Cô đơn giữa xứ Cờ Hoa – Kỳ 2: Nhân viên Viettel và tội danh buôn lậu thiết bị quân sự

Cô đơn giữa xứ Cờ Hoa – Kỳ 2: Nhân viên Viettel và tội danh buôn lậu thiết bị quân sự

Tiếp tục từ bài trước, người viết mời bạn đọc tưởng tượng đặt mình vào vị trí một nhân viên tập đoàn Viettel – một nhân vật có thật trong một vụ án hình sự nổi bật diễn ra dạo năm 2016-2017 tại Hoa Kỳ.

Người này được cử sang Mỹ năm 2013 để mở công ty chi nhánh của Viettel tại Mỹ – VTA Telecom Corporation với mục đích chính thức là phát triển mảng kinh doanh viễn thông của Viettel tại đó.

Tuy nhiên, chi nhánh này đã gặp vướng mắc thủ tục xin giấy phép hoạt động từ Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) – cơ quan nhà nước giám sát các hoạt động viễn thông tại Mỹ.

Do có liên quan đến tập đoàn Viettel – một tập đoàn nhà nước Việt Nam do Bộ Quốc phòng quản lý – chi nhánh này cũng bị đưa vào tầm ngắm của một tổ công tác liên ngành chuyên thẩm định rủi ro an ninh quốc gia mang tên Tổ Viễn Thông (Team Telecom).

Trong lúc chờ đợi giải quyết vướng mắc thủ tục xin phép hoạt động, người nhân viên Viettel phải tiếp nhận và thực hiện một loạt các yêu cầu rắc rối từ cấp trên của mình.

Chúng ta lại cùng xỏ chân mình vào đôi giày của anh ta, một người Việt Nam sinh năm 1981 tại Nam Định.

Những yêu cầu rắc rối từ tập đoàn “mẹ”

Các nhà chức trách Mỹ có thể không có bằng chứng cụ thể là các lãnh đạo Viettel có bí mật giao thêm cho bạn nhiệm vụ tìm mua các thiết bị quân sự của Mỹ để chuyển về cho Viettel hay không.

Tuy nhiên, họ vẫn thu thập được các bằng chứng cho thấy bạn thực hiện nhiệm vụ này tại Mỹ, ít nhất là từ năm 2015. Sau này khi ra tòa, luật sư của bạn rồi sẽ giải thích trước tòa rằng bạn làm những việc đó hoàn toàn theo các yêu cầu từ cấp trên tại Việt Nam.

Có các yếu tố địa chính trị nhất định để giải thích cho các yêu cầu đó từ cấp trên của bạn: Tình hình tranh chấp Biển Đông đã nóng dần lên từ các va chạm năm 2011.

Giữa năm 2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và các nước khác. Giữa năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực Biển Đông.

Nhiều chuyên gia quốc tế có chung nhận định: Biển Đông là một “vạc dầu sôi” có khả năng phun trào.

Tập đoàn Viettel hùng mạnh của bạn dĩ nhiên phải góp một tay để giúp cơ quan chủ quản là Bộ Quốc phòng chuẩn bị cho một kịch bản chiến tranh trên biển với Trung Quốc và các bên tranh chấp.

Từ năm 2013 và có thể là trước đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel đã “nhận lệnh từ Bộ Quốc Phòng” để tiến hành sản xuất các thiết bị quân sự vốn phải nhập khẩu như radar, hệ thống quản lý vùng trời và máy bay không người lái.

Nhưng để có khí tài quân sự đủ sức phòng vệ trên biển, quân đội Việt Nam còn cần nhiều thứ khác, bao gồm tên lửa diệt hạm.

Mẫu trưng bày của tên lửa đối hải KCT-15. Ảnh: Chưa rõ nguồn

Theo truyền thông trong nước, trong năm 2015, quân đội Việt Nam đã phát triển thành công mẫu tên lửa diệt hạm KCT-15 trên cơ sở một mẫu tên lửa diệt hạm của Nga là Zvezda Kh-35. Cùng đợt, vị lãnh đạo tập đoàn Viettel khi đó cũng “hé lộ về khả năng Tập đoàn này sẽ chế tạo tên lửa phòng không hiện đại”.

