Khi phụ nữ bị canh cửa mình

Một lịch sử ngắn về hành trình ngăn cản phụ nữ tự quyết định đời mình.

Khi phụ nữ bị canh cửa mình
Ảnh minh hoạ: Perri Tomkiewicz/Harper’s Bazaar.

Lời toà soạn: Bài viết này là phần tiếp theo của loạt bài “Quyền sinh con (hay không) và công lý dành cho phụ nữ”, trong đó tác giả Y Chan mở rộng cuộc thảo luận về vấn đề gây tranh cãi: phá thai. Loạt bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Luật Khoa sẵn sàng đăng tải các ý kiến thảo luận, phản biện tại đây.

Kỳ 1: Thay màu kính, thay cả thế giới.

***

Kỳ 2: Khi phụ nữ bị canh cửa mình

Nhiều người Việt Nam có một quan niệm phổ biến, rằng do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến hay Nho giáo, các nước Á Đông đặc biệt đề cao việc trọng nam khinh nữ, xem phụ nữ là một thứ đồ vật thuộc sở hữu riêng của đàn ông.

Nếu có điều kiện tìm hiểu lịch sử thế giới, dù chỉ là sơ lược, họ sẽ phải cập nhật lại quan niệm này.

Trọng nam khinh nữ chưa bao giờ là đặc sản của các nước Á Đông. Nó là sản phẩm nhân loại thừa hưởng từ thế giới loài khỉ, và phần nào đó là thế giới động vật nói chung. “Truyền thống” của giới động vật này đã được giống homo sapiens (người hiện đại) duy trì suốt vài chục ngàn năm qua.

Cho tới tận vài trăm năm trước, cùng với kỷ nguyên Khai sáng ở châu Âu, khi những người phụ nữ muốn và bắt đầu tiến bước lên giai đoạn “người”, rất nhiều đàn ông vẫn còn sống chết muốn lôi họ nằm lại với mình ở phần “con”.

Đàn ông muốn kiểm soát mọi thứ của người phụ nữ, và không có gì biểu trưng hơn ham muốn đó bằng việc kiểm soát cơ thể của đàn bà, hay chính xác là đứng canh chốt chặn cái cửa mình của họ.

Tuy vậy, lịch sử cận đại và hiện đại của nhân loại phức tạp hơn xa so với lịch sử bầy đàn của người nguyên thủy, với sự xuất hiện của các nhóm người khác nhau về màu da, sắc tộc, tiếng nói, tôn giáo, của cải, địa vị, quyền lực… Ham muốn kiểm soát phụ nữ của đàn ông cũng vì thế đa dạng, phức tạp dưới nhiều lớp vỏ và thay đổi phành phạch so với các “đồng nghiệp” khỉ đột.

Lịch sử nước Mỹ là một minh họa sinh động.

Cơ thể của mình, quyền định đoạt của kẻ khác

Trong quyển sách “Reproductive Justice: An Introduction” (Lược sử và Giới thiệu về khái niệm Công lý Sinh sản), các tác giả Loretta J. Ross và Rickie Solinger đã mô tả chi tiết những biện pháp áp đặt lên quyền tự quyết của phụ nữ vào các giai đoạn khác nhau ở nước Mỹ, kể từ thời kỳ thuộc địa khi những người châu Âu đầu tiên di cư đến.

Theo đó, mỗi nhóm phụ nữ không cùng chủng tộc và địa vị bị áp đặt các biện pháp kiểm soát khác nhau. Ngay cả trong cùng một nhóm, mỗi giai đoạn họ lại bị áp đặt theo những cách khác nhau.

Vào thế kỷ 17, khi người da đen bị bắt làm nô lệ trong các đồn điền của người da trắng, những phụ nữ da đen tại đây bị ép buộc phải sinh con, bất kể đó có là do hậu quả của việc bị cưỡng hiếp (trong nhiều trường hợp do chính những ông chủ da trắng thực hiện). Lý do thuần túy là về mặt kinh tế: con cái của những người mẹ này sinh ra mặc nhiên là tài sản của chủ nô. Họ càng sinh nhiều thì ông chủ càng giàu có với các thương vụ bán nô lệ của mình.

