Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Một thế hệ thanh niên Nhật Bản bất an và giận dữ đang hình thành. Và họ đang cất tiếng nói.
Ngày 22 tháng 10 năm 2019, Nhật hoàng Naruhito chính thức lên ngôi sau khi thân sinh ông, Thái thượng hoàng Akihito (85 tuổi), trở thành vị vua đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản chủ động thoái vị vì tuổi già sức yếu. Đây là buổi lễ lớn của xã hội Nhật, được tổ chức trọng thể. Buổi lễ đăng quang đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên Bình Thành (Heisei) và khởi đầu thời kỳ Lệnh Hòa (Reiwa).
Các nhà xã hội học và kinh tế gọi thời kỳ hỗn loạn của thập niên 1990 là “thập kỷ mất mát”. Các công ty và người lao động Nhật đã phải vật lộn để tìm lại chỗ đứng của họ trên thị trường thế giới. Nhiều người giàu trở nên trắng tay sau một đêm và các công ty trở nên mất giá trị. Một bộ phận lớn người lao động bị sa thải, một số khác thì cố làm thêm giờ để tránh rơi vào công cuộc tinh giảm nhân sự. Đây là một sự trì trệ và giảm phát mà người dân Nhật phải đối phó.
Trước đó, người lao động đã quen với các chương trình việc làm trọn đời mà các công ty đã áp dụng từ lâu. Nguyên lý ở đây là họ sẽ làm việc và tăng ca sau giờ làm. Đổi lại, công ty cung cấp cho nhân viên một công việc ổn định dài lâu với mức lương cao cùng phúc lợi tốt.
Khi kinh tế Nhật Bản đang dần hồi phục, một bộ phận người trẻ Nhật không cảm thấy được sự thay đổi này. Họ là một phần của “thế hệ bị đánh cắp” của Nhật Bản. Sự biến động về kinh tế như một “đòn chí tử” cho họ.
Freeter hay Furiitaa là tên gọi của một bộ phận lao động trẻ kém may mắn và bị đối xử bất công trong xã hội Nhật Bản. Freeter được cho là xuất phát từ hai từ: “free”, trong tiếng Anh, nghĩa là tự do và “ter”, trong tiếng Đức, là người lao động.
Tên gọi này lần đầu tiên được sử dụng vào cuối những năm 1980 để mô tả những người đi làm nhưng lại không được công ty ký hợp đồng chính thức và chấp nhận làm các công việc tay chân. Họ không còn là sinh viên để có thể được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế và cha mẹ trợ cấp đủ đầy. Họ cũng không phải thuộc thành phần nội trợ để có thể được hưởng trợ cấp bảo hiểm và lương hưu của chồng – những người được công ty ký hợp đồng chính thức, được gọi là Seishain.
Theo Viện Lao động Nhật Bản, năm 2000, mức lương trung bình của một người làm việc tự do (4,9 ngày một tuần) vào khoảng 139.000 yên một tháng. Họ chỉ kiếm nhỉnh hơn so với chuẩn nghèo ở Nhật đặt ra ở mức 1,22 triệu yên một năm (khoảng 101.667 yên một tháng).
Có ba nguyên nhân để người trẻ quyết định trở thành freeter. Đầu tiên, họ tự gọi bản thân là “thường dân quý tộc” và muốn tận hưởng cuộc sống tự do thay vì phải lao vào thị trường lao động Nhật Bản đầy cạnh tranh. Thứ hai, ước mơ của họ là trở thành freeter và sống bám vào cha mẹ. Thứ ba, họ không có khả năng tìm được một công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học. [1]
Từ đây, một tên gọi mới được gán cho những người trẻ, bao gồm cả freeter, là thế hệ Satori. Thế hệ này sống hay sinh ra trong thời kỳ Bình Thành đầy biến động, cho nên họ lo sợ sự thay đổi về cả kinh tế lẫn chính trị và không có bất kỳ tham vọng nào. Họ thường không lái xe hơi sang trọng, từ chối mặc quần áo hàng hiệu, không cần một cuộc sống tốt đẹp hơn, không muốn đi du lịch, không quan tâm đến thể thao hay chính trị, và không tha thiết yêu. Họ muốn từ bỏ những áp lực của cuộc sống đến từ việc làm, tình yêu, và gia đình bằng cách này hay cách khác. Họ quay lưng lại với chủ nghĩa duy vật không phải vì lý do tâm linh mà vì họ muốn như thế. Họ cố gắng để có một cuộc đời không căng thăng và không phải suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ.
