Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Năm 1972 là một năm đặc biệt với Philippines và Bắc Triều Tiên.
Năm đó, Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines tuyên bố thiết quân luật, thâu tóm quyền lực quốc gia vào tay mình, còn Thủ tướng Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) trở thành Chủ tịch nước ở Bắc Triều Tiên.
Những chính sách cai trị khác nhau của hai nhà độc tài này dẫn đến hai tương lai chính trị khác nhau. Dân chủ đã được phục hồi ở Philippines vào năm 1986, trong khi đó, Bắc Triều Tiên trở thành là một trong những đất nước khép kín nhất hành tinh cho đến tận ngày nay.
Di sản thuộc địa
Hai đất nước xa xôi về mặt địa lý này, hoá ra lại có nhiều điểm khá tương đồng với nhau về mặt lịch sử.
Thứ nhất, cả Philippines và Bắc Triều Tiên đều trở thành thuộc địa trong khoảng thời gian gần giống nhau.
Sau cuộc chiến tranh Mỹ – Phi vào năm 1899, Hoa Kỳ tiếp quản quyền kiểm soát Philippines cho đến năm 1946. Tương tự, Đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên sau Hiệp ước Nhật-Hàn năm 1876 và chính thức sáp nhập Triều Tiên vào Nhật năm 1910 cho đến năm 1945. Cả hai quốc gia đều trở nên trì trệ trong việc phát triển các giá trị dân chủ trong thời kỳ thuộc địa.
Tuy nhiên, cũng có một số khác biệt. Trong thời gian chiếm đóng, Hoa Kỳ dần cho phép thành lập một chính quyền dân sự ở Philippines. Trong khi đó, người Nhật không cho phép người Triều Tiên làm như vậy.
Các giá trị dân chủ dần trở nên phổ biến ở Philippines trong khi Hoa Kỳ tiếp tục phủ quyết tất cả đạo luật được chính phủ quốc gia đề ra. Quan trọng hơn, chính quyền thuộc địa đã ảnh hưởng đến bầu cử và các chương trình nghị sự của Philippines. Trong khi đó, người dân Triều Tiên không được phép thành lập một chính phủ tự trị trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ nhưng họ vẫn có thể phát triển một số tổ chức dân chủ ở một mức độ thấp. Sau cuộc biểu tình năm 1919, người Nhật cho phép người Triều Tiên có nhiều quyền lợi hơn[1]. Nhiều tổ chức chính trị và liên đoàn lao động ra đời từ những năm 1920[2].
Thứ hai, nền kinh tế cả hai quốc gia đều phát triển vượt bậc dưới chính quyền thực dân. Tại Philippines, việc phát triển kinh tế tập trung vào khai thác mỏ và nông nghiệp. Khi đó, quá trình phát triển kinh tế ở bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân thuộc địa. Chính sách kinh tế ban đầu của Nhật Bản là tăng sản lượng nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng thiết yếu cho người dân Đế quốc và quân đội Nhật hoàng.
Có một điểm khác biệt cần lưu ý. Trong những năm 1930, Nhật Bản bắt đầu phát triển một tổ hợp công nghiệp quan trọng trên bán đảo nhằm chuẩn bị nguồn lực cho Thế chiến thứ Hai sắp xảy ra[3]. Tuy vậy, Nhật phát triển các tổ hợp công nghiệp không đồng đều nên khi Triều Tiên bị chia cắt, miền Bắc bị bỏ lại với một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp rất hạn chế[4]. Còn ở Philippines, tăng trưởng công nghiệp hầu như không tồn tại, chủ yếu do tình trạng bất ổn về nông nghiệp[5].
Thứ ba, Marcos và Kim đều nắm quyền kiểm soát chính phủ vào năm 1972. Năm đó, Tổng thống Ferdinand Marcos ban hành Đạo luật 1081 nhằm củng cố quyền lực bản thân và tuyên bố thiết quân luật[6]. Trong khi đó, Kim và Đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua một bản hiến pháp mới, với mục đích đưa Kim trở thành Chủ tịch vĩnh viễn và sử dụng xã hội chủ nghĩa như một hệ thống tư tưởng chung[7]. Marcos từng là Tổng thống của Philippines kể từ năm 1965 và Kim từng là Thủ tướng của Triều Tiên từ năm 1948. Cho đến năm 1972, tính hợp pháp cho quyền lực của Marcos bắt nguồn từ cuộc bầu cử toàn dân và Kim thì từ Hội đồng Nhân dân Tối cao.
Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo độc tài của Philippines và Bắc Triều Tiên đều khống chế quân đội để có thể củng cố quyền lực cho bản thân. Tuyên bố thiết quân luật đồng nghĩa rằng chế độ toàn trị của Marcos luôn sử dụng bạo lực để thanh trừ phe đối lập[8]. Trong khi đó, Hiến pháp 1972 của Bắc Triều Tiên thừa nhận quyền lực của Hội đồng Nhân dân Tối cao nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về triết lý ưu tiên quân sự (first-military politics). Thực tế, quân đội Triều Tiên dần trở thành tay sai quan trọng chỉ để phục vụ cho mục đích cá nhân của Kim Il Sung hơn là bảo vệ chủ quyền đất nước[9]. Hơn thế, mỗi nhà độc tài đều tập trung phát triển một tín ngưỡng cá nhân riêng và kết hợp các nguyên tắc chính trị vào quyền lãnh đạo độc tôn của bản thân[10].
Dù cùng ở Châu Á – Thái Bình Dương, Philippines và Bắc Triều Tiền không gần gũi về địa lý. Ảnh: Google Maps/CNN Philippines.
Đường hướng chế độ tương lai
Ngay sau khi ban hành thiết quân luật, Marcos cam kết sẽ thực hiện các cải cách kinh tế bằng cách công nghiệp hóa và cơ giới hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, cải cách nông nghiệp của Marcos đã làm cho khoảng cách giàu và nghèo ngày càng tăng nhanh trong xã hội[11]. Ngược lại, sau khi chia cắt, chế độ Bắc Hàn đã tiến hành quốc hữu hóa toàn quốc. Chủ nghĩa cộng sản đã loại bỏ quyền tư hữu và diệt trừ phần lớn các tu sĩ và nhà sư trong xã hội[12].
Trong quá trình cải cách nông nghiệp, Marcos biết rằng một số lượng lớn nông dân sẽ phải thất nghiệp. Việc cơ giới hóa đã làm dư ra một nguồn lao động trẻ. Ngay cả khi các nhà máy liên tiếp xuất hiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao[13]. Marcos đã có thể phát triển một chương trình trợ giúp hoặc trợ cấp việc làm cho các nông dân thất nghiệp để mua chuộc lòng trung thành. Dù thế, Marcos chỉ ưu tiên cho các lợi ích cá nhân và nhóm lợi ích, bỏ mặc sự bất bình của tầng lớp nông dân, ngay cả khi hàng ngàn cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra.
Đối lập với Marcos, chính sách phát triển kinh tế của Kim đã ngăn cản sự phát triển của tầng lớp tư sản. Kim đã sử dụng các nguồn lực tư hữu để phát triển các lợi thế chính trị của bản thân. Bằng cách phân phối các lợi ích này cho những người ủng hộ, Kim Il Sung đã giành được một mức độ trung thành rất cao từ giới tinh hoa[14]. Duy trì mức độ đàn áp cực kỳ bạo lực, Kim đảm bảo rằng sẽ không có bất cứ một cuộc biểu tình nào có thể xảy ra nhằm đe dọa quyền lực của bản thân. Thay vì sử dụng các nguồn lực cho cá nhân, Kim ban phát chúng cho những người luôn trung thành.
Theo chính sách kinh tế của Marcos, tầng lớp nông dân ở Philippines không còn tỏ ra trung thành và các cuộc biểu tình liên tục xảy ra[15]. Tính nghiêm trọng và tần suất của các cuộc biểu tình ngày càng tăng làm cho nhóm trí thức tin rằng chế độ này chắc chắn sẽ sụp đổ. Để bảo vệ vị thế chính trị, các trí thức bắt đầu kêu gọi tự do hóa và trở nên cởi mở khi tiến hành thương nghị với tầng lớp thấp hơn. Chính sách kinh tế của Marcos là yếu tố quan trọng khiến phong trào dân chủ hóa ở Philippines trở nên khả thi.
Ở Bắc Hàn, bằng cách phân phối lại tài sản cho giới tinh hoa chính trị, Kim đã có thể củng cố chế độ độc tài của bản thân theo ba cách. Thứ nhất, củng cố niềm tin cho phe bảo thủ và diều hâu (hard-liner) rằng sự tồn tại của chế độ là khả thi. Thứ hai, có thể biến một số trí thức trở thành phe cánh bảo thủ cho chế độ. Thứ ba, xoa dịu phe trí thức với niềm tin là hình thức dân chủ hoá là kết quả cần thiết của chủ nghĩa độc tài. Từ đó, các cuộc biểu tình của phe trí thức phản đối Kim đã giảm đi thấy rõ. Không giống như Marcos, những lựa chọn chiến lược của Kim về chính sách kinh tế đã giúp củng cố sự toàn trị của bản thân nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Một cuộc biểu tình phản đối nhà độc tài Marcos tại Manila, Philippines năm 1984. Ảnh: Rappler.
