Trung Quốc ra luật cấm xúc phạm anh hùng, liệt sỹ

Trung Quốc ra luật cấm xúc phạm anh hùng, liệt sỹ
Những người lính Trung Quốc đi quanh Đài tưởng niệm Anh hùng Nhân dân trên Quảng trường Thiên An Môn trong một buổi lễ đặt vòng hoa kỷ niệm 66 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Bắc Kinh vào ngày 30 tháng 9 năm 2015. (Wang Zhao / AFP / Getty Images)

“Cấm chỉ xuyên tạc, phỉ báng, khinh nhờn, phủ nhận hành động và tinh thần của các anh hùng, liệt sỹ.”

Đó là một trong những nội dung chính của Luật Bảo vệ Anh hùng và Liệt sỹ, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc mới thông qua, và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/5 vừa rồi.

Đạo luật tăng cường lòng yêu nước và chủ nghĩa xã hội

Thao túng lịch sử vốn là chuyện không xa lạ gì dưới các chế độ độc tài, toàn trị. Hai năm trước, sử gia Hong Zhenkuai đã bị tòa án Bắc Kinh buộc phải xin lỗi công khai vì đã dám đặt ra những nghi vấn về truyền thuyết “năm vị anh hùng núi Lang Nha” của chính quyền cộng sản.

Tích kể lại rằng, hồi năm 1941, trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, có năm người chiến sỹ cộng sản Trung Hoa đã dụ được quân đội Nhật lên sườn núi Lang Nha, tỉnh An Huy. Họ anh dũng chiến đấu và tiêu diệt hàng chục binh lính Nhật Bản. Để khỏi rơi vào tay địch, cả năm người đã nhảy xuống vực sâu thay vì khuất phục đầu hàng. Trước khi tự sát, cả năm vị anh hùng đã hô vang “Đảng Cộng sản Trung Hoa quang vinh muôn năm!”

Tòa án khi ấy đã phán quyết rằng ông Hong, cựu biên tập viên của tạp chí lịch sử Yanhuang Chunqiu, đã phỉ báng các anh hùng. Dưới áp lực từ phía giới chức chính quyền, tạp chí của Hong đã bị đình chỉ.

Song nếu Hong chỉ trích truyền thuyết Lang Nha vào thời điểm này, rất có thể ông sẽ bị bỏ tù.

Luật Bảo vệ Anh hùng Liệt sỹ giờ đây đòi hỏi toàn thể xã hội phải tôn vinh các anh hùng và liệt sỹ cách mạng do đảng phê chuẩn. Bất cứ hành động nào phỉ báng anh hùng dân tộc đều sẽ cấu thành một hành vi phạm tội và bị pháp luật trừng trị, không chỉ bằng các “biện pháp xử phạt hành chính” mà thậm chí còn có thể bị “trừng phạt hình sự”. Gia đình của các anh hùng và liệt sỹ cũng được phép khởi kiện những ai vi phạm các quy định này.

Không những vậy, luật mới ra còn yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet xử lý các thông tin trực tuyến có dấu hiệu xúc phạm các anh hùng và liệt sỹ. Đối với các thông tin có hại có nguồn gốc từ nước ngoài thì phải ngăn chặn bằng công nghệ hoặc các phương tiện cần thiết khác.

“Trong những năm gần đây, một vài người ở Trung Quốc đã phỉ báng hoặc sỉ nhục các anh hùng và liệt sỹ qua Internet, tạp chí và các phương tiện truyền thông khác núp bóng ‘tự do học thuật’, ‘khôi phục lịch sử’ hoặc ‘truy vấn tiểu tiết’, gây nên nỗi giận dữ trong mọi tầng lớp xã hội”, theo Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Giám đốc văn phòng lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Yue Zhongming đã tuyên bố rằng “không một ai nên sử dụng quyền tự do học thuật như một mặt trận để gây tổn hại đến tiếng tăm và danh dự của người khác”, ngay sau khi luật này được thông qua.

Đạo luật mới này cũng yêu cầu các trường học đưa nội dung về các anh hùng, luật sỹ vào giáo án để tăng cường giáo dục lòng yêu nước.

“Với đạo luật này, việc giáo dục lòng yêu nước đã ở một mức độ mới. Tinh thần của các anh hùng và liệt sỹ phải được lưu truyền từ đời này sang đời khác”, Zhang Jianjun, người quản lý Nhà Tưởng niệm Nạn nhân của Vụ thảm sát Nam Kinh, cho biết.

Theo Tân Hoa Xã, đạo luật này là một nỗ lực để “cổ xuý lòng yêu nước và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.

Cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ảnh: Peter Turnley / Getty Images.

Kiểm soát tư tưởng

Trong quá khứ, chính quyền Trung Quốc đã lấp liếm nguyên nhân và hậu quả của nạn đói đã giết chết hàng chục triệu người trong cuộc Đại nhảy vọt hồi cuối những năm 1950. Thảm họa của cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra sau đó cũng bị xóa sổ khỏi sử sách.

Không chỉ vậy, chính quyền cộng sản còn chối bỏ việc đàn áp đẫm máu những người biểu tình trong phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 tại Thiên An Môn, bất chấp nhiều bằng chứng được đưa ra từ phương Tây.

Giờ đây, Chủ tịch Xi Jinping tiếp tục lãnh đạo một chiến dịch chống lại cái mà ông gọi là “thuyết hư vô lịch sử”, tức những nỗ lực tìm kiếm sự thật trong quá khứ và vạch ra những sai lầm của các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc.

Xi Jinping vẫn luôn tìm cách tăng cường tính chính danh của đảng Cộng sản. Để làm được điều đó, ông đưa ra hàng loạt các động thái “thu xếp lịch sử”, đồng thời bịt miệng những ai đặt ra nghi vấn về quá khứ của đảng.

Luật Bảo vệ Anh hùng Liệt sỹ lần này được coi là một trong những bước mở rộng sự thao túng của đảng Cộng sản đối với tư tưởng của người dân.

Một quan chức ủy ban Luật và Hiến pháp cho biết có khoảng 20 triệu anh hùng liệt sỹ được thống kê trong dữ liệu của nhà nước, tính từ giữa thế kỷ 19. Song các anh hùng và liệt sỹ trong các chiến dịch tuyên truyền của Xi Jinping thường là những người có nguồn gốc cách mạng xuất thân từ đảng Cộng sản.

Có thể coi chiến dịch này của Xi Jingping là một mũi tên trúng hai đích. Không chỉ thao túng tư tưởng của người dân bằng luật pháp, mà nó còn khơi gợi lên chủ nghĩa anh hùng vốn được ưa chuộng ở các nước Á Đông như một tiền đề để chế độ độc tài dễ bề cai trị.

Không chỉ vậy, nhân danh bảo vệ danh dự của các anh hùng liệt sỹ, giờ đây chính quyền Trung Quốc có thêm cái cớ vững chắc để đàn áp nền tự do học thuật. Các cuộc thảo luận công khai về lịch sử Trung Quốc sẽ trở nên bất hợp pháp nếu nó tìm kiếm sự thật thay vì bợ đỡ chính quyền.

Trở lại với câu chuyện truyền thuyết núi Lang Nha, ông Hong khẳng định “tôi chắc chắn sẽ không xin lỗi”, trong một cuộc phỏng vấn trả lời báo The New York Times. “Đây là vấn đề tự do học thuật cơ bản, và tôi cần duy trì phẩm giá của mình như một người trí thức chân chính”.

Trung Quốc thao túng ký ức dân tộc như thế nào

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.