Điều này được “hợp pháp hóa” đầu tiên vào năm 1662 tại khu vực thuộc địa Virginia, khi chính quyền địa phương ban hành đạo luật xác định địa vị của đứa trẻ mới sinh, là người tự do hay nô lệ, phụ thuộc vào người mẹ. Nó lật ngược lại truyền thống thông luật trước đó ở mẫu quốc Anh, vốn áp địa vị của người cha cho đứa trẻ. Các khu vực thuộc địa khác nhanh chóng ban hành các đạo luật tương tự. Những đứa trẻ do các bà mẹ nô lệ sinh ra, mà nhiều trường hợp có cha là những người da trắng, vẫn phải chịu kiếp làm nô lệ. Còn phụ nữ da đen bản thân vừa là nô lệ, vừa là cái máy đẻ hái ra tiền cho chủ nô.

Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, mọi thứ quay ngoắt 180 độ. Những người da đen, đặc biệt là phụ nữ, giờ đây bị chính quyền tìm mọi cách ngăn cản việc sinh đẻ. Những đứa trẻ do họ sinh ra không còn có lợi ích kinh tế gì cho các ông chủ, mà ngược lại trở thành mối đe dọa đối với “chủng tộc da trắng thượng đẳng”. Người da đen, đặc biệt là phụ nữ, bị đánh giá là thấp kém, dốt nát, có xu hướng tính dục quá mạnh (hypersexual), không phải là những người xứng đáng (legitimate) hưởng các phúc lợi trợ cấp từ chính phủ. Từ suốt thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, chính quyền các bang và liên bang liên tục đưa ra những đạo luật và chính sách kiểm soát chặt chẽ việc sinh đẻ của phụ nữ da đen.

Các biện pháp đa dạng từ việc bắt buộc triệt sản (sterilization), loại bỏ trợ cấp cho đến việc cho lực lượng canh trực trước cửa nhà, khi cần có quyền ập vào kiểm tra đột xuất họ có quan hệ tính dục với đàn ông hay không, nếu có sẽ bị loại ra khỏi danh sách nhận phúc lợi nhà nước. Các biện pháp áp đặt này được bao bọc bằng những thủ thuật luật pháp tinh vi.

Như vào năm 1935, khi xây dựng chương trình Trợ giúp Trẻ em Phụ thuộc (Aid to Dependent Children – ADC) nằm trong Đạo luật An sinh Xã hội, chính phủ liên bang của Tổng thống Franklin Roosevelt đã loại bỏ ra khỏi danh sách hưởng trợ giúp những ai làm việc trong ngành nông nghiệp và giúp việc nhà. Đó là động tác nhắm thẳng đến những phụ nữ da đen. Dưới chế độ phân biệt chủng tộc vào thời đó, đa số phụ nữ da đen chỉ có thể làm nông hoặc giúp việc nhà.

Trước đó, vào năm 1902, một Roosevelt khác, anh họ của Franklin, Tổng thống Theodore Roosevelt đã lên tiếng cảnh báo người da trắng, đặc biệt là phụ nữ, về thảm họa “tự sát chủng tộc” (race suicide), nếu không chịu sinh con để duy trì số lượng áp đảo của “chủng tộc cao cấp hơn” (higher race), tức người da trắng.

Ảnh tư liệu từ bộ phim Race Suicide (1938)/IMDB.

Nỗi ám ảnh chủng tộc này là một cái cớ hoàn hảo để áp đặt kiểm soát, tước đi lựa chọn của người phụ nữ. Trong suốt lịch sử nước Mỹ, các phụ nữ da trắng đã luôn được rỉ tai và dạy dỗ rằng nhiệm vụ của họ là ở nhà, sinh con, nuôi dạy nên những con người ưu việt cho “thể chế dân chủ vĩ đại nhất của nhân loại”.

Vậy nên khác với người da màu, những phụ nữ da trắng luôn được tạo điều kiện tối đa về chăm sóc y tế và trợ cấp từ chính phủ. Trong suốt mọi thời kỳ, họ luôn được khuyến khích sinh con, và bị cấm cản tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản, từ những biện pháp và kiến thức ngừa thai cho đến thực hiện phá thai. Ngoại lệ duy nhất là những phụ nữ da trắng nghèo khó và thất học.

Ngay cả khi người phụ nữ da trắng đã có con và muốn triệt sản, họ cũng không có quyền tự quyết. Vào thập niên 1970, quy định để họ có thể triệt sản là phải thỏa mãn công thức: số tuổi x số con đã sinh ≥ 120. Nghĩa là nếu đã có ba đứa con, người phụ nữ phải chờ tới ít nhất 40 tuổi mới được triệt sản. Đó mới chỉ là điều kiện cần. Họ còn phải được sự đồng ý chấp thuận của hai bác sĩ và một chuyên gia tâm lý.

