Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
“Ở miền Nam, những người trước đây nhờ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà có một mức sống vật chất vượt xa khả năng của nền kinh tế trong nước và kết quả lao động của bản thân họ … cần trở lại với thực tế, trở về với cuộc sống của dân tộc, sống bằng kết quả lao động của mình. Đó là con đường để tiến tới một cuộc đời tươi vui, đẹp đẽ, có ý nghĩa, có phẩm giá, có hạnh phúc thật sự và lâu bền cho chính mình và con cháu mình.”
Đó là lời tuyên bố của Tổng bí thư Lê Duẩn tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội năm 1976. Cái “cuộc đời tươi vui” trong suốt mười năm bao cấp bắt đầu từ buổi ấy đã được người dân truyền miệng nhau rằng:
“Lương chồng, lương vợ, lương con
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon.”
Thực tế nhuốm màu thảm họa của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ kế hoạch hóa ấy chính là viễn cảnh mà nhà kinh tế học Friedrich August Hayek đã hình dung từ những năm 1940.
Nếu Karl Marx được tôn xưng như đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội, người đề xướng ra chủ thuyết “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, thì có thể coi Hayek chính là nhà tư tưởng thống lãnh phe chống Marx ở phía bên kia chiến tuyến.
Hayek thẳng thắn gọi chủ nghĩa xã hội là “một hệ thống đạo đức giả” bởi những mục tiêu nhân đạo của nó chỉ có thể được thực hiện bằng những phương pháp tàn bạo mà không xã hội nào chấp nhận nổi.
Ông cũng coi các nhà nước này không phải là kiểu nhà nước phúc lợi như họ hay khoa trương, mà thực chất là họ kiểm soát nền kinh tế chẳng khác gì Đức Quốc xã.
Hayek có thể là một cái tên xa lạ ít được người Việt Nam biết tới, nhưng xã hội chúng ta kể từ năm 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên cả nước chính xác là hình ảnh phóng chiếu từ tầm nhìn của ông trong tác phẩm trứ danh Đường về nô lệ.
Vì sao chủ nghĩa xã hội lại thống trị?
Sự phát triển của khoa học hiện đại từ thời Khai Sáng đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của thế giới.
Thế nhưng, khi thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản qua đi, kéo theo đó là những cơn khủng hoảng như cuộc Đại suy thoái (1929 – 1933), thì nỗi bất mãn tràn ngập ở khắp nơi, đẩy các xã hội vào trong bế tắc.
Đó là lúc ý tưởng về chủ nghĩa xã hội trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết.
Áp phích tuyên truyền cho ý thức hệ xã hội chủ nghĩa ở Nga năm 1920. Ảnh: Pinterest.
Nhờ viễn cảnh tráng lệ về bình đẳng và thụ hưởng, chủ nghĩa xã hội đã lôi kéo được sự ủng hộ từ khắp các nước châu Âu. Các nguyên tắc từng là cốt lõi cho tiến trình phát triển như tự do, quyền tư hữu, và nền kinh tế thị trường bắt đầu bị coi là trở ngại đối với xã hội.
Người ta tin rằng nền kinh tế tự do thiếu tính quy hoạch như một tên khổng lồ đang trên đà đổ sụp, tin rằng Marx đã đúng khi tiên đoán rằng chủ nghĩa tư bản sẽ diệt vong, và tin rằng để nền kinh tế ổn định và hiệu quả, giờ đây, cách tốt nhất và duy nhất chính là học theo Liên Xô: kiểm soát tập thể đối với toàn bộ các phương tiện sản xuất.
Khái niệm kế hoạch hóa ra đời từ đó.
Trong cuốn Con người và xã hội trong kỷ nguyên tái thiết, nhà xã hội học đầy ảnh hưởng Károly Manheim khẳng định rằng “trong giai đoạn xã hội công nghiệp hiện nay, kế hoạch hóa dưới hình thức này hay hình thức khác là điều không tránh khỏi”.