Hàng loạt các tai tiếng về chính trị và sự sụt giảm về kinh tế đã dẫn đến việc giới trẻ Nhật ngày càng trở nên mất niềm tin vào chính phủ và dần trở nên bất an hơn bao giờ hết.
Sự kiện nổi bật nhất là thảm họa hạt nhân Fukushima đi cùng với sóng thần vào tháng 3/2011 khiến 573 người thiệt mạng, phần lớn là trẻ em và thanh thiếu niên. Một cơn bão thịnh nộ đã trỗi dậy trong xã hội, lên án các chính đảng không đưa ra những biện pháp kịp thời. Người dân đâm đơn kiện chính phủ Nhật Bản và công ty Điện lực Tokyo, yêu cầu điều tra và đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.
Phụ huynh của gần 400.000 trẻ cư trú tại Fukushima lúc đó tiến hành đòi bồi thường từ tháng Tư năm 2011. Các dự đoán chỉ ra rằng khoảng 400.000 trẻ em (dưới 18 tuổi tại thời điểm xảy ra thảm họa rò rỉ hạt nhân) sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe gắt gao để phát hiện và phòng tránh kịp thời ảnh hưởng của bức xạ, bởi vì trẻ em dễ bị nhiễm phóng xạ hơn người lớn.
Một nhóm người nhà nạn nhân đã kiện chính quyền thành phố Koriyama, yêu cầu bồi thường để những đứa trẻ phải di dời đến khu vực an toàn được đi học và hưởng nhiều phúc lợi hơn. Hai năm sau, Tòa án Tối cao bác đơn kiện của các nguyên đơn trong vụ Fukushima, tuyên bố rằng mức độ phóng xạ được bảo đảm ở mức an toàn.
Giới trẻ cảm thấy thất vọng hơn khi vào tháng 4-2016, Tòa án Tối cao Fukuoka đã bác bỏ lời cáo buộc và lệnh cấm đóng cửa hai lò phản ứng tại một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Kagoshima.
Sự phẫn nộ của giới trẻ còn liên quan đến việc các doanh nghiệp và chính phủ ủng hộ việc làm thời vụ hay ngắn hạn và Luật Lao động (Worker Dispatch Law) – giới hạn quyền lợi của người lao động và triệt tiêu sự bảo vệ của những người làm việc thời vụ. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 gây ảnh hưởng đến kinh tế Nhật và gây ra nhiều sức ép về việc làm cho người trẻ tuổi. Họ gặp nhiều khó khăn hơn để tìm việc, chấp nhận vị trí tạm thời, và luôn luôn trong “tư thế” bị sa thải bất cứ lúc nào khi không có thâm niên và kinh nghiệm.
Việc sửa đổi Luật Lao động năm 2012 được xem như một đòn đau cho giới trẻ khi quy định rằng thời gian cao nhất cho các công việc tạm thời ở một số công việc là ba năm. Họ ngày càng lo bị sa thải khi gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các công việc dài hạn. Hội học sinh cũng cảnh báo rằng khó khăn càng thêm chồng chất cho giới trẻ khi mức thuế tiêu thụ tăng lên 10% từ tháng 4/2017. Tổ chức này nhấn mạnh, “nếu việc gia tăng mức thuế tiêu thụ không đi cùng với việc tái cấu trúc lại hệ thống phân phối lợi ích an sinh xã hội thì khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Nhật Bản sẽ trở nên nghiêm trọng hơn”.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Nhật Bản đã giảm đi một nửa từ 2011 (8%) đến 2019 (4,1%). Tuy nhiên, một bộ phận lớn thanh niên Nhật Bản hiện chỉ làm công việc tạm thời, hợp đồng, hoặc bán thời gian. Đáng ngạc nhiên, trong khảo sát việc làm năm 2014 của thanh niên Nhật Bản (độ tuổi 15-34), 40.3% số người được hỏi trả lời rằng nguồn thu nhập chính của họ là do cha mẹ hỗ trợ. Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Big Issue của Vương quốc Anh có trụ sở ở Nhật Bản cũng chỉ ra rằng 77% thanh niên có thu nhập thấp đang sống cùng với cha mẹ, chủ yếu vì họ không có khả năng chi trả các chi phí quá đắt đỏ ở đất nước này.
