‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Bức chân dung của những người vùi đầu trong cát trước thảm họa khí hậu toàn cầu.
Không ai phủ nhận con người là sinh vật có trí thông minh đặc biệt.
(Rốt cục thì “ai” ở đây cũng chính là con người. Họ khó mà phủ định chính mình.)
Con người thông minh đến mức sở hữu một năng lực mà có lẽ không loài động vật nào khác có: khả năng phủ nhận sự thật.
Trong cuốn sách “The Madhouse Effect” (tạm dịch “Hiệu ứng nhà thương điên”), các tác giả Michael E. Mann và Tom Toles đã dành nhiều thời gian phân tích hành vi của những người chuyên phủ định, bác bỏ các bằng chứng về biến đổi khí hậu (climate change deniers).
Họ đã liệt kê ra “sáu cấp độ bịt tai che mắt” (six stages of denial) mà chúng ta có thể lần lượt xem qua để được mở mang trí óc.
Bước đầu tiên của những “phủ định gia” là gạt bỏ bằng chứng rằng biến đổi khí hậu đang xảy ra.
Triệu chứng nặng nhất là bác bỏ thực tế rằng lượng CO2 đã và đang ngày một tăng lên trong khí quyển.
Bất chấp vô số các đo đạc nghiên cứu được xác thực từ khắp nơi trên thế giới, những phủ định gia này vẫn luôn kiên trì lên tiếng phản bác, nghi ngờ các chứng cứ đó. Những tiếng nói của họ luôn được chào đón ở những tờ báo, diễn đàn, hội nhóm của những người chia sẻ cùng quan điểm.
Tuy vậy, triệu chứng phổ biến nhất của nhóm này không phải là bác lại CO2. Phần lớn họ thừa nhận rằng CO2 có tăng, nhưng nhiệt độ trái đất thì không.
Vào đầu thập niên 1990, hai nhà khoa học John Christy và Roy Spencer ở Đại học Alabama công bố nghiên cứu sử dụng số liệu vệ tinh, với kết quả là ở tầng dưới của khí quyển không có hiện tượng nóng lên, trái ngược với các đo đạc quan sát ở bề mặt.
Ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt, than đá … cùng các chính trị gia thuộc “phủ định phái” ngay lập tức tung hô “bằng chứng” này. Trong suốt một thập niên tiếp theo, họ dùng nó để phản bác lại mọi yêu cầu về kiểm soát khí thải.
Dù các nhà khoa học đều nghi ngờ về công bố trên, nhưng mãi đến năm 2005, họ mới tìm hiểu phân tích dữ liệu gốc của hai đồng nghiệp và phát hiện ra vấn đề.
Trong thuật toán của mình, Christy và Spencer đã dùng sai dấu toán học: chỗ lẽ ra phải để dấu cộng (plus), họ lại để dấu trừ (minus), từ đó biến kết quả thay vì “nóng lên” (warming) trở thành “lạnh đi” (cooling).
Lỗi sơ đẳng của hai nhà khoa học này có lẽ dễ hiểu, khi ta biết rằng họ đều là những người phủ định chuyện biến đổi khí hậu.
Thay vì tìm sự thật, họ đi tìm bằng chứng ủng hộ niềm tin của mình. Và trong trường hợp này, vô tình hay cố ý, tạo ra bằng chứng đó.
Những người như họ không hề hiếm gặp.
Cho tới ngày nay, vẫn có rất nhiều người luôn lặp đi lặp lại niềm tin rằng trái đất không hề nóng lên. Họ soi rất kỹ các biểu đồ theo dõi nhiệt độ toàn cầu, và khi gặp một hai thời điểm “không nóng lên”, lập tức khoanh vùng nó, phóng đại, cho rằng đó là dấu hiệu của “sự thật”.
Khi “sự thật” đó sụp đổ vì các bằng chứng ngược lại quá rõ ràng, họ lại tiếp tục mày mò tìm những “sự thật khác”.
Những người ở cấp độ này rất thông thuộc lịch sử.
Họ có thể chỉ xa tới tận… Kỷ Phấn Trắng (Cretaceous), cách đây hàng trăm triệu năm, khi khủng long vẫn còn đạp ầm ầm trên trái đất. Vào thời đó, nhiệt độ trái đất còn cao hơn bây giờ.
Hay gần hơn, họ sẽ chỉ về “Thời kỳ ấm lên Trung cổ” (Medieval warm period), vào khoảng thế kỷ thứ 9 đến 15, với nhiệt độ cũng nóng như, hay thậm chí nóng hơn thời điểm hiện tại. Thời ấy chưa có các hoạt động công nghiệp phát thải CO2, vậy nên chắc chắn sự tăng nhiệt này phải do tự nhiên mà ra!