Còn được gọi là kinh tế tập trung hay kinh tế chỉ huy, nền kinh tế kế hoạch hóa này cho phép nhà nước không chỉ độc quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất, mà còn toàn quyền quyết định việc phân phối thu nhập.
Một người ăn bao nhiêu thịt là đủ? Mỗi ngày họ nên uống bao nhiêu sữa? Nên để họ rảnh rỗi bao lâu và cày ruộng bao nhiêu tiếng hàng tuần? Các nhà kế hoạch hóa của chúng ta phải đặt ra và trả lời tất cả những câu hỏi như vậy.
Chính quyền độc đảng Việt Nam đã áp dụng đúng kiểu tư duy này trong những năm tháng bao cấp. Chẳng hạn hàng tháng, nông dân có thể được cấp từ 11kg tới 15kg gạo. Người dân thường được mua tối đa 1,5kg thịt lợn mỗi tháng. Những chỉ tiêu như trên được ghi rõ trong cuốn sổ lương thực (hay còn gọi là sổ gạo) của từng gia đình. Tất cả mọi thứ đều phải nằm trong kế hoạch.
Một cửa hàng thịt ở Việt Nam thời bao cấp. Ảnh: Báo Nghệ An.
Vào những năm 1940, không riêng gì Liên Xô hay Đông Đức, mà ngay cả ở Anh và Mỹ cũng xuất hiện khuynh hướng ủng hộ kế hoạch hóa như vậy. Họ tin rằng khi trao hết quyền lực kinh tế vào tay một nhóm lãnh đạo thì có thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn thị trường cạnh tranh.
Đường về nô lệ của Hayek ra đời trong bối cảnh ấy. Mặc dù ý đồ của Hayek vốn nhằm cảnh báo giới tinh hoa Anh và Mỹ đang mấp mé cơn sùng bái học thuật đối với chủ nghĩa xã hội quốc gia (national socialism), song có lẽ chính ông cũng không lường trước được rằng sức phản biện của mình lại khuấy động khắp các nền chính trị toàn cầu.
Vì sao chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới chế độ nô lệ?
Trong một video hip-hop của Econ Stories ra mắt hồi năm 2011 về cuộc đại rap chiến giữa Hayek và đối thủ nặng đô John Maynard Keynes, Trận chiến Thế kỷ, Adam trong vai Hayek đã rap một khúc ấn tượng:
“Vấn đề nhức não là ai lên kế hoạch cho ai?
Tui tự lên kế hoạch cho đời tui hay tui giao việc đó cho ngài?”
Hayek từng làm sỹ quan tại mặt trận Ý khi mới mười tám tuổi. Trong những năm tháng đó, thoạt đầu Hayek ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm mang hơi hướm chủ nghĩa xã hội của Walter Rathenau – một nhà kế hoạch hóa nhiệt thành.
Thế nhưng, ông khẳng định mình “chưa bao giờ bị chủ nghĩa Marx lôi cuốn. Trái lại, khi bắt gặp chủ nghĩa xã hội dưới hình thái Marxist và học thuyết cứng nhắc khiếp đảm ấy, tôi chỉ thấy đầy ác cảm.”
Quan điểm đả phá chủ nghĩa xã hội của Hayek trong Đường về nô lệ đến từ những năm 1930, khi ông tiếp xúc với tác phẩm Chủ nghĩa xã hội của người thầy Lugwig von Mises. Hayek kể lại rằng, “chủ nghĩa xã hội từng hứa hẹn là sẽ đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi về một thế giới lý trí hơn, công bằng hơn. Và rồi cuốn sách xuất hiện. Hy vọng của chúng tôi bị vùi dập. Tác phẩm Chủ nghĩa xã hội mách bảo chúng tôi rằng chúng tôi đã tìm kiếm sự khởi sắc từ một hướng sai lầm.”
Hayek (phải) và người thầy Ludwig von Mises. Ảnh: FEE.