Đảng Tự do Dân Chủ (LDP) của ông Shinzo Abe vẫn liên tục thắng áp đảo, ngoại trừ giai đoạn 1993-1994 và 2009-2012. Tuy năm nay mất chín ghế so với cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016, nhưng việc đảng LDP tiếp tục chiếm đa số ghế đảm bảo rằng Shinzo Abe có toàn quyền kiểm soát chương trình nghị sự của chính phủ trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9/2021.
Tuy nhiên, những diễn tiến trong việc cổ vũ thay đổi Hiến pháp của ông Shinzo Abe gây ra những bất bình trong giới trẻ và rất có thể đem đến những kết quả bất ngờ cho cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng Mười năm tới.
Từ năm 2014, giới trẻ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối dự luật về An ninh – Quốc phòng và bảo vệ các giá trị về dân chủ thông qua công cuộc biểu tình bảo vệ bản Hiến pháp năm 1947 (hay còn được gọi là Hiến pháp Hòa bình).
Dự luật Hòa bình và An ninh (hay còn gọi là Dự luật về Quyền Tự vệ tập thể), mà chính phủ đã đưa ra trước lưỡng viện, nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được tham gia vào các hành động quân sự nước ngoài và viện trợ cho đồng minh trong khu vực.
Hội Học sinh hành động khẩn cấp vì Tự do Dân chủ (SEALDs) đã tiến hành các cuộc biểu tình bất bạo động ở nhiều nơi với các hoạt động đa dạng: biểu tình trên các phố chính ở Tokyo (Đông Kinh), đàn hát, phát sóng trực tiếp qua mạng xã hội, lan truyền các câu chuyện châm biếm, và sử dụng các khẩu hiệu có tiếng Anh đi kèm. Mục đích của họ là phản đối bản dự luật mà họ cho là vi hiến và vi phạm nghiêm trọng các giá trị dân chủ.
Hầu hết các học giả về hiến pháp ủng hộ việc biểu tình của Hội học sinh. Giới trẻ lên án dự luật sửa đổi và gọi nó là Luật Chiến tranh (War Law). Không chỉ sinh viên đại học, học sinh trung học và cao trung cũng đã tham gia biểu tình trong bộ đồng phục của trường mà họ đang theo học. Thanh thiếu niên phản đối Luật Chiến tranh (T-ns SOWL) là một tổ chức chính phát động các cuộc biểu tình của giới trẻ ở nhiều thành phố lớn của Nhật Bản.
Cuối tháng 8/2015, có hơn 120.000 người trẻ đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô chưa từng có trước tòa nhà Quốc hội, trong khi hàng chục ngàn thanh thiếu niên khác đã tràn ra khắp các đường phố ở Osaka, Kyoto, và Yokohama.
Câu khẩu hiệu của Hội học sinh là “Bạn muốn biết Dân chủ là như thế nào? Những gì các bạn thấy chúng tôi làm chính là Dân chủ”. Giới trẻ Nhật Bản cố gắng thu hút sự chú ý của xã hội với tư cách là những người bảo vệ và tham gia tiến trình dân chủ, đi ngược lại với chính phủ của Abe và Quốc hội.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã không ngăn được việc dự luật được thông qua vào tháng Ba năm 2016. Giới trẻ Nhật vẫn tiếp tục phản đối việc chính phủ liên tục gia tăng chi tiêu quân sự. Điểm yếu của phong trào biểu tình là nằm ở việc không có tổ chức và lãnh đạo rõ ràng để từ đó có thể lan rộng sự ảnh hưởng. Hội học sinh tin vào việc tổ chức biểu tình theo chiều ngang hơn là chiều dọc. Họ tin vào sự kết nối giữa các cá nhân thay vì tuân theo việc xây dựng tổ chức theo thứ bậc và mở rộng quy mô.
Hội học sinh cũng có một tuyên bố tương tự rằng, “chúng tôi tin tưởng việc thành lập một tổ chức có thể liên kết các đảng phái đối lập và những cá nhân có cùng chí hướng ủng hộ các giá trị tự do như chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism), an ninh xã hội, và ngoại giao hòa bình. Sự thống nhất về lý tưởng này sẽ tạo ra một văn hóa chính trị mới khi khuyến khích công dân lên tiếng về các chính sách của chính phủ và hồi sinh một nền dân chủ đại diện cho Nhật Bản”.
Tài liệu tham khảo:
[1] Yamada, M. (1999) Parasaito Shinguru no Jidai [The Age of the Parasite Singles]
Bài viết này nằm trong chuỗi bài về các phong trào phản kháng chính trị của giới trẻ Đông Bắc Á.