Lỗi nghiệp vụ của bác sĩ ở Anh có thể bị trừng phạt như thế nào

Lỗi nghiệp vụ của bác sĩ ở Anh có thể bị trừng phạt như thế nào
Ảnh: Cardiff University.

Ngày 30/1/2019 vừa qua, trong vụ án chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình gây tử vong cho 9 bệnh nhân, tòa đã tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương phải chịu hình phạt 42 tháng tù giam.

Rất  nhiều ý kiến cho rằng bác sĩ Lương vô tội vì chỉ là bác sĩ điều trị, không có trách nhiệm về nguồn vật tư. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát không cho rằng bác sĩ Lương phải chịu trách nhiệm về nguồn nước hay phải trực tiếp kiểm tra chất lượng nguồn nước. Cơ quan công tố chỉ lập luận rằng với vai trò là bác sĩ điều trị, bác sĩ Lương phải xác minh lại thông tin về nguồn nước để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Một sự việc có hậu quả nghiêm trọng cần được phán xét công tâm, nếu không, pháp luật không những sẽ vừa mất tính chất răn đe mà lại vừa làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào công lý.

Thế nào là một phán quyết có đủ công tâm? “Công tâm” có nghĩa là xử đúng người đúng tội. Với một vụ xét xử thành công, một bản án phản ánh đúng bản chất sự việc trước tiên phải truy cứu trách nhiệm tới tất cả những người liên quan tùy mức độ, kế đó là quy tội danh phù hợp và cuối cùng là mức hình phạt hợp lý.

Có lẽ vụ án với bác sĩ Lương gây nhiều tranh cãi trong xã hội vì các vấn đề sau đây vẫn còn chưa được giải quyết thấu đáo:

  • Một là bác sĩ Lương thực sự có lỗi hay không trong vụ chạy thận nhân tạo khiến bệnh nhân tử vong?
  • Hai là tội danh “vô ý làm chết người” có thỏa đáng?
  • Ba là liệu tất cả những người liên quan gián tiếp hay trực tiếp đều bị truy trách nhiệm hay tất cả chỉ vì bác sĩ Lương là người ký văn bản nên phải gánh hết trách nhiệm?

Những tình huống khó trong phạm vi khám và chữa bệnh không chỉ xảy ra riêng ở Việt Nam. Luật Khoa tạp chí xin cung cấp thêm thông tin về những bài học thực tế để xử lý các tình huống bị nghi vấn là sai phạm trong hệ thống y tế của nước Anh qua hai bài dịch. Các bài này được lấy từ sách giáo khoa chuyên ngành luật y tế của Anh: “Luật Y tế: Các văn bản, vụ việc, và tài liệu” của tác giả Emily Jackson, giáo sư hàng đầu của ngành luật y tế, hiện đang giảng dạy tại trường Luật thuộc Đại học Kinh tế – Chính trị London (LSE).

Giáo sư Emily Jackson – Ảnh: lse.ac.uk

Trong các ngành nghề đặc thù, nghề y luôn được xã hội đánh giá cao và được mọi người nể trọng, bởi khi ở trong tình trạng bệnh tật hay đứng ở lằn ranh sinh tử, các bệnh nhân chỉ biết hoàn toàn trông cậy vào đội ngũ y bác sĩ điều trị cho mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các bệnh nhân chỉ biết cam chịu số phận nếu chẳng may quá trình điều trị diễn ra không như mong muốn do sơ suất nghiệp vụ không đáng có của các nhân viên y tế.

Ngành y vốn luôn đầy thử thách, khó khăn mà chỉ những người trong ngành mới có thể thấu hiểu hết, “sai sót không đáng có” không thể được đánh giá sơ sài bằng cảm tính của một người bình thường.

Bài dịch thứ nhất chỉ rõ mọi phán xét phải trải qua phép đánh giá kép Bolam-Bolitho. Phép đánh giá Bolam dựa trên quy chuẩn quan tâm nghiệp (standard of care) vốn thường được các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan thiết lập nên. Tuy nhiên, theo phép đánh giá Bolitho, các quy chuẩn này cũng phải trụ vững trước mọi phân tích hợp lý ngược chiều.

Như vậy bất cứ nghề nghiệp nào đều có những rủi ro riêng và bất cứ người hành nghề đều phải tuân thủ những quy chuẩn nhất định. Các nhân viên y tế mọi cấp độ đều có khả năng phạm tội nếu vi phạm các quy chuẩn riêng biệt của ngành. Điều quan trọng ở đây là quy chuẩn do ai thiết lập và nội dung như thế nào, có hoàn toàn phù hợp hay chưa.

