Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là
“Bằng chứng”, hay “chứng cứ”, là những thứ giúp xác định đâu là sự thật.
Bằng một cách nào đó, nó cũng trở thành thước đo trí tuệ của con người. Ai tìm ra càng nhiều bằng chứng, chứng cứ của họ càng thuyết phục, người đó được xem là càng khôn ngoan.
Ngoài con người, các loài động vật khác cũng có khả năng tư duy logic, trí thông minh, và cả năng lực tự nhận thức ở một mức độ nào đó, nhưng không có động vật nào “tranh cãi” về bằng chứng nhiều như con người – đó là nếu chúng thật sự có nhu cầu đó.
Con người, đứng tách riêng ra khỏi thế giới động vật, có một sự ám ảnh đặc biệt về “hiện thực” (reality).
Và bằng chứng/ chứng cứ là thứ giúp họ tới gần nhất với hiện thực đó.
“Bằng chứng” (憑證) và “chứng cứ” (證據) đều là những từ gốc Hoa.
Chữ “bằng” (憑) được ghép lại từ các thành tố “nước” (水) và “ngựa” (馬), ban đầu mô tả hình ảnh con ngựa chạy nhanh, âm thanh vó ngựa dồn dập gõ xuống nền băng, sau ghép thêm chữ “tim” (心), gợi cảm giác tim đập mạnh khi giận dữ. “Bằng” vì thế có nghĩa gốc là “cơn thịnh nộ”. Bằng một cách nào đó chưa xác định được, nó mang thêm nghĩa “dựa vào” sau này (có lẽ xuất phát từ ý “tốc độ nhanh”).
Cùng âm với nó là chữ “bằng” khác mà sau này người ta dùng thay thế và cũng dễ giải thích cho ý nghĩa “dựa vào” hơn. Chữ “bằng” (凭) này tạo thành từ chữ “nhậm”, hay “nhiệm”, (任), ghép từ “người” (人) và công cụ làm việc (壬), ý chỉ một người biết dùng công cụ, biết làm việc, sau có nghĩa phụ trách, đảm trách. Nó được ghép thêm hình ảnh “cái ghế” (几), tổng hợp lại chỉ sự “dựa vào”, và từ đó là nghĩa “có căn cứ”.
“Chứng” (證) trong khi đó ghép từ chữ “ngôn” và “đăng”. “Ngôn” (言) là miệng người mở ra nói chuyện. Còn “đăng” (登) là vẽ lại hình ảnh nhìn từ trên xuống của một người cầm vật hiến tế bước lên trên bậc thang làm lễ, sau mang nghĩa từ thấp lên cao. “Chứng” ở đây có nghĩa gốc là dùng lời nói khuyên răn, sửa chữa những sai sót của bậc vua chúa (những người ngự ở trên cao). Sau này nó có nghĩa sự thật (như trong “chứng thực”).
“Cứ” (據) lại được sinh ra từ chuyện đánh nhau giữa “cọp” (虎) và “heo” (豬). Chữ “cứ” (豦) với hình ảnh hai con vật mang nghĩa tranh chấp. Bộ “thủ” (扌) chỉ việc can ngăn. “Cứ” trong “chứng cứ” vì vậy ban đầu chỉ nghĩa khí, sau phát triển thành “đáng tin cậy”.
“Bằng”, “chứng” và “cứ” từ nghĩa gốc của nó đều chỉ những thứ có thể dựa vào và đáng tin cậy.
Trong tiếng Anh có hai từ tương đương với bằng chứng là “proof” và “evidence”.
“Evidence” được ghép lại từ chữ Latin “ex” (lộ ra bên ngoài) và “videre” (nhìn thấy).
“Proof” thì lại có gốc từ chữ “pro-” (phía trước) và “-bhwo” (xuất hiện).
Nhìn chung cả hai từ tiếng Anh mang nghĩa chứng cứ này đều có nghĩa gốc là một thứ gì đó “rõ ràng ngay trước mặt”.
Gốc từ tiếng Hoa và tiếng Việt của chứng cứ có xuất phát điểm từ con người và sự tin cậy. Còn gốc từ tiếng Latin và tiếng Anh thì lại chỉ thẳng tính chất của sự vật.
***
Trong hoạt động tư pháp, có hai khái niệm quan trọng liên quan đến chứng cứ là “standard of proof” (tiêu chuẩn bằng chứng) và “burden of proof” (trách nhiệm chứng minh).
Tiêu chuẩn bằng chứng trong các vụ kiện dân sự (civil case) và vụ án hình sự (criminal case) là khác nhau. Trách nhiệm chứng minh của bên đi kiện (trong án dân sự) và công tố viên (trong án hình sự) là đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Trong án dân sự, tiêu chuẩn bằng chứng thông thường là “preponderance of evidence” (bằng chứng chiếm ưu thế hơn). Bên đi kiện chỉ cần chứng minh rằng các chứng cứ của mình “nhiều hơn”, “đáng tin hơn” bên bị kiện là có thể được tuyên thắng kiện.