Khi nhìn vào danh sách cụ thể các thiết bị quân sự mà nhà chức trách Mỹ sau này phát hiện là bạn đã cố gắng tìm mua cho tập đoàn mình từ khi sang Mỹ năm 2013, có thể thấy các thiết bị đó liên quan khá nhiều đến các kế hoạch phát triển vũ khí quân sự nói trên của quân đội Việt Nam:

  • Tháng 6/2015, bạn thương lượng với công ty EO Imaging để mua các thiết bị theo dõi tên lửa dùng công nghệ video (video trackers) dành cho các hệ thống phóng tên lửa. Đây là một thiết bị bắt buộc phải xin phép xuất khẩu thể theo Các quy định Thương mại quốc tế về vũ khí (ITAR) của Mỹ. EO Imaging nhiều lần khuyên bạn phải hoàn tất thủ tục xin phép xuất khẩu trước khi họ bán thiết bị cho bạn;
  • Cùng đợt năm 2015, bạn thương lượng với công ty Space Electronics để mua các thiết bị KSR-6000 có tính năng đo lường chỉ báo Trung tâm Lực hấp dẫn (center of gravity), chuyên dùng cho tên lửa, bom và thủy lôi. Ban đầu bạn bảo là mua thiết bị này để xài ở Mỹ, sau đó lại nói là mua để gửi về Việt Nam. Space Electronics bèn rút lui khỏi phi vụ;
  • Tháng 8/2015, bạn tìm cách mua một hệ thống chống rung (gimbal system) với các đặc điểm kỹ thuật dành riêng cho camera nằm trong hệ thống chỉ đạo đầu tên lửa (missile seeker head). Công ty bán cũng khuyên bạn phải tuân thủ các quy định ITAR tuy nhiên bạn bảo rằng bạn “không có thời gian đi xin giấy phép xuất khẩu”. Trong một động thái còn gây nghi ngờ hơn nữa, bạn yêu cầu công ty bán hàng kia phải xóa tên bạn và tên công ty bạn khỏi các giấy tờ trong phi vụ này.

Nghĩa là trong ba lần vào năm 2015, bạn đã tìm cách liên hệ, thương lượng với các công ty công nghệ cao của Mỹ để tìm mua các thiết bị liên quan đến việc nâng cao khả năng theo dõi, điều khiển chính xác tên lửa.

Trong cả ba lần mối lái đó, bạn đều có những động thái dễ gây nghi ngờ, hay chí ít là làm các doanh nghiệp Mỹ phải để ý. Có khả năng là một hay nhiều hơn các công ty kể trên đã nghĩ rằng các hành vi của bạn phải được thông báo cho nhà chức trách Mỹ.

Tại sao bạn không muốn làm thủ tục xin phép xuất khẩu đàng hoàng? Có thể vì thực tế lúc đó, chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang áp đặt một lệnh cấm mua bán vũ khí kéo dài với Việt Nam (vốn chỉ mới được nới lỏng từ năm 2014 chứ chưa được gỡ bỏ hoàn toàn).

Bất kể là từ “chỉ điểm” hay do tự họ, các chuyên viên liên ngành của Tổ Viễn Thông đến đầu năm 2016 đã có đủ căn cớ trong tay để tiến hành một chiến dịch giăng bẫy bài bản nhằm tóm gọn bạn.

Liều lĩnh

Các tài liệu công khai từ Mỹ không cho biết rõ là các nhân viên đặc vụ bí mật (undercover agents) của Tổ Viễn Thông đã “nuôi án” và lùa bạn đến với họ như thế nào.

Tuy nhiên chắc chắn là vào ngày 10/03/2016, bạn đã chủ động liên lạc để bắt đầu thương lượng làm ăn với một công ty Mỹ có tên là Sandia Technical Supply LLC. Nhân viên công ty này chính là các đặc vụ điều tra của Tổ Viễn Thông.

Những gì mà Sandia chào bán với bạn có vẻ rất hấp dẫn: 11 bộ động cơ phản lực hiệu Teledyne J402-CA-400. Các bộ động cơ này được dùng cho các tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon do hãng Teledyne phát triển cho Hải quân Hoa Kỳ.

