Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhiều người xem chủ nghĩa xã hội là thủ phạm số một.
Song song với các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giới học thuật trên thế giới cũng tranh luận nảy lửa về vấn đề này từ góc nhìn thể chế. Nhiều quan điểm cho rằng thay đổi bền vững chỉ có thể xảy ra khi có thay đổi về mặt hệ thống.
Trong bài viết trước, Luật Khoa đã giới thiệu một ý kiến ủng hộ chủ nghĩa Marx sinh thái (eco-Marxism) của Ted Benton, giáo sư danh dự ngành Xã hội học, Đại học Essex. Ông cho rằng chủ nghĩa tư bản với phương thức sản xuất mang tính bóc lột cả con người lẫn tự nhiên chính là căn nguyên cho thảm họa môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay.
Nhà kinh tế Daniel Lacalle, một người ủng hộ thị trường tự do, lại có quan điểm ngược lại. Trong một bài viết đăng trên trang web của Viện Mises năm 2019, ông gọi chủ nghĩa xã hội là mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường và sự phát triển kinh tế bền vững.
“Nếu chúng ta muốn một sự thay thế thực sự cho nhiên liệu hóa thạch để giúp cải thiện môi trường, giảm khí thải và tăng cường phúc lợi toàn cầu, thì các thể chế tự do có thể làm được điều đó tốt hơn bất cứ chế độ nào trên thế giới”, Lacalle viết.
Theo ông, các bằng chứng lịch sử và kinh tế qua hàng thế kỷ cho thấy chủ nghĩa can thiệp (interventionism) và chủ nghĩa xã hội (socialism) không bao giờ bảo vệ môi trường. Trong nhiều trường hợp, các chế độ này chỉ sử dụng lá bài dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường như là cách để tăng cường kiểm soát nền kinh tế.
Logic của tác giả khi cho rằng chủ nghĩa xã hội là mối nguy hại đối với công cuộc bảo vệ môi trường là: bảo vệ môi trường cần có đổi mới công nghệ, mà đổi mới công nghệ thì cần có cạnh tranh. Trong khi đó, thể chế xã hội chủ nghĩa lại không ưa chuộng cạnh tranh, vì nó làm suy yếu vai trò chủ đạo của nhà nước trong nền kinh tế.
Điều này được chứng thực trong thời kỳ tồn tại của Cộng hòa Liên bang Xô Viết. Không lâu sau khi chế độ này sụp đổ, nhà kinh tế Jeffrey Sachs ghi nhận rằng các quốc gia xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ không chỉ thất bại về mặt kinh tế, mà còn gây ra các vấn nạn môi trường trầm trọng. Ước tính đến cuối thập niên 1980, ô nhiễm không khí trên một đơn vị GDP ở Trung và Đông Âu cao hơn 13 lần so với Tây Âu. Mức độ ô nhiễm nước thải thì cao hơn gấp ba lần.
Thành tích của các nước chủ nghĩa xã hội ngày nay cũng không khá hơn, theo tác giả Lacalle. Việc chúng ta nhìn thấy nhiều cuộc biểu tình trên truyền thông phương Tây chống lại những công ty gây ô nhiễm môi trường, theo ông, là do truyền thông thiên lệch. Không ai nhắc đến một thực tế là những công ty gây ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới là các tập đoàn nhà nước tại các quốc gia có nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, nơi mà tự do kinh tế ở mức thấp và chính quyền can thiệp tối đa vào nền kinh tế thông qua các tập đoàn nhà nước.
