Phạm Quỳnh – làm báo như một sứ mệnh kiến quốc
“Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy.”
Trong trào lưu báo chí khai phóng Việt Nam đầu thế kỷ XX, có hai gã khổng lồ, vừa là bạn thân, vừa là kỳ phùng địch thủ, nổi lên như những nhà báo dấn thân, tiên phong và nặng lòng với công cuộc khai dân trí: Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh.
Nếu Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút Đăng Cổ tùng báo năm 24 tuổi thì Phạm Quỳnh cũng đã làm chủ bút của Nam Phong tạp chí năm ông 25 tuổi.
Phạm Quỳnh làm việc cho Đông Dương tạp chí 5 năm đầu tiên (1913-1918), dưới quyền điều hành của chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh. Rồi Phạm Quỳnh ra riêng và mở Nam Phong tạp chí, một trong những tờ báo thành công và nổi danh nhất Việt Nam thời kỳ đó.
Phạm Quỳnh (1892-1945) [1] có hiệu là Hồng Nhân, Thượng Chi, tốt nghiệp trường thông ngôn (đào tạo phiên dịch viên) vào năm 16 tuổi.
Người đương thời gọi Phạm Quỳnh là người thân Pháp. Ông rất “hâm mộ” chính sách Pháp - Việt đề huề của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. [2]
Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, cho rằng cần xây dựng chế độ quân chủ lập hiến, đòi hỏi người Pháp thành lập Hiến pháp. Nói cách khác, ông muốn người Pháp phải làm theo đúng Hiệp ước năm 1884, [3] phải làm cho Việt Nam trở thành quốc gia độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp.
Ông tin có thể xây dựng một bản Hiến pháp theo đó vừa đảm bảo quyền dân chủ cho dân Việt Nam, quyền cai trị của Hoàng đế triều Nguyễn và quyền bảo hộ của Pháp.
Trên Nam Phong, [4] ông viết: “Việc nội trị của nước Nam vẫn phải ở trong tay người An Nam, bảo hộ chỉ có cái chức trách khuyên bảo, cái chức trách kiểm soát mà thôi. Quốc vương An Nam vẫn giữ quyền nội trị trong nước như xưa. Khi Chính phủ Việt Nam với Chính phủ bảo hộ có điều xung đột, thời việc phân tranh sẽ đem điều đình tại Paris bằng phương pháp ngoại giao và ở Paris sẽ đặt một phái bộ An Nam thường trực để thay mặt cho Chính phủ Việt Nam ở trước Chính phủ Pháp”.
Đây cũng là nguyên nhân khiến cho Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, vốn là đôi bạn thân trong “Tứ kiệt Hà Thành”, phải quay lưng lại với nhau và bút chiến. Việc ông Nguyễn Văn Vĩnh (người ủng hộ thuyết trực trị, xóa bỏ triều đình nhà Nguyễn) thành lập tờ L’Annam Nouveau cũng được xem là “giận bạn”, quyết tâm đả kích chế độ quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh.
Nam Phong tạp chí, [5] người khổng lồ một thời của báo chí Việt Nam
Theo Mục lục báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, [6] Nam Phong tạp chí (1917-1934, tức tồn tại 17 năm) là báo bách khoa nghị luận và văn chương, thân chính quyền. Phát hành tại Hà Nội, mỗi tháng một kỳ. Từ số 194, mỗi tháng hai kỳ. Chủ bút kiêm quản lý là Phạm Quỳnh.
Như vậy, Nam Phong ra đời sau Đông Dương bốn năm.
Tờ Nam Phong Tạp Chí là một nguyệt san văn học in bằng ba thứ tiếng: Quốc ngữ, Pháp ngữ, Hán ngữ, gồm 210 số, cho đến ngày 16/12/1934 thì đình bản. Tuy nhiên, Phạm Quỳnh chỉ gắn bó với tờ báo này cho đến năm 1932 (số 192). Chủ nhiệm sau đó là Nguyễn Tiến Lãng.
