Thời đại Lochner, “chính phủ ông tòa” và khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (lại) là “kẻ xấu”

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1917. Ảnh: AP.
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1917. Ảnh: AP.

Giới thiệu chuyên đề: Hiến pháp và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ
Kỳ 1: Quyền tài phán tư pháp và quyết định của Chánh án Marshall
Kỳ 2: Phán quyết Dred Scott – trang sử buồn của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ


Những ai ham mê sưu tập sách luật trước năm 1975 không xa lạ gì với tên tuổi của giáo sư Lê Đình Chân của Đại học Luật Khoa Sài Gòn. Ông Chân khi còn đứng lớp nổi tiếng với bộ bốn quyển sách về luật hiến pháp so sánh, có thể được xem là công trình nghiên cứu về nội dung này đầu tiên tại Việt Nam. Trong một chương viết về vai trò của tòa án, GS Chân có nhắc đến bối cảnh Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã thực hiện quyền tài phán hiến pháp của mình dưới thời Chính Sách Mới (New Deal) của Tổng thống Franklin Roosevelt một cách quá mức. Hậu quả là những chính sách cấp tiến của F. Roosevelt bị ngăn cản. GS Chân gọi tình trạng này là một tình trạng “chính phủ ông tòa” (Xem Lê Đình Chân – Luật hiến pháp và các định chế chính trị – Quyển 1).

GS Chân vốn là một nhà luật học được Pháp đào tạo nên những dẫn chiếu của ông thường đến từ các tài liệu tiếng Pháp. Tình trạng “chính phủ ông tòa” cũng vậy, khi giáo sư chú thích cụm từ này bằng một cụm từ tiếng Pháp là “Le gouvernement des juges”. Tìm kiếm các tài liệu luật học Hoa Kỳ thì sẽ thấy cụm từ này đúng là do một giáo sư người Pháp tên là Eduoard Lambert đặt ra trong một quyển sách viết năm 1921 về Hiến pháp Hoa Kỳ. Gần như không có một luật gia Hoa Kỳ nào sử dụng cụm từ này, hoặc một cụm từ tiếng Anh là “government of judges” cho đến tận năm 1986 khi giáo sư Michael H. Davis của Đại học Cleveland State viết một bài bình luận về chính quyển sách của Lambert (xem A Government of Judges – Michael H. Davis).

Thật ra đây là một thiếu sót của GS Chân vì không thể dùng một khái niệm do luật gia người Pháp để đánh giá tính chất của tòa án Hoa Kỳ được. Một cái hại trước mắt của thiếu sót này là suốt thời gian dài, giới luật học Việt Nam khi bàn về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thường trích dẫn sách của GS Chân và đả kích Tối cao Pháp viện như một thể chế có thể chiếm đoạt quyền lực. Kỳ thực, tuy Lambert đã mô tả đúng hiện tượng của Tối cao Pháp viện trong một giai đoạn gọi là “Thời đại Lochner” (1897-1937), nhưng nếu xem hiện tượng này là bản chất của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thì lại rất khiên cưỡng. Tối cao Pháp viện cũng như các thể chế khác ở Hoa Kỳ, và cả nước Mỹ thay đổi theo thời gian và tự điều chỉnh, kiềm chế mình. Đặc biệt là nói như GS Fallon của Đại học Harvard, người ta thường nhầm lẫn khi gọi Tối cao Pháp viện với danh xưng số ít (“it”), ngụ ý rằng đó là một thể chế thống nhất. Kỳ thực, với 9 thẩm phán, Tối cao Pháp viện thay đổi và đấu tranh bên trong nội bộ không ngừng và cơ quan này nên được nhắc đến với danh xưng số nhiều (“they”) để làm rõ sự đa dạng của nó.

