Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Ngày 10/3/2020, một người đi từ vùng dịch về tên T. bị phóng viên tiếp cận và chất vấn những câu hỏi anh không muốn trả lời, rồi đăng tải lên báo và mạng xã hội để dân chúng chửi rủa hả hê.
Trước đó, hình ảnh bệnh nhân số 17 ngồi thẫn thờ trên giường bệnh cũng được đăng tải rộng rãi mà không rõ đã được bệnh nhân cho phép hay chưa. Thậm chí, cũng cần đặt ra câu hỏi bệnh nhân 17 có biết rằng phòng mình đang bị ghi hình lại hay không, đặc biệt khi cô là phụ nữ và có nhiều hoạt động riêng tư, nhạy cảm khác.
Liệu chúng ta có đang biến những cơ sở cách ly thành công viên, nơi thông tin, hình ảnh và hoạt động cá nhân của người bệnh, người nghi nhiễm bệnh có thể bị đăng tải bất kỳ lúc nào để làm trò vui cho xã hội, hay dùng những thông tin đó để răn đe, dạy dỗ công chúng?
Hai văn bản quan trọng quy định về quyền và nghĩa vụ của người đã mắc bệnh dịch hay bị nghi ngờ mắc bệnh dịch bao gồm Luật Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm 2007 (“Luật phòng chống bệnh”) và Luật khám chữa bệnh 2009 (“Luật khám chữa bệnh”).
Với những quy định này, bài viết không tranh cãi gì về việc T. (vốn có thể thuộc nhóm từng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch) và bệnh nhân 17 (là người đã được xác định dương tính với bệnh dịch) buộc phải bị cách ly. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc họ không còn quyền lợi pháp lý nào để bảo vệ mình.
Luật khám chữa bệnh quy định rõ việc cơ quan khám chữa bệnh không được xâm phạm quyền riêng tư của người bệnh. Quyền riêng tư của người bệnh thì được cụ thể hóa tại Mục 1, Chương II:
“1. Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
2. Thông tin quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.”
Ngoài quy định trên, quyền riêng tư của người bệnh vẫn được một số văn bản khác bảo vệ, mà quan trọng nhất là Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý (Điều 38).
Khó có thể cho rằng pháp luật Việt Nam về quyền riêng tư là hoàn hảo hay không có kẽ hở. Nhưng không phải vì vậy mà cho rằng hệ thống quy định pháp lý về vấn đề này không hề tồn tại.
Người bệnh đang trong tình trạng kiệt quệ (như bệnh nhân 17) hay đang chờ đợi được xét nghiệm trong cơ sở cách ly (như T.)… đều là những thời điểm nhạy cảm nhất, lúc người bệnh rơi vào tình trạng cô lập, không thể kháng cự và yếu thế nhất. Đó cũng chính là thời điểm mà quyền riêng tư của họ phải được bảo vệ tuyệt đối.
Riêng trường hợp phóng viên xông vào cơ sở cách ly phỏng vấn ngoài ý muốn của bệnh nhân rồi công khai đoạn phỏng vấn này như sản phẩm báo chí thì quả thật có một không hai.
Người viết từng ủng hộ việc công khai một phần thông tin của bệnh nhân 17. Ở một mức độ nào đó, việc công khai thông tin đã giúp chính quyền dập tắt những lời đồn đoán về lịch trình di chuyển, nơi lưu trú và sinh sống của bệnh nhân, duy trì ổn định trật tự xã hội trong một thời gian ngắn.
Ngược lại, đăng tải hình ảnh của bệnh nhân 17 hay bài phỏng vấn của bệnh nhân T. không phục vụ bất kỳ mục tiêu chính sách nào, ngoài sự hả hê cũng như tính hiếu kỳ của một số thành phần xã hội. Nói cách khác, báo chí đang dùng hình ảnh người bệnh cho mục đích riêng, vừa vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo tại Việt Nam là “tôn trọng quyền con người; không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân” (dù bản thân người viết không muốn viện dẫn nó cho lắm), vừa vi phạm các nguyên tắc, tiêu chuẩn chung của người làm báo trên thế giới về quyền riêng tư của các đối tượng tác nghiệp.
Sự riêng tư trong những thời khắc bệnh tật, mà đặc biệt là các loại bệnh truyền nhiễm, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo toàn phẩm giá của một cá nhân, gồm khả năng tự chủ (personal autonomy), cá tính riêng biệt (individuality), sự tự tôn (personal respect), nhân phẩm và giá trị như một con người (dignity and worth as human beings).
Vì bệnh dịch truyền nhiễm, người bệnh sẽ mất khả năng tự chủ, bởi họ không còn quyền quyết định về việc khám chữa bệnh như thế nào, ở đâu.
Họ cũng mất đi cá tính riêng biệt của mình, bởi trong mắt của cơ quan y tế, họ chỉ là một bệnh nhân truyền nhiễm như bao người khác không hơn không kém.
Họ cũng có thể mất đi sự tự tôn, bởi dịch bệnh có thể ép buộc họ phải tham gia những loại hình điều trị, cũng như phương pháp phòng tránh dịch mà họ đôi khi không muốn tham gia.
Chính những quyền riêng tư và việc được chữa trị, khám bệnh trong một không gian khép kín, tránh khỏi tay mắt của báo chí và cộng đồng là cách duy nhất để họ duy trì nhân phẩm và giá trị con người của mình. Và dù quan điểm của họ có vô lý, có kỳ cục đến đâu, nó cũng cần phải được tôn trọng và giữ kín trong những thời khắc như thế này, chứ không phải bị lợi dụng để “làm truyền thông”.
***
Nói ngàn lời bạn muốn về việc bệnh nhân T. không chịu cách ly, hay cứ thoải mái chỉ trích bệnh nhân 17 đã khiến Việt Nam “vỡ trận” như thế nào… Nhưng xâm phạm và cười cợt hình ảnh riêng tư của họ tại thời điểm họ dễ bị tổn thương nhất, chẳng khác nào chúng ta đang tự cầm dao đâm vào chính mình mà thôi.