Trong khi giới học giả ở Anh thời bấy giờ cố chỉ ra bản chất thiện hảo của chủ nghĩa xã hội, thì Hayek lại coi nó là cội nguồn của chủ nghĩa phát-xít – vốn đã thấm đẫm trong nước Đức qua nhiều niên kỷ.
Đối với Hayek, nơi đâu có kế hoạch hóa tập trung, nơi đó cá nhân sẽ bị biến thành một phương tiện để chính quyền sử dụng cho những mục đích trừu tượng như là “phúc lợi xã hội” rồi “lợi ích của cộng đồng”.
Bởi theo ông, làm sao có thể mong muốn thiết lập một kế hoạch chung cho tất cả mọi người khi mà mỗi người sở hữu một tri thức độc lập? Rồi làm sao có thể thực hiện cái kế hoạch đầy tính cưỡng ép ấy mà không tự biến mình thành nhà độc tài tàn bạo?
Chủ nghĩa xã hội, vì thế, không thể nào vận hành bởi không một cơ quan nào có khả năng đưa ra hàng triệu các quyết định đúng đắn cho một xã hội, từ chuyện ăn mặc cho tới trò tiêu khiển, từ công đoạn sản xuất, phân phối, cho tới kinh doanh.
Ở một phiên bản hình họa tóm tắt cuốn Đường về nô lệ đăng trên tờ The Reader’s Digest số ra năm 1945, Hayek mô tả bước thứ 7 trong 13 bước dẫn tới nô lệ rằng:
“Các nhà kế hoạch hóa cố ‘bán’ kế hoạch của họ cho người dân … Khi thất bại trong nỗ lực rèn tất cả mọi người vào chung một cái khuôn quan điểm đồng bộ, thì các nhà kế hoạch hóa đã thiết kế một cỗ máy tuyên truyền khổng lồ – thứ mà nhà độc tài dễ dàng thực hiện trong lòng bàn tay.”
Rõ ràng, khi không thể thuyết phục tất cả mọi người tuân theo kế hoạch của mình, các nhà kế hoạch hóa sẽ dùng tới bộ máy tuyên truyền để khiến người ta tin rằng mục tiêu của nhà nước cũng là mục tiêu của chính họ.
Đó là lúc mà hai chữ “tự do” bị xuyên tạc. Cá nhân không còn được tự do nữa mà trở thành nô lệ của nhà nước, và chỉ có những nhà kế hoạch hóa mới được tự do áp đặt lên xã hội tất cả những gì họ muốn:
“Nếu như kế hoạch hóa được phép thực thi thì chính những người kêu gào kế hoạch hóa to mồm nhất sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm nhất, và là những kẻ không khoan nhượng nhất đối với kế hoạch của những người khác.”
Hayek công kích những ai đứng về phía chủ nghĩa xã hội rằng, khi họ ủng hộ kế hoạch hóa, thì họ đang dần dần từ bỏ “tự do trong các vấn đề kinh tế, mà nếu không có nó thì trong quá khứ đã chẳng thể tồn tại tự do cá nhân và tự do chính trị”.
Chính vì vậy mà Hayek gọi kế hoạch hóa là dạng thức đi ngược lại nền văn minh khi đòi hỏi đem ý chí của một thiểu số để mà áp đặt lên toàn dân, như trong lối dụ ngôn của người Việt mô tả thực trạng xã hội thời bao cấp:
“Bốn ngàn năm ta lại là ta
Từ trong bóng tối chui ra
Vươn vai một cái rồi ta chui vào.”
Giờ đây, chỉ còn độc tài là công cụ cưỡng bức hiệu quả nhất và khả dĩ nhất để thực hiện và áp đặt các kế hoạch lên quy mô toàn dân.
Một cảnh xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch thời bao cấp Việt Nam. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Các nhà kế hoạch hóa sẽ sử dụng luật pháp để hợp thức hoá các hành động độc đoán của họ. Từ đó, lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội sẽ bị biến tướng thành độc tài toàn trị.