Câu chuyện của Tối cao Pháp viện trong Thời đại Lochner đã thể hiện rõ nét những tính chất và thăng trầm này.

kỳ trước, chúng ta dừng lại sau vụ án Dred Scott với một nước đi sai lầm của Chánh án Taney. Tuy nhiên, tuy chống đối kịch liệt những đạo luật sau đó của Tổng thống Lincoln, Taney không bị phế truất mà giữ chức chánh án đến cuối đời, và Tối cao Pháp viện cũng không vì thế mà mất đi tầm quan trọng của mình (vốn dĩ đến từ sự tôn trọng của các nhánh quyền lực khác).

Một năm trước Thời đại Lochner, Tối cao Pháp viện còn đưa ra một học thuyết khét tiếng trong vụ Plessy v. Ferguson với tên gọi “phân chia nhưng bình đẳng” (separate but equal), theo đó một đạo luật sẽ không bị coi là vi phạm Tu chính án 14 về bảo vệ bình đẳng (Equal Protection Clause) nếu nó tuy phân biệt đối xử với người da đen, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ các điều kiện sống cho người da đen. Chẳng hạn, luật tiểu bang có thể bắt người da đen đi khoang xe riêng, học trường riêng… miễn là vẫn đảm bảo người da đen được đi xe, được đi học… Tất nhiên, về bản chất thì sự “bình đẳng” này không thực chất nếu xét đến các yếu tố kinh tế, nhưng đó sẽ là câu chuyện khác. Tối cao Pháp viện thời đại này được xem là rất bảo thủ về mặt phát triển xã hội nếu dùng con mắt thời này nhìn lại. Đỉnh điểm của sự bảo thủ này là bản án Lochner, mở đầu cho Thời đại Lochner và câu chuyện về chính phủ ông tòa mà GS Chân nói đến.

Lochner và diễn biến công bằng về mặt nội dung (Substantive Due Process)

Năm 1897, Tối cao Pháp viện bắt đầu tuyên các đạo luật của tiểu bang liên quan đến kinh tế là vi phạm Hiến pháp (xem Allgeyer v. Louisiana (1897)). Nhưng tên gọi Lochner xuất phát từ tên của nguyên đơn một vụ án năm 1905

Ở bang New York thời điểm đó có một đạo luật nhằm bảo vệ quyền và sức khỏe của người lao động làm trong các xưởng bánh, cấm việc quy định giờ làm của một công nhân xưởng bánh quá 10 tiếng/ngày hay 60 tiếng/tuần (Đạo luật Tiệm bánh 1895 – Bakeshop Act 1895). Joseph Lochner là một chủ tiệm bánh ở Utica. Lochner bị phạt theo Đạo luật Tiệm bánh vì đã để cho công nhân mình làm quá 10 tiếng/ngày và hơn 60 tiếng/tuần. Tất nhiên, Lochner trả đủ tiền lương cho các công nhân của mình và các công nhân hoàn toàn tự nguyện trong việc thực hiện công việc vượt quá thời gian đó.

Tiệm bánh của Joseph Lochner. Ảnh: sagepub.com.
Tiệm bánh của Joseph Lochner. Ảnh: sagepub.com.

Với cặp mắt hiện đại, các quy định giới hạn thời gian làm việc và thời gian làm quá giờ là hết sức bình thường. Nó nhằm bảo vệ sức khoẻ của người công nhân, cũng như bảo vệ chính người công nhân khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Thử hình dung không có những quy định đó thì chủ lao động có thể sẽ ép buộc người lao động của mình làm quá giờ, bóc lột hết sức của họ. Việc cho rằng người lao động “tự nguyện” bị bóc lột xem chừng hợp lý, nhưng lại không toàn diện vì ở nhiều tình cảnh, người lao động hoàn toàn không có quyền thương lượng khác đi. Đó chính là ý nghĩa về mặt nhân quyền của các đạo luật giới hạn giờ làm.

