TT Trump: Mỹ có thể cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc

TT Trump: Mỹ có thể cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Xi Jinping gặp mặt ngày 9/11/2017. Ảnh: REUTERS/Damir Sagolj.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

TT Trump: Mỹ có thể cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Xi Jinping gặp mặt ngày 9/11/2017. Ảnh: REUTERS/Damir Sagolj.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết bản thân đang rất thất vọng về Trung Quốc. Ông nói: “Họ đã có thể ngăn chặn điều này [đại dịch COVID-19] xảy ra. Tôi đã tạo nên một thỏa thuận thương mại tuyệt vời nhưng giờ tôi không cảm thấy như vậy nữa. Mực còn chưa ráo trên bản thỏa thuận thương mại mà bệnh dịch lại tràn đến đây”, Reuters dẫn nguồn tin từ đài Fox Business Network phát hình buổi phỏng vấn với Tổng thống Trump vào thứ Năm (giờ Mỹ).

Sự khó chịu của Donald Trump còn liên quan đến Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người mà trước đây Trump khẳng định đang có một mối quan hệ tốt, nhưng “bây giờ, tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”.

Tổng thống Trump cũng được hỏi trong buổi phỏng vấn về việc một thượng nghị sĩ Cộng hoà đề nghị từ chối thị thực đối với sinh viên Trung Quốc theo học các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia như điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo tại Mỹ. Ông Trump trả lời: “Có rất nhiều điều chúng tôi có thể làm. Chúng tôi có thể cắt đứt toàn bộ mối quan hệ với Trung Quốc”.

Trump còn cho rằng nếu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ tiết kiệm được 500 tỷ USD ngân sách nhập khẩu hàng Trung Quốc hằng năm – điều mà ông luôn coi là khoản tiền nước Mỹ mất vào tay Trung Quốc.

Theo thoả thuận thương mại giữa hai nước, trong giai đoạn 1, Trung Quốc sẽ phải mua 200 tỷ USD các mặt hàng, sản phẩm từ Mỹ trong vòng hai năm tới đây. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ giảm các mức thuế quan cho Trung Quốc theo từng giai đoạn.

Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng phát biểu của ông Trump không giải quyết được tình hình khủng hoảng ở Mỹ hiện nay.

“Tránh giao thiệp không phải là một chiến lược hiệu quả để giải quyết một cuộc khủng hoảng vốn đòi hỏi phải hợp tác toàn cầu. Và cắt đứt toàn bộ quan hệ kinh tế sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ”, ông nói.

Trước những phát biểu của ông Trump, Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, ông Hu Xijin, đã viết trên Twitter của mình: “Vị tổng thống này đã từng gợi ý bệnh nhân tiêm chất tẩy rửa vào người để giết virus. Hãy nhớ đến điều đó và bạn sẽ không thấy bất ngờ khi ông ta nói ông ta có thể cắt đứt mọi mối liên hệ với Trung Quốc”.

Pháp đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Ảnh: France 24.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Ảnh: France 24.

Vào thứ Năm, theo Reuters, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã tuyên bố rằng, toàn bộ các quốc gia trên thế giới đều có quyền bình đẳng tiếp cận với vaccine điều trị coronavirus do công ty dược Sanofi của Pháp điều chế.

Sanofi là công ty dược đa quốc gia lớn thứ năm trên thế giới, có trụ sở chính tại Pháp. Ông Edouard Philippe nói: “Vaccine ngừa COVID-19 sẽ được xem là sản phẩm công cộng cho toàn bộ thế giới”. Ông còn nhấn mạnh, mọi người phải có “quyền bình đẳng tiếp cận với vaccine” và “không đàm phán thương lượng về điều đó”.

Thông báo này được phát đi chỉ một ngày sau khi giám đốc điều hành của công ty dược, Paul Hudson, cho biết Mỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine. Cũng vào thứ Năm, ông Hudson đã lên tiếng xin lỗi và đảm bảo rằng các khu vực trên thế giới đều có quyền mua bán, sử dụng vaccine như nhau. Sanofi hiện đang nghiên cứu hai loại vaccine.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trước đây cũng cho biết ông hy vọng bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào cũng sẽ được chia sẻ đồng đều cho toàn thế giới.

Cũng vào thứ Năm, Tổng thống Trump đã thông báo tại Nhà Trắng: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có vaccine vào cuối năm nay, và tôi nghĩ rằng việc phân phối sẽ diễn ra gần như đồng thời ngay lúc đó”.

Tuy nhiên, bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kỳ thì không cho rằng sẽ có vaccine cho COVID-19 vào mùa thu năm nay. Ý kiến này cũng được hầu hết các bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu về bệnh dịch của Mỹ đồng ý.

Một số nước trong khối Liên minh Châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ COVID-19 đang lo ngại rằng sẽ không có đủ nguồn cung cho vaccine đến khu vực này, đặc biệt nếu vaccine được phát triển ở Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Ủy ban Châu Âu đang cân nhắc sử dụng quỹ khẩn cấp 2,6 tỷ USD cho các phòng thí nghiệm để tăng cường năng xuất nghiên cứu.

