Chống hay ủng hộ EVFTA, đừng theo tư duy phân đôi chỉ có trắng và đen

Chống hay ủng hộ EVFTA, đừng theo tư duy phân đôi chỉ có trắng và đen
Ảnh trích từ phim “Split”/Cento Lodigiani/Vimeo.

Bài đăng lại từ trang “Lão mà chưa an“, có chỉnh sửa và được tác giả – Tiến sĩ Nguyễn Quang A – đồng ý.


Việc Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được Quốc hội Liên minh Châu Âu (EU) thông qua đã làm giới hoạt động cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam cả trong nước và ngoài nước có những ý kiến khác nhau. Ý kiến khác nhau là rất bình thường và việc tôn trọng các ý kiến khác nhau là một giá trị cốt lõi của dân chủ. Chúng ta phải bảo vệ quyền nêu ý kiến của bất kỳ ai.

Vấn đề là làm sao để từ ý kiến khác nhau đừng dẫn đến chia rẽ. Tôi viết bài này mong các bạn đừng rơi vào cái bẫy tư duy phân đôi chỉ có trắng và đen (được và thua, chống và ủng hộ…), vì cái bẫy đó rất nguy hiểm và rất dễ rơi vào.

Trong nghiên cứu, phương pháp phân đôi (dichotomy) – chia mọi thứ thành hai bên đối lập loại trừ nhau, mỗi thứ phải thuộc về hoặc là bên này, hoặc là bên kia – có thể là hữu ích. Nhưng tư duy phân đôi, cách nghĩ phân đôi chỉ có trắng và đen không phản ánh thực tế đa dạng của cuộc sống, và nhiều khi rất có hại.

Kiểu tư duy này còn được nhắc tới dưới nhiều tên gọi khác nhau như nhị nguyên (dualistic, binary) hay chủ nghĩa Mani (Manichaeism – Mani giáo hay Minh giáo) – một vũ trụ quan nhị nguyên mô tả cuộc đấu tranh giữa cái thánh thiện, thiên thần, ánh sáng của thế giới tinh thần và cái xấu, sự tối tăm của thế giới vật chất ô trọc.

Tư duy phân đôi không chấp nhận sự thỏa hiệp, trong khi thỏa hiệp lại là một giá trị cốt lõi của những người yêu dân chủ. Tư duy phân đôi chính trị bị Adam Michnik, nhà tư tưởng lớn của phong trào dân chủ Ba Lan, cho là tội lỗi chính trị. Theo đó, những người tư duy kiểu này gán mọi sự xấu xa cho kẻ thù của mình (thậm chí cho những người khác ý kiến với mình) và vơ lấy mọi sự tốt đẹp cho chính mình.

Đó là lối tư duy của các nhà toàn trị và những người chống toàn trị một cách cực đoan. Đó là lối tư duy dẫn đến hận thù và bạo lực mà chúng ta nên tránh. Xin xem tiểu luận “Những con Giòi và các Thiên thần” cũng như các tiểu luận khác của Adam Michnik trong cuốn “Những bức thư từ nhà tù” để rõ hơn về mặt lý luận.

Hãy quay lại chuyện thời sự EVFTA.

Những người (đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền) ủng hộ EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU – Việt Nam) có mấy luận điểm sau:

1. EVFTA và EVIPA là các hiệp định thương mại và đầu tư mà đối tượng chính là các doanh nghiệp, các tác nhân kinh tế ở EU và Việt Nam; chúng ta (những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền) nên tận dụng mọi cơ hội do các hiệp định này tạo ra để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

2. Chúng ta thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam là tồi tệ, và cố gắng bằng mọi cách để cải thiện tình hình nhân quyền và thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam.

3. Quyền kinh doanh, các quyền về kinh tế cũng là các quyền con người quan trọng (mà người dân, các doanh nghiệp là những người thực hiện các quyền đó chứ không phải chính quyền Việt Nam), cho nên cái gì tạo điều kiện tốt hơn để thực thi các quyền này thì nên ủng hộ.

