Điểm tin: TT Trump dẫn trước ứng viên Joe Biden ở bang Texas

Ông Jode Biden và ông Donald Trump. Ảnh: Getty.
Ông Jode Biden và ông Donald Trump. Ảnh: Getty.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Kể từ 25/4, Luật Khoa sẽ cập nhật bản tin hai lần mỗi ngày và bỏ phiên cập nhật lúc 13:00.

ĐIỂM TIN 18:00

TT Trump dẫn trước ứng viên Joe Biden ở bang Texas

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Ông Jode Biden và ông Donald Trump. Ảnh: Getty.
Ông Jode Biden và ông Donald Trump. Ảnh: Getty.

Một khảo sát mới cho thấy đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump đang dẫn trước ứng cử viên Joe Biden năm điểm phần trăm ở tiểu bang đặc biệt quan trọng: Texas.

Theo đó, TT Trump có 49% cử tri ủng hộ, so với ông Biden là 44%.

Texas quan trọng vì nó chiếm tới 38/538 phiếu đại cử tri trong các cuộc bầu cử tổng thống, nhiều thứ hai sau bang California (55 phiếu), trong khi một ứng viên chỉ cần 270 phiếu là giành chiến thắng. Tuy vậy, một ứng cử viên của Đảng Dân chủ không nhất thiết phải thắng ở Texas vì đây được coi là bang nhà của Đảng Cộng hòa, nơi chưa có ứng cử viên Dân chủ nào thắng kể từ thời Jimmy Carter.

Khảo sát này do Đại học Texas và tờ Texas Tribune tiến hành.

Trên bình diện quốc gia, ông Biden đang dẫn trước ông Trump khoảng sáu điểm phần trăm trong hàng loạt các khảo sát khác nhau.

Thêm chứng cứ bất lợi cho ứng viên Joe Biden về cáo buộc tấn công tình dục nhân viên cũ

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Ứng cử viên Joe Biden và cô Tara Reade. Ảnh: Medium/Chưa rõ nguồn.

Ứng viên tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ đang chịu thêm sức ép về nghi án ông tấn công tình dục một nhân viên cũ, tên là Tara Reade, vào năm 1993, theo CNN. Một đoạn video năm 1993 cho thấy một người phụ nữ giấu tên gọi điện đến chương trình truyền hình nổi tiếng “Larry King Live” hỏi:

“Vâng, xin chào. Tôi muốn hỏi một nhân viên có thể làm gì ở Washington ngoài việc tìm đến báo chí?”, bà nói. “Con gái tôi mới rời khỏi đó sau khi làm việc cho một thượng nghị sĩ có tiếng, và không thể vượt qua được những khó khăn của nó, và điều duy nhất nó có thể làm là tìm đến báo chí, và nó chọn không làm vì tôn trọng ông ấy”.

Người phụ nữ này không nói gì về tấn công và quấy rồi tình dục, cũng như không nói cụ thể gì thêm.

CNN gọi điện cho cô Tara Reade và được cô xác nhận đây chính là giọng nói của mẹ cô.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với Fox News, cô Reade tỏ ra thất vọng trước việc đài CNN, NBC News, ABC News không hề hỏi ông Joe Biden về vụ việc này, mặc dù họ đã có nhiều dịp phỏng vấn ông Biden trong thời gian qua.

“Tôi tự hỏi nếu đấy là Donald Trump, họ có hành xử như vậy không? Nếu đó là Brett Kavanaugh, họ có hành xử như vậy không?”, cô nói.

Ông Joe Biden luôn khẳng định lời tố cáo của cô Reade là hoàn toàn sai sự thật.

Hàng nghìn tù nhân Mỹ nhiễm COVID-19 không có triệu chứng

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Một số trại giam cấp bang ở Arkansas, North Carolina, Ohio và Virginia (Mỹ) đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 4.693 tù nhân và phát hiện 3.277 ca nhiễm, trong đó có tới 96% không có triệu chứng gì, theo Reuters.

Mỹ hiện giam giữ nhiều tù nhân nhất thế giới với gần 2,3 triệu người tính tới năm 2017.

