Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Mặc dù là một phong tục truyền thống có từ xa xưa, rất nhiều ngôi chùa, đền, miếu ở Đài Loan đang dần hạn chế việc thắp hương và đốt vàng mã do tác hại từ việc gây hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.
Hình Thiên Cung (Xingtian Temple), ngôi đền nổi tiếng thờ Quan Vũ tại Đài Bắc luôn thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2014, thay vì cách cầu khấn truyền thống là đốt hương hoặc vàng mã, du khách đến với Hình Thiên Cung chỉ chắp tay, cúi đầu thực hiện nghi thức cầu nguyện.
Giới chức sắc đền Hình Thiên Cung nói với báo chí rằng các nhà sản xuất nhang thường thêm hóa chất, chẳng hạn như benzen, methylbenzene, gây hại cho sức khỏe của những người thờ cúng. Do vậy, đền chuyển hướng sang thắp các cây hương tỏa ra ít khói hơn và thân thiện với môi trường.
Cheng Wen-bin, người phát ngôn của đền này, nói rằng Hình Thiên Cung đã phát đi thông điệp về việc nên tôn kính thần linh từ trong tâm hơn là qua các nghi lễ hình thức. Theo đó, nếu một người thành tâm, không thắp hương hay cúng vái cũng vẫn sẽ được các vị thần chấp nhận.
“Mọi người đến đây cầu xin một cuộc sống tốt đẹp và khỏe mạnh hơn, vì vậy thật phản tác dụng nếu họ phải hít thở khói và bụi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe,” ông Wu Yueh-yu, một chức sắc của đền chia sẻ.
Đền Xingtian cũng đã gỡ bỏ lò đốt tiền giấy của mình để ngăn những người đến thờ phượng đốt quá nhiều gây hỏa hoạn và ô nhiễm không khí.
Nhiều báo cáo của các tổ chức độc lập cho biết, các sản phẩm liên quan đến hương có chứa mật độ cao các hạt bụi mịn PM 2.5 siêu nhỏ cực kỳ nguy hiểm, gồm các chất độc hại benzen và methylbenzene làm tăng nguy cơ ung thư ở đường hô hấp và các bệnh tim.
Nhiều ngôi đền trên khắp Đài Loan hiện nay đã thay thế các lò đốt tiền giấy bằng lò đốt chỉ hở một khe nhỏ đủ để đưa tiền giấy vào nhằm khiến tro bụi không lan rộng.
Các nhà sinh thái học cũng khuyến cáo rằng việc đốt tiền giấy gây ra những vấn đề không tốt cho sức khỏe con người.
Một trong những ngôi chùa khác, lâu đời và nổi tiếng nữa là chùa Long Sơn (Đài Bắc) cũng đã thực hiện lời kêu gọi bảo vệ môi trường của chính quyền. Ngôi chùa này hiện giới hạn mỗi khách thập phương chỉ được đốt một nén nhang và giảm số lượng bát hương từ bảy xuống còn một.
Các nơi thờ cúng khác ở Đài Loan cũng đã hạn chế số lượng nhang được phép sử dụng trong những nghi lễ thờ phượng. Trước đây, mọi người thường tin rằng họ thắp càng nhiều hương, đốt càng nhiều vàng mã cho vị thần thì càng được phù hộ, nhưng hiện nay, nhiều người Đài Loan đang nghĩ khác đi. Họ tin sự thành tâm mới là điều quan trọng. Hầu hết các ngôi đền hiện nay ở Đài Loan khuyến khích các tín đồ không đốt hương, hoặc nếu chùa, đền thoáng và ít du khách ghé thăm thì chỉ đốt ba đến mười nén hương.
Chính quyền Đài Bắc cũng khuyến khích người dân không đốt pháo mỗi dịp Tết đến xuân về để hạn chế khói và ô nhiễm tiếng ồn. Thay vào đó, người dân có thể mở đĩa CD với những âm thanh giống tiếng pháo nổ hoặc thu âm tiếng pháo từ những năm trước để tạo ra bầu không khí tương tự.