Bài dịch thứ hai dưới đây tập trung vào những sai sót đặc biệt nghiêm trọng không thể chấp nhận được (gross negligence) gây tử vong cho bệnh nhân. Những trường hợp hy hữu này có thể dẫn đến án hình sự cho các nhân viên y tế.

Theo thông tin về hệ thống pháp luật Anh từ cuốn sách trên, khi có trường hợp tử vong xảy ra, tội “vô ý làm chết người” thường được áp dụng. Tuy nhiên, có ý kiến chuyên gia Luật cho rằng không nên sử dụng án “vô ý làm chết người” vì điều đó là khắt khe quá mức đối với những ai có những hoạt động dễ mắc sai lầm như ngành y. Đặc biệt hơn nữa, những người này dễ bị khởi tố do tính chất công việc quan trọng thiết thực cho xã hội mà việc đó thường hoàn toàn dựa vào những phán xét đạo đức cho những chuyện nằm ngoài khả năng kiểm soát của đương sự.

Thay vào đó, cũng có ý kiến cho rằng nên loại bỏ tội vô ý làm chết người (manslaughter) do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng (gross negligence) và thay thế bằng tội do “bất cẩn chủ quan” (subjective recklessness). Như vậy, vấn đề còn lại của hệ thống pháp luật là phải cân nhắc xác định một hình phạt hợp lý để có được sự tâm phục khẩu phục từ mọi người và đạt được hiệu quả trong việc điều chỉnh xã hội.

Ngoài ra, để thêm phần công minh, hệ thống luật pháp còn cần tính đến tội “cố tình sơ suất” (wilful neglect). Bản thân hành động cố tình sơ suất đã là một tội ác chứ không phải chờ đến khi có hậu quả (có nghĩa là không phải là khi có thương tổn rõ ràng) thì mới bị kết tội. Trong khi một bác sĩ chỉ vì gặp phải trong một tình huống khó khăn mà phạm lỗi sơ suất nghiêm trọng và người này bị kết án “vô ý làm chết người”, những nhân viên y tế vẫn cứ không làm tròn nhiệm vụ mà không sợ sẽ bị một hình phạt thích ứng nào. Như vậy là thiếu công bằng.

Cuối cùng phần dịch trong cuốn sách còn đề cập đến cả việc xem xét liệu điều kiện làm việc có hoàn toàn phù hợp nhằm phòng tránh được các sai phạm hay chưa.

Nói tóm lại, chỉ khi những sơ suất không thể chấp nhận được công tâm nhìn nhận thì mới có những bài học kinh nghiệm cho một tương lai tốt đẹp hơn.


Luật Hình sự trong lĩnh vực y tế ở Anh

Dịch từ mục 10, “Luật hình sự”, của chương “Sai sót trong Y khoa”, sách “Luật Y tế: Các văn bản, vụ việc, và tài liệu” (Medical Law: Text, Cases, and Materials) – Nhà xuất bản Đại học Oxford 2016 – Tác giả: Emily Jackson.

Trong những trường hợp hết sức đặc biệt, sai sót của bác sĩ có thể dẫn tới vụ án hình sự. Nếu sơ suất đặc biệt nghiêm trọng (gross negligence) dẫn đến tử vong thì án vô ý làm chết người có thể được áp dụng. Do vậy, vấn đề quan trọng ở đây là sai sót như thế nào thì được cho là “sơ suất đặc biệt nghiêm trọng ”.

Trong vụ án R v Adomako, bên bị là bác sĩ gây mê trong một ca mổ mắt. Vị bác sĩ này đã không phát hiện rằng ống thở đã rớt ra, tim bệnh nhân đã ngưng đập và chết. Thượng viện Anh [cơ quan này có thẩm quyền tư pháp ngoài chức năng chính là lập pháp – ND] xử rằng, sai sót này là nghiêm trọng và cần phải bị trừng phạt như một tội phạm hình sự.

[…]

Trong vụ R v Misra, hai bác sĩ mới ra trường đã không phát hiện được những dấu hiệu nhiễm trùng hiển nhiên ở một bệnh nhân vừa trải qua một cuộc phẫu thuật thường quy. Khi chẩn đoán được việc nhiễm trùng thì bệnh nhân đã bị sốc phản vệ và tử vong. Các bác sĩ bị kết tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng .

Họ đã kháng án dựa vào hai lý do nhân quyền: một là, tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng  được ban hành sau khi vụ việc đã xảy ra, do đó không có hiệu lực hồi tố (retrospective criminalization); hai là, phán quyết này còn vi phạm quyền được xét xử công bằng. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo này.

