Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Bác sĩ Anthony Fauci, thành viên nòng cốt của ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng, đã bị cấm ra điều trần trước một tiểu ban của Hạ viện Hoa Kỳ, Nhà Trắng thông báo hôm thứ Sáu, theo Reuters.
Một tiểu ban phụ trách theo dõi các vấn đề y tế của Hạ viện đề nghị bác sĩ Fauci ra làm chứng trong một phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 6/5 trong một nỗ lực giám sát hoạt động chống dịch của nhánh hành pháp. Bác sĩ Anthony Fauci là quan chức y tế hàng đầu của Mỹ và là giám đốc Viện Các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia.
Nhà Trắng cho biết, “trong khi chính quyền Trump tiếp tục chiến dịch ứng phó tổng lực với COVID-19, trong đó có cả việc mở cửa nước Mỹ trở lại một cách an toàn và thúc đẩy phát triển vaccine, việc các cá nhân tham gia nỗ lực này ra điều trần trước Quốc hội sẽ gây trở ngại [cho công việc]”.
“Chúng tôi cam kết sẽ làm việc với Quốc hội để khai chứng vào một thời điểm thích hợp”.
Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đang mở các cuộc điều tra giám sát hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và việc chi tiêu các khoản ngân sách cứu trợ mà Nhà Trắng tiến hành.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào thứ Sáu (giờ Mỹ), ông Trump tuyên bố mình sẽ giải quyết số nợ khổng lồ mà Mỹ đang gánh, nếu ông tái đắc cử vào tháng 11/2020 sắp tới. Tuy nhiên, vị tổng thống đương nhiệm không tiết lộ cụ thể ông sẽ làm như thế nào.
“Chúng tôi đang giải quyết chuyện đó, chúng tôi đang chi trả số nợ hiện có bằng cách vay một khoản nợ dài hạn khác, khoản nợ đó không có lãi. Anh biết đấy, đó là một điều hết sức tuyệt vời!” – Trump tiết lộ trên một chương trình phát thanh với Dan Bongino.
Hiện nợ công của Mỹ đang ở mức gần 25.000 tỷ USD, tương đương 116% GDP. Từ khi ông Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017, nợ công của Mỹ đã tăng thêm hơn 8.000 tỷ USD.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Một khảo sát mới của hãng nghiên cứu thị trường Gallup từ 14-28/4 cho thấy tỷ lệ người Mỹ hài lòng với công việc của ông đã tăng thêm sáu điểm phần trăm lên 49% so với khảo sát đầu tháng Tư.
Trong khi đó, tỷ lệ người Mỹ tán thành với cách ông ứng phó với đại dịch lại giảm 10%, xuống còn 50%.
Tổng kết lại, mức độ tín nhiệm dành cho ông Trump đang ở mức cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Sau vụ xả súng cướp đi 22 sinh mạng tại tỉnh Nova Scotia hai tuần trước, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố sẽ chính thức cấm các loại vũ khí quân dụng tại Canada.
“Các vũ khí này được chế tạo chỉ cho duy nhất một mục đích. Đó là giết chết nhiều người nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Không nơi nào trên đất nước Canada có nhu cầu sử dụng loại vũ khí như vậy”, ông Trudeau đã phát biểu trong một buổi họp báo vào ngày thứ Sáu tại Ottawa.
Lệnh này sẽ bao gồm cấm các hoạt động mua, bán và sử dụng các loại vũ khí quân dụng. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành. Chủ sở hữu của các loại vũ khí này sẽ có hai năm để xử lý tài sản của mình và chính phủ sẽ có những chính sách bồi thường một cách công bằng.
Mặc dù cuộc tranh luận xoay quanh việc buôn bán và sử dụng súng tại Canada không diễn ra sôi nổi và gây tranh cãi nhiều như ở Mỹ, nhưng người của Đảng Bảo thủ và các phe đối lập tỏ rõ mối bất đồng đối với chính sách của Thủ tướng Justin Trudeau – người đại diện cho Đảng Tự do.