Tại thành phố Tân Bắc, những chiếc đèn lồng thả trôi sông gây ô nhiễm dòng sông đã được thay thế bằng một bức tường đèn lồng bao quanh các ngôi đền.
Theo tờ Straits Times, kể từ năm 2018, Đài Loan quyết định sẽ thắt chặt việc sản xuất và nhập khẩu hương để đảm bảo các sản phẩm hương đốt không chứa lượng lớn chất hóa học có thể gây ra ô nhiễm môi trường.
“Chúng tôi quan tâm đến môi trường và không muốn các hoạt động tâm linh của mình làm hại đến người khác”, ông Hsu Wen-bao, Chủ tịch Tổng Hiệp hội Đạo giáo Đài Loan, nói. Ông cũng cho biết, các đền chùa nên được phép thực hiện những biện pháp thân thiện môi trường “vào thời điểm thích hợp nhất với họ”.
Tính đến giữa năm 2017, khoảng 1.100 ngôi đền, chùa tại Đài Loan đã làm việc với chính quyền địa phương để áp dụng chính sách hạn chế việc đốt hương, vàng mã và tiền giấy. Năm 2016, số lượng vàng mã đốt ở Đài Loan là 195.000 tấn, giảm 15.000 tấn so với năm 2015.
Chính phủ Đài Loan cũng nói thêm rằng họ sẽ không ra lệnh cấm, nhưng kêu gọi các nhóm tôn giáo có các biện pháp phù hợp nhằm giảm bớt nguy cơ ô nhiễm, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng không khí của hòn đảo này.
Tuy nhiên, với bảy trong số 10 người Đài Loan theo Đạo giáo và Phật giáo, đề xuất của chính phủ nhằm hạn chế việc đốt hương và tiền giấy vẫn vấp phải sự phản đối trong giới tín đồ và các nhóm tôn giáo. Họ cho rằng phong tục này rất quan trọng. Một số người buộc tội chính quyền đàn áp tự do tôn giáo.
Lin Chien-kai, ông chủ một nhà hàng, người thường xuyên đến cầu nguyện tại một ngôi đền gần chợ đêm Raohe mỗi ngày, nói: “Làm thế nào mà chính quyền nghĩ tôi nói chuyện với thánh thần mà không cần thắp hương?”
“Thực tế thì khói bụi đến từ Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều. Ô nhiễm không khí không phải chỉ do mỗi hoạt động tôn giáo”, trang fanpage của một ngôi chùa, viết.
Một nhóm tín đồ khác cũng không hài lòng, đặc biệt là những người cao tuổi. Họ nghĩ rằng chính phủ Đài Loan đang thiếu tôn trọng và ép buộc họ.
“Không dễ để thay đổi hoàn toàn và cần có thời gian”, ông Chin Chin-piao, trụ trì của một ngôi đền chia sẻ quan điểm.
Được biết hiện nay tại châu Á, không chỉ riêng Đài Loan mà cả Singapore cũng đang phải đối phó với những hệ lụy môi trường mà việc đốt hương, vàng mã đem lại. Có nhiều ý kiến ở Singapore cho rằng, truyền thống thờ phượng qua các nghi lễ trên đã lỗi thời bởi với diện tích sinh sống ngày càng hạn hẹp, chung cư chiếm đa số như ở Singapore, khói bụi và ô nhiễm từ việc đốt vàng mã đang gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sức khỏe của người dân.
—
Từ khóa:
đền: temple (n)
chùa: pagoda (n)
nhanh, hương: incense (n)
thờ phượng thân thiện với môi trường: eco-friendly worship (np)
các phong tục truyền thống: traditional practices (np)
nghi lễ, nghi thức: ritual (n)
ô nhiễm môi trường: environmental pollution (np)
người thờ phượng, người thực hành nghi lễ: worshiper (n)
cầu nguyện: pray (v)
tôn giáo: religion (n)
các nhà môi trường học, nhà bảo vệ môi trường: environmentalist (n)