Sáng 14/12/2021, phiên tòa xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.
Luật Khoa sẽ tường thuật trực tiếp các diễn biến về phiên tòa tại đây. [1]
Bài viết này cung cấp thông tin ngắn gọn về bối cảnh cùng các sự kiện quanh vụ bắt giữ và xét xử Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí.
1. Đoan Trang là ai?
Bạn đọc có thể tìm hiểu tương đối đầy đủ về Đoan Trang và các hoạt động của cô trong bài viết “Phạm Đoan Trang là ai?”. [2]
Khởi đầu là một nhà báo quốc doanh, cô đã từng làm việc ở những tờ báo hàng đầu trong nước, gây tiếng vang với nhiều bài viết phân tích chuyên sâu, đặc biệt là về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Không chấp nhận môi trường kiểm duyệt của báo chí nhà nước, cô chủ động viết và tự xuất bản nhiều bài viết của mình, đồng thời dấn thân vào các hoạt động xã hội. Những việc làm này khiến Đoan Trang ngày càng trở thành cái gai trong mắt chính quyền.
Cô nhiều lần bị công an bắt giữ khi tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình bảo vệ môi trường, bị giam giữ để ngăn chặn việc cô tham gia các cuộc họp thảo luận nhân quyền với các đại diện nước ngoài, bị bắt thẩm vấn vì hoạt động viết sách, v.v. Tháng 8/2018, cô bị công an mặc thường phục đánh đập đến nhập viện chỉ vì tham gia đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín.
Các vụ bắt giữ và tấn công của công an khiến Đoan Trang mang nhiều thương tật trên cơ thể cho tới bây giờ.
Trong nhiều năm, dù phải liên tục di chuyển chỗ ở để tránh sự truy đuổi và sách nhiễu của an ninh, cô vẫn không ngừng viết báo, viết sách, xuất bản và tham gia vận động cho phong trào dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
2. Cô bị bắt và khởi tố vì tội gì?
Giống như nhiều nhà hoạt động và các nhân vật bất đồng chính kiến khác, Đoan Trang bị bắt với cáo buộc quen thuộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015.
Trong bản cáo trạng được công bố vào tháng 10/2021, Viện kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội truy tố cô với cáo buộc theo Điều 88, bỏ tội danh theo Điều 117. [3]
3. Những chứng cứ được dùng để buộc tội cô là gì?
Phần “Kết luận” của cáo trạng liệt kê các chứng cứ buộc tội Đoan Trang gồm có: [4]
- Tài liệu tiếng Anh “Brief report on the marine life disaster in Vietnam”;
- Tài liệu tiếng Anh “General Assessments on human rights situation in Vietnam”;
- Tài liệu tiếng Anh “Report Assessment of the 2016 Law on Belief and Religion in relation to the exercise of the right to Freedom of Religion and Belief in Vietnam”;
- Tài liệu tiếng Việt: “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo”;
- Hai bài trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt và Đài Á châu Tự do (RFA) năm 2018.
4. Cô đã bị giam giữ như thế nào trong suốt thời gian qua?
Đoan Trang bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 7/10/2020. Kể từ đó, cô bị giam giữ biệt lập, không được tiếp xúc với gia đình và luật sư trong hơn một năm trời.
Đến ngày 19/10/2021, cô mới được gặp các luật sư đại diện lần đầu tiên. Trong một bài viết trên trang Facebook cá nhân, luật sư Ngô Anh Tuấn tường thuật lại lời của Đoan Trang rằng ban đầu cô bị biệt giam, sau đó được giam chung với những thường phạm, nhưng phải trải qua cuộc sống khắc nghiệt trong phòng giam với nhiều va chạm xung đột. [5]
Theo lời kể, trong 10 lần lấy cung, Đoan Trang đều yêu cầu phải có luật sư mới khai báo, nhưng không lần nào yêu cầu của cô được chấp nhận.
Phiên tòa xét xử cô ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 4/11/2021, nhưng sau đó đã bị dời lại vì lý do kiểm sát viên tham gia vụ án có tiếp xúc gần với các ca nhiễm COVID-19. [6]
Kể từ ngày bị bắt tạm giam đến nay, Đoan Trang vẫn chưa được gặp người thân. Vào ngày 15/11/2021, gia đình cô đã gửi đơn yêu cầu thăm gặp đến ông Nguyễn Xuân Văn, Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. [7] Cho đến nay, chính quyền vẫn không đáp ứng yêu cầu này.