Nguy cơ bùng dịch trong các trại giam là mối lo lắng nhiều của quốc gia. Một số quốc gia, như Thổ Nhĩ Kỳ, đã quyết định phóng thích hàng chục nghìn tù nhân hoặc cho cách ly tại gia để tránh lây nhiễm.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 6:00 ngày 26/4, trên thế giới đã có 2.911.209 người bị nhiễm coronavirus và 203.412 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, cũng như không có ca tử vong nào.

ĐIỂM TIN 8:00

WHO cảnh báo: Khỏi bệnh không có nghĩa là không thể nhiễm lại

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng giám đốc WHO REUTERS/Denis Balibouse. Ảnh: REUTERS/Denis Balibouse.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kháng thể của những người hồi phục sau khi nhiễm bệnh COVID-19 sẽ không giúp họ tránh được nhiễm bệnh lần thứ hai. Trong một bản báo cáo khoa học, WHO cảnh báo chính phủ các nước không nên phát ra những “chứng chỉ từng bị COVID-19” hay công nhận những người từng bị bệnh sẽ vĩnh viễn không bị lây nhiễm trong tương lai.

WHO cho biết không có một bằng chứng khoa học nào, cho đến nay, có thể giúp khẳng định là kháng thể của người từng bị bệnh COVID-19 sẽ giúp họ thoát khỏi việc bị nhiễm bệnh trở lại trong tương lai. Thế nên, nếu các chính phủ sẵn sàng cấp những chứng chỉ miễn dịch cho người dân đã từng bị bệnh và cho phép họ trở lại công việc, không tiếp tục giãn cách thì khả năng bùng dịch trở lại ở những quốc gia đó sẽ cao hơn.

WHO cũng đồng ý là những người từng bị bệnh COVID-19 đều có kháng thể trong cơ thể họ. Tuy nhiên, WHO vẫn đang nghiên cứu về các kháng thể này vì những kết quả vừa qua cho thấy mức độ trung hòa của kháng thể trong máu là rất thấp. Điều này có thể cho biết mức độ miễn nhiễm của tế bào trong người bệnh sẽ là một điều tối cần thiết trong việc giúp họ lành bệnh.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 200.000 người

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Bản đồ theo dõi các vùng dịch trên thế giới của Đại học Johns Hopkins. Ảnh: coronavirus.jhu.edu

Theo Reuters, số liệu cập nhật vào thứ Bảy (giờ Mỹ) cho thấy số ca tử vong do coronavirus trên toàn thế giới đã lên đến con số 200.000. Trong đó, Mỹ, Tây Ban Nha và Ý chiếm hơn nửa số ca. Tổng số ca nhiễm bệnh được dự đoán sẽ chạm mốc ba triệu trong vài ngày tới.

Ca tử vong đầu tiên do coronavirus được xác nhận tại Wuhan, Trung Quốc vào ngày 10/1/2020. Chỉ 91 ngày sau, số ca tử vong trên toàn thế giới đã lên đến 100.000, và chạm mức 200.000 trong vỏn vẹn 16 ngày kế tiếp.

Nằm trong số những đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19, Bỉ là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất (cứ 10.000 người thì có 6 người tử vong), Tây Ban Nha nằm ở vị trí số hai ( cứ 10.000 người thì có 4,9 người tử vong). Mỹ có tỷ lệ tử vong là 1,6/ 10.000 người.

8% trong số người nhiễm bệnh tại Mỹ tử vong, trong khi đó số ca tử vong lên đến 10% tại Tây Ban Nha và Ý.

Tuy nhiên, con số thực tế chính xác có thể lớn hơn 200.000 vì nhiều quốc gia chưa thể thống kê số người chết tại các trung tâm chăm sóc hỗ trợ đặc biệt hoặc tại nhà.

Rộ tin đồn về sức khỏe của Kim Jong Un, Trung Quốc gửi chuyên gia y tế sang hỗ trợ

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái). Ảnh: Getty Images.

