Án tử hình tại Singapore: Đại chúng có ủng hộ mạnh mẽ?

Người dân “ủng hộ cao” trong sự thiếu thông tin, thiếu bối cảnh.

Án tử hình tại Singapore: Đại chúng có ủng hộ mạnh mẽ?
Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

Singapore luôn được mệnh danh là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Mặt khác, trong suốt một thời gian dài, quốc gia này cũng liên tục bị chỉ trích về việc cương quyết không từ bỏ án tử hình (đặc biệt liên quan đến các tội danh buôn bán, vận chuyển ma túy vào lãnh thổ Singapore) dù tình hình kinh tế và xã hội nói chung của đảo quốc đã đạt đến mức độ cao, tương đồng với các quốc gia phát triển châu Âu.

Tuy nhiên, đây là những tranh cãi có từ tận thập niên 1970. 

Cho đến giai đoạn hiện nay, liệu chính phủ và người dân Singapore còn duy trì quan điểm của cách đây nhiều thập niên? Đã có những chuyển biến gì xảy ra?

Bài viết này hy vọng có thể mang đến cho quý độc giả một cập nhật tổng quan về tình hình thực thi án tử hình ở Singapore, và từ đó, đưa ra một vài góc nhìn và định hướng phát triển của hệ thống tư pháp của quốc gia này. Liệu Việt Nam có ở vị trí như vậy hay không? 

Singapore có thể được xem là “thủ phủ” án tử của thế giới 

Như tại hầu hết các quốc gia châu Á đang còn duy trì hình phạt tử hình (Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, v.v.) số liệu về tử tù cũng như con số thực thi án tử hình hằng năm không được công khai rộng rãi để được nghiên cứu, đánh giá khách quan ở Singapore. Song thông qua một vài biện pháp nghiên cứu khác nhau (như phỏng vấn quan chức, thống kê qua báo chí, v.v.), giới học giả cũng có được vài thông tin quan trọng về tình hình áp dụng án tử tại đây. 

Ví dụ, trong một nghiên cứu chi tiết về án tử hình tại châu Á vào năm 2009, các tác giả có thể khẳng định rằng Singapore có thể được xem là “thủ phủ” của án tử hình toàn thế giới. [1]

Ví dụ, trong thập niên 1990, tỷ lệ án tử hình trên đầu người của Singapore gần gấp đôi con số tương tự trong chiến dịch vận động chống tội phạm khét tiếng của Trung Quốc từ năm 1983, và khả năng kết án tử dành cho người phạm tội giết người thì gấp 24 lần tiểu bang Texas, vốn cũng là một điểm nóng của án tử hình.

Hay nếu so sánh với Nhật Bản, chỉ trong năm 1994, Singapore thi hành án tử hình đối với 76 phạm nhân, một con số tương ứng với 30 năm thi hành án tử tại Nhật Bản (từ năm 1978 đến năm 2007). [2] Cần nhớ rằng dân số của Nhật trong suốt giai đoạn trên gấp 30 lần dân số Singapore.

Điều này minh chứng cho việc hệ thống pháp luật hình sự của Singapore được cho là có tính hà khắc hơn rất nhiều so với các hệ thống pháp luật khác. [3]

Trước tiên, án tử hình gần như là một tội danh định sẵn cho cáo buộc về tội cố ý giết người (homicide). 

Kế đó, phải kể đến quy định án tử hình bắt buộc dành cho việc sở hữu các loại chất hướng thần với mục đích vận chuyển (trafficking). Không chỉ vậy, tiêu chuẩn các loại chất hướng thần sở hữu và vận chuyển rất thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, khiến cho án tử hình đối với nhóm tội danh này gần như là chắc chắn. Có thể kể đến các tiêu chuẩn như: 15 gram heroin (bạch phiến), 30 gram cocaine, 250 gram methamphetamine (ma túy đá), và 500 gram cannabis (cần sa).

Không chỉ vậy, trách nhiệm chứng minh cũng được đảo ngược trong các vụ án liên quan đến vận chuyển chất hướng thần. Một người bị phát hiện sở hữu khối lượng chất như quy định sẽ được xem là đương nhiên đang thực hiện hành vi vận chuyển, trừ khi người này có thể chứng minh điều ngược lại.

Tình hình và xu thế

Trong một số nghiên cứu gần đây, nỗ lực thống kê của nhiều nhóm nghiên cứu cho thấy không có một xu thế nào cụ thể để chứng tỏ có bất kỳ động thái nào từ phía chính phủ Singapore nhằm thay đổi tính phổ biến và số lượng án tử hình.