Đạo luật nhằm hạn chế những tác động quá trớn của chủ nghĩa tư bản, thị trường nhìn chung vẫn cho rằng những quy định giới hạn giờ làm là không hợp lý. Lochner cũng cho rằng việc mình bị phạt là bất công và ông khởi kiện ra tòa, cho rằng Đạo luật Tiệm bánh là vi phạm Hiến pháp, cụ thể là vi phạm quyền “tự do hợp đồng” giữa ông và các công nhân của mình. Đây là một lập luận khá điển hình của những người coi trọng thị trường tự do vào đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra đó là không ở đâu trong Hiến pháp Mỹ có nhắc đến một cách minh định về quyền “tự do hợp đồng” cả. Nếu giải thích hẹp, nghĩa là chỉ những quyền này được ghi minh định trong Hiến pháp mới là quyền căn bản, Tối cao Pháp viện sẽ có thể làm thiếu sót rất nhiều những quyền con người không được ghi nhận (trên thực tế, Liên Hiệp Quốc đưa ra 30 quyền con người cơ bản, trong khi Hiến pháp Mỹ chỉ nói minh định khoảng trên dưới 10 quyền trong Mười Tu chính án Đầu tiên). Nhưng nếu giải thích rộng, Tối cao Pháp viện cần vin vào một cơ sở pháp lý nào đó để làm nền tảng cho việc giải thích của mình. Rốt cuộc, các thẩm phán không phải là chính trị gia, quyết định của thẩm phán phải có lý do và cơ sở chứ không thể thuần tuý dựa trên các giá trị bản thân như chính khách. Đó là điều mà cho đến nay người ta vẫn quên, dẫn đến hiểu sai vai trò của Tối cao Pháp viện.

Đứng trước câu hỏi đó, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện đã lựa chọn một điều khoản trong Hiến pháp liên quan đến “diễn biến công bằng” (Due Process Clause), trong đó có đoạn: “Không ai… bị tước đoạt mạng sống (life), tự do (liberty), hoặc tài sản (property), mà không thông qua diễn biến công bằng (without due process)” (Tu chính án thứ 5). Tu chính án 14 lặp lại quy định này theo hướng cấm các bang tước đoạt của công dân mình mạng sống, tự do, hoặc tài sản mà không có “diễn biến công bằng”.

“Diễn biến công bằng”, hay đôi lúc được dịch là “trình tự công bằng”, vốn dĩ ban đầu được sử dụng để ngăn cản cơ quan tư pháp và hành pháp bắt bớ hay tuyên án tuỳ tiện công dân của mình. Một phiên tòa không công bằng sẽ được xem là có “diễn biến bất công” và do đó vi phạm Tu chính án thứ 5. Chúng ta rất dễ dàng hiểu khía cạnh này của “diễn biến công bằng”, và có thể gọi nó là “diễn biến công bằng về thủ tục” (procedural due process).

Tuy nhiên, sở dĩ tác giả chọn dịch cụm từ này là “diễn biến” chứ không phải là “trình tự” là bởi vì từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đặt ra một nguyên tắc rằng điều khoản Due Process còn có thể dùng để bảo vệ các quyền tự do của công dân không được ghi trong Hiến pháp, nhưng là quyền căn bản của họ. Nói cách khác, giờ đây “diễn biến công bằng” không chỉ áp dụng cho hành pháp hay tư pháp, mà còn cho lập pháp. Nếu cơ quan lập pháp thông qua một đạo luật để tước đoạt một quyền tự do nào đó, thì tức là “diễn biến” đó không công bằng và sẽ bị vô hiệu hoá. “Diễn biến” giờ đây được hiểu không chỉ là quy trình thuần tuý, mà là cả một quá trình nhà nước tước đoạt tự do của công dân. Tối cao Pháp viện gọi đó là “diễn biến công bằng về nội dung” (substantive due process).