Andrew Scheer – lãnh đạo Đảng Bảo Thủ bình luận rằng, lệnh cấm này không hợp lý vì nó như là một sự trừng phạt dành cho những công dân đang tuân thủ luật pháp. Ông ám chỉ việc một số địa phương Canada dùng vũ khí quân dụng để săn nai và đa số những người phạm tội với loại vũ khí này đều sử dụng nó một cách trái phép hoặc sở hữu bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau thì cho rằng: “Chúng ta không cần đến một khẩu AR-15 để giết chết một con nai”. Bên cạnh đó, một thăm dò của hãng Angus Reid đưa ra kết quả là 78% người dân Canada được hỏi đã ủng hộ lệnh cấm này.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Vào thứ Sáu (giờ Mỹ), khi trả lời phỏng vấn đài MSNBC về cáo buộc tấn công tình dục một cựu nhân viên vào năm 1993, Joe Biden chính thức phản hồi: “Không, điều đó không phải là sự thật. Tôi khẳng định một cách dứt khoát rằng, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra”. Ngoài ra, ông Biden cũng đề nghị Thượng viện mở lại tàng thư vào những năm mà cựu nhân viên này làm việc để xem có bất kỳ đơn tố cáo nào về ông hay không.
Joe Biden hiện gần như chắc chắn là ứng cử viên của Đảng Dân chủ và là người sẽ đối đầu với Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa trong cuộc cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11/2020.
Từ tháng 3/2020, một trợ lý làm việc cho Joe Biden khi ông còn là Thượng nghị sĩ – bà Tara Reade, sống tại California – cáo buộc rằng ông đã tấn công tình dục bà vào năm 1993.
Năm ngoái, Tara Reade là một trong tám người phụ nữ lên tiếng về việc Biden có những hành vi động chạm khiến cho họ cảm thấy không được thoải mái, nhưng không ai trong số đó tố cáo ông với tội danh “tấn công tình dục”.
Biden nói: “Phụ nữ có quyền được lắng nghe và báo chí nên điều tra một cách nghiêm túc những điều mà họ đưa ra. Tôi vẫn luôn đề cao nguyên tắc đó. Nhưng đến cuối cùng, dù là trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì chỉ có sự thật mới là điều quan trọng nhất”.
Heather Drevna, Phó Chủ tịch truyền thông của tổ chức Rape, Abuse & Incest National Network, một mạng lưới chống lạm dụng và bạo lực tình dục, đã lên tiếng trước những phản hồi của Joe Biden. Bà cho biết tổ chức của bà đánh giá cao việc Joe Biden đã trực tiếp lên tiếng phản hồi về những cáo buộc của bà Tara Reade. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng “những cáo buộc này phải được điều tra một cách hết sức kỹ lưỡng”.
Reuters cũng cho biết bà Tara Reade và người đại diện của bà chưa có phản hồi gì về phát biểu của ông Biden.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Hãng Thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA thông báo hôm nay rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tham dự lễ khánh thành một nhà máy phân bón ở khu vực bắc thủ đô Bình Nhưỡng, đồng thời công bố hình ảnh tại sự kiện này. Đây là thông báo đầu tiên từ Bắc Triều Tiên về hoạt động công khai của Kim Jong-un kể từ ngày 11 tháng Tư.
Hãng thông tấn Reuters vẫn chưa thể liên hệ để xác thực thông tin này với KCNA.
Tuy vậy, dẫn lời hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap News Agency, Fox News cho biết rằng theo ông Ji Seong-ho – một người đã bỏ trốn Bắc Triều Tiên và nay là một nhà lập pháp tại Hàn Quốc, có đến 99% là Kim Jong-un đã chết vào cuối tuần trước.
Ông Ji Seong-ho không tiết lộ là ai đã cho ông thông tin trên, nhưng nói rằng trong cuối tuần này, việc Kim Jong-un đã chết sẽ được công bố. Ông Ji còn nói thêm rằng việc giấu tin về cái chết của Kim Jong-un là vì các phe nhóm đang tranh giành quyền lãnh đạo.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng không nhận xét gì về thông tin liên quan đến Kim Jong-un khi được hỏi. Ông Trump cho biết mình có thông tin, nhưng bây giờ chưa phải lúc công bố.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Vào thứ Sáu (giờ Mỹ), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép cho thuốc Remdesivir được sử dụng để điều trị COVID-19 trong trường hợp cấp bách.
Việc cấp phép đã tạo điều kiện cho nhiều bệnh viện sử dụng loại thuốc này cho phác đồ điều trị. Những bệnh nhân nhập viện với triệu chứng nặng cần bổ sung oxygen sẽ được điều trị bằng Remdesivir.
