Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Buổi sáng ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã thiêu mình tại một ngã tư sầm uất ở Sài Gòn. Mấy ngày sau, thế giới lập tức hướng về Việt Nam nhưng mấy mươi năm sau người ta vẫn nghi ngờ về vụ tự thiêu lịch sử này.
Đối với một số người, ngọn lửa Thích Quảng Đức đã thắp sáng những ngày tăm tối của Phật giáo miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm vào những năm 1960. Ông mãi là một tấm gương không phai mờ về lòng từ bi Phật giáo.
Đối với những người khác, bó đuốc Thích Quảng Đức chỉ là một nước đi trong bàn cờ các nhà sư đang tranh đấu lúc đó. Ông bị thiêu chứ phải không tự thiêu. Ngọn lửa Thích Quảng Đức chỉ là một màn kịch được Việt Cộng đạo diễn.
Hòa thượng Thích Quảng Đức là ai? Vụ tự thiêu của ông đã được sắp đặt hoàn hảo như thế nào?
Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Miền Nam theo chế độ tư bản. Miền Bắc theo chế độ cộng sản. Phật giáo hai miền sinh hoạt rất khác nhau.
Ở miền Bắc, Phật giáo phải phục vụ cho cách mạng. Các nhà sư dưới 30 tuổi không được đi tu, nếu không cầm súng thì họ phải cầm cuốc để sản xuất. Phật học đường không có học tăng. Không kinh sách nào được xuất bản. Tài sản của chùa phải dâng hiến cho cách mạng. Các chùa chỉ còn lại một hay hai tăng sĩ đã cao tuổi. [1]
Ở miền Nam, đời sống tôn giáo sôi nổi. Nhiều giáo phái, hội đoàn được thành lập. Học tăng ở khắp nơi, lại có các hội phật học cho bất cứ ai muốn nghiên cứu Phật giáo. Đạo Phật được quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ.
Đầu những năm 1960, cuộc chiến chống Việt Cộng ở miền Nam ngày càng quyết liệt. Khủng bố xảy ra nhan nhản trên đường phố Sài Gòn. Bạn đang ngồi uống cà phê thì nhận được một quả lựu đạn từ ngoài đường ném vào. Chính quyền miền Nam cho rằng Việt Cộng đã thực hiện những hành động khủng bố này.
Chính quyền cũng cho rằng miền Bắc đã cài cắm người từ nông thôn đến thành thị ở miền Nam để hoạt động tình báo, tổ chức biểu tình, thành lập căn cứ trong lòng thành phố.
Sau khi nhậm chức tổng thống, Ngô Đình Diệm đã triệt hạ các lực lượng bất đồng với ông để thâu tóm quyền lực như quân đội Bình Xuyên rồi đến các tôn giáo có quân đội riêng như Cao Đài, Hòa Hảo. Phật giáo tuy không có quân đội riêng nhưng lại có lực lượng quần chúng đông đảo.
Vào năm 1962 – 1963, chính quyền ngày càng thiên vị đạo Thiên Chúa. Chính phủ theo chế độ gia đình trị sùng bái Thiên Chúa giáo đã làm mất lòng đông đảo quần chúng theo đạo Phật.
Buổi tối ngày 8/5/1963, sau một ngày biến lễ Phật Đản thành cuộc biểu tình đòi bình đẳng tôn giáo, đến tối đài Phát thanh Huế lại không dám phát cuộn băng mừng lễ Phật đản như thường lệ vì năm nay có chứa lời tranh đấu chống chính phủ, đông đảo phật tử kéo nhau đến vây kín đài phát thanh. Không lâu sau, tiếng súng nổ làm chết tám Phật tử còn nhỏ tuổi.
Máu Phật tử đã tiếp sức phong trào chống chính quyền càng rầm rộ ở Huế. Các hòa thượng Thích Tịnh Khiết (Hội chủ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam), Thích Trí Quang (chùa Từ Đàm), Thích Thiện Minh… là những người lãnh đạo cuộc tranh đấu tại Huế.
