Tản mạn chuyện “độc lập”

Chữ “lập” trong tiếng Hán ký họa một người đứng trên hai chân, còn chữ “độc” ghép từ hình một con chó và một con sâu bướm.

Một góc phố trong ngày kỷ niệm 75 năm Việt Nam độc lập. Ảnh: Dân trí.
Một góc phố trong ngày kỷ niệm 75 năm Việt Nam độc lập. Ảnh: Dân trí.

Độc lập có nghĩa là gì? Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao “ngày độc lập” trong tiếng Việt lại là “Independence Day” trong tiếng Anh?

“Independence” và “độc lập” nhìn sơ qua có vẻ mang nghĩa giống nhau, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, hai từ này hé mở nhiều điều thú vị cả về ngôn ngữ, lịch sử và triết học nữa.

Từ “independence” được ghép từ “in-” (không) và “-dependence” (phụ thuộc), có gốc từ chữ Latin “dependere” với nghĩa là “treo, gắn vào một thứ gì đó”.

“Independence day” có nghĩa là ngày đánh dấu một quốc gia không còn phụ thuộc, chịu sự khống chế kiểm soát của một quốc gia khác.

Independence day” của hầu hết các quốc gia ngày nay đều có mốc xảy ra vào thế kỷ thứ 19 và 20, đánh dấu sự kiện quốc gia đó tách khỏi các đế quốc. Trong đó, nhiều nhất là tách khỏi đế quốc Anh, tiếp theo sau là Pháp và Tây Ban Nha.

Một số quốc gia khác có “ngày độc lập” xưa hơn, như Hà Lan vào năm 1581 hay Thụy Điển vào năm 1523. Nước có ngày độc lập cổ xưa nhất trong lịch sử hiện đại là một cái tên ít ai nghĩ tới: Thụy Sĩ. Ngày quốc khánh của nước này lấy dấu mốc từ việc thành lập liên minh chống lại Đế quốc La Mã Thần thánh vào năm 1291.

Chữ “độc lập” của tiếng Việt có gốc từ chữ 獨立 (dúlì) của tiếng Hoa.

Chữ “lập” (立) có nghĩa đơn giản là “đứng”, với ký họa tượng trưng hình người đứng trên hai chân.

Chữ “độc” (獨) trong khi đó được ghép từ chữ “khuyển” (犬) và chữ “thục” (蜀), hay con chó và sâu bướm. Hình ảnh con sâu bướm trong kén ý chỉ trốn ở một mình. Hình tượng con chó mô tả hành vi thông thường của loài ẳng là thích một mình đi đấu đá giành ăn mà không theo bầy. Kết hợp lại chữ “độc” (獨) có nghĩa chỉ những ai thích một mình.

Khi giải nghĩa chữ “độc”, người ta thường kèm theo chữ “quần”. Chữ “quần” (群) như trong “quần chúng” được tạo ra từ hình tượng con dê (羊) với hàm ý dê luôn ngoan ngoãn đi kiếm ăn theo bầy đàn, trái ngược với chó thường thích chơi sô-lô hơn.

“Độc lập” vì vậy có nghĩa là đứng một mình. Còn “independence” có nghĩa là không phụ thuộc. Hai thứ này có hoàn toàn là một?

 Ký họa của hai chữ độc-lập trong tiếng Hán. Nguồn: YW11.com
Ký họa của hai chữ độc-lập trong tiếng Hán. Nguồn: YW11.com

Tiếng Anh có từ “autonomy”, ghép từ chữ “autos” (bản thân) và “nomos” (luật), thường được dịch là tự chủ hoặc tự trị. Từ này có nghĩa rất gần với “độc lập”.

Dù có nhiều định nghĩa và tranh cãi suốt hàng trăm năm qua, nhìn chung khái niệm “autonomy” bao gồm (1) “capacity” – năng lực tự nuôi sống mình, (2) “authenticity” – mức độ nhận thức chân thật về bản thân và (3) “independence” – không phụ thuộc vào hay bị người khác kiểm soát, khống chế.

Trong số đó, năng lực tự tồn tại (capacity) là thứ quan trọng nhất. Có được năng lực này, một người tự động sẽ không còn phụ thuộc vào người khác. Ở chiều ngược lại, những người không, hoặc chưa có năng lực tự tồn tại (ví dụ như trẻ con), cho dù thích chơi một mình và có nhận thức về bản thân đến đâu, cũng không thể được xem là có “autonomy”.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, một khi có thể tự lo, người ta thậm chí còn không còn bận tâm đến chuyện phụ thuộc hay không. Khi đó, thay vì lo lắng về “phụ thuộc” (dependence) hay “không phụ thuộc” (independence), với họ mọi tương tác trên đời đều là “cộng sinh” (interdependence), đôi bên cùng có lợi. Nói cách khác, tự lo là con đường thẳng nhất hướng đến tự do.

Khái niệm “độc lập” vì vậy gần gũi với “autonomy” (tự chủ) hơn là “independence” (không phụ thuộc) như xưa nay chúng ta vẫn hiểu. Không phụ thuộc theo nghĩa gốc là không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Độc lập, hay tự chủ, tự quyết, lại không lo đến việc phụ thuộc bên ngoài hay không.

Ngoài “autonomy”, trong tiếng Anh còn rất nhiều từ có ý nghĩa tương tự và thường được bắt đầu bằng chữ “self” (bản thân) như:  self-rule (tự cai quản), self-governing (tự kiểm soát), self-determination (tự quyết)…

Tất cả những từ này đều có thể được xem là “độc lập” (đứng một mình) trong tiếng Việt, và nó bao hàm nghĩa rộng hơn nhiều so với cách hiểu “independence” (không phụ thuộc).

***

Trong Học thuyết về Tự quyết (Self-determination Theory), có ba nhu cầu cơ bản của con người mà ta có thể gọi là ABC: Autonomy (tự làm chủ), Belonging (được ở trong một cộng đồng) và Competency (làm tốt những gì mình muốn làm).

Theo đó, hạnh phúc của một người chỉ có thể đảm bảo nếu họ làm tốt, làm chủ và thuộc về một cộng đồng. Suy rộng ra, điều quan trọng nhất đối với một quốc gia cũng tương tự: lo được cho chính mình, kết nối được với các nước xung quanh, và làm tốt những việc muốn làm.

Vì những lý do lịch sử, vào thế kỷ 19 và 20, phong trào thoát khỏi sự kiểm soát của các đế quốc trở thành làn sóng trên khắp thế giới. “Independence” (không còn phụ thuộc) trở thành khẩu hiệu quan trọng với các quốc gia, hơn xa “autonomy” (có thể tự lo).

Có thể hiểu vì sao “independence” lại mang nghĩa “độc lập” trong tiếng Việt, thay vì dịch đúng nghĩa là “hết phụ thuộc”.

“Ngày độc lập” dù sao nghe cũng đã tai hơn nhiều.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.