Cũng giống như ở cấp độ 1, đây là ví dụ khác của việc “chọn lọc sự thật”.
Thời kỳ ấm lên ở Trung cổ là có thật, và nguyên nhân của nó cũng đã được các nhà khoa học giải thích từ lâu. Đó là giai đoạn bức xạ mặt trời tăng lên đi kèm với sự giảm bớt các hoạt động núi lửa trên trái đất, khiến nhiệt độ lên cao so với thời kỳ trước đó.
Tuy nhiên sự tăng nhiệt này chỉ là cục bộ. Khu vực phía bắc Đại Tây Dương nhiệt độ cao hơn thời nay, còn khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương lại lạnh hơn ngày nay. Chung quy nhiệt độ bình quân của trái đất vào giai đoạn trên tương tự với thời kỳ đầu đến giữa thế kỷ 20.
Còn trong câu chuyện vào thời của khủng long, những phủ định gia đã rất khôn ngoan, cố tình bỏ qua nguyên nhân của sự tăng nhiệt vào thời đó: nồng độ CO2 rất cao.
Sau hàng trăm triệu năm, lượng CO2 đó mới dần dần được chuyển hóa thành carbon, chôn sâu xuống lòng đất, mà ngày nay ta gọi đó là “nhiên liệu hóa thạch”.
Để rồi cách đây hơn 100 năm, con người – những sinh vật kế vị khủng long – phát hiện ra chiếc hộp Pandora ấy, hăm hở mở ra xài tận mạng.
Chỉ trong 100 năm, chúng ta đã “trả lại” khí quyển lượng CO2 mà trái đất mất hàng trăm triệu năm để chôn xuống.
Những người ở cấp độ này luôn rung đùi tự tin cho rằng, cứ để vậy, từ từ sẽ đâu vào đó, Tự Nhiên có cơ chế cân bằng mọi thứ!
Họ nói không sai, nhưng một lần nữa, lại nói không hết sự thật.
Tự nhiên có cơ chế phản ứng với mọi thứ.
Nếu các điều kiện nằm trong phạm vi nhất định, cơ chế này sẽ đưa mọi thứ về cân bằng trong trạng thái cũ. Nếu lệch ra ngoài phạm vi đó, cùng một cơ chế sẽ dẫn đến chuỗi phản ứng mới, tạo ra cân bằng mới trong trạng thái mới.
Đổ một ly nước sôi vào trong một hồ bơi nước lạnh, nước trong hồ vẫn sẽ giữ nguyên nhiệt độ. Nhưng nếu đổ hàng trăm lu nước sôi vào, nước trong hồ chắc chắn sẽ thay đổi nhiệt độ. Và nếu liên tục không ngừng đổ nước sôi vào, nhiệt độ nước trong hồ sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Bất kỳ ai cũng có thể tự thực nghiệm hiện tượng trên.
Richard Lindzen là một nhà khoa học có tiếng của Học viện MIT, từng được bầu vào Học viện Khoa học Quốc gia của Mỹ. Ông đồng thời là người thường xuyên phản bác các bằng chứng về tác hại của thuốc lá, và dành phần lớn thời gian để chứng minh rằng cơ chế tự nhiên sẽ giúp cân bằng nhiệt độ trái đất.
Không ai phủ nhận trí thông minh của những người như Lindzen, nhưng có vẻ như càng thông minh, họ lại càng giỏi phủ nhận thực tế.
Lindzen chỉ quan tâm đến những “cơ chế suy yếu” (negative feedbacks), trong khi bỏ qua “cơ chế khuếch đại” (positive feedbacks).
Tuyệt đại đa số các nhà khoa học đều có chung nhận định, rằng cơ chế khuếch đại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên chứ không quay lại điểm ban đầu.
Nếu chỉ lấy CO2 là thước đo, dự báo khi tăng gấp đôi lượng CO2 thải ra (so với trước thời Cách mạng công nghiệp), hiệu ứng nhà kính tương ứng sẽ khiến nhiệt độ tăng lên 1°C.
Con số có vẻ không đáng kể. Nhưng mức tăng này sẽ làm tăng hơi nước (water vapor) trong khí quyển. Hơi nước là loại khí nhà kính còn nhốt nhiệt nhiều hơn cả CO2, và sẽ góp thêm 1,5°C vào đó.
Nhiệt độ tăng khiến băng tan, làm tăng lượng hấp thụ ánh sáng mặt trời, thêm vào 0,5°C nữa.
Các cơ chế khuếch đại trên khiến mức tăng 1°C ban đầu đội lên thành 3°C.
