Tôi đã từng khinh thường “phản động” ra sao

Ảnh: Chụp màn hình the88project.org/Reuters. Đồ họa: Luật Khoa.
Ảnh: Chụp màn hình the88project.org/Reuters. Đồ họa: Luật Khoa.

Giống như nhiều người Việt Nam, lần đầu tiên tôi biết đến sự tồn tại của “phản động ngoài đời thực” là qua báo đài của chính quyền. Đó là khoảng hơn mười năm về trước, khi những blogger đầu tiên bị bắt giữ vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

Trước đó, trong suốt vài chục năm trời, “thế lực phản động” duy nhất tôi được nghe tới chỉ tồn tại trong những trang sách giáo khoa, nơi dày đặc các câu chuyện thiện ác đối đầu, mà vai thiện/ chính nghĩa luôn luôn là đặc quyền của phe ta/ Đảng Cộng sản, còn vai ác được dành cho tất cả những ai không chịu đứng cùng phe mình.

Tò mò khi thấy “phản động” bước ra đời thực từ trang sách, tôi mò mẫm tìm cách vượt tường lửa vào đọc những “trang web cấm”, các trang blog bị chính quyền chặn không cho người bình thường truy cập.

Chỉ sau vài tiếng ngụp lặn, sự tò mò tắt ngúm, nhường chỗ cho một cảm giác hụt hẫng ghê gớm.

“Mấy thứ này có gì hay ho đâu trời?!”, tôi tự hỏi.

Nếu không phải là chỉ trích, hay nói thẳng ra là “chửi” chính quyền, bằng đủ thứ ngôn ngữ hàng tôm hàng cá, thì cũng là những bài bình luận với logic lộn xộn, lẫn trong một mớ hổ lốn những loại “tin hành lang nhà bà tám” không bằng chẳng chứng.

So với những gì đọc được trên các trang báo uy tín nước ngoài hay những quyển sách tiếng Anh bí ẩn hấp dẫn, mà dạo đó chỉ vừa chập chững dạm bước tìm hiểu, đó quả là hai vũ trụ chứa đầy khác biệt.

Ngay đến những thứ được tung hô nhiều nhất trong “thế giới phản động”, như các bài viết của Trần Huỳnh Duy Thức, cá nhân tôi vẫn không tài nào thấy nó có gì đặc biệt so với vô vàn nguồn tri thức khác mình được tiếp cận.

Từ đấy, tôi mất dần hứng thú với “phản động”, và phần nào đồng ý với những luận điệu của phe chính quyền, kiểu “dân trí ở nước ta còn thấp”, hay “lựa chọn thay thế mà như này, chẳng thà cứ độc tài còn hơn”.

Phải mất nhiều năm sau đó, tôi mới dần nhận ra có những lỗ thủng rất lớn trong các luận điệu đó.

Lỗ hổng lớn nhất lại nằm trong chính cái đầu mình.

Tôi đã đặt sai câu hỏi ngay từ đầu.

Vấn đề không phải là “vì sao họ lại viết dở/ nhảm vậy”.

Câu hỏi phải là “vì sao người ta tự cho mình cái quyền bức hại người khác chỉ vì họ nói lên thứ không đúng ý mình?!”.

Càng tìm hiểu về thế giới, tôi càng nhận ra những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam quá ngược ngạo.

Thử nhìn vào nước Mỹ.

Tại đây, có vô số những kẻ phát ngôn theo kiểu “ngáo đá”, từ những người biểu tình bình thường ngoài đường cho đến các chính trị gia đầy quyền lực trong chính phủ. Họ ngáo từ lời nói đến hành động, đến mức nhiều lúc ta phải nghi ngờ mấy người này có “bình thường” không. Vậy nhưng không ai có quyền cấm cản bịt miệng họ.