Có thể cách giải thích này đã gây tranh cãi là quá tự do, nhưng đây là cách Tối cao Pháp viện sử dụng để có thể bảo vệ những quyền tự do căn bản nhưng không minh định trong Hiến pháp.

Câu hỏi đặt ra, quyền tự do nào là quyền tự do căn bản nhưng lại không minh định trong Hiến pháp?

Trong vụ án Lochner, phe đa số của Tối cao Pháp viện (5 thẩm phán) đã cho rằng “quyền tự do hợp đồng” là một quyền tự do căn bản, và việc bang New York ra luật tước đoạt quyền này mà không có lý do chính đáng thì được xem là không công bằng, và do đó vi phạm điều khoản “diễn biến công bằng về nội dung”. Để đánh giá xem như thế nào là chính đáng, phe đa số đã dẫn chứng về những tác động về sức khoẻ của cá nhân người lao động trong ngành bánh là không quá đáng kể đến mức phải có luật hạn chế như vậy. Điều này khác với công nhân hầm mỏ trong một vụ án trước đây khi Tối cao Pháp viện cho rằng một đạo luật hạn chế giờ làm 8 tiếng/ngày là hợp lý vì hao tổn sức khoẻ của công nhân ngành này là cao. Trên cơ sở đó, trong một bản án 5-4, Tối cao Pháp viện xử Đạo luật Tiệm bánh là vi phạm quyền tự do hợp đồng và vi hiến. Lochner được xử thắng và mở ra một chương trong lịch sử tư pháp nước Mỹ.

Công nhân Mỹ năm 1917. Ảnh: Buyenlarge/Getty Images.
Công nhân Mỹ năm 1917. Ảnh: Buyenlarge/Getty Images.

Sự phản đối và vai trò quá trớn của Tối cao Pháp viện

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Tối cao Pháp viện không phải là số ít. Vụ án Lochner gây nhiều tranh cãi một phần vì nó có đến 4 thẩm phán không bằng lòng, và có hai ý kiến bất đồng (dissenting opinions) được đưa ra. Một người xem xét bản án bình thường có thể thấy bản án Lochner không có vấn đề gì, thậm chí là phù hợp với quan điểm chính trị của họ (ví dụ như đó là người ủng hộ thị trường tự do hay theo trường phái tân tự do). Nhưng nếu suy cho kỹ, có hai vấn đề về mặt pháp luật:

  • Thứ nhất, tại sao lại nói “quyền tự do hợp đồng” là một quyền căn bản cần được bảo vệ theo Hiến pháp? Đây là điểm mà thẩm phán lừng danh Oliver Wendell Holmes Jr. chỉ ra trong ý kiến bất đồng của mình. Holmes cho rằng phe đa số của Tối cao Pháp viện đã sai khi cổ vũ cho một học thuyết kinh tế mà đất nước Hoa Kỳ không theo đuổi, và do đó Tối cao Pháp viện đã lạm quyền trong bản án Lochner.
  • Thứ hai, tại sao lại nói sức khỏe của công nhân tiệm bánh thì không bị ảnh hưởng bằng sức khỏe của công nhân hầm mỏ? Một lần nữa, câu hỏi tưởng như cơ bản đã được thẩm phán Harlan đặt ra trong ý kiến bất đồng còn lại của mình. Rốt cuộc thì câu hỏi trên là một câu hỏi mang tính chính sách, chứ không phải là câu hỏi pháp luật. Vì vậy, tòa án không phải là cơ quan thích hợp để trả lời câu hỏi đó một cách chung cuộc. Với việc sử dụng lập luận chính sách, Tối cao Pháp viện đã tước đoạt chức năng lập pháp của Nghị viện bang New York. Harlan cho rằng đáng lý ra Tối cao Pháp viện phải tin tưởng vào quyết định chính sách của Nghị viện bang New York.

