Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Tưởng không liên quan, nhưng hoá ra lại liên quan mật thiết.
Dịch từ bài viết “Why central banks need to take human rights more seriously” của Daniel Bradlow – Giáo sư môn Luật Phát triển Quốc tế và Quan hệ Kinh tế Châu Phi, Đại học Pretoria, đăng trên The Conversation ngày 14/7/2019.
Nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ, central bank, ở Việt Nam được gọi là Ngân hàng Nhà nước) đang xem lại phương pháp đánh giá các tác động mà họ gây ra cho môi trường và xã hội.
Lý do là các quyết sách của ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục, công việc; cũng có thể ảnh hưởng đến cả vấn đề thức ăn, nước uống hay sự an toàn của các khoản lương hưu của người dân.
Ví dụ, 36 NHTƯ và quản lý ngân hàng đã tham gia vào mạng lưới để “xanh hoá” hệ thống tài chính. Trong số này có ngân hàng trung ương các nước Úc, Canada, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Mexico.
Mạng lưới tài chính này tập trung giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Từ điểm xuất phát này, họ bắt đầu lưu tâm hơn đến các vấn đề môi trường và xã hội khác.
Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương là khác nhau ở mỗi nước, nhưng đều có một trách nhiệm chung là duy trì sự ổn định giá cả. Các công cụ chính sách chính để đạt được mục tiêu này là lãi suất, quy định về vốn và dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại, và các phương thức giao dịch công cụ nợ trên thị trường tài chính.
Các ngân hàng trung ương cũng đóng vai trò là người cho vay cuối cùng (lender of last resort) đối với hệ thống ngân hàng, hoặc rộng hơn, là cho cả lĩnh vực tài chính. Họ điều chỉnh và giám sát hoạt động của các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Ngân hàng trung ương quản lý hệ thống thanh toán quốc gia, duy trì sự ổn định tài chính và quản lý dự trữ ngoại hối quốc gia. Ở một số nước, ngân hàng trung ương có thể được giao thêm trách nhiệm như thúc đẩy phát triển tài chính hoặc huy động nguồn vốn.
Để có thể hiểu đầy đủ về rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra đối với sự ổn định về giá và tài chính, các ngân hàng trung ương cần xem xét tác động đến một số yếu tố then chốt. Những yếu tố này bao gồm sản xuất thức ăn; các làn sóng di cư; cơ hội tiếp cận của người dân đến thực phẩm, nguồn nước, nhà ở và công việc; và ảnh hưởng riêng phần của chúng đến tổng cầu, phân bổ tín dụng, lạm phát và thâm hụt của chính phủ.
Nói cách khác, các ngân hàng trung ương đang đối mặt với một sự thúc giục mạnh mẽ để xem lại vai trò của họ với vấn đề nhân quyền.
Trong lịch sử, các ngân hàng trung ương có thể tránh được các trách nhiệm nhân quyền. Đó là do các lãnh đạo chính trị xác định mục tiêu ổn định lạm phát cho nền kinh tế, sau đó mới giao cho ngân hàng trung ương quyết định phương thức để đáp ứng mục tiêu này.
Nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống quản trị của tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều được thiết lập theo luật. Họ phải tuân thủ tất cả các luật hiện hành bao gồm các nghĩa vụ pháp lý có trong hiến pháp, luật trong nước và các nghĩa vụ được quy định trong luật quốc tế mà nhà nước của họ cam kết. Về nguyên tắc, điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương bị ràng buộc bởi các cam kết nhân quyền quốc tế về quyền hành của họ.
Việc này cho thấy sự độc lập của ngân hàng trung ương bị giới hạn trong các vấn đề kỹ thuật nhằm đạt được mục tiêu mà chính phủ đặt ra. Ngoài ra, nó giả định, ít nhất là giả định ngầm, rằng các tác động xã hội và môi trường của các mục tiêu tài chính và tiền tệ của đất nước là trách nhiệm của chính phủ.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng trung ương không phải là một thiết chế thuần túy kỹ thuật. Chẳng hạn, tác động xã hội và môi trường của quyết định thay đổi lãi suất sẽ biến thiên tùy thuộc vào cách mà ngân hàng trung ương thực thi quyết định.