Cụ thể, Trung Quốc đã phê duyệt số lượng dự án điện than trong vòng 12 năm tới nhiều hơn toàn bộ số lượng của Mỹ và gần gấp đôi con số của cả Liên minh châu Âu. Lượng điện năng sản xuất từ than đá ở Trung Quốc tăng gấp năm lần trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019, và đang chiếm gần một nửa toàn cầu. Trung Quốc cũng nằm trong số các quốc gia trợ cấp năng lượng hóa thạch nhiều nhất trên thế giới
Tác giả cho rằng sự im lặng của cộng đồng quốc tế về hiện trạng tại những quốc gia như Trung Quốc hay Iran là kết quả của quá trình tuyên truyền mang tính tẩy não của các quốc gia này. Trung Quốc, một mặt, tham gia vào các hiệp ước quốc tế về môi trường, mặt khác, lại không ngừng trợ cấp cho những ngành công nghiệp đang hủy hoại môi trường.
Vì thế, nếu không tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề, các nhà hoạt động có thể đang biểu tình chống lại chính những công ty tư bản đang đầu tư cho các giải pháp tiên tiến nhất để đối phó với vấn đề môi trường, tác giả này nhận xét.
Cùng quan điểm với tác giả Lacalle, nhà nghiên cứu Shawn Regan của Viện nghiên cứu PERC (Property and Environment Research Center) cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể là câu trả lời cho vấn đề môi trường, vì nó sai về mặt logic vận hành nền kinh tế.
Theo đó, những nhà hoạch định kinh tế cấp trung ương không có động cơ khuyến khích đổi mới và cạnh tranh. Hơn nữa, khi có thảm họa môi trường xảy ra, lại không có cơ chế nào để yêu cầu ai đó chịu trách nhiệm vì quyền sở hữu tài sản không rõ ràng.
Các tác giả chỉ ra rằng mọi quốc gia đều đang có những công ty gây ô nhiễm, nhưng cách xử lý hậu quả ở hai kiểu thể chế là khác nhau. Trong các thể chế tư bản, khi người gây thiệt hại là công ty tư nhân, chính quyền sẽ điều tra, đưa họ ra tòa và yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân. Trong các thể chế mà nhà nước bảo lãnh cho các tập đoàn làm kinh tế, khi cần truy cứu trách nhiệm, ta không thể có được một sự minh định tương tự. Đó rõ ràng là một lực cản phát triển.
Lập luận này là có lý nếu chúng ta nhìn vào cách chính quyền ứng phó với hai thảm họa môi trường xảy ra tại Mỹ và Việt Nam.
Năm 2010, giếng khoan dầu Deepwater Horizon trong vùng Vịnh Mexico bị rò rỉ trong gần ba tháng, thải ra vùng biển gần tiểu bang Louisiana 780 nghìn mét khối dầu thô, làm 11 người thiệt mạng. Chính phủ Hoa Kỳ kiện công ty mẹ BP ra tòa vì tội bất cẩn nghiêm trọng gây ra thảm hoạ môi trường. Công ty này nhận mức phạt 18,7 tỷ USD. Họ cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn bốn tỷ USD cho khoảng 100 nghìn dân và chủ cơ sở thương mại, cùng với chi phí làm sạch môi trường biển tốn 65 tỷ USD.
Trong khi đó, với thảm họa môi trường nghiêm trọng mà Formosa gây ra ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam năm 2016, mức bồi thường mà họ chi trả chỉ là 500 triệu USD. Việc chi trả số tiền này còn không được giám sát kỹ càng, dẫn đến tình cảnh là trong khi nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc nhận tiền bồi thường, thì một địa phương trích 100 triệu tiền bồi thường để trang trí cổng làng, mua máy photocopy, và đi du lịch.
Nói tóm lại, theo luồng quan điểm này, để giải quyết các thách thức môi trường, cạnh tranh và công nghệ là hai giải pháp ưu việt, và chúng chỉ có thể xảy ra trong một hệ thống tư bản với nền kinh tế thị trường tự do.
Chủ nghĩa xã hội có một thành tích tồi trong lịch sử và vẫn đang tiếp tục gây ra các tác động xấu đến môi trường cho đến ngày nay. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản, dù có nhiều vấn đề, vẫn là hệ thống tốt nhất mà chúng ta có để gìn giữ môi trường trong lành cho tất cả.