Hai ý kiến kể trên có cùng điểm chung, đó là chỉ trích sự “tích cực của tư pháp” (judicial activism), một học thuyết cho rằng thẩm phán Mỹ nên tích cực đưa ra các phán quyết nhằm thúc đẩy hoặc áp đặt một giá trị xã hội nào đó. Holmes và Harlan chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một học giả của trường Luật Harvard là James Bradley Thayer – người được xem là cha đẻ của học thuyết hiến pháp Hoa Kỳ.

Thayer trong một tiểu luận năm 1893 có tựa đề “The Origin and Scope of the American Doctrine of Constitutional Law” lần đầu tiên trình bày về vai trò và phạm vi của Tối cao Pháp viện trong các vụ án Hiến pháp. Theo đó, Thayer nhấn mạnh rằng chỉ khi nào một đạo luật của Quốc hội vi phạm Hiến pháp một cách rõ rệt, vượt quá các nghi ngờ hợp lý (clear mistake beyond reasonable doubt) thì Tối cao Pháp viện mới được phép tuyên một đạo luật là vi hiến. Thayer không chỉ ra cho các thẩm phán biết đâu là luật (điều mà các thẩm phán về sau sẽ tranh cãi), mà chỉ đưa ra một kim chỉ nam cho họ khi xét xử.

Thayer đưa ra rất nhiều lý do cho nguyên tắc của mình, trong đó quan trọng nhất là ba lý do sau:

  • Một, nghị viện vốn gần gũi nhất với nhân dân, vì thế các đạo luật của họ nên được mặc nhiên cho là đúng trừ khi nó rõ ràng vi hiến. Điều này nhằm bảo vệ tính dân chủ của đất nước.
  • Hai, nếu quá năng động trong việc tuyên các đạo luật là vi hiến ngay cả khi nó không sai rõ ràng, có thể sẽ đến một lúc nào đó nghị viện tuyên bố sẽ không tuân theo phán quyết của tòa án nữa vì họ cảm thấy vô lý. Điều này nhằm bảo vệ tính tồn vong của tư pháp như trong câu chuyện Marbury.
  • Ba, trong trường hợp nghị viện không bất tuân phán quyết của tòa án, một tòa án quá năng động có thể khiến nghị viện trở nên lười biếng và không ra sức suy nghĩ, bảo vệ cho chính sách của mình. Lúc đó, tòa án sẽ trở thành cơ quan làm chính sách và nghị viện sẽ luôn đưa vấn đề của mình lên cho tòa án xem trước, thay vì chủ động thực hiện nhiệm vụ. [1] Điều này nhằm bảo vệ tính hiệu quả của các chức năng khác trong nhà nước.

Trên cơ sở của Thayer thì bản án Lochner có vẻ như đã quá “năng động”. Trên thực tế, gần bốn thập niên sau bản án Lochner, Tối cao Pháp viện hầu như tuyên vi hiến toàn bộ các đạo luật có tính chất tiến bộ về mặt kinh tế như quy định về lương tối thiểu, giờ làm tối đa, công đoàn… Sự quá trớn của Tối cao Pháp viện trong giai đoạn này có lẽ đã khiến Lambert nghĩ đến một chính quyền ông tòa mà chúng ta đã bàn ở trên.

“Xoay chuyển kịp thời để cứu lấy bộ chín”

Điều khiến cho thời kỳ Lochner tồn tại gần bốn thập niên đó là vì tuy không hài lòng với sự thái quá của Tối cao Pháp viện, nước Mỹ không có một nhu cầu cấp thiết để thay đổi nó. Kinh tế vẫn phát triển dưới giai đoạn thị trường tự do. Công đoàn không quá mạnh. Và đặc biệt rằng Tối cao Pháp viện trong giai đoạn này tuy bảo thủ về kinh tế nhưng lại rất cấp tiến về dân quyền. Chính Tối cao Pháp viện trong giai đoạn này đã củng cố quyền tự do ngôn luận cho nước Mỹ và cũng đừng quên hai trong số những thẩm phán vĩ đại nhất nước Mỹ là Oliver Wendell Holmes Jr. và Louis Brandeis là những thẩm phán của Tối cao Pháp viện trong giai đoạn này. Holmes và Brandeis thường nằm ở phe thiểu số trong các bản án về kinh tế trong giai đoạn này, nhưng lại để lại khá nhiều dấu ấn trong mảng dân quyền. [2]