Đã có một số phân tích chuyên gia cho thấy tên lửa diệt hạm Zvezda Kh-35 của Nga – khuôn mẫu của tên lửa diệt hạm KCT-15 do Việt Nam tự phát triển từ năm 2015 – khá giống tên lửa Harpoon của Mỹ, đến nỗi Zvezda Kh-35 bị gọi giễu là “Harpoonski”.

Tuy đã phát triển được một số thiết bị thô sơ như giá phóng và ống phóng tên lửa đối hải dành cho các tên lửa diệt hạm KCT-15 thông qua Đề tài KCT-08 của Viện tên lửa, Bộ Quốc phòng Việt Nam trong năm 2016 có vẻ vẫn có nhu cầu nhập các động cơ tên lửa phức tạp hơn để lắp vào các tên lửa KCT-15 của họ.

Một lần nữa, các “nhân viên mẫn cán” của công ty Sandia phải là những người khuyên nhủ bạn nhiều lần rằng các bộ động cơ J402 là những thiết bị quân sự phải xin phép xuất khẩu thể theo nội dung ITAR. Họ đề xuất bạn xin phép xuất khẩu đàng hoàng ngay từ những email trao đổi đầu tiên.

Ngày 22/03/2016, “đại diện” Sandia gửi email giải thích với bạn: giá bán 11 bộ động cơ J402 sẽ cao hơn bình thường vì bạn không xin giấy phép đàng hoàng cho đơn hàng đầu tiên này.

Trong email đó, người “nhân viên” Sandia viết những dòng như lời cảnh báo khẩn khoản cuối cùng cho bạn: “…Tôi có thể chịu phiền hà, và anh cũng vậy. Thực tế là cả hai chúng ta đều có thể đi tù…”.

Bạn lựa chọn việc làm hài lòng các cấp trên ở Viettel. Nghĩ rằng mình đang vì sự nghiệp, vì vợ con, bạn phải tiếp tục thúc đẩy hoàn tất phi vụ này.

Ngày 26/04/2016, bạn đến một cơ sở sản xuất của hãng Teledyne ở bang Ohio để gặp các “đại diện” từ Sandia nhằm kiểm tra một động cơ J402 trước khi mua. Sau hôm đó, bạn bắt đầu gửi email thương lượng giá cả với Sandia. Các “đại diện” Sandia vẫn liên tục khuyên bạn phải xin phép xuất khẩu.

Sau này bạn cũng thú nhận rằng bạn thừa biết xuất khẩu các động cơ J402 về Việt Nam không giấy phép là trái luật Mỹ.

Không những biết mà cố tình vi phạm luật, bạn còn có hành vi gian dối với nhà chức trách Mỹ ngay trước mắt các “nhân viên” Sandia. Trong một mẫu đơn phải điền và đưa cho phía Sandia để họ nộp cho nhà nước nhằm giải thích mục đích sử dụng các bộ động cơ được bán, bạn ghi rằng các động cơ sẽ được dùng cho các máy bay không người lái.

Tuy nhiên, cùng lúc gửi mẫu đơn này, bạn cũng gửi email riêng cho Sandia rằng bạn cần một chuyên gia tư vấn có thể giúp lắp đặt các động cơ J402 vào các tên lửa. Bạn ghi rằng vị chuyên gia bạn cần phải có kinh nghiệm “điều chỉnh cho thích ứng động cơ đó vào một dạng tên lửa Harpoon”.

Ngày 09/05 và 10/05/2016, bạn đóng những chiếc đinh định mệnh cuối cùng: bạn ký kết giấy tờ rồi chuyển cho Sandia một khoản tiền 20,000 USD đặt cọc cho phi vụ mua 11 bộ động cơ phản lực.

Với nhân chứng, bằng chứng đầy đủ trong tay, Tổ Viễn Thông chuyển hồ sơ vụ điều tra bạn cho một đại bồi thẩm đoàn (grand jury) – tức là một nhóm từ 16 đến 23 công dân Mỹ được tuyển chọn ngẫu nhiên để suy xét vụ việc.

Nhóm đại bồi thẩm đoàn này không quyết định có kết tội bạn hay không, mà quyết định nội dung cáo trạng (indictment) chống lại bạn bao gồm những tội gì.