Nghệ thuật thâu tóm quyền lực
Tính cân bằng quyền lực giữa các tầng lớp có thể là một hệ quả trong quá trình quyết định chính sách của tầng lớp tinh hoa. Ở Philippines, Marcos tiếp tục làm gia tăng khoảng cách giữa giàu và nghèo trong xã hội. Trong khi đó, tại Triều Tiên, Kim đã củng cố giới tinh hoa chính trị khi diệt trừ tầng lớp tư sản, tăng lữ và nhà sư. Chính sự cân bằng tương đối này đã tác động đến việc củng cố chế độ.
Ferdinand Marcos và Kim Il Sung đều cố gắng ngăn chặn sự chia rẽ đang trỗi lên trong tầng lớp thống trị.
Chế độ Marcos đã không thể ngăn cản sự nghi kị lẫn nhau đang dần trở nên nghiêm trọng từ đầu những năm 1980. Có hai khuynh hướng chia rẽ trong tầng lớp thống trị. Thứ nhất, sự đấu đá giữa các nhóm lợi ích thân hữu (crony) và không thân hữu (non-crony). Nhóm lợi ích thân hữu là tầng lớp tư sản mới cũng là những người có mối quan hệ mật thiết với Marcos. Các nhóm này làm giàu thông qua việc tiếp cận tín dụng nhà nước và các hợp đồng chính phủ cũng như mốc nối các dự án kinh doanh cho những nhà đầu tư nước ngoài[16]. Thứ hai, sự tranh giành lợi ích giữa các tướng lĩnh.
Ngược lại, nhà nước độc tài Bắc Hàn đã thúc đẩy sự đoàn kết giữa tầng lớp thống trị thông qua việc chọn lọc một bộ phận cực kỳ ưu tú. Từ đó, Kim có thể phân phối bổng lộc cho những tướng lĩnh quân đội và quan chức đảng. Các thành viên của tầng lớp “cốt lõi” luôn nhận được những công việc an toàn và nhiều lợi ích nhất, đổi được nhiều thực phẩm phong phú hơn, được cấp nhà tại thủ đô Bình Nhưỡng và nhận được nhiều món quà xa xỉ.
Khi ưu tiên lợi ích làm giàu cho bạn bè và người thân, Marcos đã đánh mất một số lượng người ủng hộ chỉ để đổi lấy lợi ích và niềm vui cá nhân. Nhóm lợi ích không thân hữu của giới tinh hoa kinh tế đã không hoàn toàn ủng hộ Marcos mà còn liên tục chỉ trích chính sách của ông. Để chống lại chế độ độc tài, nhiều người trong số đó đã trở thành những lãnh đạo nổi bật trong cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân (People Power Revolution) – phong trào đã thành công trong việc khôi phục giá trị dân chủ của Philippines[17].
Trong khi, cả hai nhà lãnh đạo liên tục củng cố quyền thống trị thông qua việc thâu tóm quân đội, Marcos dường như không thành công như Kim.
Marcos đã huy động lực lượng quân đội để bổ sung nhân sự cho các cơ quan dân sự[18]. Các tướng lĩnh quân đội có quan hệ mật thiết với Marcos được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền. Chủ nghĩa gia đình trị (nepotism) được thể hiện rõ ràng qua việc thăng cấp và phân công vai trò trong chế độ độc tài Marcos. Chính yếu tố này kết hợp với một di sản phi chính trị của quân đội Philippines, đã dẫn tới một làn sóng phản đối dữ dội chống lại việc thâu tóm quân đội của Marcos. Những người lính cấp bậc thấp trong quân đội cũng đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của cuộc nổi dậy. Ferdinand Marcos đã không có khả năng ngăn cản những người trí thức và sĩ quan trẻ tuổi tiếp tục tiến hành lật đổ chế độ độc tài và thực hiện một công cuộc dân chủ hoá đầy thành công.
Không giống như Marcos, Kim đã hy sinh lợi ích cá nhân để tạo ra một mạng lưới ảnh hưởng lớn khi tiếp tục cung phụng cho giới tinh hoa quân đội. Các thành viên của tầng lớp “cốt lõi” bao gồm các hậu duệ của du kích chống Nhật, anh hùng của Chiến tranh Triều Tiên, và các quan chức đảng[19]. Bằng cách liên tục hối lộ giới thống trị, Kim có thể đảm bảo một mức độ trung thành cho chế độ.
