Báo chí Đông Âu hậu cộng sản – Kỳ 2: Sức ỳ của văn hoá chính trị

Báo chí Đông Âu hậu cộng sản – Kỳ 2: Sức ỳ của văn hoá chính trị
Một sạp báo ở Cộng hoà Séc. Ảnh: Getty.

Trong quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang dân chủ, hầu hết các Đông Âu đã cố gắng xây dựng một hệ thống truyền thông giống các nước dân chủ phương Tây. Tuy nhiên, do những biến động chính trị đầu những năm 1990, các chính trị gia đã không thể có được sự đồng thuận trong chính phủ để hình thành các cơ quan truyền thông độc lập.

Andrew K. Milton, Giáo sư Sử học, Đại học Oregon giải thích rằng thái độ của các chính phủ mới còn khá thận trọng với các cải cách, nhất là với báo chí, vì thế thể chế dân chủ chỉ cho phép cải cách một phần, trong khi vẫn giữ nguyên những chính sách của chế độ cũ. Hơn nữa, cách lấy tin của các phóng viên vẫn theo cách mà họ được định hướng dưới thời cộng sản và vẫn tiếp tục viết báo theo cách cũ. Kết quả là về mặt cơ bản các nước hậu cộng sản ở khu vực này đã cố gắng học hỏi và mô phỏng cải cách theo mô hình của các phương tiện truyền thông phương Tây nhưng triết học Marx-Lenin trong truyền thông Đông Âu vẫn tiếp tục tồn tại.

Vị giáo sư Sử học phân tích rằng khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ, hậu quả để lại là cấu trúc chính trị đã lỗi thời và khó có thể tiến hành cải cách ngay. Do đó, hầu hết các nước trong khu vực Đông Âu vẫn dùng Bộ Văn hoá để tiếp tục giám sát các phương tiện truyền thông đại chúng; mặc dù sự kiểm soát này dần trở nên linh hoạt hơn và ít định hướng chính trị hơn.

Trớ trêu thay, bầu không khí dân chủ hoá trong khu vực vẫn cho phép các quan chức chính phủ mới tiếp tục giám sát báo chí và truyền hình để có thể bảo vệ quyền lực và tấn công phe đối lập và các cuộc biểu tình.

Thực tế là các chính phủ dân chủ cũng phải vật lộn để tu chính hay viết lại hiến pháp. Tiến trình này diễn ra khá chậm chạp do các phe phái khó thoả hiệp được với nhau.

Trường hợp ở Cộng Hòa Séc là một ví dụ. Mô hình chính phủ theo hiến pháp mới không có nhiều khác biệt so với chế độ cũ, bao gồm việc tổ chức lại các phương tiện truyền thông.

Ở Ba Lan, luật truyền thông mới không được chính phủ thông qua và đình trệ cho đến năm 1992. Thêm vào đó, các nhà báo cảm thấy không chắc chắn về quyền và nghĩa vụ mới sẽ ra sao hoặc nên hành xử như thế nào trong thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, thái độ của chính phủ cũ đối với các phương tiện truyền thông cũng không thể thay đổi một sớm một chiều.

Công chức và lãnh đạo chính phủ thường không quen với sự tò mò của cánh báo chí và không đồng ý từ bỏ sự kiểm duyệt của nhà nước lên truyền thông. Kết quả là các nhà báo rất khó khăn trong việc thu thập thông tin cũng như đưa tin đa chiều, đặc biệt là về những chính sách mới của chính phủ mà họ dự định phê bình và phổ biến đến công chúng.

Có rất ít công cụ pháp lý có sẵn để các nhà báo có thể tiếp cận với cơ quan nhà nước hoặc để chứng thực nguồn thông tin chính thống. Chẳng hạn, ở Cộng hòa Séc, vào năm 1995, chính phủ gần như đã thông qua một đạo luật nhằm loại bỏ hoàn toàn quyền bảo vệ nguồn tin của các nhà báo. Mặc dù thất bại ở phút chót, dự luật này cũng đại diện cho thái độ không tin tưởng của nhiều chính phủ ở khu vực Đông Âu đối với phương tiện truyền thông độc lập vào thời điểm đó.

Hơn nữa, ngay cả khi các nhà báo có thể tiếp cận được nguồn thông tin lề trái và cố gắng phân phối đến với người dân nhưng những tin này thường bị chặn bởi luật kiểm duyệt và chống phỉ báng. Trong khi hầu hết các nước trong khu vực cố gắng loại bỏ hầu hết các luật lệ về những hình thức kiểm duyệt trong hiến pháp thì chính phủ mới của Cộng hoà Séc ngày càng nhận ra rằng các phương tiện truyền thông đang dần trở thành một mối đe dọa, kéo theo những chỉ trích đầy cay nghiệt nhắm về phía họ.

Vì thế, khi nhà nước dân chủ không thể công khai kiểm soát các phương tiện truyền thông bằng các đạo luật về quyền sở hữu hoặc kiểm duyệt, lãnh đạo thường sử dụng luật chống phỉ báng. Một số đã được thông qua để có thể trừng phạt các nhà báo dám công khai phê bình các quan chức.

Ví như, ở Ba Lan, ba năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, chính phủ mới đã ban hành một đạo luật trao quyền kiểm soát các kênh truyền hình và phát thanh cho chính phủ. Đạo luật này cũng yêu cầu các đài truyền hình và phát thanh phải duy trì “các giá trị Cơ đốc giáo làm cơ sở, đồng thời chấp nhận các nguyên tắc đạo đức toàn dân và các lợi ích quan trọng của nhà nước Ba Lan” mà không giải thích rõ ràng những nguyên tắc và giá trị này là gì.

Sự không rõ ràng của đạo luật này cho phép các quan chức chính phủ tiến hành các cuộc điều tra để từ đó có thể nó ngăn chặn và kiểm duyệt hàng loạt các tin tức phát sóng không có lợi cho hình ảnh của quan chức.

Ở Cộng hoà Séc, nhà nước tuy loại bỏ những điều khoản liên quan đến các tội “phản động” trong Bộ luật Hình sự nhưng vẫn giữ các điều khoản ngăn cấm phỉ báng chính quyền.

Tóm lại, văn hoá chính trị cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại trong cách quản lý và kiểm duyệt của các nhà nước mới trong thời kỳ dân chủ. Những cố gắng của nhiều nhà xuất bản và toà báo mô phỏng theo một mô hình truyền thông phương Tây tiếp tục bị ngăn cản.

Tài liệu tham khảo: Xem kỳ trước.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.