Các hòa thượng đòi chính quyền đáp ứng năm nguyện vọng: thu hồi công điện triệt hạ cờ Phật giáo, đạo Phật phải được đối xử bình đẳng với đạo Thiên Chúa, chấm dứt đàn áp tín đồ Phật giáo, tăng ni phải được tự do truyền đạo và người chết phải được bồi thường cũng như kẻ chủ mưu phải đền tội.
Các hòa thượng tại Huế liên kết với các hòa thượng ở Sài Gòn như Thích Tâm Châu, Thích Thiện Hoa, Thích Đức Nghiệp… nhằm chuẩn bị tinh thần tranh đấu tại thủ đô cho các tăng ni, phật tử. Các chùa Ấn Quang, Từ Quang, Diệu Đế, Xá Lợi,… trở thành tụ điểm chính của cuộc tranh đấu.
Ngày 15/5/1963, một phái đoàn Phật giáo bước vào Dinh Gia Long (Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phái đoàn đề cập với ông năm nguyện vọng của Phật giáo. Tổng thống chẳng những không đồng ý một nguyện vọng nào mà còn đổ thừa Việt Cộng đã gây ra án mạng ở Huế.
Thất vọng sau cuộc gặp tổng thống, Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo được thành lập để tổ chức các cuộc biểu tình, tuyệt thực rộng rãi. Ngày 30/5/1963, đồng loạt các tăng ni ở Huế và Sài Gòn được lệnh tuyệt thực 48 giờ cùng với các cuộc biểu tình đông đảo của tăng ni, Phật tử.
Theo tự thuật của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp về việc Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu thì vào lúc này Hòa thượng Quảng Đức đã đề nghị với uỷ ban về nguyện vọng tự thiêu của mình nhằm giúp sức cho phong trào tranh đấu nhưng uỷ ban không đồng ý.
Hơn một tuần sau đó khi việc các đám rước linh hàng tuần cho các nạn nhân chết ở Huế cùng các đợt tuyệt thực, biểu tình không còn hiệu quả nữa thì mong muốn tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được xem xét.
Hòa thượng Đức Nghiệp kể trong tự thuật in vào năm 2005 của ông rằng tối ngày 10/6/1963 ông được gọi đến chùa Xá Lợi để bàn chuyện. Đến nơi, ông thấy hai hòa thượng Tâm Châu và Thiện Hoa đã ngồi chờ sẵn, hai người nói với Hòa thượng Đức Nghiệp:
– Phật giáo mình đương bị lâm nguy quá, nhất là tại Huế hiện nay – Hòa thượng Thiện Hoa nói.
– Ngày mai, […], tới phiên tôi rước linh và cầu siêu tại chùa Phật Bửu Tự […] – Hòa thượng Tâm Châu nói tiếp – Vậy thầy về hỏi lại ý nguyện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức, […]. Nếu hòa thượng đồng ý, thì ngay sau khóa lễ ở Phật Bửu Tự, trên đường về Xá Lợi, thầy tìm mọi cách có hiệu quả nhất, để Hòa thượng Quảng Đức được tự nguyện tự thiêu, đồng thời để cứu nguy cho Phật giáo hiện nay. [2]
Về đến chùa Ấn Quang, Hòa thượng Đức Nghiệp hỏi ngay Hòa thượng Thích Quảng Đức:
– Hòa thượng còn giữ nguyện tự thiêu như lá thơ Hòa thượng đã gửi cho Liên Phái trước đây không?
– Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện của Phật giáo – Hòa thượng Quảng Đức trả lời. [2]
Hòa thượng Đức Nghiệp kể rằng Hòa thượng Quảng Đức nói với ông là muốn viết một lá thư gửi tổng thống và gửi lời cảm ơn đến Hòa thượng Thiện Hoa trước khi tự thiêu.
Các công việc chuẩn bị để hòa thượng Quảng Đức tự thiêu được Hòa thượng Đức Nghiệp kể lại trong cuốn tự thuật của mình vì ông là người sắp xếp mọi chuyện. Sau khi dặn rất kỹ Hòa thượng Quảng Đức là không nên nói chuyện tự thiêu ngày mai cho bất cứ ai biết thì ông bắt đầu chuẩn bị những việc khác.