Nếu ngân hàng trung ương quyết định thay đổi lãi suất thông qua các nghiệp vụ thị trường mở, các tác động xã hội và môi trường sẽ phụ thuộc vào công cụ được chọn để giao dịch – và theo tỷ lệ nào. Mặt khác, những ảnh hưởng này sẽ phụ thuộc vào quyết định của các ngân hàng: thay đổi dự trữ bắt buộc hoặc thay đổi lãi suất của các khoản cho vay ngắn hạn.
Có một số ví dụ đáng chú ý. Các ngân hàng trung ương của Kenya, Hà Lan và Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco xem xét các yếu tố như phát triển cộng đồng và huy động vốn trong việc quản lý hệ thống tài chính của họ. Và ngân hàng trung ương Hà Lan hiện có trách nhiệm bảo đảm tính bền vững trong việc ra quyết định. Ngân hàng trung ương Trung Quốc được ủy quyền để xem xét các vấn đề liên quan đến khí hậu trong các quyết định tiền tệ của mình.
Hoạt động của ngân hàng trung ương, do vậy, không thể không ảnh hưởng đến nhân quyền.
Bởi vì hoạt động của ngân hàng trung ương có tác động hiển nhiên đối với quyền con người, cho nên các ngân hàng trung ương cần phải hiểu biết thêm về trách nhiệm nhân quyền của họ. Luật áp dụng là điểm khởi đầu. Thế nhưng, các lý thuyết luật pháp liên quan dường như không thể hướng dẫn chi tiết về cách để các ngân hàng trung ương diễn giải và thực hiện trách nhiệm nhân quyền của họ.
Một công cụ tham khảo tốt cho ngân hàng trung ương là Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền. Những nguyên tắc này quy định rằng tất cả các doanh nghiệp nên có chính sách nhân quyền. Chính sách đó phải được công khai và nên được áp dụng cho tất cả các hoạt động kinh doanh cũng như ra quyết định.
Các nguyên tắc cũng nêu rõ, rằng các doanh nghiệp nên thực hiện trách nhiệm nhân quyền một cách tôn trọng trước và trong quá trình ra các quyết định hoặc thực thi. Yêu cầu này có nghĩa là họ nên tiến hành đánh giá tác động nhân quyền đối với các hoạt động được đề xuất. Họ cũng nên thực hiện các bước để tránh hoặc giảm thiểu các tác động bất lợi về quyền con người đã được xác định.
Các ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt trong việc đáp ứng trách nhiệm nhân quyền của mình. Nhân tố độc lập có nghĩa là chính sách nhân quyền của các ngân hàng trung ương sẽ cần phải tôn trọng sự độc lập giữa ngân hàng và nhiệm vụ của nó.
Đồng thời, ngân hàng trung ương cần phải nhận thức được thực tế rằng chính sách nhân quyền của mình có thể có ý nghĩa đối với các thực thể nhà nước khác và đối với sự lãnh đạo chính trị của đất nước. Những cân nhắc này phức tạp nhưng không được lẫn lộn với nhiệm vụ soạn thảo chính sách nhân quyền của ngân hàng trung ương.
Khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc thực hiện các đánh giá tác động nhân quyền chi tiết sẽ phức tạp, do họ thường phải vận hành với tốc độ và sự thận trọng tương đối. Tuy nhiên, điều này không khiến cho việc đánh giá tác động nhân quyền của các hoạt động của ngân hàng trung ương là bất khả.
Thay vào đó, nó gợi ý rằng các ngân hàng trung ương cần phát triển và duy trì sự hiểu biết chung và chi tiết, đầy đủ về tác động thực tế của hoạt động của họ đối với quyền con người. Điều này là để những ngân hàng này có thể đưa ra những đánh giá sáng suốt về những ảnh hưởng có thể có của các quyết định tiền tệ được đề xuất đối với các cộng đồng cụ thể.
Cách tiếp cận phân tách này sẽ cung cấp cho các ngân hàng trung ương một sự hiểu biết chi tiết và bao quát về cách các chính sách của họ thực sự ảnh hưởng đến các nhóm khác nhau trong xã hội như thế nào. Bằng cách này, nó sẽ cho phép các ngân hàng trung ương xác định chi phí và lợi ích thực sự của các chính sách và hành động của mình. Điều này sẽ cải thiện việc ra quyết định của tổ chức này.