Một số nhà chức trách Trung Quốc và các chuyên gia y tế đã viếng thăm Bắc Triều Tiên vào cuối tuần vừa qua. Tuy nhiên, khó để xác nhận chuyến đi lần này của phía Trung Quốc có liên quan đến tình hình sức khoẻ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không. Triều Tiên luôn được biết đến là một đất nước bí ẩn. Thế nên, tình hình sức khỏe của những nhân vật chính trị cũng được coi là thông tin tuyệt đối nhạy cảm, được bảo mật chặt chẽ.

Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Năm (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump cũng chia sẻ là ông không tin sức khỏe của Kim Jong-un đã trở nên xấu đi. Ông nói, “tôi nghĩ rằng thông tin đó không chính xác”.

Vào thứ Sáu, một nguồn tin tại Bắc Triều Tiên đã tiết lộ với Reuters rằng Kim Jong-un vẫn còn sống và sẽ sớm xuất hiện trở lại. Mặc dù vậy, nguồn tin này đã không có bất cứ bình luận nào thêm về tình hình sức khoẻ hiện tại của Kim Jong-un hay sự can dự của Trung Quốc lần này.

Trong khi đó, đoàn tàu hoả được cho là thuộc quyền sở hữu của Kim Jong-un đã được nhìn thấy tại sân ga một khu nghỉ dưỡng tại Triều Tiên từ ngày 21/4/2020 đến 23/4/2020. Sự hiện diện của đoàn tàu tuy không trực tiếp nói lên được điều gì liên quan đến sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng nguồn tin cho rằng rất có khả năng Kim Jong-un đang tịnh dưỡng tại khu vực bờ biển phía Đông của đất nước.

Người dân Mỹ quay trở lại làm việc trong lo âu

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Một số bang tại Mỹ bao gồm Georgia, South Carolina, Texas và Tennessee đã cho phép các cơ sở kinh doanh lần lượt mở cửa trở lại vào thứ Sáu vừa rồi, dù chưa đáp ứng được ba điều kiện mà Nhà Trắng đưa ra.

Người lao động tại các tiểu bang này, đặc biệt tại Georgia, đang phải sống trong lo âu giữa diễn biến dịch bệnh phức tạp. Các chuyên gia y tế cảnh báo khả năng lây lan và bùng nổ dịch sẽ cao hơn nếu mở cửa quá sớm.

Nhưng theo chính sách dành cho người thất nghiệp tại đa số các tiểu bang, nếu người lao động từ chối việc làm khi được nhận cơ hội làm việc thì sẽ không được hưởng bất kì khoản trợ cấp thất nghiệp nào.

Sở Lao động bang Georgia hiện tại đang thụ lý hơn 860.000 trường hợp xin hỗ trợ thất nghiệp từ giữa tháng Ba đến nay. Đó là 17% của tổng số việc làm tại bang này. Mỗi tuần, Georgia đang phải chi trả gấp hai lần số tiền trợ cấp nếu mang so sánh với năm 2019. Một số nhà phê bình cho rằng điều này đang đe dọa đến tình hình tài chính của bang. Vậy nên, đó là lý do tại sao Georgia đã khuyến khích các doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại càng sớm càng tốt.

Thomas Smith, phó giáo sư tại Khoa Kinh doanh – Đại học Emory, cho rằng “người dân đã bị ép đặt cược mạng sống của chính mình vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Những người dân bình thường đâu phải là các anh lính chiến đấu. Họ chỉ là những người thợ cắt tóc mà thôi”.

Canada: Lên kế hoạch đưa nền kinh tế trở lại guồng quay

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Canada đang lên kế hoạch cho các cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại. New Brunswick sẽ là tỉnh đầu tiên thực hiện tái mở cửa doanh nghiệp. Tỉnh Saskatchewan đã có kế hoạch cụ thể cho việc hoạt động kinh doanh trở lại vào tháng Năm sắp tới.

Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đã có cuộc gặp với những lãnh đạo các tỉnh để bàn về việc tái hoạt động. Mọi kế hoạch đều phải dựa trên tình hình thực tế của riêng từng bang và cả nước.