Những phụ nữ da màu thì ngược lại, không cần bất kỳ rào cản nào để “được” triệt sản.

Đạo luật Comstock nổi tiếng mà Luật Khoa đã từng giới thiệu trong bài viết bàn về tự do ngôn luận cũng đóng vai trò đắc lực. Ngoài việc cấm cản lưu hành những “sản phẩm tục tĩu”, những người thực thi đạo luật này còn cấm đoán cả những sản phẩm sách báo tuyên truyền hướng dẫn về những kiến thức phòng tránh thai (contraception).

Điều trớ trêu là chính việc cấm cản lưu hành những thông tin giáo dục như trên lại khiến những phụ nữ da màu, vốn đã khó khăn về vật chất, lại càng không có cơ hội tiếp thu kiến thức tự kiểm soát sức khỏe sinh sản của mình. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến họ mang thai ngoài ý muốn, mà việc này lại đi ngược với ý định áp đặt sinh sản của chính quyền lên người da màu.

Số phận của những phụ nữ nhập cư (gốc Á, gốc Latin…), và đặc biệt là những phụ nữ bản địa châu Mỹ cũng không khác mấy những phụ nữ da đen. Suốt lịch sử họ luôn bị áp đặt các biện pháp kiểm soát dân số, bao gồm việc triệt sản bắt buộc, hay thậm chí là thông qua hành động giết hại như các cuộc thảm sát mà người da trắng đã gây ra đối với người bản địa châu Mỹ trong thời kỳ thuộc địa.

Các biện pháp kiểm soát sinh sản của phụ nữ không chỉ dựa trên cái cớ chủng tộc. Tôn giáo cũng luôn là một cái cớ tiện lợi khác.

Khi Theodore Roosevelt cảnh báo thảm họa “tự sát chủng tộc”, thời kỳ đó những người Công giáo (Catholics) và Do Thái (Jews) được xem là hiểm họa cho dòng giống da trắng đỉnh cao tại Mỹ. Ngày nay, nhiều người Mỹ lại đặt những người Hồi giáo (Muslims) thành mối đe dọa số một.

Bất kể các biện pháp áp đặt khác nhau của chính quyền, mà trong tuyệt đại đa số trường hợp những người ra quyết định là đàn ông, trong mọi thời kỳ lịch sử, phụ nữ bất kể chủng tộc tôn giáo hay địa vị đều luôn tìm cách để tự quyết số phận của mình.

Phụ nữ da đen trong thời kỳ nô lệ bí mật chia sẻ cho nhau các loại thuốc thực vật dùng để phá thai. Phụ nữ da trắng cũng bí mật tìm cách bỏ thai trong những trường hợp không mong muốn thông qua các bác sĩ tư.

Có một điều nghịch lý cho tới tận ngày nay, trong khi luật pháp ở mọi nơi mọi thời kỳ đều áp đặt gánh nặng hình phạt lên người phụ nữ trong vấn đề sinh sản (hoặc “tội” phá thai hoặc “tội” sinh nhiều), không có bất kỳ đạo luật nào nhắm đến đàn ông, những tác nhân chủ động trong tuyệt đại đa số trường hợp.

Phá thai bất hợp pháp, sinh đẻ quá nhiều, triệt sản, rủi ro sức khỏe, nguy cơ tài chính, áp lực cộng đồng… mọi tội lỗi đều nằm ở phía người phụ nữ.

Điều đáng buồn là không ít phụ nữ có điều kiện sống sung túc đầy đủ cũng chỉ ngón tay bỉ bôi về phía những người phụ nữ kém may mắn hơn mình thay vì chất vấn vai trò tàng hình của những người đàn ông.

Họ mặc nhiên đồng ý cho phép đàn ông có quyền canh chặt cái cửa mình, không chỉ của họ, mà của tất cả những người phụ nữ khác.

Bằng cách đó, cùng với những người đàn ông có đam mê canh cửa, họ biến cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết của nữ giới trở thành một cuộc chiến ý thức hệ không có điểm dừng.

Cửa nào tiếp theo?

Nhiều người châu Âu không hiểu nổi vì sao vấn đề phá thai lại là một chủ đề gây tranh cãi dữ dội đến như vậy tại Mỹ.

Các quy định về phá thai tại châu Âu trong nhiều trường hợp còn chặt chẽ hơn ở Mỹ, nhưng họ đặt nó dưới góc độ sức khỏe (health). Tại Mỹ, tranh cãi xoay quanh việc nó có phải là quyền hiến định (constitutional right) hay không.

