Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Dịch từ bài “God made the rainbow: why the Bible welcomes a gender spectrum” của Robyn J. Whitaker, giảng viên cao cấp về Tân Ước, Đại học Thần học (Úc), đăng trên The Conversation ngày 16/12/2019.
“Chúa tạo ra Adam và Eve chứ có tạo ra Adam và Steve đâu” – đó là câu nói mà tôi từng nghe không chỉ một lần trong cộng đồng Thiên Chúa giáo. Kinh Thánh thường được viện dẫn để bảo vệ một quan điểm gọi là truyền thống về giới, ấy là, trên đời này chỉ có hai giới tính và đó là cách Chúa muốn. Nhưng có đúng như vậy không?
Các quan điểm về giới trong Kinh Thánh thường bắt đầu bằng câu chuyện sáng thế. Nhưng chuyện Adam và Eve cũng không nói thẳng tuột ra như chúng ta tưởng khi nhắc đến vấn đề giới, bởi vì (Kinh Thánh khi được dịch sang) tiếng Anh đã để mất ý nghĩa của trò chơi chữ trong tiếng Do Thái cổ.
Adam không phải là tên riêng trong tiếng Do Thái cổ, mà là sự chuyển tự, từ một từ Do Thái, a-d-m, sang tiếng Anh. Theo chuyện kể, Chúa như là người nặn đồ gốm sứ, còn “adam” là một sinh vật có hình dáng con người, được làm bằng adamah (đất, thổ). Nhà nghiên cứu Kinh Thánh Meg Warner viết rằng, tốt nhất, chúng ta có thể gọi người này là “sinh vật bằng đất”.
Con người đầu tiên đã ra đời mà không mang giới tính gì. Trên thực tế, vai trò của giới chỉ xuất hiện trong câu chuyện khi một đối tác được tạo ra trên cõi trần, hay là khi con người nói trên được chia thành hai. Khi ấy, cả hai đều mang giới tính riêng: “Eve” là người phụ nữ (ishah) cấu thành từ xương sườn của người đàn ông (ish).
Một số người Cơ Đốc đã đưa thứ bậc về giới tính vào trong văn cảnh này, khi họ thấy trong phiên bản tiếng Anh cổ, Eve được gọi là “người giúp đỡ” hay “người làm bạn, giúp đỡ” Adam.
Nhưng thực ra, từ “người giúp đỡ” không hàm ý địa vị thấp kém hơn. Đó là một từ thường xuyên được dùng cho Chúa trong Kinh Thánh, và vì thế không mang ý nghĩa thấp hơn, phụ thuộc, lệ thuộc.
Chắc chắn rằng vai trò truyền thống của nam giới – nữ giới đã được nhắc đến rất nhiều trong Kinh Thánh. Suy cho cùng, đó là một văn bản cổ xưa, phản ánh giá trị của các xã hội nơi nó ra đời.
Ở những xã hội này, nam trị là lý tưởng và đa thê là chuyện không hiếm. Điều đó khiến chúng ta càng ngạc nhiên hơn khi có những lúc, chúng ta đọc được trong Kinh Thánh các đoạn lật ngược lại những định kiến về giới và đa dạng giới tính.
Một tích khác về sáng thế nằm ở chương đầu tiên của sách Sáng Thế 1, kể rằng:
Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa;
theo hình ảnh của mình, Ngài tạo ra con người, đàn ông và đàn bà.
Thoạt xem, dường như rõ ràng: Chúa tạo ra hai giới tính khác nhau, riêng biệt. Nhưng nếu chúng ta đặt dòng này vào bối cảnh của nó, ta sẽ thấy câu chuyện sáng thế đi theo một cấu trúc thi ca, đưa ra hàng loạt những cặp khái niệm, cho thấy quyền năng sáng tạo mênh mông của Chúa: ánh sáng và bóng tối, biển và đất liền, sinh vật trên cạn và sinh vật biển.
