Hơn 22 giờ khuya một ngày cuối tháng 10/2018, D cố gắng gọi điện cho tôi để nhờ tôi đóng giả thành bạn trai của cô trong khi tài xế của Grab (từ đúng hơn là đối tác của Grab) đang không cho cô vào nhà.
Anh ta muốn D hôn môi anh ta.
D là người Philippines. Cô ăn mặc giản dị, kín đáo và gần như không bao giờ trang điểm. Cô thuê phòng ở Đà Nẵng, vừa đi du lịch, vừa viết hướng dẫn sử dụng sản phẩm cho các hãng điện tử. D không biết đi xe máy nên cô sử dụng ứng dụng Grab để đi lại trong thành phố.
Tối hôm đó, D đặt xe bằng ứng dụng Grab để đi từ trung tâm thành phố về nhà. Tài xế là sinh viên và nói được tiếng Anh nên lúc đầu D cũng yên tâm.
Trên đường đưa D về nhà, anh ta bắt đầu làm quen bằng những câu hỏi xã giao quen thuộc. Bất chợt, D giựt mình biết rằng cô đang bị anh ta quấy rối khi tài xế hỏi cô đã đi Huế chưa, anh có thể đưa cô đi Huế và cô chỉ cần trả tiền khách sạn thôi. Một lời mồi chài rất nhuần nhuyễn.
Ban đầu, D hoàn toàn không hiểu anh ta đang nói gì, cô hỏi lại thêm một lần nữa và bắt đầu hoang mang. D mở điện thoại gọi cho tôi nhưng tôi đã ngủ. Tài xế cho xe chạy chậm và tiếp tục tán tỉnh cô. D cố thoát khỏi tình huống bị quấy rồi này bằng cách bịa ra chuyện là mình đã có bạn trai rồi và bạn trai đang chờ cô ấy ở nhà.
Khi xe về đến cổng, tài xế vẫn không cho cô vào nhà. Anh ta muốn D hôn môi của anh ta và nói rằng đây là truyền thống ở đây, mọi người đều làm như vậy, D phải hôn tạm biệt anh ta. D không dám từ chối yêu cầu của anh ta. May mắn bạn cùng nhà đã mở cổng đúng lúc.
Đây là lần đầu tiên cô bị quấy rối tình dục như thế này. Đêm đó D mất ngủ và quyết định báo cáo sự việc qua ứng dụng Grab. Tôi đã nghĩ chuyện cô D là chuyện nhỏ, cô không nên suy nghĩ nhiều nhưng ngày hôm sau D bảo là cô không thể nào ngừng suy nghĩ đến chuyện mình đã bị quấy rối. Cô bị ám ảnh bởi chuyến xe đó, cô nhớ gương mặt, từng lời nói, điệu cười của anh ta. D không dám đi ra khỏi nhà và không đi Grab thêm một lần nào nữa. Tôi hỏi D có phải cô nghĩ về chuyện cô bị quấy rối mỗi tiếng đồng hồ trôi qua không. D trả lời là không, cô nghĩ về chuyện đó mỗi 15 phút.
Ba ngày sau, Grab đã gọi tài xế lên làm việc và anh ta bị sa thải. D giờ đây đối diện với một nỗi sợ khác. Cô sợ tài xế sẽ trả thù cô vì anh ta đã biết chính xác chỗ cô ở và biết chính cô đã gửi báo cáo đó cho Grab. D luôn hình dung anh ta núp ở trước nhà và sẵn sàng cầm dao để đâm cô vì cô đã làm anh ta bị mất việc làm. May mắn, nhiều ngày sau D đỡ ám ảnh hơn, dù rằng cô không bao giờ quên được chuyện đó.
Tôi không biết cách nào là tốt nhất trong trường hợp của D. Nếu cô không tố cáo thì anh ta có thể làm chuyện đó với những cô gái khác. Nếu tố cáo thì cô sợ mình sẽ bị trả thù.
Tôi nhận ra rằng mức độ sang chấn tâm lý vì bị quấy rồi tình dục là khác nhau ở mỗi người. Có người có thể dễ dàng vượt qua nhưng cũng có những người rất khó khăn để quên được. Tốt hơn hết là nó đừng bao giờ xảy ra.
Nếu đêm đó không phải là D thì cũng có thể là một người khác. Thử nghĩ nếu D không biết rõ đường về nhà rồi được đưa đến một nơi hoang vắng thì chuyện gì sẽ xảy ra với cô?
Nếu sang chấn tâm lý của D có thể kéo dài hơn một tuần thì cô sinh viên bị tấn công tình dục trong thang máy được máy quay ghi hình lại cũng có thể là vĩnh viễn và có thể nặng nề hơn rất nhiều.