(Cái đáng sợ thật sự không nằm ở bản thân con số 3°C, mà nằm ở tốc độ tăng. Điều này sẽ được tiếp tục bàn đến trong các bài viết tiếp theo về Biến đổi khí hậu.)
Đó không phải những cơ chế khuếch đại duy nhất.
Rừng và đại dương nuốt giùm khoảng một nửa lượng CO2 mà con người thải ra. Nhưng thứ gì cũng có giới hạn. Khi bị ép tới giới hạn của mình, không gì đảm bảo rằng rừng và đại dương không bão hòa, quay đầu trở thành nguồn phát tán CO2.
Cộng thêm khí methane, một loại khí nhà kính siêu nhốt nhiệt. Phần lớn methane hiện tại vẫn đang bị nhốt trong băng tại hai cực. Một khi nhiệt độ tăng lên, băng tan ra (trên thực tế chúng đã và đang tan với tốc độ ngày càng nhanh), lượng methane được giải thoát sẽ càng góp phần đẩy nhiệt độ lên cao hơn nữa.
Một vòng tuần hoàn hủy diệt.
Điều kỳ khôi là để chấm dứt chu trình hủy diệt khép kín này, giải pháp cực kỳ đơn giản: ngưng thải CO2.
Nhưng trong niềm tin của nhiều người, việc này không có lợi gì cho họ.
Không chấp nhận giải pháp đơn giản (ngưng thải CO2), họ bám chặt lấy một niềm tin mới: biến đổi khí hậu cũng tốt mà!
Họ khẳng định, vì cây cối thích CO2, nên CO2 tăng thì nông nghiệp sẽ được lợi.
Vấn đề ở chỗ, cây trồng có được bơm thêm bao nhiêu CO2, nhưng kèm theo đó là điều kiện khí hậu thay đổi, đất trồng hoang hóa, các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão lũ, hạn hán …) xuất hiện với tần suất ngày một nhiều, sẽ khiến nền nông nghiệp trên toàn cầu lao đao.
Những ai cho rằng biến đổi khí hậu có lợi cũng tự an ủi rằng băng tan là chuyện tốt. Như ở Greenland, đường biển sẽ được khơi thông, sẽ có thêm nhiều vùng đất mới cho người ở!
Trên thực tế, băng tan có phát lộ ra bao nhiêu vùng đất mới cũng sẽ không bù lại được với mực nước biển dâng lên nhấn chìm những vùng đất ven biển hiện có.
Theo một nghiên cứu gần đây, với đà “phát triển” như hiện tại, tới năm 2050, toàn bộ miền Nam Việt Nam sẽ ngập chìm trong nước.
Còn việc khơi thông các tuyến đường biển mới chắc chắn sẽ lại dẫn đến các cuộc xung đột tranh giành quyền lợi giữa những quốc gia có tham vọng. Trong đó bi hài nhất sẽ là việc tranh nhau quyền khai thác các mỏ dầu khí khổng lồ tại đây.
Băng tan do nhiệt độ tăng.
Nhiệt độ tăng do CO2 tăng.
CO2 tăng do con người moi carbon từ lòng đất ra mà đốt.
Và giờ đây khi thấy băng tan, con người hí hửng: lại có thêm carbon để tiếp tục đốt.
Đây có phải là “trí khôn của ta đây” phiên bản thời hiện đại?
Sau khi chán chê không còn muốn phủ nhận gì nữa, cũng không còn lạc quan tếu rằng biến đổi khí hậu sẽ có lợi, những người ở cấp độ này phát biểu: không thay đổi được gì đâu.
Họ cho rằng không làm gì là cách phản ứng tốt nhất vào thời điểm hiện tại. Vì thay đổi nào cũng quá tốn kém, nên chẳng thà không thay đổi còn hơn.
Tại Mỹ, theo một báo cáo của Quỹ Sinh thái Toàn cầu (Universal Ecological Fund), ước tính trong mười năm qua, mỗi năm thiệt hại từ biến đổi khí hậu là 240 tỷ đô la. Trong mười năm tới, ước tính con số này sẽ là 360 tỷ đô la mỗi năm.
Đó là chỉ tính riêng tại nước Mỹ, nơi đang có một Tổng thống tỉnh bơ phớt lờ mọi bằng chứng về biến đổi khí hậu, đồng thời là vùng đất thánh cho những ai kiên định nghi ngờ khoa học.
Những người không-nên-làm-gì-cả này cho rằng “nghèo năng lượng” (energy poverty) là vấn đề quan trọng nhất của nhân loại.
Việc thay đổi, ngưng các hoạt động thải CO2, ngưng khai thác nhiên liệu hóa thạch, sẽ khiến nhân loại phải “chịu đựng trong đau khổ” (suffering).
