‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Ở kỳ trước, chúng ta đã biết về lịch sử Singapore từ năm 1299, đến khi Stamford Raffles cập bến năm 1819, và năm 1965, khi Singapore buộc phải tách ra khỏi Liên bang Malaysia. Câu chuyện huyền thoại về một làng chài nghèo của thế giới thứ ba vươn mình trỗi dậy thành một […]
Ở kỳ trước, chúng ta đã biết về lịch sử Singapore từ năm 1299, đến khi Stamford Raffles cập bến năm 1819, và năm 1965, khi Singapore buộc phải tách ra khỏi Liên bang Malaysia. Câu chuyện huyền thoại về một làng chài nghèo của thế giới thứ ba vươn mình trỗi dậy thành một quốc gia trù phú của thế giới thứ nhất bắt đầu từ đây.
Nhưng Singapore có thật sự là một làng chài nghèo vào năm 1965 hay không?
Câu trả lời hiển nhiên là không.
Năm 1930, Singapore đã là quốc gia giàu có nhất châu Á. Suy sụp trong Thế Chiến II, hòn đảo này chỉ mất 5 năm để giành lại vị thế của mình, với thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Á. Vào năm 1950, không nước châu Á nào có nước sinh hoạt sạch hơn Singapore và có nhiều xe gắn máy hơn Singapore.
Vào năm 1965, thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 516 USD/người/năm, thấp hơn Nhật Bản và Hong Kong.
Mặc dù có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất châu Á, bất bình đẳng thu nhập lại là vấn đề rất lớn của Singapore. Phần lớn người lao động vật lộn với ngưỡng đói nghèo và sống trong các khu ổ chuột.
Một trong những thành tựu đầu tiên và được ca ngợi nhiều nhất của chính phủ Lý Quang Diệu là giải quyết vấn đề nhà ở. Năm 1960, Cơ quan Phát triển và Gia cư (HDB) được thành lập, dùng tiền chính phủ mua đất và xây cất các căn hộ chung cư để cho thuê hoặc bán cho người dân với giá phải chăng. Người dân có thể vay tiền chính phủ để mua các căn hộ này. Kết quả là ngày nay, các khu ổ chuột đã biến mất khỏi Singapore, thay vào đó, 80% người dân sống trong các căn hộ do chính phủ trợ cấp và xây dựng.
Tách ra khỏi Malaysia, Singapore phải dựa hoàn toàn vào hải quân Anh để bảo đảm quốc phòng. Năm 1965, quân đội Singapore được thành lập. Năm 1967, Anh tuyên bố sẽ đóng cửa căn cứ hải quân của mình ở Singapore vào năm 1971, đặt Singapore vào thế phải nhanh chóng xây dựng và củng cố lực lượng quân đội riêng của mình. Ngày nay, Singapore có lực lượng không quân và hải quân được trang bị thuộc loại hiện đại nhất Đông Nam Á, và có ngân sách quốc phòng thường xuyên nằm ở mức 3-5% GDP.
Singapore được hưởng lợi rất nhiều từ chiến tranh Đông Dương khi trở thành điểm cung ứng nhiên liệu lẫn dịch vụ cho quân đội Mỹ. Vào năm 1967, 15% thu nhập của Singapore đến từ chi phí chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Lý Quang Diệu liên tục ủng hộ chính phủ Việt Nam Cộng hoà cũng như sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, cho rằng điều này là thiết yếu để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông Nam Á. Năm 1971, vốn đầu tư của các công ty Mỹ vào Singapore nhờ vậy cũng tăng chóng mặt. Quốc đảo này hưởng lợi từ Mỹ thậm chí nhiều năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973.
Trong những năm 1960, Singapore cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines cùng quan ngại về sự lan toả của chủ nghĩa cộng sản. Ngày 8/8/1967, họ cùng nhau ký Tuyên ngôn Bangkok, lập ra Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một liên minh chống cộng. Cho đến nay, ASEAN đã không còn giữ mục đích ban đầu và kết nạp cả hai quốc gia cộng sản là Việt Nam và Lào vào khối.
Năm 1968, chính phủ Singapore chính thức bước vào cuộc đua trở thành một trong những trung tâm tài chính thế giới, với ý định lấp vào chỗ trống trên thị trường tài chính thế giới khi đó: khoảng thời gian từ khi thị trường Mỹ đóng cửa cho tới khi thị trường châu Âu mở cửa. Với nền tảng thị trường tự do sẵn có, tư bản được phép tự do lưu thông ở Singapore với rất ít quy định ràng buộc. Nhờ vậy, Singapore có thể đi trước Hong Kong một bước và trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới.