Bằng chứng thấy rõ chính là Thập niên động loạn ở Trung Hoa từ 1966 tới 1976 khi Mao Trạch Đông muốn “sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội”. Kết quả là gần hai triệu người bị giết chết và tự sát, và ước tính khoảng 20 triệu người bị cưỡng bức lao động.
Trạm cuối của đường về nô lệ còn có thể là ở trại tập trung phi nhân Auschwitz của Đức quốc xã tại Ba Lan, hoặc có thể là tại cuộc Đại thanh trừng Xô Viết, những cái kết nhuốm màu chết chóc và nô dịch tinh thần.
Tất nhiên, Hayek không hề ngụ ý rằng mọi nhà xã hội chủ nghĩa đều là những kẻ khát máu đang cố gắng leo lên đầu nhân loại. Ngược lại, Hayek quan sát thấy rằng nhiều đồng nghiệp của ông – những người dành nhiều thiện cảm cho chủ nghĩa xã hội – vẫn thật tâm tin rằng chủ nghĩa xã hội sẽ có chỗ cho tự do và cá tính trong một xã hội kế hoạch hóa tập trung.
Hayek coi tư tưởng chủ nghĩa xã hội chính là gốc rễ của nhà nước Đức Quốc xã thời Hitler. Ảnh: Hulton-Deutsch Collection/Corbis.
Thậm chí nhà xã hội học Barbara Wootton trong cuốn Tự do dưới thời kế hoạch hóa còn cho rằng “ta vẫn có thể dàn xếp một cuộc hôn nhân hạnh phúc và đơm hoa kết trái giữa tự do và kế hoạch hóa”, chứ không nhất thiết phải thực hiện việc kế hoạch hóa bằng đàn áp và bạo lực.
Song thực tế đã chứng minh rằng điều đó chưa hề xảy ra ở bất cứ một đất nước xã hội chủ nghĩa nào, vào bất cứ thời đại nào.
Giải pháp cho một xã hội phồn vinh
Không chỉ dữ dội lên án chủ nghĩa xã hội đang trỗi dậy ở Liên Xô cùng các nước Đông Âu, Hayek còn là kẻ thù số một của chủ nghĩa phát-xít Đức, Ý. Thậm chí ở Tây Âu và Mỹ – nơi trải qua cơn Đại Suy thoái – ông cũng đả phá luôn cả chính quyền dân chủ đang “dần đánh mất tự do trong các vấn đề kinh tế” khi nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường.
Trong khi cây bút John Cassidy trên tờ The New Yorker gọi thế kỷ 20 là “thế kỷ của Hayek” thì, nực cười là, nhà kinh tế học của chúng ta lại chật vật trong cái kỷ nguyên thiếu chốn dung thân cho kẻ nào dám chống đối sự can thiệp của nhà nước.
Trong khi cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất, và tiền tệ của Keynes cổ võ cho một nhà nước can thiệp được chào đón ở khắp các trường đại học, thì tư tưởng tân tự do (neoliberalism) của Hayek ngày càng bị nhấn chìm trong làn sóng đang lên của khuynh hướng thiên tả.
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Carl Menger, một trong những người sáng lập nên trường phái kinh tế học Áo, Hayek bất chấp thời cuộc, ông vẫn luôn đi đầu trong việc tán dương chủ nghĩa cá nhân, phân hữu tri thức, thị trường tự do, và pháp quyền (rule of law).
Nếu Đường về nô lệ là lời bài bác chủ nghĩa xã hội hùng hồn, thì tiểu luận Sử dụng tri thức trong xã hội có thể được coi như hàm chứa những giải pháp của Hayek nhằm kiến tạo một xã hội phồn vinh và trật tự.
Tiên đề cốt lõi của Hayek là tri thức được phân chia cho tất cả mọi người trong xã hội, vốn không thể tập hợp lại vào trong một cái đầu. Do vậy sẽ rất phi logic nếu giao cho một nhóm thiểu số có quyền quyết định người dân của một quốc gia phải làm gì, như cái cách mà các nhà nước xã hội chủ nghĩa đang thực thi.