Nếu tin rằng những gì họ nói, những thứ họ làm gây hại, người ta chỉ cần kiện ra tòa, trình bằng chứng về thiệt hại và lập luận của mình, để bồi thẩm đoàn và quan tòa quyết định. Nếu tin rằng quan tòa cũng ngáo, ta có thể kiện luôn quan tòa. Nếu tin rằng chính quyền ngáo, kiện chính quyền, hoặc đơn giản bầu cho những người khác lên thay.

Những ai tin rằng thể chế dân chủ tồn tại được ở Mỹ vì “dân trí họ cao” có lẽ không mấy khi tìm hiểu về lịch sử hay theo dõi tình hình hiện tại của nước này.

Một đặc tính xuyên suốt trong lịch sử hình thành của nước Mỹ là “loạn”, hay nói một cách tích cực là “đa dạng” (diversity).

Điều làm nước Mỹ vĩ đại chính là thứ “DNA loạn” đó. Họ sinh ra từ nó, lớn lên trong nó, chết đi với nó, và tái sinh cùng nó.

Có lẽ không có nơi nào trên thế giới mà đặc tính “đa dạng sinh học” trong tự nhiên lại được thể hiện sinh động trong xã hội loài người như tại đất nước này.

Nhưng đó không phải là độc quyền của nước Mỹ. Tôn trọng sự đa dạng, hay những thứ loạn ngược với ý của mình, là một bước tiến dài của tất cả những xã hội văn minh. Và nó cũng không phải sáng tạo độc đáo gì của loài người. Đó chỉ là nhân loại rốt cuộc cũng nhìn ra một sự thật, rằng sự sống chỉ có thể tồn tại và bùng nổ nhờ sự đa dạng của tất cả các giống loài cùng cộng hưởng trong điệu vũ tiến hóa vĩ đại của tự nhiên.

Người ta phải đặt câu hỏi, nếu “dân trí ngáo” cỡ Mỹ mà cũng tiến được bước dài như vậy, hà cớ gì “dân trí thấp” của Việt lại phải đứng yên một chỗ, thậm chí bước lùi so với thế giới văn minh?!

Càng tìm hiểu về thế giới bên ngoài, tôi càng tin rằng “dân trí thấp” không phải là vấn đề của “phản động”. Nó thậm chí cũng không phải là vấn đề của chính quyền cộng sản.

Nó là con ngáo ộp chưa bao giờ tồn tại, chỉ được vẽ ra để hù dọa những ai muốn bước lên phía trước.

Tôi bắt đầu không dám khinh thường “phản động” từ dạo ấy.

Làm thế nào có thể yêu cầu những “phản động gia” phải viết hay viết đúng khi họ phải viết trong tình cảnh thông tin thì giấu giếm, sách vở bị cấm đoán, tự do báo chí không tồn tại, và bản thân luôn có thể bị người khác ập vào còng đầu đè cổ?

Làm thế nào có thể yêu cầu những người như Trần Huỳnh Duy Thức phải thấu suốt sáng tạo như các tác giả nước ngoài khi họ phải chịu cảnh tù đày, không được tiếp cận với tin tức cập nhật và tri thức tự do bên ngoài?

Và quan trọng nhất, làm thế nào có thể yêu cầu người khác viết theo ý mình, khi họ chỉ đơn giản nói lên những thứ trong đầu họ.

Họ không có nghĩa vụ gì với tôi hay bất kỳ ai khác.

Nếu muốn thấy một thứ hay ho thú vị, hay đúng như ý muốn, tại sao không tự mình viết ra?!

Sự khinh thường nhường chỗ cho tự vấn.

Ngay cả khi đọc thấy những thứ bậy bạ vớ vẩn, thay vì xem thường những người tạo ra nó, tôi tự hỏi mình đã/ đang/ có thể làm gì để chống lại những thứ đó.

Cảm giác khinh thường biến mất hoàn toàn khi cách đây vài năm, vô tình đọc được một bài viết trên Luật Khoa về sự kiện biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.

Hóa ra “phản động” cũng có thể viết ra những thứ logic đầy đặn, chừng mực tỉnh táo và hấp dẫn không kém gì những trang báo nước ngoài mình đọc được.