Trong án hình sự, các khung hình phạt nặng hơn, yêu cầu về tiêu chuẩn bằng chứng cũng cao hơn. Tiêu chuẩn đó có “clear and convincing evidence” (bằng chứng rõ ràng và thuyết phục), và cao hơn đó nữa là “beyond a reasonable doubt” (vượt qua nghi ngờ hợp lý).
Hình phạt càng nặng, tiêu chuẩn lại càng cao, và trách nhiệm của bên chứng minh (thường là công tố viên) lại càng cao.
Đó là yêu cầu hợp lý ở tất cả các hệ thống tư pháp văn minh trên thế giới.
Trách nhiệm chứng minh bao gồm trách nhiệm trình bày (burden of production) và trách nhiệm thuyết phục (burden of persuasion). Chỉ cần một trong hai phần này không đáp ứng được tiêu chuẩn bằng chứng đưa ra, thẩm phán/ bồi thẩm đoàn sẽ bác bỏ yêu cầu của bên đi kiện/ bên công tố.
Trong các loại chứng cứ được đưa ra trước tòa, đặc biệt là trong án hình sự, có hai loại phổ biến là “chứng cứ hoàn cảnh” hay “chứng cứ gián tiếp” (circumstantial evidence) và “chứng cứ trực tiếp” (direct evidence).
Chứng cứ trực tiếp là những thứ chứng minh rõ ràng đối tượng đã thực hiện hành vi như trong cáo trạng, ví dụ như lời tố cáo của nhân chứng có mặt tại hiện trường, hay lời thú tội của đối tượng.
Chứng cứ gián tiếp là những thứ mà có thể suy luận ra đối tượng đã thực hiện hành vi đó, ví dụ như dấu vân tay hay bằng chứng DNA thu được tại hiện trường.
Bạn có thể nghĩ chứng cứ trực tiếp là thứ đáng tin cậy hơn nhiều so với chứng cứ hoàn cảnh/ gián tiếp?
Câu trả lời là tùy trường hợp.
Nhân chứng có thể nói dối, đối tượng có thể bị tra tấn trong quá trình thẩm vấn, nên những “chứng cứ trực tiếp” trong trường hợp trên hoàn toàn không có giá trị.
Để đảm bảo chất lượng của chứng cứ (trực tiếp), người ta phải luôn đảm bảo nhân chứng là những người đáng tin cậy, không có xung đột quyền lợi với những người liên quan trong vụ án.
Đó cũng là lý do mà trong suốt quá trình cảnh sát thẩm vấn nghi phạm, yêu cầu tối thiểu luôn luôn là phải có máy ghi âm hoặc ghi hình và sự có mặt của luật sư đại diện để đảm bảo không có bức cung và nhục hình xảy ra.
Trong bất kỳ một nền tư pháp văn minh nào, thiếu một trong các yếu tố đó, mọi thứ được gọi là “chứng cứ” đều không đáng tin cậy và đều phải bị loại bỏ.
Nếu ai vẫn còn tin tưởng vào “lời tự thú” của đối tượng và xem đó là “bằng chứng vàng” cho mọi lời buộc tội của chính quyền, truyện cười kinh điển dưới đây rất thích hợp để họ mở mang đầu óc.
Trong một cuộc thi giữa CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ), FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) và KGB (Cơ quan Mật vụ dưới thời Xô Viết), các đặc vụ tài giỏi nhất được tung ra để tìm một chú thỏ trong rừng.
CIA vào cuộc trước tiên. Họ tuyển dụng hệ thống điệp viên khắp khu rừng, thẩm vấn tất cả nhân chứng động vật và thực vật. Sau ba tháng điều tra, họ kết luận con thỏ không hề tồn tại.
FBI sau đó vào cuộc. Sau hai tuần tìm kiếm không có manh mối nào, họ đốt trụi khu rừng, giết sạch mọi thứ trong đó, bao gồm cả con thỏ, và thản nhiên kết luận: con thỏ đã nhận kết cục xứng đáng.
Đến lượt KGB, chỉ sau hai tiếng “làm việc”, các đặc vụ này đã lôi ra một chú gấu mắt mũi bầm dập. Chú gấu vừa lết đi vừa hét to, “Được rồi, được rồi. Tôi là thỏ! Tôi là thỏ!”.
Truyện cười trên có thể được xem là một phiên bản “trí khôn của ta đây” thời hiện đại, với KGB là nhân vật chính.
Nhưng với danh tiếng cùng các thủ đoạn tra tấn nhục hình không thua kém bất kỳ ai trên thế giới, lực lượng an ninh Việt Nam hoàn toàn xứng đáng kế thừa những tiền bối cộng sản của mình.