Hayek còn phát minh ra khái niệm “trật tự tự phát”. Theo Hayek, nếu như kế hoạch hóa đầy tính ép buộc, thì thị trường cạnh tranh – với sự tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ – sẽ vận hành ưu việt hơn hẳn. Bởi lẽ, nó là phương cách duy nhất mà, qua đó, các hoạt động của con người có thể tự điều chỉnh mà không cần chính quyền phải cưỡng chế hay can thiệp vô tội vạ.
Tư tưởng ủng hộ laissez-faire của Hayek chịu nhiều ảnh hưởng từ thuyết “Bàn tay vô hình” của Adam Smith, vốn cho rằng trong thị trường tự do, khi mỗi cá nhân tìm kiếm lợi ích lớn nhất cho mình thì sẽ làm tối đa lợi ích của cả cộng đồng. Ảnh: The Open University.
Do vậy, chính nền pháp quyền – chứ không phải các chủ thể chỉ huy – mới là giải pháp cho một xã hội hiệu quả.
Hayek cho rằng “chủ nghĩa xã hội, trong khi đóng vai trò như một phương tiện đảm bảo sự bình đẳng, thì lại kiềm chế và nô dịch con người”, trong khi “nền dân chủ kiếm tìm sự bình đẳng trong tự do.” Khái niệm tự do này, về sau, được Hayek triển khai rõ hơn trong hai tác phẩm Hiến pháp của tự do và Luật, luật pháp và tự do.
Nhưng ông vẫn cảnh báo các nền dân chủ đừng tự mãn, bởi “sẽ thật ngu ngốc nếu cứ khăng khăng rằng một khi quyền lực của chính quyền được trao bằng thủ tục dân chủ thì nó không thể hành xử tùy tiện”.
Từ đó, có thể truyền tải một cách vắn tắt giải pháp của Hayek qua một tuyên bố đanh thép của chính ông trong phiên bản rút gọn của cuốn Đường về nô lệ đăng trên tạp chí The Reader’s Digest:
“Nguyên tắc dẫn đạo trong việc xây dựng một thế giới với những con người tự do phải là: Chính sách bảo đảm tự do cá nhân là chính sách duy nhất đúng.”
Ngoại lệ cho nhà nước phúc lợi
Vậy phải giải quyết vấn đề thất nghiệp, đói nghèo, và các vấn đề an sinh xã hội khác như thế nào nếu nhà nước không được quyền can thiệp vào hoạt động kinh tế của người dân?
Hay nói thẳng thắn hơn, lúc ấy, sự tồn tại của nhà nước liệu có còn ý nghĩa gì nữa?
Dù nhiệt tình ủng hộ chủ nghĩa tự do, song Hayek thừa nhận rằng tự do của con người cũng có những giới hạn nhất định, và cần được đưa vào trong luật pháp (cái mà ông gọi là pháp quyền). Do đó, ông không đồng ý với quan điểm cực đoan của phe Ayn Rand về chủ nghĩa tư bản vô chính phủ.
Chủ nghĩa tự do trong tư tưởng của Hayek là một hệ thống trong đó chính phủ chỉ can thiệp vào xã hội và kinh tế khi nào thật sự cần thiết.
Đó chính là khoảng trống mà ông chừa ra cho nhà nước phúc lợi.
Hayek thận trọng phân biệt phúc lợi xã hội với chủ nghĩa xã hội. Ông thực sự tán dương mạng lưới phúc lợi của Anh trong việc giúp đảm bảo các nhu cầu cơ bản của người dân khi họ bị thất nghiệp.
Bởi lẽ, có những việc mà thị trường tự do không đủ khả năng thực hiện.
Chẳng hạn, ô nhiễm môi trường, chăm sóc y tế, và ngăn chặn gian lận, những thứ này đều không thể tự điều chỉnh trong thị trường tự do.