Ngày 26/10/2016, cảnh sát Mỹ bắt giữ bạn với cáo trạng nêu hai tội hình sự nghiêm trọng: Buôn lậu trái phép và Xuất khẩu trái phép khí cụ quốc phòng.

Cảnh sát tiến hành khám xét nơi ở của bạn sau đó và thu thập được các giấy tờ bằng chứng cụ thể cho thấy bạn là một nhân viên quốc phòng (national defense employee) của quân đội Việt Nam, với phạm vi nhiệm vụ thể theo một “nhiệm vụ Quân sự Quốc phòng năm 2016” và nằm trong một kế hoạch nhằm “cung cấp nhân lực cho khối kinh tế, cho công tác sản xuất và sửa chữa quốc phòng năm 2016”.

Bạn bị bắt theo một cách rất… xui: Trước đó vào cuối tháng 5/2016 – chỉ vài tuần sau khi bạn ký kết đặt cọc đơn hàng 11 động cơ phản lực, Tổng thống Obama đã tuyên bố gỡ bỏ cấm vận mua vũ khí mà Mỹ đã áp đặt lên Việt Nam suốt 50 năm.

Nếu phi vụ J402 được thực hiện sau tháng 5/2016 với các bước đăng ký xin giấy phép xuất khẩu đàng hoàng, có thể là bạn đã được việc mà không mắc tội hình sự.

Tàn cuộc

Việc bạn bị bắt và việc Mỹ gỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam cùng kéo theo một lô các diễn tiến dồn dập khác.

Ba văn phòng luật sư khác nhau, đều có tên tuổi, được thuê để đại diện cho bạn: một đại diện thường trực, một cho phiên tòa xin tại ngoại, một cho công tác bào chữa hình sự trước tòa.

Để xin được tại ngoại chờ ngày hầu tòa, bạn phải có những người bảo lãnh (surety) và phải nộp cho tòa Mỹ cầm một khoản tiền tại ngoại 100,000 USD.

Bạn và vợ gom hết tiền để dành chỉ được 20,000 USD. Một người bạn thân đang sống tại Mỹ của bạn tình nguyện đem nhà anh ta đi cầm để lấy 40,000 USD góp cho bạn. Một người bạn khác góp 10,000 USD. Bạn vẫn còn thiếu 30,000 USD.

Bản tốc ký nội dung phiên tòa tại ngoại cho thấy bạn đã nhận được trợ giúp tài chính từ một lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ. Luật sư bạn giải thích với tòa rằng cơ quan này cho bạn mượn 30,000 USD với điều kiện bạn phải cầm cố căn nhà tại Việt Nam.

Bạn được tại ngoại trong khi luật sư của bạn tiếp tục làm việc với các luật sư của bên công tố nhà nước. Khoảng sáu tháng sau, các luật sư hai bên đạt được một thỏa thuận nhận tội (plea agreement): bạn sẽ chịu nhận một tội danh (buôn lậu trái phép) để đổi lấy một án phạt tù nhẹ hơn (12 hoặc 24 tháng, thay vì mức án tối đa 20 năm tù).  Bạn cũng đồng ý với việc bị trục xuất khỏi Mỹ ngay sau khi kết thúc án tù.

Ở chiều ngược lại, cơ quan công tố Hoa Kỳ cũng không muốn vụ việc được đưa ra tranh tụng dài dòng trước tòa. Vì như vậy chi tiết về các biện pháp điều tra và thu thập chứng cứ chống gián điệp công nghệ và tội phạm buôn lậu vũ khí của các cơ quan điều tra Mỹ có thể sẽ bị tiết lộ trong nội dung tường trình, tốc ký tại tòa (vốn thường phải được công khai cho công chúng).

Phiên tòa chính thức tháng 9/2017 của vụ việc chủ yếu là để các luật sư hai bên tranh cãi xem án tù bạn phải chịu là 12 hay 24 tháng. Luật sư của bạn khẳng định rằng bạn chỉ nhất nhất tuân theo lệnh từ cấp trên tại Viettel, vì bạn muốn được tiếp tục làm việc tại Mỹ.