Hòa thượng Đức Nghiệp gọi tài xế đưa Hòa thượng Quảng Đức đi dự lễ ngày mai chuẩn bị xăng cho việc tự thiêu và vải để giăng biểu ngữ. Ông phân công hai người nữa sẽ ngồi chung xe với Hòa thượng Quảng Đức để sắp xếp việc tự thiêu vào sáng mai.
Cũng vào tối hôm đó, nhà báo Malcolm W.Browne của hãng tin AP ở Sài Gòn kể trên một bài báo tường thuật vụ tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức là vào đêm đó ông có nhận được điện thoại của Hòa thượng Đức Nghiệp. Qua điện thoại, Hòa thượng Đức Nghiệp nói rằng:
– Ông Browne, tôi nghĩ ngày mai ông rất nên đến. Tôi tin rằng một điều gì đó rất quan trọng sẽ xảy ra nhưng tôi không thể nói cho ông biết chuyện gì – Hòa thượng Đức Nghiệp nói qua điện thoại.
Browne tắt máy, sửa soạn cho ngày mai. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp cũng gọi cho một số nhà báo quốc tế khác nhưng không nhiều người có mặt vào sáng hôm sau.
Theo cuốn Phật giáo Tranh đấu của Quốc Oai, Hòa thượng Thích Quảng Đức là người Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ông sinh năm 1897. Cha mẹ đặt tên ông là Lâm Văn Tức. Bảy tuổi đã xuất gia dưới sự chỉ dạy của người cậu là Hòa thượng Thích Hoằng Tâm.
Ông thọ đại giới năm 20 tuổi, lấy hiệu là Thích Quảng Đức. Ông tu tập theo con đường khổ hạnh, ba năm tu thiền trên một ngọn núi ở Ninh Hòa rồi hai năm đi du hóa với một bộ đồ và một bình bát.
Năm 1934, ông làm chứng minh đạo thư cho chi nhánh Hội An Nam Phật Học ở Ninh Hòa rồi làm trụ trì cho trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt tại chùa Phước Hòa (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Ông là người có nhiều công đức. Ở miền Trung, ông xây dựng, trùng tu 14 ngôi chùa. Trong hai mươi năm cuối đời, ông kiến tạo, tu sửa thêm 17 ngôi chùa nữa tại miền Nam Việt Nam và Nam Vang (Campuchia). Người miền Nam hay gọi ông là Hòa thượng Long Vĩnh. Vào năm 1963, ông 67 tuổi, trụ trì chùa Quan Âm.
Trong cuốn Phật giáo Tranh đấu của Quốc Oai, trước khi tự thiêu thì Hòa thượng Quảng Đức có viết di nguyện của mình vào ngày 30/5/1963 nói về mong muốn của ông về việc tự thiêu, trong đó có đoạn:
“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Âm, Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một Tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường Chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”.[3]
Để tiếp sức cho cuộc tranh đấu đang vào thế khó, ông kêu gọi tổng thống hãy chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo miền Nam cùng lời chúc đất nước thanh bình, tăng ni bình an, phật tử an ổn, Phật giáo bất diệt.
Một số bài thơ cũng được cho là di ngôn của ông trước khi tự thiêu, trong một bài thơ có đoạn trích:
“Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh ai còn ‘ngốc’
Tro trắng phẳng san hố bất bình”
Theo nhà báo Malcolm W. Browne, buổi sáng hôm đó ông đã cùng phiên dịch của mình đến dự lễ theo lời mời của Hòa thượng Đức Nghiệp. Đúng 9 giờ sáng, lễ rước linh bắt đầu từ Phật Bửu Tự đến chùa Xá Lợi. Đông đảo tăng ni bước ra đường, dàn thành hai dọc người, bước đi dưới lòng đường với biểu ngữ phản đối chính quyền như mọi khi. Cảnh sát đã dẹp sẵn lòng đường, đứng canh gác hai bên. Một chiếc xe hơi chạy chầm chậm dẫn đoàn tăng ni tiến về chùa Xá Lợi.
