Khổ thân “đội quân nhà Tần” ở Đà Lạt

Tượng lính thời phong kiến ở Đà Lạt. Ảnh: Báo Lao Động.
Tượng lính thời phong kiến ở Đà Lạt. Ảnh: Báo Lao Động.

Đà Lạt mộng mơ, tháng Bảy vừa chứng kiến cộng đồng mạng phản ứng với những pho tượng có hình thù kỳ dị ở khu du lịch Quỷ Núi, thì tháng Tám lại sôi lên vì cư dân mạng phát hiện ra một đội binh áo giáp, làm bằng đất nung, ở một khu du lịch khác. Trong cả hai trường hợp, cộng đồng mạng đều đã “ném đá” một cách rất hăng hái, nhiệt tình, nhưng…

***

Kết cục của vụ “đội quân nhà Tần” là sáng 1/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra các bức tượng lính đất nung nọ và yêu cầu chủ sở hữu dời ngay số tượng này ra khỏi Đà Lạt.

Cộng đồng mạng lại được một phen hoan hỉ: Đấy, lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ, rồi cũng có kết quả.

Ít ai để ý rằng đây chỉ là kết quả của hành động “đấu tranh” với một công ty tư nhân, chứ chẳng phải là với một tập đoàn kinh tế đồ sộ kiểu “tư bản đỏ”, với một nhà nước độc tài toàn trị hay với những đạo luật bất công, những chính sách bất cập của nhà nước ấy. Nói chung, về bản chất, đây cũng chỉ là việc số đông “bắt nạt” được một công ty tư nhân yếu thế mà thôi. Đó là chưa kể hành động gây sức ép này có nhiều điểm cần xem lại.

Một trong những nguyên tắc căn bản của tinh thần pháp luật là “nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Vậy, Sở VHTTDL Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư đem hết số tượng lính khỏi Đà Lạt là trên cơ sở luật nào vậy? Luật nào cho phép một cơ quan hành chính nhà nước can thiệp vào công việc đầu tư-kinh doanh của một cá nhân?

Cần nhớ rằng số tượng này do tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, thuộc sở hữu tư nhân của họ, muốn ép chủ sở hữu dời nó đi chỗ khác là can thiệp thô bạo vào quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Nói đơn giản hơn là bạn mua một cây cảnh về trồng ở nhà, chính quyền huyện bỗng dưng tới bắt bạn dời ra khỏi địa bàn huyện. Khó có điều gì trên đời bất hợp lý hơn thế.

Nếu lý do là vì các bức tượng đó “không phù hợp với Đà Lạt”, sẽ kéo theo câu hỏi: Vậy tượng phải đáp ứng tiêu chí gì để phù hợp với Đà Lạt? Nếu thay đội tượng binh lính mặc giáp trụ này bằng… thủy quân lục chiến Hoa Kỳ thì có phù hợp hơn không? Nếu xây tiểu cảnh Vạn Lý Trường Thành trong một khu du lịch thì có được không, hay chỉ có thể xây các công trình mô phỏng cầu Cổng Vàng, tháp nghiêng Pisa, chuông đồng hồ Big Ben? Tóm lại, “không phù hợp” là một cụm từ rất mơ hồ, dọn đường cho sự diễn giải tùy tiện, tùy ý (kẻ mạnh).

Nếu đem hết tượng khỏi Đà Lạt là do xuất phát từ sự bức xúc của đông đảo cộng đồng mạng, thì phải nói rằng Sở VHTTDL đã cung cấp một ví dụ không thể chuẩn hơn về tính dân túy: Nịnh dân, lấy lòng dân bất kể đúng sai. Cần nhấn mạnh rằng đó không phải là biểu hiện của dân chủ, mà là dân túy. Ấy là khi chính quyền làm bộ lắng nghe và chiều ý dân, nhưng chỉ là trong những việc nhỏ, việc vặt (không ảnh hưởng gì tới đường lối, chính sách), thậm chí có thể là việc sai (như trong trường hợp này là “bắt nạt” một công ty tư nhân).

