Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Hãng tin CNN đã nộp đơn kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump và năm quan chức khác của Nhà Trắng ra toà vì phóng viên của họ bị tước thẻ ra vào Nhà Trắng.
Đơn kiện được nộp lên Toà liên bang địa hạt Washington, DC ngày 13/11, sáu ngày sau khi phóng viên Jim Acosta của CNN va chạm với Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo và bị tước thẻ ra vào vài giờ sau đó.
Nhà Trắng cho biết lý do của việc này là Jim Acosta đã “chạm tay” vào người một thực tập sinh của Nhà Trắng khi cô này cố giành lại microphone của ông trong cuộc họp báo ngày 7/11, một hành động mà theo họ là “không thể chấp nhận được”. Jim Acosta lập tức phủ nhận chuyện này.
Jim Acosta nói riêng và CNN nói chung không được lòng TT Trump khi thường xuyên chất vấn tổng thống lẫn quan chức Nhà Trắng về các chính sách lẫn lời ăn tiếng nói của họ. Đích thân ông Trump thường xuyên gọi CNN là “hãng tin vịt” (fake news) và là “kẻ thù của nhân dân”, một động thái bị báo giới Mỹ, trong đó có cả hãng tin thân Trump là Fox News, chỉ trích kịch liệt. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Jim Acosta va chạm với tổng thống trong một cuộc họp báo.
Đơn kiện do CNN và Jim Acosta đứng tên nguyên đơn, còn bị đơn gồm TT Trump, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng William Shine, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, Mật vụ Hoa Kỳ, và Giám đốc Mật vụ Hoa Kỳ Randolph Alles.
Đơn kiện của CNN nói rõ việc cấm phóng viên Jim Acosta tham dự họp báo Nhà Trắng là vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất và vi phạm thủ tục công bằng theo Tu chính án thứ Năm của Hiến pháp Mỹ, đề nghị toà ban hành lệnh đình chỉ tạm thời đối với quyết định này và tiến tới phục hồi hoàn toàn quyền tham dự họp báo của phóng viên Jim Acosta.
Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng, một tổ chức dân sự của các phóng viên đưa tin về Nhà Trắng, lập tức tuyên bố họ “ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của CNN”.
Xem cuộc va chạm nảy lửa giữa Jim Acosta và Tổng thống Trump tại đây.
Giải thích
Ở đây có mấy vấn đề cần làm rõ.
1. Nhà Trắng tổ chức họp báo hàng ngày (trừ thứ Bảy và Chủ nhật) để thông báo hoạt động và trả lời các phóng viên. Người thường chủ trì các cuộc họp báo này là Thư ký Báo chí Nhà Trắng, hiện nay là Sarah Sanders. Đôi khi, tổng thống sẽ trực tiếp chủ trì, như cuộc họp báo ngày 7/11 vừa rồi.
Theo tờ Foreign Policy, để được tác nghiệp ở Nhà Trắng, phóng viên trước đó phải được chấp thuận cho tác nghiệp ở Quốc Hội (Thượng viện và Hạ viện). Việc này do một Uỷ ban Thường vụ của Nhà báo tiến hành. Nhà Trắng chỉ đặt ra thêm một điều kiện nữa là phóng viên phải vượt qua được vòng thẩm định an ninh do cơ quan mật vụ tiến hành. Một khi đã được cấp thẻ ra vào, phóng viên có thể gia hạn hàng năm.
Jim Acosta bị cấm tác nghiệp ở Nhà Trắng là do Mật vụ Hoa Kỳ đã thu hồi thẻ này của ông, đồng nghĩa với việc đây là vấn đề an ninh.
2. Đơn kiện của CNN cho rằng Nhà Trắng đã vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tu chính án (amendment) là một văn bản sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp. Tu chính án thứ Nhất (First Amendment) được Quốc hội Mỹ ban hành năm 1791, bốn năm sau khi Hiến pháp Mỹ ra đời. Bản Tu chính án này đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo và quyền kiến nghị chính phủ.
Trích dẫn một án lệ năm 1977, CNN cho rằng Mật vụ chỉ được xem xét vấn đề an ninh của phóng viên dựa trên duy nhất một nguyên tắc là liệu phóng viên đó có tạo ra một nguy cơ an ninh nghiêm trọng nào cho tổng thống và gia đình tổng thống hay không.
Đơn kiện của CNN nói rõ quan điểm của họ rằng lý do thực sự khiến Jim Acosta bị cấm vào Nhà Trắng là vì nội dung và quan điểm của ông cũng như của CNN trong khi đưa tin về chính quyền của TT Trump, chứ không phải vụ “chạm tay” vào người thực tập sinh của Nhà Trắng hay vấn đề an ninh nào khác. Việc cấm phóng viên tác nghiệp vì lý do quan điểm chính trị của phóng viên bị cho là vi phạm quyền tự do ngôn luận ở Mỹ.
Andrew Napolitano, bình luận gia chuyên về tư pháp của đài Fox News, cũng ủng hộ lập luận của CNN, cho rằng “Acosta có thể đã khiêu khích tổng thống, chứ ông ấy khó mà là mối nguy hiểm nào cho tổng thống”.