Các trình bày của luật sư bạn, các tường trình thành khẩn đầy cảm xúc của bạn và người vợ đã thuyết phục được vị thẩm phán chấp nhận cho bạn hưởng mức án tù thấp hơn.

Về công ty bạn tại Mỹ thì, vài tuần sau khi bạn bị bắt, người đồng nghiệp – vị chủ tịch chi nhánh hay vắng mặt của bạn phải tức tốc quay lại Mỹ để tìm đến ngay một văn phòng luật sư lớn khác, khét tiếng về khả năng vận động hành lang trong chính trường Mỹ: McDermott Will & Emery, LLP.

Mytel, một công ty viễn thông tại Myanmar do Viettel hậu thuẫn. Với sự hiện diện rộng khắp tại nhiều quốc gia, Viettel chắc chắn làm mọi cách để mình không mang danh “ám muội” trong các thương vụ đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: Nhân dân

Trước khi tiến hành vận động hành lang cho hoạt động mua sắm thiết bị quân sự hợp pháp của Viettel, văn phòng luật này phải can thiệp để dọn dẹp “bãi chiến trường” của bạn.

Họ tiến hành một cuộc điều tra nội bộ tại công ty VTA Telecom Corporation. Điều tra nội bộ này kết luận rằng các hành vi buôn lậu thiết bị quân sự của bạn hoàn toàn là bạn tự ý làm chứ không phải do công ty bạn chỉ đạo. Trong lúc bạn đang căng thẳng với các công tố viên người Mỹ thì công ty bạn “thành khẩn khai báo” hết các vi phạm của bạn cho nhà chức trách Mỹ.

Một thuộc cấp của bạn bị đuổi việc. Bạn cũng bị đuổi khỏi tập đoàn Viettel chỉ vài tuần trước khi bạn quyết định chấp nhận thỏa thuận nhận tội với bên công tố.

Một văn phòng luật mới được bổ nhiệm để tiếp tục đôn đốc hồ sơ xin giấy phép hoạt động kinh doanh viễn thông từ FCC cho công ty VTA Telecom Corporation.

Trong lá thư tường trình với FCC nhằm nối lại tiến trình xin giấy phép trong năm 2018, mọi tội lỗi liên quan đến các phi vụ buôn lậu thiết bị quân sự của bạn đều được đổ lên đầu bạn và người thuộc cấp.

Lá thư viết rằng vào năm 2015, tập đoàn Viettel đã chỉ đạo VTA Telecom Corporation tiến hành nghiên cứu và phát triển các thiết bị viễn thông (chứ không phải thiết bị quân sự) cho họ.

“Giấc mộng Mỹ” của bạn, sự nghiệp của bạn, cuộc sống êm đềm của gia đình bạn tại Mỹ đã chấm dứt như thế đấy.

Nhưng với tập đoàn nơi bạn đã gắn bó cả tuổi xuân, “giấc mộng Mỹ” của họ mới chỉ lại bắt đầu.

***

Xem kỳ trước: Cô đơn giữa xứ Cờ Hoa – Kỳ 1: Nhân viên Viettel và tội danh buôn lậu thiết bị quân sự

Nhân vật có thật của loạt bài này có tên là Bùi Quang Huy, sinh năm 1981, nhân viên tập đoàn Viettel từ 2007 đến 2017. Vợ con anh trở về Việt Nam ngay sau phiên tòa tháng 9/2017. Anh hiện đã thụ hết án tù tại Mỹ năm 2018 và đã bị trục xuất về Việt Nam. Nếu được quay lại Mỹ, anh ta sẽ tiếp tục bị nhà chức trách Mỹ quản thúc cho đến hết năm 2021.

Từ khóa:

buôn lậu: smuggle (v)
vũ khí: arms (n)
thiết bị quân sự: military equipment (np)
tên lửa: missile (n)
cấm vận vũ khí: arms embargo (np)
vận động hành lang: lobbying (n)
bê bối doanh nghiệp: corporate scandal (np)
viễn thông: telecommunication (n)
Ủy ban Truyền thông Liên bang: Federal Communication Commission – FCC (np)
Tổ Viễn Thông: Team Telecom (np)
Bộ Tư pháp Mỹ: Department of Justice – DOJ (np)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.