Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Kể từ khi lên 3, Donald Trump đã nhận được 200.000 đô la mỗi năm tính theo giá trị hiện tại từ đế chế của cha mình. Ông trở thành triệu phú trước khi lên 8 tuổi.
Tới tuổi 17, ông đã được chia sẻ một phần quyền sở hữu một tòa chung cư 52 căn hộ. Gần như ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục nhận được khoản tài sản tương đương 1 triệu đô mỗi năm từ cha mình. Số tiền đó tăng theo năm tháng, đến khi ở tuổi 40 và 50, ông nhận được hơn 5 triệu đô mỗi năm từ người cha.
Đế chế bất động sản của Fred Trump không chỉ bao gồm những tòa chung cư căn hộ. Theo tài liệu của ngân hàng, nó còn có hàng núi tiền mặt, hàng chục triệu đô lợi nhuận. Trong vòng sáu năm từ 1988 đến 1993, Fred Trump đã báo cáo tổng cộng thu nhập đạt 109,7 triệu đô, tương đương với 210,7 triệu đô theo giá trị hiện tại. Việc mỗi tháng tài khoản cá nhân của ông nhận được hàng chục triệu đô qua các tín phiếu kho bạc (treasury bills) và chứng chỉ tiền gửi (certificates of deposit) không phải là chuyện lạ.
Fred Trump rất cần mẫn và sáng tạo trong việc tìm ra những cách thức khác nhau để chuyển tài sản cho các con của mình. Ông không chỉ tuyển dụng Donald Trump làm nhân viên có trả lương, mà còn giao cho nhiều vị trí khác nhau, từ quản lý tài sản, chủ căn hộ, phụ trách tài chính và chuyên viên tư vấn. Ông đã cho con mình hết khoản vay này tới khoản vay khác, nhiều khoản không bao giờ lấy lại. Ông đã cung cấp tiền để Donald Trump mua xe, để trả lương cho nhân viên, để mua cổ phiếu, để mua những văn phòng đầu tiên tại Manhattan và cả tiền để sửa sang lại các văn phòng này. Ông đã giao cho Trump ba quỹ tín thác (trust fund). Ông trao cho Trump cổ phần trong nhiều dự án đối tác. Ông ký chi phiếu 10.000 đô cho Trump vào dịp Giáng sinh. Ông trao doanh thu giặt ủi từ các tòa nhà của mình cho Trump.
Phần lớn những khoản cho này của ông được thực hiện để né tránh các yêu cầu đóng thuế quà tặng và thừa kế, theo những cách thức mà các chuyên gia thuế mô tả với New York Times là không đúng đắn hoặc có thể bất hợp pháp. Mặc dù Fred Trump trở nên giàu có với sự giúp đỡ từ các khoản trợ cấp liên bang về xây dựng nhà ở, ông cho rằng chính phủ rõ ràng bất công khi đánh thuế tài sản của ông để lại cho con cái. Các cuộc phỏng vấn và những tài liệu mới được thu thập cho thấy, khi Fred Trump qua tuổi 80, bắt đầu chịu ảnh hưởng của bệnh sa sút trí tuệ (dementia), việc tìm cách lách các khoản thuế đánh lên quà tặng và bất động sản trở thành nhiệm vụ chung của cả gia tộc, với Donald Trump là một thành viên đóng vai trò cộm cán trong đó.
Ranh giới giữa các hoạt động tránh thuế hợp pháp và trốn thuế bất hợp pháp thường mong manh mờ nhạt, lại hay bị các luật sư tư vấn thuế đầy sáng tạo xóa cho mờ hơn. Không thiếu các mánh khóe né thuế được tòa án hoặc sở thuế vụ nhắm mắt cho qua. Những người giàu có nhất nước Mỹ gần như chẳng bao giờ phải trả đủ số thuế phải đóng theo luật. Nhưng những chuyên gia về thuế, khi được cung cấp các chi tiết điều tra của New York Times, nhận xét gia tộc Trump dường như đã đi xa hơn việc đơn thuần khai thác các kẽ hở của pháp luật. Họ cho rằng những hành vi được mô tả này cho thấy một quá trình dài lừa đảo và giấu giếm, đặc biệt là về giá trị các bất động sản của Fred Trump. Những hành vi kéo dài liên tục này khiến Sở thuế vụ không thể đánh thuế các khoản chuyển nhượng tài sản lớn từ Trump cha qua các con của mình.
Fred Trump (đứng) và các con. Ảnh: Washington Post..
Lee-Ford Tritt, giáo sư luật của Đại học Florida và là một chuyên gia hàng đầu về các quy định thuế quà tặng và tài sản, nhận định “mô tuýp tôi nhìn thấy ở đây là việc định giá: họ phù phép các kiểu định giá tới giới hạn xa nhất có thể; giá trị tài sản có thể xê dịch lên xuống cực điểm tùy theo mục đích của họ.”
Việc thao túng giá trị tài sản để trốn thuế là vũ khí chính được sử dụng cho một trong những hoạt động tài chính quan trọng nhất trong cuộc đời của Donald Trump. Trong một chương chưa từng được tiết lộ trước đó, Donald Trump và các anh chị em của mình nhận quyền sở hữu hầu hết các tài sản từ đế chế của người cha vào ngày 22/11/1997, một năm rưỡi trước khi Fred Trump qua đời. Việc định giá các bất động sản này là trọng tâm của quá trình chuyển giao phức tạp trên. Giá trị càng thấp, thuế phải trả càng thấp. Gia tộc Trump trốn hàng trăm triệu đô thuế quà tặng bằng việc kê khai giá trị của các tài sản cực thấp, cho rằng chúng chỉ đáng giá 41,4 triệu đô.