“Tôi nghĩ vụ này CNN rất chắc thắng. Vụ này sẽ được dàn xếp nhanh thôi. Tôi không nghĩ là sẽ cần phải có một phiên toà có bồi thẩm đoàn”, ông nói.
3. Đơn kiện của CNN cũng nói rằng quyết định cấm Jim Acosta tác nghiệp ở Nhà Trắng đã vi phạm thủ tục công bằng theo Tu chính án thứ Năm của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tu chính án thứ Năm bảo vệ quyền của con người trong mọi tiến trình pháp lý, cả hình sự, hành chính lẫn dân sự. Quyền im lặng cũng xuất phát từ đây mà ra. (Thành ra ở Mỹ có một câu thường được sử dụng khi không muốn trả lời một câu hỏi nào đó của toà hay của cơ quan công quyền là “I plead the Fifth”, hàm ý viện dẫn Tu chính án thứ Năm.)
Điều khoản về thủ tục công bằng, hay pháp trình chính đáng (due process) trong Tu chính án thứ Năm có nghĩa là mọi hành vi công quyền nhằm hạn chế hay tước bỏ quyền của người dân đều phải tuân theo những quy trình xem xét công bằng, có trình tự và đúng đắn. Hiểu nôm na là muốn xử phạt hay bỏ tù một ai đó thì phải cho người ta được có luật sư, nếu bị bắt thì được liên hệ với gia đình, được đọc đầy đủ văn bản, không bị bức cung, được có một phiên toà công khai, v.v.
Luật sư Floyd Abrams, một trong những luật sư hàng đầu của Mỹ về tự do ngôn luận, cho rằng trước khi bị tước thẻ ra vào Nhà Trắng, “bạn phải được thông báo, bạn phải được có cơ hội phản hồi, bạn phải có một văn bản của Nhà Trắng nói rõ quan điểm tại sao, từ đó toà án có thể xem xét các quan điểm này”.
Theo CNN, việc Nhà Trắng tước thẻ của Jim Acosta không tuân theo các thủ tục này.
Quang cảnh một cuộc họp báo ngày 25/6/2018 tại Nhà Trắng. Ảnh: wsls.com. a
4. Ở Mỹ, người ta có thể khởi kiện dựa trên Hiến pháp và các án lệ trước đó.
Vụ kiện của CNN viện dẫn Tu chính án thứ Nhất và Tu chính án thứ Năm của Hiến pháp Mỹ mà không phải là các luật, bộ luật như ở nước ta. Sở dĩ có hiện tượng này là vì các toà án Mỹ có chức năng giải thích/diễn giải Hiến pháp. Đây là cơ chế bảo hiến của pháp luật Mỹ, Anh, Canada, khác với một số nước khác như Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan sử dụng cơ chế Toà án Hiến pháp riêng.
Người Việt Nam không thể khởi kiện dựa trên Hiến pháp, do thẩm quyền giải thích hiến pháp thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan này cũng chưa từng thực thi thẩm quyền của mình theo yêu cầu của công dân.
Đơn kiện của CNN không chỉ viện dẫn luật thành văn, mà còn hàng loạt các án lệ, tức là các vụ án tương tự đã được xét xử trước đây. Đây là đặc điểm của hệ thống thông luật (common law), vốn xuất phát từ Anh và thịnh hành ở các nước cựu thuộc địa của Anh như Mỹ, Canada, Úc, v.v.
Án lệ là phương pháp độc đáo để các thẩm phán trực tiếp làm luật để giải quyết các tranh chấp thực tế mà chưa được luật thành văn quy định hoặc quy định chưa rõ. Việc người Mỹ có được nạo phá thai hay không, có được kết hôn với người cùng giới tính hay không, có được hút cần sa hay không, v.v… đều được quyết định bởi các thẩm phán chứ không phải là các đạo luật do Quốc hội ban hành.
Nhà Trắng đổi tông
Sau khi CNN nộp đơn kiện, Thư ký Báo chí Nhà Trắng đã thay đổi lập luận, cho rằng Jim Acosta đã không chịu nhường microphone lại cho các phóng viên khác trả lời, không nhắc đến lập luận trước đó của họ là phóng viên CNN đã “chạm tay” vào một nữ thực tập sinh của Nhà Trắng.
Tờ New York Times cho biết, một phiên toà sẽ diễn ra vào 3:30 phút chiều ngày thứ Tư (giờ Washington, D.C) để xem xét đơn kiện này. Thẩm phán của phiên toà sẽ là Timothy J. Kelly, người được Tổng thống Trump đề cử và được Thượng viện (do đảng Cộng hoà kiểm soát) phê chuẩn hồi năm ngoái.
Luật Khoa sẽ tiếp tục đưa tin và phân tích vụ án này.
Từ khoá:
vụ kiện: lawsuit, a suit in law
toà liên bang địa hạt: U.S. District Court
nguyên đơn: plaintiff
bị đơn: defendant
tự do ngôn luận: freedom of speech
tự do báo chí: freedom of the press, press freedom
họp báo: press briefing, press conference, news conference
hiến pháp: constitution
tu chính án hiến pháp: constitutional amendment
án lệ: case law
thủ tục công bằng, pháp trình chính đáng: due process
giải thích/diễn giải hiến pháp: interpretation of the constitution, constitutional interpretation, judicial review