Thêm gần 3 triệu người Mỹ mất việc làm trong tuần qua

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thành phố New York vẫn đang chống chọi với đại dịch COVID-19 bằng lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP.
Thành phố New York vẫn đang chống chọi với đại dịch COVID-19 bằng lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP.

Tuần trước, gần ba triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ, nâng tổng số người mất việc ở Mỹ trong hai tháng phong tỏa vừa qua lên lên gần 36 triệu người, theo AP.

Gần ba nghìn tỷ USD đã được phân bổ để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, đứng trước thực tế hiện nay, nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản, dẫn đến hàng triệu người sẽ không có việc làm trở lại. Chính quyền các tiểu bang đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn thu ngân sách lớn, có thể phải sa thải thêm hàng triệu nhân viên và cắt giảm dịch vụ.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang, Jerome Powell, trong tuần này đã nhấn mạnh rằng Quốc hội nên xem xét bơm thêm tiền cứu trợ để tránh kéo dài khủng hoảng kinh tế. Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hoà phát biểu trước Quốc hội rằng họ cần xem xét tác động của các gói cứu trợ cũ trước khi phê duyệt thêm gói cứu trợ khác.

Chính quyền Trump đã khẳng định rằng, một khi các bang mở cửa, người Mỹ sẽ mua sắm trở lại và cùng với các hoạt động khác sẽ phục hồi nền kinh tế Mỹ. Nhưng số liệu thu thập được cho thấy nỗi lo sợ phát tán virus có lẽ sẽ khiến tình trạng phong toả kéo dài. Các nhà kinh tế cho rằng nếu không có các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như xét nghiệm rộng rãi hoặc có vaccine, thì nỗi sợ lây lan virus sẽ khiến nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Vũ Hán tiến hành xét nghiệm virus cho toàn bộ 11 triệu dân cư

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối tháng 3/2020. Ảnh: Reuters.
Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối tháng 3/2020. Ảnh: Reuters.

Bắt đầu từ tuần này, các quan chức ở Vũ Hán đã khởi động và lên kế hoạch cho chiến dịch xét nghiệm virus cho toàn bộ cư dân của thành phố. Mục tiêu là xét nghiệm cho tất cả 11 triệu dân cư trong vòng 10 ngày.

Theo Reuters, một tin nhắn đã được gửi đến cho người dân Vũ Hán vào thứ Ba, thông báo rằng người dân sẽ được xét nghiệm hoàn toàn miễn phí và việc này sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện. Các quan chức cho biết mục tiêu của họ là xét nghiệm cho tất cả 11 triệu người dân. Trong đó, khu vực ưu tiên được xếp thành 12 nhóm, bao gồm các trường học, trung tâm y tế, nơi tập trung phương tiện công cộng, chợ, cơ quan chính phủ, và người trở về từ nước ngoài hoặc người rời khỏi Vũ Hán.

Health News, tờ báo liên kết với Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào thứ Ba đã cho biết việc này có thể sẽ tiêu tốn của Vũ Hán hơn một tỷ nhân dân tệ, tức khoảng hơn 3,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, tờ báo còn đưa ra con số thống kê cho thấy Vũ Hán hiện có năng lực xét nghiệm hằng ngày là 100.000 ca và 63 cơ quan có thể thực hiện xét nghiệm. Nếu muốn đạt được mục tiêu xét nghiệm tất cả cư dân trong 10 ngày thì sẽ cần xét nghiệm đến 730.000 người mỗi ngày.

Đã có bốn bộ trưởng Nga dương tính với COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Putin trong một cuộc họp với quan chức Nga. Ảnh: Getty.
Tổng thống Putin trong một cuộc họp với quan chức Nga. Ảnh: Getty.

Vào thứ Năm, Tổng thống Vladimir Putin công bố Bộ trưởng Bộ Giáo dục của nước này đã nhiễm COVID-19, nâng tổng số quan chức cấp cao ở Nga có coronavirus lên ít nhất sáu người, trong đó có bốn bộ trưởng.

Tổng thống Nga nói trong buổi họp trực tuyến rằng không có gì phải giấu diếm về những ca nhiễm bệnh của chính phủ. Theo bà Anna Popova, một quan chức y tế cấp cao, hiện nay Nga đang dần kiểm soát được dịch bệnh. Số ca nhiễm được báo cáo trong ngày vừa qua đã ít hơn 10.000 ca, thấp nhất trong vòng hai tuần qua.

Tuy nhiên, Nga vẫn là nước có số người mắc bệnh COVID-19 cao thứ hai trên thế giới và chỉ sau Mỹ, theo Đại học John Hopkins.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:15 ngày 15/5/2020, trên thế giới đã có 4.437.442 người nhiễm coronavirus với 302.025 ca tử vong.
  • Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam hiện nay theo Bộ Y tế đã tăng lên 312 người, và không có trường hợp tử vong nào vì COVID-19. Tất cả 24 trường hợp nhiễm bệnh mới là hành khách trên chuyến bay VN0062 từ Moscow, Nga hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh lúc 4:40 sáng ngày 13/5/2020. Họ đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.