Thẩm phán LJ nói:

“Theo quan điểm của chúng tôi, luật rất rõ. Bồi thẩm đoàn đã kết luận rằng hành vi của bên kháng án trong khi tác nghiệp là hết sức tồi tệ, nó cho thấy mức độ vô tâm cao trước nguy cơ rõ ràng và nghiêm trọng cho tính mạng của bệnh nhân. Do đó, những yếu tố cấu thành tội phạm khác, và tội sơ suất đặc biệt nghiêm trọng nữa, đã được chứng minh. Theo quan điểm của chúng tôi, không có lý do gì để cho rằng quyết định của bồi thẩm đoàn là không có cơ sở.”

Cho dù các vị quan tòa rất tự tin rằng định nghĩa về tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng là rõ ràng, thì cũng có ý kiến cho rằng, việc xác định mức độ nghiêm trọng đến đâu thì bị xử lý hình sự là một vấn đề khá mơ hồ và chủ quan, có nguy cơ bị áp dụng không hợp lý.

Hơn nữa chỉ những trường hợp nào sơ suất đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến tử vong cho bệnh nhân thì mới bị khởi tố, còn những trường hợp sơ suất đặc biệt nghiêm trọng nhưng nhờ tài năng và lòng tận tụy của các bác sĩ khác mà bệnh nhân được cứu mạng thì lại được bỏ qua. Chỉ có những sơ suất đặc biệt nghiêm trọng nào vì xui xẻo như vậy mới bị khởi tố nên tác dụng trừng phạt thấp hơn. Như Margaret Brazier và Aghrani đã nêu: “Tác dụng trừng phạt chỉ có hiệu quả cao nếu áp dụng với tất cả các sơ suất đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến tổn thương chứ không chỉ cho các trường hợp bệnh nhân tử vong”.

Trong đoạn trích dẫn tiếp theo, Oliver Quick đã dẫn lời phỏng vấn với các công tố viên để lập luận rằng, […] tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng cần phải bị loại bỏ.

Oliver Quick:

“Những lý do mang tính nguyên tắc và thực tế cho việc loại bỏ án vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng:

Trước hết, phạm vi vi phạm quá rộng khiến các công tố viên áp dụng một cách không nhất quán. Điều này dẫn đến sự khắt khe quá mức đối với những ai có những hoạt động dễ mắc sai lầm. Họ dễ bị khởi tố do tính chất công việc quan trọng thiết thực cho xã hội mà việc này thường hoàn toàn dựa vào những phán quyết đạo đức cho những chuyện nằm ngoài khả năng kiểm soát của đương sự.

Phân tích dữ liệu phỏng vấn cho thấy không ai xếp loại và phân chia được mức độ nghiêm trọng của hành vi. Những người được phỏng vấn đã rất lúng túng trong việc chốt lại cách hiểu về từ “đặc biệt nghiêm trọng” này, thường thì họ dựa vào lương tâm bản năng trước tiên.”

Các thống kê cho thấy trong số các vụ án vô ý làm chết người trong y khoa, có một số lượng lớn các y bác sĩ không phải là người da trắng. Đây là một phát hiện đáng lo ngại […]. Có thể nhiều người đã bị khởi tố do thái độ kỳ thị của những người ra quyết định.

Mới đây, Quick đã ủng hộ cho việc thay thế tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng bằng tội bất cẩn chủ quan (subjective recklessness).

Nói tóm lại thì áp dụng lỗi bất cẩn là phù hợp. Có (rất) ít trường hợp bị kết tội là do sự bất cẩn chủ quan thông thường. Để đúc kết thì chúng ta có thể nói như sau: khi bác sĩ có những kiến thức đặc biệt để thực hiện những quy trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà không kiểm tra và không có lý do nào để biện minh, trách nhiệm tội phạm có thể được quy là do bất cẩn.

[…]

Giờ đây, các vị lãnh đạo của Cục Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng có thể bị khởi tố dựa vào Luật Vô ý làm chết người và Diệt chủng 2007, mặc dù cho tới nay thì chưa có vụ nào.

Nêu lại sự vụ của bác sĩ Ubani, người đã bị kiệt sức, căng thẳng, mà phải trực thay trong phiên trực đầu tiên của ông trên đất nước Anh. Ông đã tiêm nhầm liều diamorphine cao hơn 10 lần liều cần dùng cho bệnh nhân. Và trường hợp của bác sĩ Ramnath, trong điều kiện làm việc ở khoa chăm sóc bệnh nặng luôn bận rộn và căng như nồi áp suất, đã tiêm adrenaline cho bệnh nhân với liều cao gây chết người.