Số bản án tử hình được thực thi qua từng năm ở Singapore trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2016. Nguồn: Ministry of Home Affairs (2018).

Trong bảng thống kê từ nghiên cứu “Capital Punishment in Singapore: A Critical Analysis of State Justifications” ở trên, có thể thấy việc thi hành án tử hình ở đảo quốc có phổ ngẫu nhiên. [4] Năm 2007 chỉ có ba trường hợp, giai đoạn 2012 - 2013 không có trường hợp nào, song đến năm 2017 lại có đến tám trường hợp.

Tuy vậy, có một điểm dễ nhận thấy hơn là đại đa số các án tử hình xuất phát hoặc liên quan đến tội danh vận chuyển các loại chất hướng thần. Điển hình nhất là trong năm 2017, toàn bộ tám trường hợp tử hình đều thuộc về vấn đề này. 

Có một số thông tin cho thấy bản thân chính phủ Singapore cũng đã tìm cách giới hạn sự tùy tiện trong việc áp dụng án tử hình để phản hồi chỉ trích về cách áp dụng án tử hình của họ chỉ nhắm đến những người bần cùng, tuyệt vọng, buộc phải là thế thân vận chuyển, thay vì giải quyết được những đầu đảng của các băng ma túy. 

Ví dụ, năm 2012, đã có một số thay đổi lập pháp cho phép ân giảm án tử hình thành án chung thân nếu người bị cáo buộc chỉ được thuê vận chuyển mà không có bất kỳ vai trò gì khác. Tương tự, một người cũng sẽ được ân giảm án tử nếu họ là người mắc các chứng bệnh về tâm thần khiến cho khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi hạn chế trong quá trình tham gia vận chuyển chất hướng thần. Ngoài ra, các cá nhân hỗ trợ tích cực quá trình điều tra cũng sẽ được cân nhắc giảm án. [5]

Vấn đề ở chỗ, các thảo luận này chỉ giới hạn được thực thi án tử hình trong hai năm 2012 - 2013. Sau đó, như biểu đồ đã dẫn ở trên, án tử hình tiếp tục được thực thi bình thường.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu sẽ có bất kỳ biến chuyển gì đối với tình hình án tử hình ở Singapore? 

Trong năm 2023, một số tin xấu cho các tổ chức vận động nhân quyền ở Singapore là việc chính quyền đảo quốc sẽ lần đầu tiên thực thi án tử hình đối với một phụ nữ sau gần 20 năm. [6] Và tính đến tháng 8 năm nay, hệ thống tư pháp của Singapore đã hoàn tất việc tử hình người thứ ba trong năm liên quan đến vận chuyển chất hướng thần. [7]

Cách tiếp cận của đại chúng ra sao

Cho đến thời điểm này, chính phủ Singapore luôn tìm cách lý giải lý do tiếp tục duy trì án tử hình, ngoài các lý luận pháp lý phổ biến như hiệu quả ngăn chặn tội phạm, thì đó còn là sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng. 

Một số thống kê chung cho thấy đại đa số quần chúng Singapore ủng hộ án tử hình đối với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng ở quốc gia này. Tuy nhiên, như nhiều cảnh báo dành cho các báo cáo và thống kê thường thấy, các số liệu hoàn toàn có thể bị thao túng ngay từ cách thức đặt câu hỏi và thu thập thông tin. 

Đọc nghiên cứu “fact check” (kiểm chứng thông tin) của nhóm học giả đến từ Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) có tên gọi “How strong is public support for the death penalty in Singapore?”, chúng ta sẽ tiếp cận một cách hoàn chỉnh hơn về sự ủng hộ của đại chúng tại đảo quốc dành cho án tử hình. [8]

Theo đó, một trong những vấn đề của dạng câu hỏi “ủng hộ hay không ủng hộ” thường kéo theo một giả định là người được hỏi đã có đầy đủ kiến thức và thông tin về vấn đề mà họ được hỏi hay không. Nghiên cứu này chỉ ra đây là một giả định có vấn đề. 

Ví dụ, cách đặt câu hỏi của nhóm để kiểm chứng kiến thức của người tham gia phỏng vấn cho thấy chỉ có 3% biết rất nhiều (great deal) về tình hình án tử hình ở Singapore; 36% biết một chút; 51% biết rất ít; và 11% hầu như không biết gì về các thông tin pháp lý (loại án tử hình, phương pháp đưa ra án tử hình, v.v.). 

Điều này đặt ra nghi vấn rằng, khi mà các nghiên cứu nhà nước không phân tích việc liệu người dân có thật sự hiểu điều gì đang xảy ra, thì việc hỏi quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ của họ có ý nghĩa gì nữa hay không. 