Theo thông tin từ trang Facebook Phạm Đoan Trang, sáng ngày 13/12/2021, khi các luật sư vào gặp Đoan Trang, cô mới được biết thông tin rằng phiên tòa xét xử mình sẽ diễn ra vào ngày mai. [8]
5. Dư luận phản ứng ra sao với vụ bắt giữ và xét xử Đoan Trang?
Tin tức về vụ bắt giữ Đoan Trang ngay từ đầu đã gây ra một làn sóng phản ứng rộng rãi trên các diễn đàn quốc tế. [9]
Các tờ báo lớn đều đưa tin về vụ việc. Nhiều tổ chức nhân quyền ngay lập tức lên tiếng yêu cầu trả tự do cho cô. Các cuộc vận động cho cô được tiến hành liên tục trong hơn một năm qua.
Ngày 25/10/2021, Nhóm công tác của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện công bố một bản thông cáo kết luận việc chính quyền bắt giam Phạm Đoan Trang là hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các chuẩn mực và công ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên. [10] Thông cáo của nhóm kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho nhà báo - nhà hoạt động Đoan Trang.
Sau đó, vào ngày 29/10/2021, một nhóm chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng bác bỏ các chứng cứ mà chính quyền Việt Nam dùng để buộc tội cô. [11]
Ngày 13/12/2021, một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) khẳng định chính quyền Việt Nam cần gỡ bỏ mọi cáo buộc mang tính chất chính trị và trả tự do ngay lập tức cho cô. [12]
Trước đó, vào ngày 26/10/2021, trong một bản tuyên bố chung, 28 tổ chức phi chính phủ trong đó có Legal Initiatives for Vietnam (LIV - do Đoan Trang đồng sáng lập) đã ký tên yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo độc lập và nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang. [13]
Một chiến dịch viết thư gửi Đoan Trang đã được Luật Khoa tạp chí, The Vietnamese Magazine và The 88 Project phát động từ ngày 4/11/2021. Đến nay, hơn một trăm lá thư đã được viết gửi cho cô.
Bạn có thể tìm hiểu thêm và tham gia vào chiến dịch này tại đây. [14]
Chú thích
1. Luật Khoa tạp chí. (2021, December 13). LIVE: Phiên tòa sơ thẩm vụ án Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/12/live-phien-toa-so-tham-vu-an-pham-doan-trang
2. Trần Phương. (2021, October 5). Phạm Đoan Trang là ai? Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2020/10/pham-doan-trang-la-ai/
3. Trịnh Hữu Long. (2021, October 18). Tóm tắt cáo trạng vụ án Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/10/toan-van-cao-trang-vu-an-pham-doan-trang
4. Xem [3]
5. Facebook Ngô Anh Tuấn. (2021). https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219834928414865&id=1569759542
6. Facebook Luật Khoa tạp chí. (2021). https://www.facebook.com/luatkhoa.org/posts/3044756929126490
7. Facebook Phạm Đoan Trang. (2021). https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10159983540363322
8. Facebook Phạm Đoan Trang. (2021). https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10160014042028322
9. Xem [2]
10. Yên Khắc Chính. (2021, October 28). Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc: Cần trả tự do ngay lập tức cho Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/10/nhom-lam-viec-cua-lien-hiep-quoc-can-tra-tu-do-ngay-lap-tuc-cho-pham-doan-trang
11. Bùi Nguyên Sa. (2021, November 1). Nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc bác bỏ chứng cứ buộc tội Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/11/nhom-chuyen-gia-cua-lien-hiep-quoc-bac-bo-chung-cu-buoc-toi-pham-doan-trang
12. Vietnam: Free Prominent Blogger. (2021, December 13). Human Rights Watch. Retrieved 2021, from https://www.hrw.org/news/2021/12/14/vietnam-free-prominent-blogger
13. Vietnam, L. I. V. (2021, October 26). Pham Doan Trang’s case: LIV and 27 other NGOs issue joint statement demanding her immediate release. Legal Initiatives for Vietnam. Retrieved 2021, from https://www.liv.ngo/doan-trang-joint-statement-28-ngos
14. Luật Khoa tạp chí. (2021a, November 5). Thư tháng 11: Luật Khoa khởi động chiến dịch “Thư gửi Trang.” Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/11/thu-thang-11-luat-khoa-khoi-dong-chien-dich-thu-gui-trang