Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường vì cáo buộc lạm dụng tình dục
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước
Vài ngày qua, một bản tin đã gây ấn tượng mạnh trên các trang mạng xã hội của Đài Loan, Hong Kong và bây giờ là Việt Nam. Đó là thông tin về “sự thật” đằng sau việc từ chức của Rupert Hogg, cựu CEO của hãng hàng không quốc gia Hong Kong, Cathay Pacific.
Vào ngày 16/8, Rupert Hogg cùng Paul Loo, nhân vật điều hành số hai của Cathay, đã phải rời bỏ chức vụ sau áp lực lớn của Bắc Kinh.
Trước đó, Cathay đã phải nhượng bộ, sa thải nhân viên mặt đất lẫn các phi công tham gia vào phong trào phản kháng, cảnh báo cấm người của công ty tham gia vào “các cuộc biểu tình phi pháp”. Nhưng đến ngày 16/8, CEO và vị phó của Cathay vẫn bị buộc phải từ chức.
Vài ngày sau, trên các trang mạng bắt đầu lan truyền thông tin về việc CEO Rupert Hogg đã dũng cảm ra sao trong việc chống lại thế lực của chính quyền cộng sản.
Các bài viết nói về việc Bắc Kinh tức giận yêu cầu ông phải giao nộp danh sách những nhân viên của Cathay tham gia biểu tình. Vị CEO người Anh này đã làm theo yêu cầu, nộp một bản danh sách cho Bắc Kinh. Trong danh sách đó chỉ có duy nhất một cái tên: Rupert Hogg.
Sau đó ông từ chức.
Không ngạc nhiên khi thông tin này lập tức lan truyền cuồn cuộn trên các trang mạng.
Những người Hong Kong và Đài Loan gọi ông là “dũng sĩ chân chính”, là “người hùng”, so sánh ông với những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, thà hi sinh thân mình chứ không bán đứng đồng đội.
Hành động này được ngợi ca như gương sáng điển hình soi rõ giá trị quan khác biệt giữa những con người yêu tự do dân chủ, và những kẻ độc tài cầm quyền chỉ biết bức hại người khác.
Nhiều tờ báo của Đài Loan và cả những tờ tin tức của Mỹ như International Business Times, Newsweek đều đăng tải thông tin trên.
Ai đọc thấy cũng đều phải ngả mũ kính phục.
Ngoại trừ một vấn đề nhỏ: không ai chỉ ra được nguồn tin ban đầu đến từ đâu.
Những người Việt chỉ về bản tin trên International Business Times để làm căn cứ. Bản tin này dẫn lại tin từ tờ báo Taiwan News của Đài Loan. Tờ của Đài Loan dẫn lại “nguồn tin địa phương” không xác định, và chủ yếu tập trung vào nội dung của các bài đăng tải trên mạng xã hội. Các bài đăng trên mạng xã hội này cũng không có ý định dẫn nguồn, mà nếu có, như các bài của Việt Nam, thì dẫn ngược lại trang của International Business Times ở trên, hoặc trang tin tức Trí Thức VN mà nội dung toàn bộ dẫn lại các bài viết của người dùng trên các mạng xã hội.
Thông tin phổ biến đến mức trang tin tức Newsweek lâu đời của Mỹ cũng đăng bài với cùng công thức: dẫn bài đăng trên Facebook + International Business Times + tờ báo của Đài Loan.
Trong khi những nguồn tin địa phương Hong Kong, từ các tờ báo lớn như South China Morning Post, các báo độc lập như Hong Kong Free Press, đến các tờ vốn được xem là “căn cứ địa” của phe biểu tình như Apple Daily hay Stand News, tất cả đều không có một mẩu tin nào về nó.
Bên cạnh đó, bản thân cựu CEO Rupert Hogg, hãng Cathay Pacific, hay các nguồn tin liên quan trực tiếp tới vụ việc này đều chưa đưa ra phát ngôn nào trùng khớp với câu chuyện nêu trên.
