Phú Lâm - đảo lớn nhất ở Hoàng Sa - bây giờ ra sao?
💡Bài dành riêng cho độc giả trả phí. Cho đến nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn nghĩ có quân
Không phải sinh viên báo chí hay người làm báo nào cũng biết đến Phan Khôi nói riêng và nhiều tên tuổi lớn của làng báo thời tiền chiến (trước 1946).
Khá bất ngờ khi ông Phan Khôi bị lãng quên trong nền lịch sử báo chí nước nhà vì lý do chính trị, dù bản thân ông từng lên Việt Bắc tham gia kháng chiến theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời gian 1956-1957, vì tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm, danh dự, tên tuổi của Phan Khôi bị chính quyền gạt qua bên lề. Mãi cho tới những năm đầu thế kỷ 21, các công trình nghiên cứu về ông mới được thực hiện và phổ biến nhiều hơn tới công chúng.
Phan Khôi sinh 1887 tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống Nho học. [2] Cha ông là Phan Trân, còn mẹ tên Hoàng Thị Lệ - con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Năm 19 tuổi, Phan Khôi đỗ tú tài Hán học, nhưng sau đó bỏ khoa cử để học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
Năm 1908, Phan Khôi tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của chí sĩ Phan Châu Trinh, rồi bị thực dân bắt vào tù. Trong tù, ông vẫn mày mò tự học tiếng Pháp. Ông có công lao rất lớn khi tham gia dịch Kinh Thánh từ chữ Hán và chữ Pháp sang tiếng Việt đầu tiên.
Phan Khôi bắt đầu có tên tuổi trên làng báo từ tháng 2/1918 trên tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh. Suốt từ đó, trừ một số quãng thời gian ngắn bị gián đoạn, ông sống bằng nghề viết lách cho đến tháng 8/1945 - thời điểm Việt Minh giành chính quyền. [3]
Giai đoạn 1929-1932 là quãng thời gian ghi đậm dấu ấn của Phan Khôi trên các tờ báo nổi tiếng thời đó như Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập (tại Sài Gòn); Đông Tây, Phổ Thông (tại Hà Nội). [4]
Phan Khôi viết rất khỏe. Gần như ngày nào cũng có bài đứng tên ông trên các tờ báo. Là một cây bút có thể cân nhiều thể loại, nhưng thời đó, Phan Khôi nổi tiếng viết hài đàm. Ông sử dụng một giọng văn dí dỏm để phê phán những vấn đề chính trị - xã hội đương thời.
Ngoài ra, nhà báo Phan Khôi còn nổi tiếng là người hay cãi, công luận thời đó gọi ông là ngự sử của văn đàn (chức quan chuyên giám sát để giữ gìn kỷ cương, phong hóa, pháp độ của triều đình). [5]
Theo nhà phê bình Thụy Khuê, [6] xuyên suốt sự nghiệp làm báo của mình, Phan Khôi duy trì đường lối duy tân Việt học với một chủ trương kiên định, sử dụng óc logic trong lý luận (không ngụy biện), luôn luôn đặt lại vấn đề, luôn muốn phá vỡ những thành kiến và dấn thân vào những vùng đất cấm.
Tiên phong viết trên nhiều địa hạt, Phan Khôi được cho là người khởi xướng phong trào Thơ Mới với tác phẩm do chính ông sáng tác có tên “Tình già”. Và mặc dù là con nhà nòi nhưng Phan Khôi đã viết hàng loạt bài đả kích Nho giáo, đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Vì hay cãi, nên ông thường tham gia hoặc khơi mào cho những cuộc bút chiến nảy lửa với các học giả tên tuổi khác như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Hải Triều về các vấn đề Việt học và Triết học.
Ông là nhà Nho duy nhất và đầu tiên đặt vấn đề về cách xưng hô của người Việt. Trong một bài viết bàn về ngôn ngữ, Phan Khôi đặt giả định nếu khi xưa Mị Nương xưng là “tao”, gọi vua cha là “mày” và người Việt dùng cách xưng hô như vậy đến bây giờ thì tiện lợi biết bao.
Phan Khôi cho rằng xưng hô theo lề lối tôn ti trật tự hiện nay là không bình đẳng, mất phẩm giá con người. Điều này dẫn đến người dân không dám nói chuyện bình quyền, bình đẳng. Do đó, Phan Khôi đề xuất chúng ta cần một đại danh từ trung lập.