(Tất nhiên nghĩ lại, Luật Khoa không phải nơi duy nhất có những thứ như vậy. Ngay cả thời điểm mười năm trước việc tôi không đọc được những thứ có ích từ “phản động” cũng hoàn toàn là do bản thân quá thiếu kỹ năng tìm kiếm thông tin.)

Từ xem thường, tôi chuyển sang khâm phục tất cả những ai dám nói lên sự thật.

Với những ai theo “phe chính quyền”, tôi cũng không có cảm giác khinh thường như rất nhiều người “theo phe dân chủ” ở Việt Nam đang có.

Trong lịch sử tiến hóa của tất cả các loài sinh vật trên trái đất, hùa theo những cá thể có quyền lực luôn là một lựa chọn khôn ngoan để tồn tại.

Con người, sinh vật tự cho mình là thông minh nhất quả đất, càng không phải là ngoại lệ.

Có quá nhiều lý do để người Việt hùa theo chính quyền cộng sản. Đảm bảo lợi ích cá nhân, bản thân chưa phải là nạn nhân trực tiếp của bất công, sợ bị tấn công nếu lên tiếng đấu tranh, hoặc im lặng ngồi hàng rào, thấy phe nào mạnh thì nhảy sang phe đó, đằng nào cũng có người khác ra mặt đấu tranh hộ mình rồi…

Bất kể là lý do gì, họ cũng không hề ngu dốt, mà ngược lại, rất khôn ngoan để biết sinh tồn.

Alan Watts trong các bài giảng về nguồn gốc đạo Phật đã từng diễn giải, cách thức cúi đầu chào nhau mà người Ấn và người Nhật dùng là sự thể hiện lòng kính trọng, không phải với bản thân người đó, mà là với vai diễn mà họ thể hiện trong đời.

Mỗi người đều mang trong mình một vai diễn khác nhau trên sân khấu vĩ đại của cuộc đời. Mọi bài học về sự sống, ta đều học được từ tất cả những vai diễn của bản thân và người khác.

Tất nhiên tôi sẽ có cảm tình hơn nhiều với những người thuộc vai (ủng hộ) cộng sản nếu như họ chịu lên tiếng nói sự thật, bảo vệ những ai bị bức hại, hay chỉ đơn giản là không hùa theo bạo quyền để đàn áp người khác.

Nhưng đó là lựa chọn cuộc đời của họ, và tôi không chịu trách nhiệm về điều đó.

Tôi chỉ có thể chịu trách nhiệm về lựa chọn của chính mình.

Đó cũng là lý do tôi không có cảm giác “xấu hổ” hay “chán nản” mà nhiều người thốt ra khi phát hiện “phong trào dân chủ” của Việt Nam có đủ chuyện tào lao mía đao: bất đồng nói xấu, bịa đặt chụp mũ, thậm chí ra tay hãm hại nhau, hay tranh giành danh tiếng lẫn quyền lợi vật chất…

Nếu cần phải thấy xấu hổ hay chán nản, tôi chỉ có thể xấu hổ và chán nản với chính bản thân. Và rồi tự mình, chứ không ai khác, phải nghĩ ra những việc có thể làm để thoát khỏi thứ cảm giác đó.

Những chuyện xấu của “phong trào dân chủ” cũng chưa bao giờ làm tôi ngạc nhiên.

Dưới góc nhìn cá nhân, tôi luôn xem cộng sản tư sản hay phụ sản phụ khoa, cánh tả cánh hữu hay cánh gà cánh vịt, đều chỉ là những cái mũ không hơn không kém. Người ta chụp những chiếc mũ đó lên và diễn những vai họ lựa chọn. Gỡ bỏ những chiếc mũ ra, đầu ai cũng có tóc (hoặc ít tóc) như nhau.

Điều thú vị là trong khi rất tỉnh táo không chụp mũ cho những người mình quan tâm, chúng ta lại nhanh nhảu trùm các loại mũ lên đầu phần còn lại để đánh giá chung một rổ.

