‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “chống dịch như chống giặc”, ta tất nhiên hiểu “giặc” ở đây là các con virus vi khuẩn gây bệnh, chứ không phải người bị nhiễm bệnh.
Vấn đề ở chỗ, ai thấy được các con vi sinh vật gây bệnh đó để chống?
Trong trận chiến chống lại kẻ thù vô hình, rốt cục thì ai sẽ hứng đạn, nếu không phải là quân ta tự đánh mình?
Khi nói đến đánh giặc, yếu tố quan trọng nhất được đề cao là “lòng dũng cảm” và “đức hy sinh”. Đối diện với các con virus vi khuẩn, những đức tính như dũng cảm và hy sinh không có bao nhiêu ý nghĩa.
Các con virus sẽ không run sợ trước sự gan dạ quả cảm của con người. Chúng cũng không lè lưỡi thoái lui trước tiếng hô xung phong sẵn sàng xả thân thí mạng của bất kỳ đội quân cảm tử nào.
Virus chỉ ngán hệ miễn dịch bên trong cơ thể con người.
Mà hệ miễn dịch thì không hoạt động trên nguyên tắc dũng cảm. Hiệu quả của nó dựa vào tính chính xác, kịp thời và liên tục.
Đó cũng là các nguyên tắc của việc cứu người.
Chống dịch vì vậy là chuyện chữa bệnh cứu người, không phải chuyện đánh nhau giết giặc.
Áp thứ tư duy “chiến tranh nhân dân” vào việc chống dịch vừa lãng phí nhân lực thời gian, lại vừa sai về bản chất vấn đề.
Thay vì trắc ẩn, cảm thông với người bệnh, người ta sẵn sàng xem bất kỳ ai mang mầm bệnh là kẻ thù phải bị cách ly, thậm chí là loại bỏ.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi với thứ tư duy đó, những người gốc Á trở thành nạn nhân bị tấn công kỳ thị ở nhiều nơi. Cũng không ngạc nhiên khi đến cả trong nội bộ đất nước, những người Trung Quốc cũng quay sang chĩa mũi dùi vào nhau, săn lùng những người đến từ vùng dịch bệnh, xem họ là thứ tà ma phải xua đuổi. Lại chẳng lạ gì khi bản thân nhiều người Việt Nam, dù chưa ở trong tình cảnh bùng phát dịch như Trung Quốc, cũng sẵn sàng xa lánh kỳ thị những đồng bào sống trong vùng có dịch.
Với kiểu suy nghĩ đó, sẽ là ảo tưởng hoang đường nếu đòi hỏi những người mắc bệnh, hoặc biết mình có nguy cơ nhiễm bệnh, phải hợp tác với cộng đồng để chống dịch.
Ngược lại, họ càng có động cơ để giấu bệnh, khi biết các đồng loại đầy hiểu biết luôn sẵn sàng xem mình là “giặc” để loại bỏ.
Tất nhiên sẽ luôn có những kiểu bệnh nhân “cứng đầu” như ở Hàn Quốc lây lan cúm corona Vũ Hán cho cả trăm người khác bất chấp các triệu chứng bệnh, hay các băng nhóm tội phạm ở Trung Quốc cố tình lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi để trục lợi. Nhưng ngay cả trong trường hợp thiếu ý thức hoặc cố tình hãm hại cộng đồng, dịch bệnh cũng sẽ bị khống chế nhanh chóng nếu thông tin được phát hiện kịp thời, truyền tải chính xác và phổ biến rộng rãi.
Trong bất kỳ một cộng đồng người nào, tuyệt đại đa số đều muốn đảm bảo sự sống còn của mình và những người thân xung quanh. Vì vậy khi có dịch bệnh xảy ra, chính mỗi người mới là hàng rào tự nhiên và có hiệu quả nhất để ngăn chặn đại dịch.
Mỗi người lại chỉ có thể làm được điều đó khi họ có đầy đủ thông tin chính xác.
Mà nếu áp dụng thứ tư duy “chiến tranh” hay “đánh giặc” trong việc chống dịch, gần như chắc chắn thông tin sẽ bị bóp méo và kiểm soát.
Trong mọi cuộc chiến, sự thật không chỉ là nạn nhân đầu tiên. Sự thật còn là nạn nhân bị tất cả các bên đánh cho chết đi sống lại.
Nếu những kẻ cầm quyền sẵn sàng bóp chết sự thật vì “đại cục” hay một cục “lý tưởng” to bự nào đó thì những người dân thường cũng hăng hái xào nấu đủ loại sự thật để xoa dịu nỗi sợ.
Khi sự thật, cùng với lý trí của nhân loại, phải nhường chỗ cho nỗi sợ, đó là lúc sự sống bị treo tòn ten trên sợi chỉ “may rủi”.
Nếu phải sống kiểu may nhờ rủi chịu, nhân loại chắc chắn sẽ không tiến lên được thêm nấc thang nào trên bậc tiến hóa.
Chỉ có giữ lại được lý trí, cùng sự đồng cảm, trân trọng toàn bộ sự sống, con người mới có thể học được từ những biến cố như đại dịch hay thiên tai.
Những bài học sẽ quyết định tương lai của nhân loại, trước những thảm họa sắp tới, mà phần nhiều do chính bàn tay con người gây ra.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.