Rex Tillerson, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Donald Trump, đã từng bình luận, rằng “cứu lấy hành tinh này có lợi gì nếu con người phải chịu đựng đau khổ?”. Có lẽ ông không có ý bảo rằng thiếu điện thì khổ hơn là không có không khí sạch để thở, nước sạch để uống, hay cơ thể bệnh tật…
Những người như ông, nói được như vậy, đều có sẵn không khí sạch (cho dù là phải trốn trong phòng máy lạnh 24/24), có sẵn nước sạch (nguồn nước từ đâu, còn bao nhiêu thì không quan tâm), và chưa bị thần chết gõ cửa.
Sẽ không thừa khi nhắc rằng, Rex Tillerson phát biểu điều trên vào thời điểm ông vẫn còn là CEO của tập đoàn dầu khí ExxonMobil.
Năng lượng (điện) là thứ quan trọng nhất cho con người. Nhiên liệu hóa thạch là cách dễ dàng nhất tạo ra nó. Phải tiếp tục đẩy mạnh khai thác nó. Phải không ngừng làm giàu từ nó. Một vòng luẩn quẩn chết người.
Cuối cùng, di sản để lại cho tương lai là một thứ luận điệu quen thuộc: thế giới này có tốt đẹp hay không, mọi thứ là nhờ cả vào các cháu!
Tất nhiên nhiều người ở cấp độ này cũng hiểu rằng thật không đẹp mặt gì khi buộc người khác dọn rác của mình. Vì thế, họ thường bọc đường di sản trên bằng “niềm tin vào công nghệ”.
Công nghệ tương lai sẽ giải quyết mọi vấn đề của nhân loại, họ quả quyết.
Trong khi luôn nghi ngờ khoa học, phủ định mọi bằng chứng, phóng đại tất cả những vấn đề còn chưa được nghiên cứu xác thực, họ lại không nề hà gì đặt niềm tin vào những công nghệ chưa tồn tại.
Có vô số những ý tưởng về các giải pháp tương lai (và để cho tương lai lo) này.
Lắp đặt các tấm gương khổng lồ ngoài không gian, phản chiếu ngược ánh sáng mặt trời, một kiểu đeo kính râm chống nắng cho trái đất.
Dùng một loại “súng” khổng lồ bắn các hạt sulfate vào khí quyển, mô phỏng hiện tượng núi lửa phun trào, giúp giảm nhiệt độ trái đất.
Tống các hạt sắt (iron) vào trong đại dương, đẩy mạnh quá trình sinh sôi nảy nở của tảo (algae) hoặc “sinh vật phù du” (phytoplankton), giúp chúng hấp thụ CO2 khi quang hợp.
Chế tạo “cây nhân tạo” khổng lồ hút CO2 khỏi khí quyển.
Tạo ra vi khuẩn ăn plastic.
…
Danh sách này sẽ còn kéo dài.
Các giải pháp (trên giấy) này nếu không phải là không khả thi trên thực tế, thì có khả năng gây hại nhiều hơn có lợi, và có thể tạo ra chuỗi tác động domino không kiểm soát được.
Một số khác, như vi khuẩn ăn plastic, lại được đặt quá nhiều kỳ vọng. Thực chất có nhiều loại vi khuẩn ăn plastic (nếu không nhựa sẽ không bao giờ phân hủy), loại khuẩn mới (hay chính xác là loại enzyme mới nó tiết ra) chỉ làm nhanh hơn một chút so với loại khác. Từ phát hiện này đến việc có thể ứng dụng nó để giải quyết vấn nạn rác nhựa của con người là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Cần phải nói rõ, bản thân những giải pháp công nghệ này đều không xấu, kể cả khi nó không khả thi.
Nó chỉ mang tiếng xấu khi bị nhiều người dùng làm cái cớ để thoái thác trách nhiệm của mình, để họ không phải thay đổi bất kỳ hành vi nào, tiếp tục các hoạt động thải ra CO2, tống ra rác nhựa, xả bẩn vào nước…
Ngay cả khi những giải pháp đó có tác dụng, nó cũng không thay đổi được sự thật: gốc rễ của vấn đề nằm ở việc thay đổi hành vi của con người.
Thuốc trị tiêu hóa có tốt đến đâu, nếu vẫn tiếp tục tống thức ăn vô tội vạ vào người, nhất là những chất có hại có độc, sớm muộn bạn cũng sẽ lăn ra chết. Và chết theo một cách rất khó coi.
Tất nhiên chết theo cách nào là lựa chọn riêng của mỗi người.
Nhưng không ai có quyền dìm người khác, đặc biệt là những đứa trẻ trong tương lai, lún sâu xuống chiếc hố mà mình tự đào ra.