Nam Phong tạp chí đã tập hợp số lượng khổng lồ các cây bút nổi danh và tài năng, nhất là những người từ Đông Dương tạp chí sang, có thể kể đến: Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim, Nguyễn Bá Học, Đông Hồ, Tương Phố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Trác, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Doãn Kế Thiện, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi, Tản Đà, Trần Huy Liệu, v.v.
Theo Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, [7] tờ Nam Phong có các mục lớn là Nam Phong, báo chí; Triết học (Tổng quát, Đông Phương, Tây Phương); Tôn giáo; Xã hội (Tổng quát, Công dân, Hôn nhân - Gia đình, Hương thôn cải lương, Phụ nữ, Quan lại, Thượng lưu trí thức, Trị thủy, Vệ sinh, Ngoại quốc); Chính trị (Việt Nam, Ngoại quốc); Kinh tế (Tổng quát, Pháp luật); Giáo dục (Ấu trĩ viên, Gia đình, Phụ nữ, Quốc văn Giáo dục); Phong tục (Việt Nam, Ngoại quốc); Ngôn ngữ (Danh từ, tự điển, Hán tự, Quốc học, Quốc ngữ, Quốc văn); Khoa học; Mỹ thuật (Âm nhạc); Văn học (Văn học, Văn hóa, Văn minh, Văn gia, Thi gia, Văn phẩm, Văn thể); Lịch sử (Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Ngoại quốc, Tiểu sử, Danh nhân); Địa dư, du ký, du hành. Có thể nói, đây thật là một tờ báo đồ sộ về khối lượng thông tin.
Tờ Nam Phong được xem là cơ quan văn hóa của giới nho sĩ đương thời và gắn liền với sứ mệnh ca tụng văn minh Pháp, chấp nhận chính sách thuộc địa của Pháp. Đây còn là một trong những tạp chí nghiên cứu đầu tiên ở nước ta về văn hóa mà mỗi số đều in ba loại ngôn ngữ.
Báo cáo của Louis Marty gửi cho A.Sarraut (ngày 22/8/1917) có đề cập đến mục đích của tờ tạp chí này là để “cung cấp cho tầng lớp sĩ phu và trí thức Việt Nam những bài chính xác ngõ hầu họ hiểu được cái vai trò của người Pháp trên thế giới về phương diện văn hóa, khoa học kinh tế. Tạp chí mới này, lấy tên là Nam Phong, sẽ đăng những bài phân tích chính xác về những tác phẩm khoa học và văn chương hay nhất, tiểu sử những nhà bác học danh tiếng của chúng ta, những truyện ngắn hay tiểu thuyết… Ngay sau khi phát hành, tạp chí này đã hoàn toàn thành công trong giới độc giả trí thức mà nó muốn chinh phục và nhóm người này lần đầu tiên đã tìm thấy được một cái gì tương đương với những sách vở mà họ đã gửi mua từ bên tàu trước đây…”.
Với 17 năm tồn tại, ban đầu tờ báo này tuyên truyền chính sách thuộc địa của thực dân Pháp, đề cao công cuộc “khai hóa” của Pháp, sau đó mở rộng ra các đề tài khác đã kể trên đây. Quả thật, Nam Phong như là một bách khoa toàn thư thực thụ, một trường học dạy văn hóa Đông - Tây, “bảo tồn cổ học”. Xét về mặt báo chí Bắc Kỳ và cả nước bấy giờ, Nam Phong có vai trò chiếm lĩnh “thị trường” và là một mẫu mực trong địa hạt chuyên môn báo chí và văn hóa của Việt Nam.
Chính quyền thực dân Pháp đưa báo chí đến Việt Nam, họ xem đó là một công cụ trong quá trình khai hóa người Việt. Như đã phân tích, thời kỳ Toàn quyền Albert Sarraut, báo chí quả thật đã là một công cụ tuyên truyền lý tưởng. Nhưng họ vấp phải một kết cục không lường trước: Báo chí thoát thai, bước đầu tách khỏi người “cha bảo hộ”. Sau đó, báo chí đối lập đã phát triển rực rỡ rồi thành một vũ khí chống lại thực dân.