Với nhiều người Mỹ, hiến pháp của họ được xem như Kinh Thánh, và cuộc tranh cãi này ngay từ thuở sơ khai đã đậm đặc màu sắc tôn giáo và ý thức hệ.

Đó thực chất không phải là điều ngạc nhiên. Nước Mỹ dù tồn tại một trong những thể chế tự do nhất thế giới, nhưng với đa phần người Mỹ, tôn giáo vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của họ.

Và một khi những tranh luận được dẫn dắt bằng niềm tin tôn giáo, nó sẽ không bao giờ có điểm dừng.

Như một trong những luận điểm quan trọng nhất mà những người phản đối quyền lựa chọn phá thai đưa ra: họ muốn bảo vệ sự sống của những “đứa trẻ”, và định nghĩa “đứa trẻ” của họ là những phôi thai (embryo) mà theo họ ngay từ thời khắc ban đầu đã có đầy đủ ý thức của một con người – điều mà không một nhà khoa học nào gật đầu xác nhận.

Nhưng không phải chỉ có ai mang tôn giáo trong lòng mới có niềm tin bất diệt. Bất kỳ người nào tin rằng “ta không thể sai và chúng không thể đúng” đều là nạn nhân của chính mình: họ không bao giờ nhìn ra vấn đề của bản thân, sẵn sàng nhập nhằng mọi thứ, và không bao giờ nhìn thấy sự thật.

Trong quyển sách “In Search of Common Ground on Abortion: From Culture War to Reproductive Justice” (Tìm điểm chung trong vấn đề phá thai: Từ cuộc chiến văn hóa đến công lý sinh sản), các tác giả đã tập hợp ý kiến của những người đến từ hai phe và qua đó cố gắng tìm ra điểm chung.

Họ đều nhận ra rằng những tranh luận trong vấn đề này đã đi quá xa, biến thành một cuộc tử chiến một mất một còn. Trong khi thực tế, đa số mọi người đều không giống như những gì mà các phe cực đoan của hai bên mô tả.

Đa số những người ủng hộ quyền lựa chọn phá thai không hề thích thú gì trước viễn cảnh bỏ đi cái thai trong người, và họ cũng không xem đó là lựa chọn “tiện lợi” để cứ lúc nào thích thì làm. Ngược lại, đa phần những người phản đối phá thai cũng không kịch liệt đến mức khăng khăng rằng các biện pháp tránh thai là vô đạo đức, hay việc uống thuốc ngừa thai là tội ác.

Cả hai phe đều nhận ra rằng cuộc tranh luận trong vấn đề này đã đi quá xa, biến thành một cuộc tử chiến. Ảnh: CNN/LK.

Điều mà tuyệt đại đa số, ở cả hai phe, đều không muốn thấy là việc “phá thai không mong muốn” (unwanted abortion) – người phụ nữ phải lựa chọn việc bỏ thai vì những lý do bất khả kháng.

Khi có thể tìm ra điểm chung này, người ta mới có thể bắt đầu lần ra tiếp những điểm chung khác: phá thai không mong muốn có hệ quả từ việc “mang thai không mong muốn” (unwanted pregnancy); mang thai không mong muốn lại là kết quả của việc thiếu kiến thức về phòng tránh thai, hoặc trong nhiều trường hợp là việc “quan hệ tính dục không mong muốn” (unwanted sex).

Quan hệ tính dục không mong muốn ngoài những trường hợp như bị cưỡng hiếp còn có cả các trường hợp miễn cưỡng phải quan hệ với người chồng hoặc bạn trai của mình.

Từ đó, kể cả khi vẫn giữ quan điểm riêng, hai bên vẫn có thể hợp tác để cùng thực hiện các “dự án chung” (shared projects).

Các dự án đó có thể nhắm đến việc giáo dục biện pháp phòng tránh thai, đề xuất luật bảo vệ quyền lợi của phụ nữ chống lại những trường hợp bị buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn, hỗ trợ khi họ gặp áp lực xã hội hoặc bạo hành trong gia đình…

Các dự án còn có thể nhắm đến những vấn đề căn cơ khác, như tăng phúc lợi xã hội cho phụ nữ mang thai, hoặc những giải pháp an sinh nghề nghiệp cho phụ nữ, cải thiện kinh tế, tạo cho họ tấm lưới bảo vệ (safety net) để không phải lao đao và buộc phải phá thai vì áp lực cuộc sống.