Biểu tình nổ ra ở Berlin chống đối lệnh đóng cửa

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình tại Berlin, Đức, ngày 25/5/2020. Ảnh: Reuters.

Đức bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 17/3/2020. Tuy nhiên, tòa Hiến pháp Đức cho phép người dân tổ chức và tham gia biểu tình trong thời gian này nếu họ tuân thủ đúng các quy tắc về giãn cách xã hội.

Vào ngày thứ Bảy, 25/4/2020, những người biểu tình mang khẩu trang và giữ khoảng cách với nhau, yêu cầu mở cửa xã hội trở lại. Họ mang theo hoa hồng trắng, biểu tượng cho phong trào chống Đức Quốc xã trước kia. Nhóm biểu tình yêu cầu chính quyền phải tôn trọng các quyền hiến định và quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, cũng có một số người tụ tập với khoảng cách gần và la hét yêu cầu được quay trở lại nhịp sống bình thường trước đây. Họ sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát Đức công bố trên Twitter, họ đã phải bắt giữ hơn 100 người vì không chịu tuân thủ giãn cách.

Theo số liệu do Robert Koch Institute (RKI) công bố vào thứ Sáu vừa rồi số ca nhiễm ở Đức đã lên đến 152.348 ca với 5.500 ca tử vong.

Trung Quốc sẽ sản xuất sản phẩm y tế theo tiêu chuẩn riêng của từng quốc gia nhập khẩu

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Sau khi các nước châu Âu phàn nàn về độ kém chính xác của bộ kit thử COVID-19, Trung Quốc thông báo đã ban hành quy định siết chặt khâu kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu, áp dụng cho các sản phẩm y tế như bộ thử COVID-19, khẩu trang, máy thở và nhiệt kế. Tuy nhiên, vào thứ Bảy, 25/4/2020, Trung Quốc thông báo họ sẽ kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của từng nước mà chúng sẽ được xuất khẩu sang.

Theo Zhang Shuwen, người sáng lập Liming Bio – công ty chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học và đang tập trung vào thị trường bộ kiểm tra COVID-19, “mỗi đất nước có những tiêu chuẩn riêng đối với các dụng cụ y tế và thuốc thang. Điều cần được ưu tiên hàng đầu và cân nhắc ở đây chính là tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của từng nước nhập khẩu thay vì sản xuất sản phẩm dựa trên tiêu chuẩn của riêng Trung Quốc”.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu các dụng cụ y tế và bộ kiểm tra thử COVID-19 đang tăng cao trên toàn cầu.

Ấn Độ: Theo dõi chặt chẽ các khoản đầu tư từ Trung Quốc

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ấn Độ đang muốn hạn chế các khoản đầu tư trực tiếp từ các nước chung biên giới với Ấn Độ – trong đó có Trung Quốc – vào thời điểm dịch bệnh bùng nổ. Các nhà chức trách Ấn Độ thông báo trong tuần này rằng những khoản đầu tư từ các nước có chung biên giới phải được chính phủ cho phép trước. Điều đó đồng nghĩa với việc tiền đầu tư sẽ không được tự do rót vào Ấn Độ.

Theo Reuters, Ấn Độ sẽ cố gắng thẩm định nhanh những yêu cầu đầu tư trong vòng 15 ngày đối với các hạng mục đầu tư “không nhạy cảm”. Những hạng mục như dịch vụ tài chính, viễn thông và bảo hiểm thì có nguy cơ được đưa vào danh sách nhạy cảm.

Ấn Độ cho rằng quy tắc sàng lọc này có thể sẽ ngăn chặn được việc bán tháo cổ phần của những doanh nghiệp lớn khi đại dịch đang diễn biến phức tạp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ mong rằng môi trường kinh tế của Ấn Độ sẽ tốt hơn khi có những quy định mới này, và trong thời kỳ dịch bệnh thì các nước nên đoàn kết với nhau để vượt qua khó khăn.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 6:00 ngày 26/4, trên thế giới đã có 2.893.729 người bị nhiễm coronavirus và 202.668 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, cũng như không có ca tử vong nào.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.