4. Lý luận và thực tiễn lịch sử trên thế giới cho thấy rằng một nước càng hội nhập sâu hơn với thế giới tiên tiến thì càng có điều kiện hơn để cải thiện nhân quyền và dân chủ hoá. Kinh nghiệm Đông Âu sau Hiệp định Helsinki 1975 giữa Liên Xô, các nước cộng sản Đông Âu với Hoa Kỳ, Canada và các nước tư bản Tây Âu cho thấy rõ điều đó: “Hiến chương 77” của Tiệp Khắc dẫn chiếu đến nó, Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan cũng được truyền cảm hứng từ nó. Sự phát triển kinh tế tạo ra các nguồn lực hành động, gồm có nguồn lực vật chất, nguồn lực trí tuệ và nguồn lực kết nối, những điều kiện rất quan trọng cho việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ hoá, như học giả Christian Wenzel viết trong cuốn “Tự do đang lên“. Sự hội nhập sâu hơn của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc (lưu ý rằng các chủ thể hội nhập này là các doanh nghiệp và người dân chứ không chỉ là chính quyền). Chính vì thế chúng ta nên ủng hộ sự hội nhập của Việt Nam vào thế giới, ủng hộ sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

5. Tất cả các hiệp định này cũng như các hiệp định quốc tế khác (như Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ 1982) chỉ tạo điều kiện cho chúng ta chứ không mang lại cho chúng ta tự do và các quyền con người. Tự do, các quyền con người không phải là của cho không, biếu không mà chúng ta phải đấu tranh, giành lấy chúng. Cách làm tốt nhất là “thực thi dân quyền”, “quyền ta ta cứ làm” và tích cực tham gia vào các phong trào xã hội để gây áp lực lên chính quyền, khiến chính quyền phải luật hoá các quyền đó, đảm bảo các quyền đó được tôn trọng, được bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện chúng một cách văn minh.

Những người (đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, cũng như nhiều nghị sĩ EU) phản đối việc ký hay việc thông qua EVFTA và EVIPA là những người muốn cái tốt, cái đẹp cho nhân dân Việt Nam, nhưng họ phản đối vì nhiều lý do khác nhau, thí dụ:

1. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vốn đã tồi tệ, nên đòi chính quyền Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền như một điều kiện cho EVFTA và EVIPA. Trong lúc đàm phán đây là một chiến thuật tốt; trước khi thông qua đòi thêm các nghị quyết của EU cũng là một chiến thuật tốt. Loại ý kiến này có thể không để ý (hay biết rất kỹ nhưng không nhắc đến) một điểm mà tôi nêu ở trên: công việc chính là ở dân Việt Nam chứ dân chủ và nhân quyền không phải do chính quyền ban phát, không thể nhập từ bên ngoài.

2. Chính quyền Việt Nam đã hứa hẹn quá nhiều, ký kết quá nhiều nhưng không thực hiện, cho nên việc ký hay thông qua EVFTA và EVIPA là không có ý nghĩa.

3. EVFTA và EVIPA tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU bóc lột công nhân Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường Việt Nam… (Lưu ý: các nghị sĩ EU này rất yêu Việt Nam chứ không phải chống Việt Nam thông qua việc chống EVFTA và EVIPA).

4. EVFTA và EVIPA sẽ kéo dài sự tồn tại của chế độ độc tài ở Việt Nam bằng cách tăng thêm tiềm lực kinh tế cho nó, tăng thêm tính chính danh cho nó, trong khi không có các chế tài nhân quyền đủ mạnh đi kèm. Điều đó sẽ khiến cho dân Việt Nam tiếp tục khổ sở với nạn đàn áp nhân quyền của chính quyền lâu hơn nữa.

***

Có thể thấy bức tranh là đa dạng, phong phú chứ không chỉ đơn thuần là trắng-hay-đen; ủng hộ-hay-chống. Nhìn thế giới như nó là, đừng rơi vào bẫy tư duy phân đôi để dẫn đến chia rẽ. Những người ủng hộ EVFTA không nhất thiết ủng hộ chính quyền Việt Nam, những người chống EVFTA cũng không nhất thiết là ghét Việt Nam (hay chống chính quyền Việt Nam). Hãy tranh luận và tôn trọng sự bất đồng ý kiến và quan trọng nhất là đừng gây chia rẽ giữa chúng ta vì chế độ độc tài chỉ muốn điều đó. Không nhẽ chúng ta lại vô tình giúp chế độ độc tài?


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.