Mang trong mình một “mặc cảm Nam man”, Phạm Quỳnh mưu cầu hết thảy về quyền tự trị. Ông nói: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dày đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai đã từ mấy mươi thế kỷ. Quyển sách ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang, nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên dòng chữ cũ. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay, vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống, không còn quốc tính, để biến thành một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy thuộc địa cổ của Pháp kia”.
Nam Phong là tờ tạp chí then cài ở giai đoạn báo chí đã hình thành một ý thức, rằng ở đó, báo chí không còn là một công cụ đơn thuần truyền tải những chính sách của chính quyền thuộc địa mà còn quan tâm đến việc phổ cập cho dân chúng những tư tưởng và truyền tải văn hóa. Đồng nghĩa rằng, một ý thức về chính trị, văn hóa, quốc gia, dân tộc của mình và cả thế giới được khơi mào.
Nói theo Trịnh Bá Đĩnh [8] thì đây là “thời điểm bản lề của quá trình văn hóa, văn học Việt Nam hòa vào dòng chung của văn hóa, văn học thế giới”.
Vũ Ngọc Phan nhận xét, [9] trong những năm chủ trương tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh đã xây đắp cho nền quốc văn được vững vàng bằng những bài bình luận và khảo cứu rất công phu mà từ Bắc chí Nam mọi thức giả đều phải lưu tâm đến.
“Nhiều người thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khiếm khuyết của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông - Tây. Muốn hiểu những vấn đề của đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng học tư tưởng nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý - Trần cho đến nay, muốn biết thêm lịch sử nước Nam, tiểu sử các danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề xã hội Âu Tây, và cả học thuyết của mấy nhà hiền triết cổ La - Hy, chỉ đọc kĩ Nam Phong là có thể hiểu được”.
Nếu Trương Vĩnh Ký là một ngọn cờ đầu phất lên công cuộc viết báo bằng chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh là ngọn cờ thứ hai với lời hô hào rằng nước Nam ta sau này hay hay dở đều ở chữ Quốc ngữ, thì Phạm Quỳnh cũng đã ý thức được như thế và vươn cao hơn.
Ông với Nguyễn Văn Vĩnh “trước sau vẫn có một chủ nghĩa là biết rằng ở nước ta chữ Nho không thể giữ được hết, chữ Tây không thể học được khắp, nhưng muốn cho chữ Quốc ngữ dùng được việc thì phải rèn tập cho mỗi ngày mỗi hay hơn lên. Bởi thế nên chúng tôi gia công gắng sức trong bao nhiêu năm, không quản công phu khó nhọc, không quản cớ kẻ chê bai, chỉ ước ao có một điều là có ngày người mình cũng 'làm văn' được như người, nghĩa là làm văn bằng tiếng mình, không phải mượn tiếng người. Ngày ấy có lẽ đã tới đây…”. [10]
Đây cũng chính là lý do mà ông lập Nam Phong.
“Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy”
Cuối năm 1932, Hoàng đế Bảo Đại về nước. Phạm Quỳnh vào Huế, làm Ngự tiền Văn phòng đến Thượng thư Bộ Học rồi giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Phạm Quỳnh từ chức, về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam.
Ông mất cùng năm. Mười một năm sau, người ta tìm thấy di hài của ông trong rừng Hắc Thú, sau đó ông được cải táng tại chùa vạn Phước.
Có nhiều nghi vấn về cái chết của Phạm Quỳnh, có người cho là Việt Minh thủ tiêu vì câu kết với Pháp, có người bảo ông bị con cháu của Thượng thư Nguyễn Hữu Bài giết để trả thù cho cha.
Phạm Quỳnh từng rất nhiều lần bảo mình không phải là nhà chính trị. Vì công chúng của ông là công chúng trí thức, qua những áng luận, địa hạt tư tưởng và học thuật mà ông làm. Đã qua rồi cái thời trí thức là những người viết các bài diễn văn cho vua chúa, lãnh tụ. Đây là thời kỳ mà người trí thức vùng lên đấu tranh để ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước. Số đông đã nghe theo họ.