Brazier và Aghrani đã nói rằng trong những trường hợp như vậy, khởi tố vụ án đồng phạm vô ý làm chết người (corporate manslaughter) có thể hợp lý hơn là khởi tố tội thiếu năng lực nghiệp vụ.

Margaret  Brazier và Amel Aghrani:

“Không có bằng chứng nào cho thấy bác sĩ Ubani hay bác sĩ Ramnath hay bất cứ vị bác sĩ hay y tá nào đã phạm tội vô ý làm chết người, cố ý gây phương hại. Hai trường hợp tiêu biểu này hữu ích cho chúng ta vì chính những sự thật hiển nhiên của nó. Thoạt nhìn thì cả hai sai phạm này đều dường như là do mất trí. Việc quy lỗi cho các sơ suất lâm sàng thì hẳn là đơn giản và mức độ sơ suất thì đương nhiên là cao cho bất cứ kiểu thao tác kém nào. Tuy nhiên, các yếu tố khác đóng vai trò then chốt trong vụ việc dẫn đến bệnh nhân tử vong và bản án cho các bác sĩ. Một hệ thống cho phép một bác sĩ kiệt sức và không thạo ngôn ngữ và chưa quen với những thủ thuật y khoa trên nước Anh điều trị bệnh nhân là một hệ thống không hoàn chỉnh về chức năng. Một bệnh viện đã không phát hiện được sự căng thẳng có tác động đến bác sĩ Ramnath tức là không tròn nhiệm vụ với cả vị bác sĩ đó và bệnh nhân. Và có rất nhiều người muốn hỏi liệu có thể khởi tố lãnh đạo Cục Dịch vụ Y tế Quốc gia trong một vụ đồng phạm vô ý làm chết người hay không?”

[…]

Aghani và các đồng nghiệp cũng đề nghị rằng sự vi phạm do cố tình sơ suất (wilful neglect) có thể được áp dụng cho các kiểu sơ suất với bệnh nhân như trường hợp ở Mid Stanfordshire vốn được mô tả trong trích dẫn từ báo cáo của luật sư Robert Francis QC. Trường hợp này mà xử tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng không thể chấp nhận thì không phù hợp.

Robert Francis QC:

“Các yêu cầu trợ giúp để xài miếng lót giường bệnh nhân hoặc giúp đỡ ra vào nhà vệ sinh đã không được đáp ứng. Các bệnh nhân thường bị bỏ quên trên giường hay trong toilet quá lâu. Họ thường phải nằm trên tấm trải giường đầy phân và nước tiểu trong quãng thời gian dài đáng kể. Do đó, các bệnh nhân bị căng thẳng, khó chịu, ngượng ngùng, và lúng túng.

Nhiều gia đình đã buộc phải đem khăn trải giường về nhà giặt hay thay giường trong khi những việc này phải do bệnh viện và nhân viên bệnh viện đảm nhiệm.

Sự thiếu chu toàn đã khiến các bệnh nhân phải khổ sở tự lo cho mình dẫn đến thương tổn và mất thể diện, thường là những ngày cuối đời mình. Hậu quả như vậy cho bệnh nhân và người nhà là không thể tưởng tượng nổi. Tựu trung lại, những việc này cho thấy bộ phận chăm sóc sức khỏe đã thất bại một cách có hệ thống.”

Aghani và cộng sự:

“Bản thân hành động cố tình sơ suất đã là một tội ác chứ không phải chờ đến khi có hậu quả (có nghĩa là không phải là khi có thương tổn rõ ràng thì mới bị kết tội). Yếu tố may rủi đi cùng với tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng  […] là không có. Điều đó có nghĩa là hiện tại không có sự phân định rõ ràng cho tình huống của một bác sĩ phạm lỗi sơ suất trong một tình huống khó khăn và bị kết tội vô ý làm chết người do sơ suất đặc biệt nghiêm trọng; trong khi đó, các nhân viên cứ luôn sơ suất liên miên với bệnh nhân mà không cần biện minh hay xin lỗi mà không sợ bị truy tố.

Do đó, chúng ta phải thúc giục chính quyền Liên hiệp Anh ban hành tội hình sự cho hành vi cố ý sơ suất. Hệ quả của việc này đó là từng vị lãnh đạo của Cục Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) và các nhân viên y tế phải có trách nhiệm cho những sai phạm được mô tả trong báo cáo của Francis. Quá trình kết tội như vậy sẽ gửi một thông điệp rõ ràng cho toàn xã hội rằng với trách nhiệm lãnh đạo và trách nhiệm nghiệp vụ của Cục Dịch vụ Y tế Quốc gia, các kiểu hành vi như vậy là không thể chấp nhận được. […]”

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.