Nhà phê bình Thụy Khuê nhận định, vấn đề này phương Tây đã giải quyết từ lâu, nhưng đến tận ngày nay, chúng ta vẫn chưa thực sự nghiêm túc suy xét lại việc hệ trọng này, trong khi Phan Khôi - một nhà Nho - đã thẳng thắn đề cập từ thế kỷ trước.
Tìm trên các mặt báo, đầu sách trong nước xưa và nay, khi bàn về lịch sử nước nhà, nhan nhản các cây viết cho rằng Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm duy trì chế độ phong kiến. Nhưng trên tờ Phụ nữ tân văn số 268 (năm 1934) Phan Khôi từng viết bài phản bác (phủ định nước ta có chế độ này) và gây rất nhiều tranh cãi. Song đến nay, nhiều học giả đang nhìn nhận lại một cách nghiêm túc nhận định của ông. [7]
Với vai trò chủ công của phong trào Nhân văn - Giai phẩm, Phan Khôi bị xóa tư cách thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc ông bị cắt những quyền lợi về mặt chính trị, tinh thần, vật chất.
Phan Khôi mất ngày 16/1/1959 tại căn nhà số 73 phố Thuốc Bắc. Đó là một đám tang “ảm đạm, buồn bã” trong một tiết trời Hà Nội xám xịt, mưa tầm tã, theo hồi tưởng của Phan An Sa, con trai nhà báo Phan Khôi.
Từ thời khắc ấy không còn ai biết đến tên ông, ngoại trừ số ít người thân, nhà nghiên cứu đồng nghiệp thân thiết.
Mãi đến năm 2017, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh ông là danh nhân văn hóa hiện đại của Việt Nam. Từ đó, danh dự và di sản của Phan Khôi mới được phổ biến nhiều hơn tới công chúng.
Hành trình tìm lại Phan Khôi phải kể đến công lao lớn của Lại Nguyên Ân. Với nỗ lực bền bỉ suốt 27 năm (từ 1995 - nay), dày công đi Nam chí Bắc, rồi sang tận Hoa Kỳ, đến nay nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã sưu tầm, biên soạn, chú giải để cho xuất bản lần lượt 12 cuốn sách dày 7.617 trang gồm những tác phẩm đăng báo của Phan Khôi từ 1917-1957. [9]
Cuối năm 2023, ông cho xuất bản cuốn “Tìm hiểu tác gia Phan Khôi”, được xem là công trình tổng kết, đánh giá về sự nghiệp báo chí, hoạt động văn hóa của nhà báo xứ Quảng này.
Đây là những cuốn sách quan trọng giúp tái hiện một chân dung đầy đủ về nhà báo Phan Khôi và là tài liệu hữu ích cho sinh viên và các nhà nghiên cứu sau này. Ngoài mua sách, độc giả có thể xem bản điện tử tất cả các công trình về Phan Khôi của Lại Nguyên Ân tại đây.
[1] Phan Khôi - Con mắt còn có đuôi: https://youtu.be/SlbQ3llOez0?si=7kp0ZALbA4yO7-p7&t=711
[2] Xem https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20110321-phan-xvi-phan-khoi-bai-2-thoi-thanh-thieu-nien
[3] [4] Thụy Khuê. (2011, March 21). Phần XVI: Phan Khôi - Bài 2: Thời thanh thiếu niên. RFI; RFI. https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20110321-phan-xvi-phan-khoi-bai-2-thoi-thanh-thieu-nien
[5] Xem: https://vass.gov.vn/hnht/pages/danh-sach-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemId=145&EventId=16
[6] Chương trình Văn học - Nghệ thuật của Đài RFI số 5/1/1997 “Những nét chính trong tư tưởng Phan Khôi và vĩnh biệt Tạ Trọng Hiệp”: http://thuykhue.free.fr/rfi/1997-01-05-TTHiep.mp3
[7] Có hay không chế độ Phong Kiến ở Việt Nam? (2017, May 3). Nghiên Cứu Lịch Sử; Nghiên Cứu Lịch Sử. https://nghiencuulichsu.com/2017/05/03/co-hay-khong-che-do-phong-kien-o-viet-nam/
[9] Nguyễn, A. (2024, March 7). Lại Nguyên Ân tái hiện chân dung Phan Khôi. Uoregon.edu. https://usvietnam.uoregon.edu/lai-nguyen-an-tai-hien-chan-dung-phan-khoi/