Nhà hoạt động – Kỳ 3: Ai có thể làm nhà hoạt động?

Nhà hoạt động – Kỳ 3: Ai có thể làm nhà hoạt động?

Cả khi nhận thức được ý nghĩa sự tồn tại của nhà hoạt động và công việc hoạt động (tức các hành động tập thể, các phong trào nhằm tạo ra sự thay đổi), luôn có một câu hỏi thường trực trong đầu nhiều người: Được rồi, nhưng ai làm?

Với bản chất của con người – một loài động vật xã hội sống theo bầy đàn – sẽ luôn có những người chủ động và những người kém chủ động, hay là bị động hơn những người khác.

Để giải quyết vấn đề “ai làm”, cách đơn giản và hiển nhiên nhất là tăng số lượng những người chủ động làm.

Ở những nơi quyền tự do của con người được tôn trọng, việc này có thể được thực hiện qua hệ thống giáo dục trong trường lớp.

Các khóa học về quyền công dân được dạy cho trẻ em từ rất sớm ở những nước phương Tây.

Trong những khóa học đó, nhiều vấn đề phức tạp được đưa ra để trẻ em thảo luận, từ ý niệm về công bằng, nhân quyền, tự do báo chí, nghĩa vụ của chính quyền, quá trình soạn thảo và ban hành luật, cho đến các vấn đề xã hội như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính… và cả những phạm trù đạo đức không phải lúc nào cũng có thể phân biện đúng sai mà luôn cần sự tranh luận.

Trên thực tế, ngay cả ở những xã hội tự do, việc chia sẻ với trẻ em về các vấn đề xã hội vẫn là chuyện tranh cãi.

Có người cho rằng không nên “phá hỏng” tuổi thơ của đứa trẻ bằng những vấn đề người lớn, rằng nên để chúng hồn nhiên trong thế giới trẻ thơ.

Có người lại lập luận rằng vấn đề của xã hội tác động đến tất cả mọi người, bất kể là người lớn hay trẻ con. Và rằng trẻ con thật ra nhận biết tất cả mọi thứ xung quanh, việc che giấu những vấn đề chỉ khiến cho những đứa trẻ thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết khi lớn lên.

Người ủng hộ việc tạo điều kiện và hướng dẫn cho đứa trẻ tham gia các hoạt động xã hội, chính trị… tin rằng điều đó không chỉ giúp rèn luyện các kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, lên kế hoạch, lập chiến lược… mà còn giúp trẻ em sớm có hiểu biết thực tế về công bằng, công lý, các giá trị của con người, quyền và nghĩa vụ của bản thân …

Họ tin rằng việc tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động dân sự không chỉ tốt cho trẻ em, mà còn tốt cho tất cả mọi người.

Ở những nước mà nhân quyền, tự do vẫn còn nhập nhằng, bị nhiều ràng buộc như Việt Nam, người ta vẫn hoàn toàn có thể tự học, đồng thời giáo dục trẻ theo cách thức như thế.

Luôn nói thật với trẻ em về những vấn đề xã hội đã và đang xảy ra xung quanh; giải thích đơn giản nhưng cặn kẽ lý do; thẳng thắn thừa nhận những thứ “người lớn” (bản thân) chưa làm được.

Để làm được việc đó, không cần hiểu biết sâu rộng hay tri thức cao siêu gì. Chỉ cần dám nhìn thẳng vào gương.

Vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, các nhà thần kinh học đã khám phá ra một loại tế bào thần kinh mà họ gọi là “tế bào phản chiếu” (mirror neuron). Các tế bào phản chiếu này không chỉ “cháy lên” khi chủ thể thực hiện một hành vi nào đó, chúng còn phản ứng y hệt khi chủ thể quan sát người khác thực hiện hành vi đó.

Tế bào phản chiếu được cho là cách giúp các động vật, trong đó có người, kết nối được với đối tượng khác, gián tiếp trải nghiệm cảm giác của đối tượng đó mà không cần phải chính mình thực hiện hay trải qua.

Đó là một trong những cách mà con người đồng cảm được với người khác, từ niềm vui, hạnh phúc, cho tới nỗi buồn, sự sợ hãi, và đau khổ.

Bất kỳ ai cũng sở hữu những tế bào phản chiếu này. Nhờ đó chúng ta có thể trải nghiệm những cảm xúc nghẹt thở khi xem một bộ phim hành động, hồi hộp khi đọc một quyển sách trinh thám, hay vỡ òa khi xem một trận bóng đá.

Các nhà hoạt động – những người cảm nhận được, thấu hiểu được nỗi đau của người khác – không có nhiều tế bào phản chiếu hơn chúng ta, tế bào phản chiếu của họ không mạnh hơn ta.

Điểm khác biệt, nếu có, có lẽ chỉ nằm ở chỗ họ không nhốt những tế bào đó lại trong những chiếc lồng mang tên “sợ hãi”. Họ để chúng tự do phản chiếu mọi thứ xung quanh. Nhờ đó họ không cần phải chờ đến khi bản thân mình là người trong cuộc mới có cảm giác, mới biết phản ứng, và biết thay đổi.

Họ không muốn trở thành giống như nhân vật trong bài thơ bất hủ của Martin Niemöller năm xưa:

Đầu tiên chúng làm thịt những con mèo,
tôi không lên tiếng vì tôi không phải mèo.
Sau đó chúng đánh thuốc những con chó,
tôi không lên tiếng vì tôi đâu phải chó.
Rồi chúng đập đầu những con ngựa,
tôi không lên tiếng vì tôi chẳng phải ngựa.
Sau chúng lại cắt cổ những con bò,
tôi không lên tiếng, hiển nhiên vì tôi không phải bò.

Cuối cùng chúng bịt mõm tôi.
Tới lúc đó, chẳng còn thứ gì xung quanh có thể phát ra tiếng.
(Phóng dịch từ bản gốc của Martin Niemöller)

Kỳ 1: Những người không bao giờ nhắm mắt làm ngơ
Kỳ 2: Tại sao họ luôn gây tranh cãi?

Kỳ 4: Làm sao để trở thành nhà hoạt động?

Từ khoá:

nhà hoạt động: activist (n)
bất tuân dân sự: civil disobedience (n)
người đấu tranh bảo vệ môi trường: environmental activist (n)
nhà hoạt động, đấu tranh cho quyền chính trị: political activist (n)
nhà hoạt động nhân quyền: human right activist (n)
tranh biện, tranh luận: to debate (v)
phản biện xã hội: social debate (n)
tẩy chay: to boycott (v)
việc tham gia các hoạt động dân sự: civic engagement (n)
biểu tình: to protest/ demonstrate (v)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.