Đó quả là lựa chọn tiện lợi dễ dàng của những cái đầu biếng nhác, tự huyễn hoặc rằng mình đã hiểu rõ mọi thứ trên đời.

Ở một khía cạnh khác, “chuyện xấu” không phải lúc nào cũng xấu.

Thomas Edison không chế ra bóng điện chỉ trong vài lần thử nghiệm đầu tiên. Ông mất cả ngàn lần thí nghiệm thất bại.

Nhưng “thất bại” là từ mà người khác nói. Bản thân Edison cho rằng “tôi không thất bại, chỉ là đã tìm ra 10.000 cách khác nhau không tạo ra bóng đèn mà thôi.”

Tạo ra một chiếc bóng điện đơn giản đã vậy, một thứ phức tạp như vận động cho dân chủ ở Việt Nam nếu không va vấp trầy trật hàng trăm, hàng ngàn lần mà đòi hỏi thành công thì liệu có đang ngủ mớ quá không?

Những người muốn dân chủ có lẽ đều cần học qua vài khóa về kinh doanh, đặc biệt là start-up (khởi nghiệp), để biết rằng “thất bại” không chỉ là một chuyện bình thường, thậm chí hiển nhiên, mà còn là điều người ta hoan hỉ đón chờ và tiếp nhận.

Ở đó, cũng không ai gọi đấy là “thất bại” (failure), mà là “thử nghiệm” (trial) và “sửa sai” (error). Càng lặp đi lặp lại nhiều thử nghiệm – sửa sai, ta càng tìm ra phương thức tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Điều quan trọng hơn cả là vòng lặp này không có điểm dừng. Vấn đề mới luôn luôn phát sinh, và ta luôn cần lặp lại quy trình thử nghiệm – sửa sai để tiếp tục giải quyết nó.

Ai đã từng quan sát cách một đứa trẻ tập đi sẽ dễ dàng nhận ra điều này. Nếu không có hàng trăm lần chuệch choạc té ngã, một đứa trẻ không thể nào sử dụng thuần thục đôi chân của mình để bước đi. Quy trình lặp lại với việc học chạy, học nhảy, học nói, học chữ, học đạp xe, học bơi, học mọi thứ trên đời.

Nói cách khác, đứa trẻ học làm người thông qua vô số những vấp ngã.

Rất nhiều “người lớn” chúng ta, bằng một phương thức thần kỳ nào đó, lại quên mất đi bài học sơ khai này.

Những “thất bại” khi vận động dân chủ vì vậy là chuyện hiển nhiên đã, đang và sẽ luôn xảy ra.

Cách gọi “phong trào dân chủ” cũng là cách nói dễ gây hiểu lầm, nhất là với người Việt Nam.

“Phong trào” mang hàm ý là “nhiều người tham gia”. Trong khi đó “dân chủ” thực chất lại là chuyện rất cá nhân.

Khi tôi nói dân chủ, nó có nghĩa rằng “tôi làm chủ”. Khi bạn nói dân chủ, nó nghĩa rằng “bạn làm chủ”.

Dân chủ là mỗi người tự làm chủ cuộc đời mình.

Có hay không có người khác tham gia, số đông hay số ít, đảng này hay đảng nọ, đều không ảnh hưởng đến bản chất việc mỗi người tự làm chủ vận mệnh cuộc đời của chính mình.

Một khi chấp nhận nhìn thẳng vào gương để tìm người chịu trách nhiệm duy nhất cho cuộc đời mình, sẽ không còn lý do gì để khinh thường, xấu hổ hay chán nản vì việc làm của những người khác.

T.S. Eliot từng viết,

“Between the idea
And the reality
Between the motion
And the act
Falls the shadow

(“Giữa lý tưởng
Và hiện thực
Giữa mong muốn
Và hành động
Phủ đầy một khoảng tối mênh mông”)

Bước qua và lấp đầy khoảng tối đó, không thể cứ mãi là chuyện của kẻ khác.

Nó phải là việc của chính mình.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.