Thực tế cho thấy đời sống kinh tế khó khăn, tương lai bấp bênh là lý do chủ yếu khiến phụ nữ phải phá thai ngoài ý muốn. Như vào thời kỳ Đại khủng hoảng (Great Depression) ở Mỹ trong thập niên 1930, người ta ước tính có từ 25% đến 40% những trường hợp mang thai đã thực hiện việc phá thai.

Cuộc vận động cho quyền tự quyết của phụ nữ là cuộc đấu tranh dài hơi. So với lịch sử hàng chục ngàn năm của nhân loại, các khái niệm nhân quyền, công bằng và dân chủ chỉ mới bước những bước chập chững đầu tiên. Tương tự, so với lịch sử đằng đẵng nam giới đòi canh cửa mình của phụ nữ, phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới vẫn còn một chặng đường rất dài.

Để đi được hết con đường dài đó, bắt buộc những người tiên phong phải tranh thủ được sự ủng hộ. Sự ủng hộ sẽ khó đến nếu cách đặt vấn đề gây hiểu lầm hoặc tạo ấn tượng xấu, hoặc nếu cực đoan bám lấy niềm tin bất diệt của mình và gạt phăng ý kiến của người khác.

Tại Mỹ, nhiều người đã bắt đầu đặt vấn đề về việc chọn lại khẩu hiệu, khi họ nghĩ “pro-choice” không còn thích hợp. Lý do chủ yếu vì “pro-life”, như đã phân tích, là một lựa chọn branding quá hiệu quả.

Điều này thật ra không hề lạ, nếu xét đến việc tuyệt đại đa số những người “pro-life” đều có niềm tin tôn giáo. Rốt cuộc thì trong lịch sử nhân loại, có loại hình marketing nào thành công hơn các tư tưởng tôn giáo?

Những người đấu tranh cho quyền tự quyết của phụ nữ vì vậy sẽ phải sáng tạo hơn nhiều so với hiện tại, nếu không muốn bánh xe quay ngược lại thế kỷ trước.

“Pro-choice” hay “abortion right” cũng không được sự ủng hộ của một số tầng lớp phụ nữ ở Mỹ, đặc biệt những người da màu hoặc có điều kiện sống khó khăn. Lý do là vì họ gặp nhiều vấn đề hơn là “lựa chọn phá thai”.

Nhiều trường hợp họ còn không thể “lựa chọn” vì không đủ điều kiện tài chính. Ngay cả khi được chọn rồi, họ cũng phải đối mặt với áp lực kinh tế, các chính sách phân biệt đối xử… Và như lịch sử đã cho thấy, với những phụ nữ da màu hoặc thuộc nhóm thiểu số, “quyền sinh con” của họ không được đảm bảo ngang hàng như những phụ nữ khác. Vì vậy quyền tự quyết của họ không những phải có cả lựa chọn được sinh không muốn sinh, mà còn bao gồm các chính sách bình đẳng, các cơ hội ngang bằng, những điều kiện sống tối thiểu được đảm bảo.

Nhiều người vì thế đã bắt đầu nói đến “công lý sinh sản” (Reproductive Justice) như một thuật ngữ bao trùm các vấn đề về quyền sinh hay không sinh con, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con trong điều kiện đảm bảo, quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục…

Việt Nam không có cơ cấu xã hội đa sắc tộc như Mỹ, nhưng xét tổng thể, xã hội Việt Nam vẫn là một nơi còn rất bảo thủ. Đặt trong bối cảnh thể chế độc tài, nơi thông tin bị kiểm soát còn nguồn lực thì bị lũng đoạn, việc tranh thủ sự ủng hộ của người dân cho mọi vấn đề nhân quyền đều cấp thiết.

“Quyền phá thai” hay “quyền bỏ thai” là một cách tiếp cận, theo người viết, là không phù hợp và quá hạn hẹp.

Có lựa chọn nào khác? Quyền tự quyết, quyền lựa chọn, công bằng cho phụ nữ, quyền tự do… hay không cần khẩu hiệu gì cả?! Sự thật là, người viết chưa có câu trả lời.

Một phần vì với tư cách một người đàn ông, người viết không bao giờ có thể hiểu được trải nghiệm và áp lực của người phụ nữ. Phần khác, đây là cuộc đấu tranh của những người phụ nữ, và chỉ có phụ nữ mới có sự chính danh khi lên tiếng cho mình.

Điều ít nhất những người đàn ông có tự trọng có thể làm là đứng qua một bên và đừng cản đường họ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.