Thậm chí Hayek còn đòi hỏi rằng “ít nhất thì mọi người cần phải được đảm bảo về thực phẩm, nơi trú ẩn, và quần áo, bảo vệ sức khoẻ và khả năng làm việc.”
Mặc dù Hayek liên tục cảnh báo những nỗ lực phúc lợi có thể làm suy yếu thị trường, song ông phải thừa nhận rằng “không một hệ thống nào có thể được bảo vệ một cách duy lý tới mức mà nhà nước chẳng cần phải làm gì cả.”
Chỉ trích và ảnh hưởng
George Orwell, tác giả cuốn 1984, trong một bài bình luận về Hayek đã dè chừng rằng “việc quay lại với sự cạnh tranh tự do tức là trao một thứ chuyên chế tồi tệ hơn cho đám đông, bởi vì đám đông thì vô trách nhiệm hơn là nhà nước”.
Cũng như những chỉ trích mà Ayn Rand đã hứng chịu khi ra mắt cuốn Atlas nhún vai, thì Hayek – ngày nay được coi là cha đẻ của chủ nghĩa tân tự do – cũng bị công kích rằng việc cổ xúy cho tự do cá nhân chính là nguồn cơn của chủ nghĩa vị kỷ, thứ giết chết tính lành mạnh bền vững của một cộng đồng.
Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Ảnh: ABC.
Giáo sư Khoa học chính trị Bernard Harcourt của trường Đại học Luật Columbia còn hoài nghi rằng “Hayek bám víu một cách vô lý vào khái niệm trật tự tự nhiên – cái mà ông gọi là ‘trật tự tự phát’ – khiến ông mù quáng tin vào bản chất nhân tạo của việc phân bố tài sản xảy ra trong điều kiện mà ông gọi là ‘cạnh tranh’. Hayek đã đưa ra những giả định mang tính tự nhiên trong lĩnh vực kinh tế … thứ đáng ra thuộc về các nhà thờ và đền đài, chứ không phải là trong nền kinh tế chính trị.”
Song những thành tựu thực tiễn chính là bằng chứng hùng hồn không thể bác bỏ: chúng đã tỏ rõ tính đúng đắn và hợp lý trong những lập luận của Hayek.
Năm 1974, nhờ những lập luận ủng hộ cho thị trường tự do, Hayek đã được trao giải Nobel Kinh tế (hay nói đúng hơn, giải thưởng về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel).
Keynes từng mỉa mai rằng ông “hoàn toàn đồng ý với đạo đức và triết lý trong cuốn Đường về nô lệ” nhưng “mối họa lớn nhất chính là những triết lý này sẽ thất bại trong thực tế nếu đem ra áp dụng vào nước Mỹ”. Có lẽ ông không thể ngờ có một ngày Tổng thống Ronald Reagan lại đem lý thuyết của Hayek vào chính sách kinh tế của Mỹ để đảo ngược khuynh hướng nhà nước phúc lợi. Phần nào nhờ các chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ nhiều rào cản trong quy định tài chính, và hạn chế điều tiết thị trường, nền kinh tế Mỹ đã khởi sắc suốt gần 30 năm sau đó.
Song nếu nói đến sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên chính trường của Hayek, thì người chịu tác động nhiều nhất có lẽ chính là người đàn bà thép Margaret Thatcher, người giữ chức vụ thủ tướng Anh với nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử.
Trong suốt thập niên 1980, Hayek được coi như nhà cố vấn hậu trường thân tín của Thatcher. Tư tưởng ủng hộ thị trường tự do của Hayek đã tác động tới không ít chính sách kinh tế của Đảng Bảo thủ do Thatcher lãnh đạo.
Chính Thatcher cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Hayek rằng “lời đả kích mạnh mẽ nhất thời nay đối với kế hoạch hóa của chủ nghĩa xã hội và các nhà nước xã hội chủ nghĩa, mà tôi được đọc và thậm chí còn đọc đi đọc lại thường xuyên, chính là Đường về nô lệ của F.A. Hayek.”