Kim Il Sung khá thành công trong việc nuôi dưỡng tính đoàn kết của tầng lớp lãnh đạo quân đội thông qua việc phát triển ngành công nghiệp vũ khí hạt nhân, đề ra các kỳ nghỉ quốc gia để tôn vinh quân đội và thường xuyên khen ngợi quân đội trong các bài bài diễn văn trước công chúng[20]. Từ đó, tầng lớp tinh hoa đã cho phép Kim cá nhân hóa quân đội. Để phân bổ các nguồn lực hợp lý cho lực lượng vũ trang, Kim phải hy sinh lợi ích cá nhân. Đổi lại, Kim đã nắm trong tay một tầng lớp quân đội trung thành một lòng với bản thân.
Từ quan điểm định tính, cả hai nhà độc tài đều đặc biệt mềm mỏng và hào phóng với phe cứng rắn và bảo thủ của chế độ. Tuy nhiên, chỉ có Kim Il Sung là đối xử đầy tính công bằng cho cả hai phe, kể cả các quan chức cấp thấp của bộ máy và hạ sĩ quan trong quân đội. Bằng cách đó, Kim đã kiểm soát được tư tưởng tự do của nhóm trí thức và thui chột niềm tin về một chế độ đa nguyên và đa đảng.
Năm 1980, tức là 14 năm trước khi qua đời, Kim Il Sung đã tuyên bố “truyền ngôi” cho con trai mình là Kim Jong-Il. Ảnh: AFP/Getty.
Rắn hay Mềm?
Khi cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân ngày càng trở nên áp đảo vào năm 1986, Marcos đã chỉ thị cho quân đội và cảnh sát tăng mức độ đàn áp. Tuy nhiên, cảnh sát và quân đội không được huấn luyện đầy đủ để có thể nhanh chóng đàn áp và trở nên mất bình tĩnh khi phải đối mặt với một cuộc biểu tình trên quy mô lớn[21].
Còn tại Bắc Hàn, Kim đã đàn áp một cách không thương tiếc. Các đối thủ chính trị sẽ bị tống giam vào các trại tập trung lao động[22]. Thông thường, những phạm nhân cùng với gia đình sẽ ngay lập tức bị giam giữ, sau đó toàn gia đình sẽ bị tra tấn trước nghi phạm. Việc tra tấn sẽ tiếp tục cho đến khi nghi phạm thừa nhận tội lỗi. Vào thời điểm này, nghi can sẽ bị xử tử và gia đình sẽ sống cho đến chết trong các trại tập trung[23]. Kim đã thành công trong việc thuyết phục người dân Triều Tiên rằng ông ta sẽ sẵn sàng sử dụng bất cứ biện pháp cực đoan nào để đàn áp những kẻ ăn ở hai lòng.
Ở Philippines, tầng lớp trí thức phải đương đầu với một tương lai vô định. Họ nghi ngại rằng nếu họ tiếp tục trung thành với chế độ độc tài và khi một cuộc đảo chính xảy ra, lợi ích thiết yếu của họ sẽ hoàn toàn mất trắng dưới chế độ mới. Kết quả là, họ bắt đầu gia nhập vào cuộc cách mạng với hi vọng có thể bảo vệ lợi ích cho bản thân. Nhiều tầng lớp tinh hoa cũng đã tham gia vào cuộc Cách mạng như Tổng Giám mục Đức Hồng y Jaime Sin và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng của Marcos, Juan Ponce Enrile.
Còn tầng lớp trí thức của chế độ Bắc Hàn không được phép đi du lịch hay du học. Xã hội dân sự không được phép hoạt động vì quân đội liên tục giám sát và đàn áp. Các nghệ sỹ và trí thức sẽ bị bắt giam ngay lập tức nếu dám nói ngược lại chế độ. Kim đã thành công trong việc dựng nên một bầu không khí nơi mà những trí thức không bao giờ dám nghĩ rằng chế độ độc tài sẽ sụp đổ.
Các nhà độc tài sử dụng các mức độ đàn áp khác nhau tùy thuộc vào di sản thuộc địa khác nhau. Ví dụ, trong thời gian chiếm đóng Philippines, Mỹ đã thành lập một hệ thống tư pháp, bao gồm tòa án tối cao và một bản hiến pháp chuẩn mực. Thay vì tạo ra các định chế nhằm phát triển nền pháp quyền ở bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đơn phương thông qua một loạt các đạo luật nhằm đàn áp dân chúng thuộc địa.