Sự bắng nhắng tùy tiện còn nằm ở chỗ Sở buộc người mua tượng phải đem tượng “ra khỏi Đà Lạt”. Vậy đem đi đâu? Lang Biang, Bảo Lộc, Madagui? Đâu cũng được, trừ Đà Lạt!

Thế là người mua phải đem tượng về nơi mua là khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương. Hóa ra tượng vốn nằm ở đó đã lâu. Như vậy, chứng tỏ “đội quân nhà Tần” này phù hợp với đất Bình Dương mà không hợp với Đà Lạt, không rõ là vì sao. Có lẽ vì Sở VHTTDL Lâm Đồng khó tính hơn Sở VHTTDL Bình Dương. Hoặc là do trong suốt thời gian tượng nằm ở Bình Dương, cộng đồng mạng không hay biết, nên không bức xúc gì.

Hình ảnh "đội quân đất nung" bị buộc di dời ở Đà Lạt. Ảnh: Báo Lao Động.
Hình ảnh “đội quân đất nung” bị buộc di dời ở Đà Lạt. Ảnh: Báo Lao Động.

Không nên hả hê với “sức mạnh của cộng đồng mạng”

Việc cộng đồng mạng bức xúc, lên tiếng gây sức ép và cuối cùng khiến Sở VHTTDL Lâm Đồng phải vào cuộc, có thể có kết quả là buộc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước phải thận trọng hơn với những sản phẩm, dịch vụ có thể động chạm đến tình yêu nước của người Việt, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng câu chuyện “đuổi tượng khỏi Lâm Đồng” này cũng có vài ý nghĩa tiêu cực:

Thứ nhất là nó giúp cho chính quyền được tiếng “dân chủ”, “biết lắng nghe”.

Thứ hai là nó cổ xúy cho việc các cơ quan hành chính nhà nước có quyền hành xử vô luật pháp (miễn là chiều lòng đám đông – tức dân túy).

Thứ ba là nó ngầm xác quyết rằng trong thời đại của mạng xã hội, số đông luôn đúng, và người nào có ảnh hưởng nhiều trong cộng đồng mạng sẽ là cơ quan lập pháp, hành pháp, thậm chí là tòa án. Đen Vâu, Bà Tân vlog, Trấn Thành… nếu lên tiếng và “can thiệp” vào các vấn đề chính sách (tất nhiên, đó là quyền của họ) thì chắc chắn sẽ là những tiếng nói quyết định.

Tóm lại, “sức mạnh của cộng đồng mạng” có thể bị lạm dụng một cách nguy hiểm.

Để tránh xảy ra điều này, những người làm nên cái cộng đồng ấy cần giữ mình bình tĩnh và sáng suốt hơn. Trong những vụ việc như vụ “tượng lính Tàu xuất hiện ở Đà Lạt” này, cùng lắm thì chỉ có thể kêu gọi tẩy chay khu du lịch có chứa tượng (nếu thực sự các bức tượng đó là lính nhà Tần), dân sự hóa các tranh chấp hay mâu thuẫn với doanh nghiệp.

Suy cho cùng, ta cần hiểu rằng đó là những công trình của tư nhân, do tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, cho nên nhà đầu tư mới là người chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tượng lính Tần hay thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, tượng Tần Thủy Hoàng hay Lý Công Uẩn, tượng ma quỷ hay thánh thần… cũng là quyết định của nhà đầu tư, đẹp thì họ hưởng lợi, xấu thì họ chịu lỗ. Nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, còn các cơ quan hành chính như Sở VHTTDL các địa phương thì chỉ được quyền góp ý, đề xuất sửa đổi (nếu có), không có quyền can thiệp sâu hơn, càng không được nhân danh “đám đông phẫn nộ” để “trục xuất” tượng khỏi địa bàn, khổ cho… tượng lắm.


“Bình dân Học vụ” là một nhóm viết được thành lập ngày 10/6/2020 với mục đích tập trung vào những bài viết cung cấp kiến thức căn bản, đơn giản nhất về logic, triết học, chính trị, pháp luật… cho người đọc Việt Nam. Phương châm của nhóm là phải bắt đầu mọi thứ từ điều cơ bản nhất: tập cách tư duy.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.