Bài viết này trình bày ba luận điểm chính. Đầu tiên, các ngân hàng trung ương không thể tránh được trách nhiệm nhân quyền trong mỗi quyết định và hành động. Thứ hai, cách tiếp cận dựa trên nhân quyền cung cấp một công cụ mới để các ngân hàng trung ương hiểu chi phí và lợi ích thực sự của các chính sách. Thứ ba, các ngân hàng trung ương có thể thực hiện các trách nhiệm nhân quyền mà không cần phải hy sinh sự độc lập cần thiết cho việc thực thi các chức năng tài chính và tiền tệ.
*Công khai thông tin: Chủ tịch SARCHI, GS Daniel Bradlow, nhận tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu Quốc gia.
Về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có tên tiếng Anh là State Bank of Vietnam. Đây là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, được điều chỉnh bởi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010). Người đứng đầu gọi là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, theo đúng quy trình là được Thủ tướng giới thiệu, sau đó Quốc hội phê duyệt. Người đương nhậm chức là ông Lê Minh Hưng (từ tháng 4/2016), được xem là Thống đốc trẻ nhất lịch sử ngân hàng. Người tiền nhiệm là ông Nguyễn Văn Bình, hiện giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Cho đến trước năm 1985, NHNN (thời đó gọi là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam) vẫn hoạt động như một công cụ ngân sách của chính phủ, chưa thực hiện hoạt động kinh doanh tiền tệ theo nguyên tắc thị trường. Theo thông tin trên website NHNN, đây là cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh lý hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam; thu hồi tiền cũ ở cả hai miền Nam- Bắc; phát hành các loại tiền mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đến năm 1988, hệ thống ngân hàng mới được thay đổi căn bản, từ sau khi Nghị định 53/HĐBT chuyển hướng ngân hàng sang hoạt động kinh doanh. Đó là cơ sở hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp như chúng ta có hiện nay, phân biệt giữa ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại. Hiện tại, theo Luật, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Sự độc lập của tổ chức này là có, nhưng hạn chế. Cơ cấu nhân sự, tổ chức và mục tiêu chính sách tiền tệ đều là do Chính phủ quyết định. NHNNVN còn được yêu cầu “tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ” (điều 26 Luật NHNN 2010). Việc NHTƯ cho Chính phủ vay tiền bị nghiêm cấm ở phần lớn các nước châu Âu, nhưng lại phổ biến ở các nước đang phát triển tại Á, Phi, Mỹ Latin. Lý do được cho là nguồn thu từ thuế của các chính phủ này chưa ổn định. Đọc thêm tại đây. |
___
Từ khóa:
central bank: ngân hàng trung ương. Tổ chức được lập ra với hai nhiệm vụ chính: điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính. Ở Việt Nam, chúng ta gọi tổ chức này là Ngân hàng Nhà nước. Ở Mỹ, tổ chức đóng vai trò của ngân hàng trung ương là Fed, viết tắt của Federal Reserve System, thường được dịch thành Cục Dự trữ Liên bang.
open market operations (OMO): nghiệp vụ thị trường mở. Đây là một công cụ để NHTƯ tác động lên (mở rộng hoặc thu hẹp) cơ sở tiền của nền kinh tế. OMO chỉ việc mua hoặc bán các giấy tờ có giá ngắn hạn1, chẳng hạn như tín phiếu kho bạc hay trái phiếu chính phủ.
greening the financial system: “xanh hoá” hệ thống tài chính. Một nỗ lực để quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu và huy động vốn cho các hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường.
lender of last resort: người cho vay cuối cùng. Thuật ngữ chỉ việc ngân hàng trung ương cho vay đặc biệt để “cứu” các ngân hàng/tổ chức tín dụng trước nguy cơ “vỡ nợ”. Các khoản vay này thường có lãi suất 0%, nhằm hỗ trợ phục hồi các ngân hàng, qua đó ổn định hệ thống tài chính.