Chính vì vậy, có thể kết luận rằng Ferdinand Marcos và Kim Il Sung đã định ra các chuẩn mực dựa trên những chính sách thời kỳ thuộc địa. Có thể lập luận rằng Mỹ ít đàn áp hơn Nhật Bản, dẫn đến việc Marcos ít đàn áp hơn Kim. Hiểu được di sản của chính sách thuộc địa với các quyết định được đưa ra từ tầng lớp thống trị cho phép giải thích được tại sao một chế độ độc tài như Marcos dễ dàng bị sụp đổ và chuyển dần sang dân chủ; trong khi đó, nhà nước toàn trị của gia đình họ Kim tiếp tục tồn tại và trở thành một thể chế khủng bố và bí ẩn nhất thế giới.
Tài liệu tham khảo:
[1] Badlwin, Frank. “Participatory Anti-Imperialism: The 1919 Independence Movement.” The Journal of Korean Studies 1 (1979): 123-162.
[2] Lee, Chong-Sik. Japan and Korea: The Political Dimension. Stanford: Hoover Institution, 1985.
[3] Haggard, Stephan, David Kang and Chung-In Moon. “Japanese Colonialism and Korean Development: A Critique.” World Development 25.6 (1997): 867-881.
[4] McCune, Shannon. “The Thirty-Eighth Parallel in Korea.” World Politics 1.2 (1949): 223-232.
[5] Larkin, John A. “Philippine History Reconsidered: A Socioeconomic Perspective.” The American Historical Review 87.3 (1982): 595-628.
[6] Celoza, Albert F. Ferdinand Marcos and the Philippines: The Political Economy of Authoritarianism. Westport: Praeger Publishers, 1997.
[7] Kim, Chin and Timothy G. Kearley. “The 1972 Socialist Constitution of North Korea.” Texas International Law Journal 11 (1976): 113-136.
[8] Mendoza Jr., Amado. “People Power in the Philippines, 1983-1986.” In Civil Resistance and Power Politics: The Experience of Non-Violent Action From Ghandi to the Present, edited by Adams Roberts and Timothy Garton Ash. Oxford: Oxford University Press, 2009.
[9] Kong, Dongsung. “North Korea.” In The Political Role of the Military: An International Handbook, edited by Constantine P. Danopoulos and Cynthia Watson, 323-337. Westport: Greenwood Press, 1996.
[10] Thompson, Mark R. and David Wurfel. “The Anti-Marcos Struggle: Personalistic Rule and Democratic Transition in the Philippines.” Pacific Affairs 69.2 (1996): 291-292.
[11] Nadeau, Kathleen M. Liberation Theology in the Philippines: Faith in a Revolution. Westport: Praeger Publishers, 2002.
[12] Byman, Daniel and Jennifer Lind. “Pyongyang’s Survival Strategy: Tools of Authoritarian Control in North Korea.” International Security 35.1 (2010): 44-74.
[13] Kerkvliet, Benedict J. “Land Reform in the Philippines since the Marcos Coup.” Public Affairs 47.3 (1974): 286-304.
[14] Oh, Kongdan and Ralph C. Hassig, “North Korea: The Hardest Nut.” Foreign Policy 139 (2003):
[15] Kerkvliet, Benedict J. “Land Reform in the Philippines since the Marcos Coup.” Public Affairs 47.3 (1974): 286-304.
[16] Schock, Kurt. “People Power and Political Opportunities: Social Movement Mobilization and Outcomes in the Philippines and Burma.” Social Problems 46.3 (1999): 355-375.
[17] Hedman, Eva-Lotta E. In the Name of Civil Society: From Free Election Movements to People Power in the Philippines. Honolulu: University of Hawaii Press, 2006.
[18] Overholt, William H. “The Rise and Fall of Ferdinand Marcos.” Asian Survey 26.11 (1986): 1137-1163.
[19] Noland, Marcus. “Transition from the Bottom-Up: Institutional Change in North Korea.” Comparative Economic Studies 48 (2006): 195-212.
[20] Hodge, Homer T. “North Korea’s Military Strategy.” Parameters 33.1 (2003): 68-81.
[21] Zwick, Jim. Military and Repression in the Philippines. Montreal: McGill University Developing Area Studies, 1982.
[22] Larkin, John. “Exposed–Kim’s Slave Camps.” Far Eastern Economic Review 165.49 (2002): 14-17.
[23] Suh, Dae-Sook. Kim Il Sung: The North Korean Leader. New York: Columbia University Press, 1988.