Không chỉ vậy, nghiên cứu còn hỏi chi tiết hơn để tách biệt sự ủng hộ của quần chúng đối với từng loại tội danh, và thậm chí là từng tình huống cụ thể. 

Ví dụ, có đến 92% người tham gia khảo sát ủng hộ án tử hình dành cho tội danh cố ý giết người. Tuy nhiên, khi được hỏi về án tử hình dành cho một phạm nhân bị cáo buộc dùng súng bắn một người quản lý cửa hàng để cướp (là một vụ việc thực tế xảy ra lúc đó), số lượng chọn hình phạt tử hình chỉ còn 64%.

Tương tự, dù có khoảng 47% người được khảo sát ủng hộ án tử hình dành cho hành vi vận chuyển chất hướng thần nhưng khi được giới thiệu từng vụ việc và tình huống cụ thể thì số lượng người ủng hộ án tử hình thậm chỉ giảm xuống chỉ còn 17% hay 30%. 

Trên cơ sở này, nhóm tác giả cho rằng cái gọi là “sự ủng hộ cao” của quần chúng Singapore dành cho án tử hình nói chung thường được khái quát hóa một cách thiếu thông tin, thiếu bối cảnh. Đặc biệt đối với hình phạt tử hình dành cho tội danh vận chuyển các loại chất hướng thần trái phép, số lượng người ủng hộ án tử hình chỉ là thiểu số. 

*** 

Tình hình về án tử hình tại Singapore, vốn có nhiều thông tin, nghiên cứu và số liệu hơn tại Việt Nam, cho chúng ta một cái nhìn so sánh về cách mà cả hai chính quyền khá gần nhau về địa lý, thủ thuật chính trị và quan điểm dân chủ, v.v. đối mặt với các chỉ trích quốc tế về án tử hình. 

Sự thiếu hụt số liệu, giấu giếm thông tin, và kiểu truyền thông bao biện “đại đa số quần chúng ủng hộ” sẽ tiếp tục làm nhiễu loạn không gian thông tin cần thiết cho một thảo luận sòng phẳng của cộng đồng về sự cần thiết của án tử hình.



Cực hình tâm lý của tử tù: Khi án tử hình chưa phải là điều tồi tệ nhất
Thời gian chờ thi hành án tử kéo dài như một cách tra tấn về thể chất lẫn tinh thần.
Vì sao chính quyền Việt Nam che giấu số liệu án tử hình?
Do số liệu quá khủng khiếp, hay do không muốn thừa nhận đã thất bại trong việc răn đe tội phạm?
Khi Giáo hội Công giáo La Mã chống án tử hình
“Phẩm giá của con người không mất đi ngay cả sau khi họ đã phạm những tội ác rất trầm trọng.”
Khía cạnh tàn nhẫn của án tử hình khi án mạng xảy ra trong một gia đình
Những đứa trẻ mới vừa mất mẹ nay lại mất thêm cha.

Chú thích

1. Johnson, D. T., & Zimring, F. E. (2009). The next frontier: national development, political change, and the death penalty in Asia. New York: Oxford University Press.

2. Zimring, F., Fagan, J., & Johnson, D. T. (2010). Executions, deterrence, and homicide: a tale of two cities. Journal of Empirical Legal. 

3. David T Johnson, ‘The Jolly Hangman, the Jailed Journalist, and the Decline of Singapore’s Death Penalty’ (2013) 8 Asian Journal of Criminology 41.

4. Ariel Yin Yee Yap and Shih Joo Tan, ‘Capital Punishment in Singapore: A Critical Analysis of State Justifications From 2004 to 2018’ (2020) 9 International Journal for Crime, Justice and Social Democracy 133.

5. Ewe, K. (2023, August 4). As Singapore hangs more drug offenders, some worry cases aren’t always Clear-Cut. Time. https://time.com/6301702/singapore-death-penalty-drug-cases/

6. Rebecca Ratcliffe and Rebecca Ratcliffe South-east Asia Correspondent. (2023, July 31). Singapore executes a woman for first time in almost two decades. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2023/jul/28/singapore-woman-execute-death-penalty-saridewi-djamani-executed

7. EILEEN NG. (2023, August 3). Singapore executes third prisoner in 2 weeks for drug trafficking. ABC News. https://abcnews.go.com/International/wireStory/singapore-executes-prisoner-2-weeks-drug-trafficking-101973843

8. How strong is public support for the death penalty in Singapore? (2018, June). Institutional Knowledge at Singapore Management University. https://ink.library.smu.edu.sg/cgi/viewcontent.cgi?article=4352&context=sol_research

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.