đây chúng ta đã có thể thay thế chiến tranh, như một phương tiện để mọi người tự giải phóng chính mình khỏi sự đàn áp, để ngăn chặn những kẻ bạo ngược và những nhà cai trị độc tài”.
Helvey, người đã giúp phong trào dân chủ Serbia lật đổ Milosevic, nói thêm rằng “Gene là một nhà tư tưởng sâu sắc. Ông ấy mang lại chân lý cho xã hội chúng ta.”
Gene Sharp tại văn phòng Viện Albert Einstein ở Boston, năm 2009. Ảnh: AP.
Sharp chủ yếu đắm chìm trong thế giới sách vở, nhưng không phải lúc nào ông cũng cắm cúi trên bàn làm việc. Năm 1989, ông đã tới Quảng trường Thiên An Môn khi đang xảy ra cuộc nổi dậy và trò chuyện với những người biểu tình. Vào những năm 1990, ông lén sống trong phe chống đối ở Miến Điện.
Tôi hỏi ông, người dân tìm kiếm sự can đảm ở đâu để chống lại các nhà độc tài? Ông suy nghĩ rất lung.
“Tôi thật sự không rõ,” ông thừa nhận. “Tôi chưa bao giờ nghiên cứu chuyện này. Họ không nghĩ hành động của họ là dũng cảm, mà nó là bản chất của họ. Điều quan trọng là họ có thể. Và họ hành động.”
Khi Sharp nói, tôi nghĩ tới tất cả những nhà hoạt động tại Syria hiện nay đang phải làm việc bí mật, liên lạc qua Skype hoặc email được mã hóa để phản đối chế độ. Nếu bị bắt, họ sẽ bị tra tấn và bắt giam. (Ngay cả những người biểu tình ôn hoà cũng bị bắt trong thời gian 45 ngày mà gia đình của họ còn không được thông báo; hiện tại có 35.000 người đang bị giam tại Syria theo các báo cáo nhân quyền gần đây).
“Nhưng mọi người vẫn tiếp tục,” ông nói, “vì họ đang đi đúng hướng. Khi bạn bắt đầu thôi hợp tác, thì chế độ sẽ không thích điều này. Họ sẽ bắt đầu đánh đập, tra tấn, ngăn trở bạn. Họ sẽ lan truyền nỗi sợ hãi. Nhưng nếu bạn không sợ” – ông ngừng lại giây lát để suy nghĩ – “thì chẳng có lý do gì để sợ.”
Trong tất cả các tác phẩm của mình, Sharp luôn nhấn mạnh tới nhu cầu phải chuẩn bị và cẩn trọng. Ông cho rằng không phải tất cả các phong trào phi bạo lực đều mang lại kết quả tốt. Theo ông, phong trào Chiếm phố Wall không có kế hoạch, đó là lý do khiến nó thất bại. “Mục đích của nó tốt, nhưng việc chiếm giữ một công viên nhỏ ở trung tâm thành phố New York chỉ mang tính biểu tượng thuần túy. Nó không giúp gì cho việc thay đổi chính sách phân phối tài sản.”
Trên hết, các tác phẩm của Sharp đề ra một phương pháp nghiêm khắc. Không thể tiến hành một cuộc cách mạng mà không trù tính, không có kế hoạch, không có chiến lược. Sharp cho rằng người Ai Cập đã thành công bởi họ đã lên kế hoạch từ trước để tống khứ Mubarak. Người Tunisia đã sử dụng Internet trong nhiều năm để hạ bệ Ben Ali. Gần đây, Sharp đã viết thư cho các nhà hoạt động Syria rằng, “hãy suy nghĩ cẩn trọng xem những hoạt động nào có thể gây hại cho mục tiêu của các bạn.”
Vài giờ sau tôi rời khỏi văn phòng của ông. Tôi cảm động trước đức tính anh hùng thầm lặng của Sharp, những nghiên cứu bền bỉ chẳng đem lại cho ông được bao nhiêu tiền bạc hay sự chú ý của công chúng. Như Popovic nói, “công việc bền bỉ mà Gene đã dành cả cuộc đời cho nó, lại bị giới học thuật đánh giá thấp suốt hàng thập kỷ, bị những người ra quyết định hiểu nhầm, và bị các nhà độc tài công kích công khai.”
Vậy thì, di sản mà Sharp để lại cho đời là gì?
Theo Helvey, “giờ đây người ta không còn cần tới bom, tên lửa và lực lượng chiến đấu để vô hiệu hóa quyền lực của chế độ. Gene không cho rằng đây là một lựa chọn dễ dàng, nhưng rõ ràng là có cách để thực hiện. Tôi đã thấy trước cái ngày mà các chính quyền sẽ phải xem xét tới những lựa chọn xung đột phi bạo lực để đưa ra những quyết định nhằm theo đuổi hoặc bảo vệ các mối lợi quan trọng.”
Trước khi rời đi, tôi hỏi Sharp rằng sao ông lại không được làm việc với một mức lương dồi dào trong một văn phòng hào nhoáng cách đó vài dặm ở Harvard Yard. Ông giải thích rằng giờ đây chuyện tiền nong đang gặp khó khăn – một trong những lý do khiến ông chuyển đến Đông Boston vài năm trước. “Chúng tôi không có tiền,” ông nói. “Những cái hộp trong tầng hầm, rồi còn trên tầng hai, không có ai giúp chúng tôi” – ông vừa nói vừa cúi xuống nựng chú chó của mình – “còn Sally lại chẳng giúp được gì cả”.