Khoảng 9 giờ 17 phút thì chiếc xe hơi chạy đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (tức ngã tư Cách mạng tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) thì dừng lại, dân chúng đứng tràn trên vỉa hè. Malcolm kể ông thấy hai người (đây là hai tăng Chân Ngữ và Trí Minh) mở cửa xe bước xuống, mở nắp ca-pô giả bộ như đang sửa xe rồi lấy ra một can nhựa 20 lít đựng xăng. Đoàn tăng ni dừng lại, kẻ đứng người ngồi tạo thành một vòng tròn.
Hòa thượng Đức Nghiệp kể trong tự thuật của mình rằng ông đã đi kế chiếc xe từ lúc đoàn bắt đầu diễu hành về chùa Xá Lợi, khi Hòa thượng Quảng Đức bước xuống xe ở ngã tư đó thì chính tay ông đã đưa cho Hòa thượng Quảng Đức bao quẹt và bao diêm.
Lúc này, nhà báo Malcolm W. Browne, người đang đứng lẫn với tăng ni, biết điều quan trọng mà Hòa thượng Đức Nghiệp nói với ông trên điện thoại. Ông lấy máy ảnh ra bắt đầu chụp những tấm ảnh làm chấn động dư luận thế giới. Ông là phóng viên duy nhất ngày hôm đó mang theo máy ảnh.
Trong các bài tường thuật của mình, Malcolm kể rằng ông thấy Hòa thượng Quảng Đức bình tĩnh bước xuống xe rồi bước vào trong vòng tròn của tăng ni, ông không nói một lời nào với đám đông. Chân Ngữ và Trí Minh giúp ông ngồi xuống trong tư thế thiền, hai bàn chân bắt chéo đặt lên đùi.
Theo sự phân công như Hòa thượng Đức Nghiệp viết trong tự thuật của mình thì Chân Ngữ là người đã mở nắp thùng nhựa, tưới xăng từ trên đầu xuống đến vai hòa thượng Quảng Đức, tưới xong thì đặt thùng xăng xuống rồi lùi ra xa.
Malcolm nói, khoảng 9 giờ 22 phút, ông thấy rõ Hòa thượng Quảng Đức tự đánh diêm rồi chạm nhẹ xuống tà áo, ngọn lửa bùng lên rồi ôm trọn lấy thân thể ông, ông ngồi thật yên không hề giãy giụa. Biểu ngữ “Một nhà sư trụ trì thiêu mình cho 5 nguyện vọng của Phật giáo” được căng lên.
Khoảng 10 phút sau, chân Hòa thượng Quảng Đức co giật vài lần trước khi bật ngửa về phía sau trong lúc thịt da ông vẫn còn đang cháy. Đến 10 giờ, tăng ni đắp cà sa lên xác đã cháy đen của Hòa thượng Quảng Đức rồi đưa về chùa Xá Lợi trong sự kinh ngạc của mọi người.
Đó là những gì người ta biết về vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Không phóng viên quốc tế nào được phỏng vấn ông trước khi ông thiêu mình. Thông tin về việc sắp xếp cho vụ tự thiêu này đều đến từ một phía là các nhà sư đang tranh đấu lúc đó.
Quyết định thiêu mình của Hòa thượng Quảng Đức cùng sự quan tâm của quốc tế đã mở đầu cho các cuộc tự thiêu của các tăng ni, Phật tử miền Nam sau này. Hình ảnh Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Đính chính (ngày 18/3/2020): Ở bản đăng ngày 15/3/2020, chúng tôi nói ngã tư nơi Hòa thượng Thích Quảng Đức thiêu mình ngày nay là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ. Nay xin đính chính nơi đó là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu ngày nay.
Trích dẫn:
[1] Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nguyễn Lang, trang 747.
[2] Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Thích Đức Nghiệp.
[3] Phật giáo Tranh Đấu, Quốc Oai.
Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nguyễn Lang.
Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Thích Đức Nghiệp.
Phật giáo Tranh Đấu, Quốc Oai.
Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Nam Thanh.
Vietnam A Histrory The First Complete Account of Vietnam at War, Stanley Karnow.