Năm 1990, Lý Quang Diệu rời chức thủ tướng sau 21 năm cầm quyền. Người thay thế ông là Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong, sinh năm 1941), một nhà kỹ trị có nền tảng học vấn về kinh tế. Lý Quang Diệu, mặc dù vậy, vẫn nằm trong nội các với tư cách là bộ trưởng cao cấp, với ảnh hưởng rất lớn sau hậu trường. Vào thời điểm này, GDP bình quân đầu người của Singapore đã là gần 12.000 USD, bỏ xa Hàn Quốc (6.500 USD) và tiệm cận Hong Kong (13.500 USD).
Kể từ đây, Ngô Tác Đống sẽ dẫn dắt Singapore trong 14 năm tiếp theo, vượt qua thử thách cực kỳ lớn là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tiếp tục đưa Singapore đạt được những thành tựu kinh tế – xã hội đáng kinh ngạc.
Song hành với ông suốt 14 năm đó là vị phó thủ tướng trẻ tuổi Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), con trai của Lý Quang Diệu. Và kể từ năm 2004, Lý Hiển Long thay ông làm thủ tướng.
Chính phủ Singapore luôn được tiếng liêm khiết, trong sạch. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số liêm chính của chính phủ Singapore kể từ khi bắt đầu đánh giá năm 1995 đến nay luôn nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới, và thường xuyên ở vị trí nhất thế giới.
Giáo dục luôn là ưu tiên của chính phủ Singapore. Ngay trước thời Ngô Tác Đống, vào năm 1987, Singapore đã cho các trường học được hưởng một cơ chế độc lập rộng lớn. Đến năm 1997, chính phủ đưa ra chính sách “Nhà trường tư duy, Quốc gia học tập” (Thinking Schools, Learning Nation), thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc cải cách giáo dục hướng tới đổi mới sáng tạo, học tập suốt đời, với một cuộc dịch chuyển mạnh mẽ sang công nghệ thông tin.
Nhờ vậy, Singapore trở thành một hình mẫu về giáo dục trên thế giới, thu hút sinh viên quốc tế tới theo học.
Tuy vậy, giáo dục Singapore cũng bị đánh giá là quá căng thẳng và nhiều áp lực cho học sinh, sinh viên.
Trái với hình ảnh cởi mở và tự do về kinh tế, Singapore lại không phải là một xã hội tự do về chính trị. Trong hình là một địa điểm nổi tiếng tại công viên Hong Liam, nơi được thiết kế riêng cho những ai muốn tự do phát biểu và tụ tập (mặc dù vẫn phải xin phép trước). Bên ngoài khu vực này, mọi phát ngôn hay hành vi tụ tập ở nơi công cộng đều bị quản lý rất chặt chẽ. Những ai chỉ trích chính quyền đều có khả năng bị phạt tiền nặng hoặc lãnh án lên tới nhiều năm tù về tội phỉ báng, nổi loạn, hoặc xúc phạm người khác.
Dù có tiếng là độc đoán về chính trị, Singapore vẫn duy trì chế độ chính trị đa đảng từ khi giành được độc lập năm 1959 tới nay. Tuy vậy, đảng Nhân dân Hành động vẫn giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử. Đảng cầm quyền bị chỉ trích thao túng bầu cử thông qua việc kiểm soát cơ quan bầu cử quốc gia, các cơ quan truyền thông và viện nghiên cứu.
Xét trên nhiều phương diện, Singapore là một ngoại lệ: diện tích nhỏ, ít dân, vị trí địa lý đặc biệt, nói tiếng Anh giữa lòng châu Á, thừa hưởng di sản thuộc địa của Anh quốc, có một chính phủ mang màu sắc phi dân chủ nhưng trong sạch và hiệu quả, và đạt được mức độ thay đổi ngoạn mục trong một thời gian rất ngắn.
Ngày nay, Singapore đã có thu nhập bình quân đầu người đạt 64.500 USD, vượt xa đối thủ một thời là Hong Kong (48.700 USD), vượt xa cả cường quốc châu Á là Nhật Bản (39.300 USD) và gia nhập nhóm 10 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Hộ chiếu của nước này thường xuyên nằm trong nhóm hai nước mạnh nhất thế giới.
Sau 700 năm, câu chuyện của thành phố sư tử Singapore sẽ còn tiếp tục như thế nào?