Trong cuộc họp tại Phòng Bầu Dục với Tổng thống Donald Trump, Giám đốc điều hành hãng thuốc Gilead, Daniel O’Day, gọi đây là bước tiến quan trọng đầu tiên, và công ty sẽ quyên góp 1,5 triệu lọ thuốc để giúp đỡ bệnh nhân. Daniel O’Day từ chối tiết lộ giá bán của thuốc sau khi số thuốc quyên góp được tiêu thụ.
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết 1,5 triệu lọ thuốc Remdesivir sẽ được gửi đến các bệnh viện vào thứ Hai tuần sau.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Tiến sĩ Gauden Galea, người đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đang tiến hành một số cuộc điều tra về coronavirus ở cấp quốc gia, nhưng chúng tôi chưa nhận được lời mời tham gia ở giai đoạn này”.
WHO và tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng, coronavirus có nguồn gốc tự nhiên, không bị biến đổi gen. Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ nghi ngờ rằng mầm bệnh có thể đã vô tình lọt ra từ một phòng thí nghiệm, có thể là Viện Virus học Vũ Hán hoặc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Vũ Hán. Đại diện WHO nhấn mạnh nguồn gốc của virus và mặt phân giới giữa người và động vật là những yếu tố quan trọng cần được nghiên cứu, việc ưu tiên hàng đầu là để nắm được cách phòng tránh sau này.
Hoa Kỳ đã ngừng tài trợ cho WHO sau khi cáo buộc tổ chức này đã không xử lý thấu đáo sự bùng phát của dịch bệnh, nghe theo tuyên truyền của Trung Quốc. Một số quan chức và chính trị gia Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc che đậy sự bùng phát của coronavirus. Nhà Trắng đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo điều tra bằng chứng cho sự che đậy này. Bên cạnh đó, Đảng Cộng hòa trong Uỷ ban Giám sát Nhà Trắng đã kêu gọi các đồng nghiệp Đảng Dân chủ điều tra về các mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Vào thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra thông báo kêu gọi các quốc gia nên từ từ nới lỏng lệnh đóng cửa, và luôn ở trong tâm thế sẵn sàng cho sự trở lại của coronavirus.
Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu về tình trạng khẩn cấp của WHO cho biết, những người dễ bị tổn thương, bao gồm những cá nhân trong các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn, nhà tù và ký túc xá của người nhập cư, cần phải được bảo vệ. Ngay cả khi virus đang dần được kiểm soát, cộng đồng vẫn phải tuân theo các biện pháp vệ sinh và hạn chế tiếp xúc xã hội. Việc kiểm tra những trường hợp bị nghi phơi nhiễm cũng cần được tiếp tục.
Coronavirus đã lan ra mạnh mẽ trong các cơ sở chăm sóc người già tại châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi ở Singapore, coronavirus đã lan truyền giữa những người lao động nhập cư ngay trong các khu ký túc xá.
Ông Ryan phát biểu: “Bởi vì chỉ cần một tia lửa trong tình huống như vậy cũng có thể rất nhanh chóng gây ra một đám cháy to”. Ông còn cho rằng, các nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau về kinh tế lẫn xã hội trong thời kỳ đóng cửa. Vì vậy, việc nới lỏng xã hội có thể được tiến hành với các điều luật được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, nếu các biện pháp này được tiến hành quá dễ dãi, thì sẽ dẫn đến tình trạng dịch bệnh bùng phát lần nữa. Và khi đó, tất cả các quốc gia phải đối mặt với việc thực hiện quá trình này lại từ đầu.
Dù các nước phương Tây đang bắt đầu nới lỏng, thì nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn có thể bùng phát trở lại, từ Haiti lan ra Somalia, Yemen, v.v.
Ngoài ra, người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, vẫn bảo vệ mạnh mẽ quan điểm rằng WHO đã kịp thời tuyên bố coronavirus là trường hợp khẩn cấp ở cấp độ quốc tế vào cuối tháng 1/2020.
Khi được hỏi về mối quan hệ đối với Hoa Kỳ – nhà tài trợ chính lớn nhất đã tuyên bố ngừng tài trợ, ông Tedros nói: “Thật ra chúng tôi vẫn còn liên lạc và làm việc cùng nhau”. Tuy nhiên, ông không làm rõ thêm chi tiết về phát biểu này.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.