Trường hợp này mang đầy đủ dấu hiệu của một ca kinh điển kiểu “tin tức lặp vòng” (circular reporting), khi người ta tưởng rằng mình có nhiều nguồn tin khả tín nhưng thực chất tất cả đều lặp đi lặp lại một nguồn duy nhất.
Còn “nguồn khả tín” ban đầu ở đâu thì không ai biết được.
Danny Lee, phóng viên của tờ South China Morning Post, chuyên phụ trách về mảng hàng không đã tuyên bố trên trang twitter cá nhân của anh rằng đây là “tin vịt”. Thời điểm đăng tweet này là tối ngày 20/8/2019, giờ Việt Nam.
Luật Khoa cũng đã liên hệ riêng với anh và được xác nhận một lần nữa qua email vào sáng ngày 21/8 rằng nguồn tin của Danny trong hãng Cathay Pacific cho biết tin này là giả.
Tất nhiên bạn đọc có quyền chất vấn, biết đâu nguồn tin, hay chính bản thân anh phóng viên Danny Lee này và tờ báo bị Alibaba mua lại của anh đều không đáng tin.
Hoặc thậm chí chính Luật Khoa đang đăng tin giả.
Đa phần mọi người đều có nhu cầu đặc biệt phải biết nhiều tin, và biết càng sớm càng tốt. Đồng thời rất nhiều người trong chúng ta dễ bị thu phục trước những câu chuyện cảm động đầy tính nhân văn.
Nhu cầu thứ nhất dẫn đến việc sản sinh những “tin tức thời sự/ nóng hổi” (hot news, breaking news). Nhu cầu thứ hai khiến người ta nghĩ ra một thể loại tin bài mà nhiều khi được gọi là “súp gà” hay “hạt giống tâm hồn” (chicken soup for the soul).
Những nội dung kết hợp cả hai loại trên là một công thức hoàn hảo để một bản tin có thể được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bản tin về vị CEO anh hùng này là một ví dụ như vậy.
Nhiều người xem đây là hệ quả của việc phát triển công nghệ, trong đó có internet và mạng xã hội. Nhưng trên thực tế, giống như trong bài viết về tin vịt mà Luật Khoa đã giới thiệu trước đây, hiện tượng này đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử nhân loại.
Nhiều người đã từng nghe qua những truyện cười với màu sắc tương tự, như câu truyện dưới đây.
Tại một làng nọ, khi mùa đông sắp đến, những người da đỏ tập hợp lại hỏi tù trưởng về tình hình thời tiết năm nay.
Vị tù trưởng không chắc chắn, nhưng sợ mất uy tín, nên bảo với mọi người ông sẽ tham vấn “thần linh” rồi trả lời sau.
Ông đi gọi điện đến đài khí tượng địa phương. Người trực ban trả lời “chắc sẽ lạnh đó”.
Tù trưởng truyền đạt lại với dân trong làng, “mùa đông năm nay sẽ lạnh, mọi người nhớ gom củi sưởi ấm.”
Dân làng liền đi gom củi. Sau khi gom kha khá, vài ngày sau họ quay lại hỏi tù trưởng, “sẽ lạnh cỡ nào, nhiêu đây củi đủ chưa?”.
Tù trưởng gọi cho đài khí tượng, nhận được câu trả lời là “sẽ lạnh lắm”. Ông truyền đạt lại lời của “thần linh” cho dân làng. Mọi người tất bật đi gom thêm củi.
Vài ngày sau, chưa yên tâm, họ lại muốn hỏi tù trưởng, “có cần phải kiếm thêm củi không, mùa đông này có lạnh lắm không?”.
Tù trưởng lại hỏi “thần linh”/ đài khí tượng. Câu trả lời là “đây sẽ là mùa đông lạnh nhất từ xưa tới nay”.
– Anh có chắc không? – vị tù trưởng lo lắng hỏi lại đài khí tượng.
– Chắc chắn. Bữa giờ tôi thấy mấy người da đỏ đi kiếm củi như điên kìa.
Đó là một truyện cười kinh điển minh họa về việc chúng ta có thể dễ dàng lẫn lộn nhập nhằng giữa đâu là sự thật, đâu là “như thật”.