Trong sách Sáng Thế, những cặp đó không phải là các khái niệm tách biệt, mà là một dải rộng (phổ).
Biển và đất liền gặp nhau ở những bãi bùn. Có những động vật sống được cả trên đất liền lẫn dưới biển. Ánh sáng và bóng tối gặp nhau ở những không gian giao thoa, là bình minh và hoàng hôn. Chúa không tạo ra đêm và ngày, mà tạo ra đêm, ngày, và tất cả những thứ ở giữa.
Nếu vận dụng đúng logic thi ca đó vào nhân loại học, có thể kết luận như thế này về sự đa dạng về giới tính và giới trong câu chuyện sáng thế: một sự đa dạng rất sáng tạo, mà Chúa gọi là “điều tốt đẹp”.
Các học giả ủng hộ đa dạng giới và nữ quyền đã chỉ rõ những đoạn nói về việc chống định kiến giới tính trong Kinh Thánh.
Ví dụ, Jacob là người “nhẹ nhàng” và “chỉ ở trong lều” – những đặc điểm truyền thống của phụ nữ thời xưa. Tuy nhiên, ông được chọn để dẫn dắt người của Chúa thay vì người em trai thợ săn rậm rạp râu tóc. Học giả Rabbi Jay Michaelson nhận xét rằng Jacob là người “không tuân theo các định kiến về giới tính”.
Megan DeFranza là nhà thần học nghiên cứu về vị thế của người chuyển giới trong Thiên Chúa giáo. Mặc dù thừa nhận rằng chuyển giới là một từ hiện đại, nhưng bà cho rằng chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng người chuyển giới trong Kinh Thánh, qua ngôn ngữ của các thái giám.
Lời Chúa Jesus trong Matthew 19:12, rằng “có những người sinh ra làm thái giám”, là sự thừa nhận rằng Chúa có biết về sự tồn tại của người chuyển giới và không đánh giá gì về những người không tuân theo sự phân loại truyền thống con người thành đàn ông và đàn bà. Trong đoạn này, Chúa Jesus xác nhận cả hôn nhân giữa hai người khác giới lẫn hôn nhân của người chuyển giới và người vô giới tính.
Đây là không phải lần xác nhận duy nhất. Ê-sai chương 56 nói rằng Chúa hài lòng về những viên thái giám đã đến đền thờ. Còn trong Công vụ Các Sứ đồ chương 8, một thái giám đã được đón nhận hoàn toàn vào cộng đồng Cơ Đốc mới thông qua lễ báp-têm. Trong tất cả các trường hợp, không có ai phải thay đổi mình thì mới được tham dự vào nghi lễ thờ phượng của cộng đồng.
Là một văn bản cổ, hiển nhiên là Kinh Thánh không dùng ngôn ngữ thời nay cũng như không phản ánh những hiểu biết đương thời về giới, kể cả về người chuyển giới hay vô giới.
Vì thế, chúng ta không thể chỉ tách một, hai câu khỏi Kinh Thánh rồi lấy đó như phán quyết cuối cùng về giới và giới tính. Bởi vì Kinh Thánh phản ánh thế giới quan tiền khoa học, ngoài ra, sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được sự đa dạng quan điểm nếu giữ cái kiểu đọc văn bản này.
Điều mà chúng ta có thể nói là Kinh Thánh khẳng định, theo nhiều cách khác nhau, điều tốt đẹp tiềm tàng trong tất cả mọi người và sự bao dung, đón nhận cả những người khác biệt – khác biệt với sự phân định giới tính thông thường.
Mặc dù nhiều nhà thờ vẫn còn là nơi không an toàn đối với người chuyển giới hoặc người đa dạng giới, nhưng vẫn cần phải nhấn mạnh những đoạn có tính chất lật ngược vấn đề trong các văn bản thời phụ hệ, những đoạn nêu lên quan điểm thách thức các định kiến hẹp hòi, cả xưa và nay.
Bài viết này nằm trong loạt bài về vấn đề giới và Thiên Chúa giáo.