Quấy rối hay tấn công tình dục dù ở bất kỳ mức độ nào cũng không nên được xem là một chuyện nhỏ.
Quấy rối tình dục dù ở bất kỳ mức độ nào cũng có thể gây sang chấn tâm lý nặng nề cho nạn nhân. Tranh minh hoạ của Angelica Alzona.
Việc phạt người tấn công tình dục cô sinh viên 200.000 đồng có thể được hiểu là tạo ra một tiền lệ xấu về việc ngăn ngừa hành vi đó. Mức phạt này là quá thấp và chắc chắn không đủ tính răn đe đối với một hành vi xấu xa được ghi hình rất rõ ràng như vậy. Mặt khác, khi pháp luật không thể xử lý triệt để những hành vi này thì sẽ có những người phẫn nộ muốn dạy cho kẻ làm bậy một bài học và không biết chắc hậu quả sẽ như thế nào.
Pháp luật Việt Nam hiện tại đang có một kẽ hở lớn dung túng cho hành vi quấy rối hay tấn công tình dục.
Hiện tại, hành vi này bị xử phạt bằng Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, áp dụng cho người thực hiện hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, với mức phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với “hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể” nhưng chỉ áp dụng đối với người bị xâm hại là thành viên gia đình mà không phải là vợ hoặc chồng. Nếu muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người quấy rối hoặc tấn công tình dục thì hiện chưa có điều luật nào phù hợp.
Bộ luật Hình sự 2015 và trước đó của Việt Nam cũng không có quy định rõ ràng về tội quấy rối hay tấn công tình dục. Rõ ràng những hành vi sàm sỡ, quấy rối hay tấn công tình dục không thể áp dụng điều luật về hiếp dâm, cưỡng dâm. Cũng không thể áp dụng điều luật về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nếu nạn nhân là người trưởng thành.
Cụm tù “quấy rối tình dục” được sử dụng trong Bộ luật Lao động 2012, áp dụng tại nơi làm việc. Tuy nhiên, bộ luật này cũng không quy định rõ hành vi nào được xem là quấy rối tình dục. Tất cả những gì người lao động có thể làm nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Một vấn đề khác, giả sử như có một điều luật quy định nghiêm khắc đối với tội quấy rối hay tấn công tình dục, thì phải dựa trên chứng cứ như thế nào để người phạm tội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình? Nếu việc đó xảy ra trong thang máy, văn phòng hoặc nơi công cộng thì có thể có camera, đồng nghiệp hay người làm chứng. Nhưng nếu việc đó xảy ra ở những nơi tối tăm, hẻo lánh, trong xe ô tô và hành vi không đạt đến mức độ để lại bằng chứng trên cơ thể của nạn nhân thì vụ việc sẽ được xử lý như thế nào?
Grab Việt Nam đã tin những gì mà D đã tố cáo nhưng cô không thể tố cáo việc này đến cơ quan chức năng vì không có đủ bằng chứng. Ngoài kia còn bao nhiêu người đã bị quấy rối hay tấn công tình dục vẫn còn bị ám ảnh một phần về những gì đã xảy ra với họ và một phần khác bởi vì không có quy định hay hình thức xử phạt nào phù hợp khiến những gì họ trải qua rơi vào quên lãng.
Đã đến lúc những câu chuyện về quấy rối và tấn công tình dục phải được kể ra. Luật pháp sẽ được thay đổi khi các câu chuyện cho thấy một sự nghiêm trọng của hành vi quấy rối và tấn công tình dục vốn đã chìm trong im lặng bấy lâu nay.
Bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn và góp phần thay đổi thực trạng này. Xin gửi bài tại đây.
Luật Khoa đảm bảo giữ kín danh tính tác giả.
Từ khoá:
tấn công tình dục: sexual assault (np)
quấy rối tình dục: sexual harassment (np)
quấy rối tình dục bằng lời nói: verbal sexual harassment (np)
hiếp dâm: rape (n), to rape (v)
hành vi hiếp dâm được thực hiện bởi người yêu, vợ hay chồng: date rape (np)
hành vi hiếp dâm được thực hiện bởi người không có mối quan hệ tình cảm như hàng xóm, đồng nghiệp: acquaintance rape (np)
cưỡng ép quan hệ tình dục: sexual coercion (np)
thủ phạm: perpetrator (n)
nạn nhân: victim (n)
sự trả thù: reprisal (n)
sự đồng thuận: consensus (n)
giao cấu: sexual intercourse (np)
sang chấn hay chấn thương tâm lý: psychological trauma (np)
bị cáo buộc: to be charged (v)
cáo buộc phạm tội: formal allegation (np)
vi phạm hành chính: administrative violation (np)