Dù sao đi nữa, Phạm Quỳnh đã để lại một di sản tri thức quý báu cho đất nước, cùng với vai trò tiên phong trong trào lưu báo chí khai phóng sôi động đầu thế kỷ XX. Trong bài Nghĩa vụ của nhà làm báo, [11] ông viết: “Nhà báo không những là có thể giúp cho chính trị hiện thời, mà lại còn có thể mở đường cho chính trị tương lai nữa. Bởi sao vậy? Như trên kia đã nói dân ta là một dân đương biến cải, mỗi ngày tất một khác, mỗi ngày tất xuất hiện ra những vấn đề mới cần phải giải quyết cho xuôi. Nhưng nếu đợi cho đến khi những vấn đề ấy đã xuất hiện ra rồi mới tìm đường giải quyết thì kịp sao được. Đã hay rằng trách nhiệm của nhà chính trị là phải dự liệu trước mọi việc, những nhà báo được trực tiếp với dư luận cũng phải dọn đường mở lối sẵn thì nhà chính trị thi thố mới được ích lợi. Như thế thì công của nhà báo đối với tương lai lại chẳng to tát lắm ư? Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy. Nếu ta biết khéo dùng cái động lực rất mạnh là tờ báo ngọn bút kia, mà gây thành được một dư luận sáng suốt khôn ngoan, thông hiểu tình thế, giúp được cho cái công tiến hóa về chính trị của quốc dân, thì mới thực là xứng đáng với lương tâm cùng thiên chức của nhà nghề vậy”.
Tài liệu tham khảo
[1] Có nhiều tài liệu ghi chép năm sinh của Phạm Quỳnh: 1890 (Huỳnh Văn Tòng), 1893 (Phạm Tuyên). Nhưng đa số tài liệu ghi năm sinh của ông là 1892.
[2] Đây là đường lối đề huề: kẻ thống trị và bị trị hợp tác nhau để mưu ích lợi chung, xuất hiện phần lớn là nhờ vào động lực chính trị của Toàn quyền Đông Dương A.Sarraut (nhiệm kỳ 1911-1913 và 1917-1919). Ông này đến Việt Nam sau khi phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục bị dập tắt.
[3] Đây là Hiệp ước Giáp Thân hay Hiệp ước Pa-tơ-nốt ( Patenôtre) của thực dân Pháp với nhà Nguyễn, gồm 19 điều khoản, trong đó có: Nước An Nam thừa nhận và chấp thuận nền bảo hộ của nước Pháp (Điều 1), công tác thuế quan được tổ chức lại sẽ hoàn toàn giao phó cho các nhà cai trị Pháp (Điều 12)… Hòa ước này được đánh giá là đã chấm dứt sự tồn tại độc lập của triều đình Nhà Nguyễn, mà thay vào đó là chế độ nửa phong kiến - nửa thuộc địa, cho đến khi vua Bảo đại thoái vị năm 1945.
[4] Phạm Quỳnh (1932), Câu chuyện lập hiến, Tạp chí Nam Phong, số 173.
[5] Nam Phong, tức Ngọn gió Nam hay Ngọn gió tái tã xứ An nam, tên gọi bắt nguồn từ một bài cổ thi ở Trung Hoa.
[6] Huỳnh Văn Tòng (2016), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB Tổng hợp TP.HCM.
[7] Nguyễn Khắc Xuyên (1968), Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, Trung tâm Học liệu hợp tác với Viện Khảo cổ, Bộ Văn hóa Giáo dục.
[8] Phạm Quỳnh (2003), Luận giải văn học và triết học, NXB Văn hóa Thông tin, tr.5.
[9] Vũ Ngọc Phan (1960), Nhà văn hiện đại quyển 1, Cơ sở xuất bản Đại Nam.
[10] Phạm Quỳnh (1923), Làm Văn, tr. 18, Nam Phong, số 67.
[11] Trích Thượng Chi văn tập, SĐD.