Những tài sản đó trong thập niên tiếp theo được bán lại với giá trị gấp 16 lần con số kê khai đó.
Hoạt động gian lận rõ ràng nhất nằm ở công ty Cung ứng và Bảo trì Xây dựng All County, do gia đình Trump lập ra vào năm 1992.
Mục đích trên giấy tờ của công ty All County là đại lý thu mua cho các tòa nhà của Fred Trump, mua mọi thứ từ nồi hơi cho tới các thiết bị quét dọn vệ sinh. Trên thực tế, các tài liệu và các cuộc phỏng vấn chỉ ra, công ty này không làm thứ gì giống vậy. Thay vào đó, All County đã tuồn hàng triệu đô từ đế chế của Fred Trump đơn giản bằng cách nâng giá những hàng hóa đã được nhân viên của ông mua trước đó. Hàng triệu đô này không bị đánh thuế, sau đó chảy vào các chủ nhân của All County – Donald Trump, các anh chị em và một người em họ. Fred Trump sau đó dùng các biên lai thu mua đã được phù phép này của All County để lấy lý do tăng giá thuê cho hàng ngàn căn hộ.
Sau khi bài báo này được xuất bản [2/10/2018], người phát ngôn của Cục Tài chính và Thuế vụ của bang New York cho biết đơn vị này đang “kiểm tra các cáo buộc” và “nghiêm túc rà soát lại tất cả những mục cần điều tra”.
Từ các tư liệu, New York Times đã lần ra 295 khoản doanh thu mà Fred Trump tạo ra trong năm thập kỷ để làm giàu cho con trai ông, Donald Trump. Trong đa số trường hợp, bốn người con khác của ông cũng được hưởng lợi ngang bằng. Nhưng khi Donald Trump ủi đầu vào các thảm họa tài chính, hết cái này tới cái khác, cha ông đã tìm ra những cách để cho ông nhiều tiền hơn hẳn các anh chị em. Thậm chí vào năm 1990, theo các bản thông cáo gửi tòa án đã được giữ kín, ông Trump đã cố tìm cách viết lại di chúc của cha mình khiến Fred Trump, cảnh giác và nổi giận, lo sợ toàn bộ đế chế của mình có thể bị trưng dụng để chuộc công việc kinh doanh thất bại của người con.
Donald Trump trong một cảnh quay của chương trình truyền hình thực tế “the apprentice”. Ảnh: Getty.
Tất nhiên, câu chuyện làm giàu của Donald Trump không thể đơn giản gói gọn lại bằng phần chia sớt từ người cha. Trước khi trở thành tổng thống, thành tựu vĩ đại của ông là dựng nên thương hiệu Donald J. Trump, “tỉ phú tự thân”, một thương hiệu thành công tới mức đem tới cho ông hàng trăm triệu đô doanh thu từ các show truyền hình, các quyển sách và các hoạt động cấp phép (licensing) cho những show của mình.
Xây dựng hình ảnh thương hiệu này cần nhiều hơn là chỉ có tiền của Fred Trump. Điều không kém phần quan trọng là kỹ năng marketing bất thường cùng bản năng không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới của người con trai. Trong khi Fred Trump dùng tiền dựng nên khung xương tài sản cho con, Donald Trump, bậc thầy tự quảng bá, chế biến nó thành một câu chuyện làm giàu hấp dẫn. Một ví dụ là tòa nhà Trump Tower, biểu tượng quyền lực đã biến con trai ông trở thành một tay chơi lớn ở New York, vốn được dựng nên nhờ tiền của Fred Trump. Nhưng Donald Trump đã nhận ra tiềm năng và tận dụng sức mạnh biểu tượng của tòa nhà Trump Tower này, biến nó thành sân khấu chính cho show truyền hình “The Apprentice” (Người tập sự) và chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Ngày Donald “nhận lương” khủng nhất từ cha mình lại đến sau khi Fred Trump qua đời khá lâu. Nó diễn ra vào ngày 4/5/2004, lặng lẽ âm thầm, không có bất kỳ thông tin họp báo ồn ào nào theo kiểu Trump như thường lệ. Hôm đó, Donald Trump và các anh chị em của mình bán toàn bộ đế chế mà cha họ đã gầy dựng suốt 70 năm với giấc mơ sản nghiệp này không bao giờ bị tách khỏi gia đình.
Phần Donald Trump nhận được sau phi vụ đó: 177,3 triệu đô, hoặc tính theo giá trị hiện tại, 236,2 triệu đô.
(Còn nữa)
Bài tóm tắt: Huyền thoại về ‘tỉ phú tự thân’ Donald Trump
Kỳ 1: Vén màn đế chế gia tộc Trump
Bài viết này nằm trong loạt bài giới thiệu phóng sự điều tra đặc biệt của tờ New York Times về quá trình làm giàu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phóng sự dựa trên hơn 100.000 tài liệu, hồ sơ, sổ sách tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình Trump từ những năm 1970. Bên cạnh đó, New York Times cũng tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên cũ của công ty gia đình Trump và các học giả, chuyên gia về thuế. Tổng thống Trump từ chối đề nghị phỏng vấn của tờ Times, còn luật sư của ông thì bác bỏ toàn bộ cáo buộc gian lận thuế và trốn thuế mà phóng sự nêu ra.