Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong tháng

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong tháng
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong tháng

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

ĐIỂM TIN 18:00

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong tháng

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Tàu chiến USS Barry. Ảnh: Wikimedia Commons.

Hôm nay, 24/4, tàu chiến Mỹ USS Barry đã đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong một tháng, tiềm năng tiếp tục chọc giận Bắc Kinh.

Người phát ngôn của Hạm đội Bảy của Hải quân Hoa Kỳ, đại tá Anthony Junco, cho biết đây là một hoạt động định kỳ, tuân thủ theo luật quốc tế.

“Con tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép”, ông nói.

Eo biển Đài Loan là vùng biển giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan, được coi là một vùng nhạy cảm do Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo tự trị này.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 18:00 ngày 24/4, trên thế giới đã có 2.721.522 người bị nhiễm coronavirus và 191.231 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 268, cũng như không có ca tử vong nào.

ĐIỂM TIN 13:00

Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật cứu trợ kinh tế thứ tư trị giá 484 tỷ USD

Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ký dự luật cứu trợ thứ tư, 23/4/2020. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ký dự luật cứu trợ thứ tư, 23/4/2020. Ảnh: Reuters.

Hôm thứ Năm, 23/4 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế thứ tư kể từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay, trị giá 484 tỷ USD, với số phiếu 388-5, với một người bỏ phiếu trống, theo Reuters.

Gói cứu trợ này sẽ được dành cho doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện. Như vậy, tổng số tiền chính phủ Mỹ tung ra để cứu trợ kinh tế đã lên đến con số kỷ lục gần 3.000 tỷ USD.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật này hai ngày trước đó. Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ ký ban hành vào thứ Năm (giờ Mỹ).

Bên cạnh dự luật này, Hạ viện Mỹ còn lập ra một ủy ban giám sát việc nhánh hành pháp ứng phó với COVID-19. Ủy ban này có quyền triệu tập nhân chứng và điều tra chính quyền liên bang.

Kinh tế gia Lawrence Summers tham gia ban cố vấn của ứng viên tổng thống Joe Biden

Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.

Lawrence Summers và ông Joe Biden. Ảnh: AP.

Kinh tế gia hàng đầu của Mỹ, Lawrence Summers, nằm trong số những cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ, theo Reuters.

Lawrence Summers từng là Chủ tịch Đại học Harvard, cựu Bộ trưởng Ngân khố dưới thời Tổng thống Bill Clinton, và từng dẫn dắt Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ông hiện là giáo sư của Đại học Harvard.

ĐIỂM TIN 8:00

Mỹ ép WHO cải tổ, dọa lập tổ chức khác thay thế

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Newsweek.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Newsweek.

Hôm thứ Tư, 21/4 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Michael Pompeo, tuyên bố cần phải cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu không, Mỹ có thể sẽ cắt tài trợ vĩnh viễn và xúc tiến thành lập một tổ chức khác thay thế, theo Fox News.

Khi được hỏi ông đã thúc giục thay đổi lãnh đạo của WHO chưa, ông Pompeo trả lời: “Thậm chí còn hơn thế, có thể có trường hợp là Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ mang tiền thuế của người dân đóng cho WHO nữa”.

“Nếu định chế này làm việc và vận hành được, Mỹ sẽ luôn luôn lãnh đạo và là một phần của họ. Nhưng nếu không, khi thực tế là họ đang thất bại trong việc theo đuổi những mục tiêu mà họ đề ra, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác trên toàn thế giới để xây dựng một cấu trúc, một hình thức, một mô hình quản trị đảm bảo vận hành đúng mục đích”, ông nói, hàm ý Mỹ có thể lập một tổ chức thay thế WHO.

Trong khi đó, các dân biểu Dân chủ đã gửi một lá thư cho Tổng thống Donald Trump, yêu cầu phải tài trợ cho WHO và cáo buộc chính quyền Trump đã đổ lỗi cho WHO để che giấu những sai lầm của họ trong việc phòng chống COVID-19 tại Mỹ.

Việc Hoa Kỳ có tài trợ cho WHO trong những năm tới hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11/2020. Quốc hội Hoa Kỳ có quyền đưa ra một đạo luật để bảo đảm  tài trợ cho WHO, nhưng cần sự đồng ý của cả hai đảng. Việc cần sự ủng hộ của lưỡng đảng không chỉ để thông qua được đạo luật này, mà còn nhằm áp đảo được quyền phủ quyết (veto) của tổng thống nếu tổng thống không đồng ý với đạo luật.

Mỹ mất 26,5 triệu việc làm trong hơn một tháng qua

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết, trong tuần vừa qua đã có thêm 4,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và con số người xin trợ cấp này là 26,5 triệu nếu tính từ giữa tháng 3/2020 cho đến nay.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng bệnh COVID-19 đã xóa sổ 22 triệu việc làm được tạo ra từ tháng 9/2010 cho đến tháng 2/2020. Họ còn dự đoán là muốn vực lại được nền kinh tế thì sẽ tốn rất nhiều thời gian. Cuộc khủng hoảng kinh tế này được cho là có sức ảnh hưởng như thời kỳ Đại khủng hoảng vào thập niên 1930.

TTg Anh chuẩn bị trở lại làm việc

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ trở lại làm việc vào thứ Hai tuần tới, theo báo Telegraph.

Ông Johnson đã cho phụ tá lên kế hoạch gặp gỡ các bộ trưởng trong tuần tới để nắm bắt công việc.

Theo Reuters, kinh tế Anh đang rất chao đảo vì dịch bệnh COVID-19 và đây là thời kỳ khủng hoảng cho Anh khi chính phủ vay mượn tiền quá nhiều. Thủ tướng Johnson cần phải sớm đưa ra kế hoạch cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Các hãng thuốc châu Âu hợp tác bào chế vaccine ngừa coronavirus

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Các hãng thuốc lớn tại châu Âu đang hợp tác để nhanh chóng tìm ra vaccine chủng ngừa cho coronavirus, theo Reuters.

Một nhóm khoa học gia tại Đại học Oxford đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào thứ Năm tuần này với vaccine mà họ chế tạo có tên gọi “ChAdOx1 nCoV-19”.

Theo Reuters, hiện nay có khoảng 100 loại vaccine đang được nghiên cứu chế tạo để chống lại bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Ít nhất là có năm loại đang được thử nghiệm trên người mà họ gọi là Giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu tìm ra vaccine chống coronavirus.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:15 ngày 24/4, trên thế giới đã có 2.703.615 người bị nhiễm coronavirus và 190.490 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 268, cũng như không có ca tử vong nào.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.