Nhưng vào năm 1929, thị trường nước Mỹ sụp đổ và nền kinh tế thị trường tự do đã gây hậu quả quá nghiêm trọng. Những người chỉ trích sự can thiệp của nhà nước (hay giai đoạn hiện nay là chỉ trích “cánh tả”) thường có chung một đặc điểm là họ sẽ ca ngợi thành tựu kinh tế của thị trường tự do, nhưng khi nó sụp đổ thì họ sẽ loay hoay không biết làm cách nào để giải cứu. Nước Mỹ trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng là như thế. Nó khiến cho người Mỹ phải quay sang ủng hộ một tổng thống với những chính sách kinh tế mạnh tay, can thiệp vào thị trường và tái phân phối thu nhập: Franklin Delano Roosevelt của Đảng Dân Chủ. Roosevelt sẽ làm tổng thống bốn nhiệm kỳ sau đó và các chính sách kinh tế của ông có tên gọi là New Deal.

Chánh án Tối cao Pháp viện Charles E. Hughes chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Franklin Roosevelt, ngày 4/3/1933. Ảnh: Keystone/Getty Images.
Chánh án Tối cao Pháp viện Charles E. Hughes chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Franklin Roosevelt, ngày 4/3/1933. Ảnh: Keystone/Getty Images.

Rất nhanh chóng, Roosevelt nhận ra lực cản chủ yếu của chính sách của mình, đó là Tối cao Pháp viện. Cuộc đấu tranh kéo dài 10 năm sau đó giữa Roosevelt và Tối cao Pháp viện sẽ đi vào kinh điển khi hầu như toàn bộ các quyết sách kinh tế của Roosevelt đều bị Tối cao Pháp viện tuyên vi hiến. Có lúc Roosevelt đã phải từ bỏ không theo đuổi các vụ kiện nữa vì sợ rằng nó sẽ làm ảnh hưởng tiến trình chung. Nhưng khi bước sang nhiệm kỳ thứ hai, khi thế và lực của Roosevelt đã đủ, ông nghĩ đến chuyện phản công và vô hiệu hoá Tối cao Pháp viện.

Chiến thuật của ông rất đơn giản. Tối cao Pháp viện không bảo thủ, mà chỉ có 5 thẩm phán thù địch và 4 thẩm phán thân thiện với chính sách New Deal. Vậy thì tại sao chúng ta không đưa thêm vào ít nhất 2 thẩm phán thân thiện nữa để xoay trục của tòa án này? Ngày nay, chúng ta biết đến chiến lược này với tên gọi là court packing.

Kế hoạch “nhồi nhét thẩm phán thân thiện” đã được Roosevelt đưa ra rất cụ thể, đó là tăng số lượng thẩm phán ở Tối cao Pháp viện lên 15, và nhờ đó Roosevelt có thể bổ nhiệm thêm 6 thẩm phán thân thiện nhằm xoay chuyển tòa án. Rất nhiều lo ngại được đưa ra nhưng uy tín chính trị quá lớn của Roosevelt đã tạo một áp lực chính trị khủng khiếp lên Tối cao Pháp viện. Việc tăng số lượng thẩm phán lên 15 không phải là quá kinh khủng nếu như nó xuất phát từ những nguyên nhân khác, không phải là nguyên nhân nhằm xoay chuyển tòa án. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng nếu Roosevelt có thể tăng lên 15 thẩm phán nhằm xoay chuyển tòa án, thì tổng thống sau ông có thể lại tăng thành 21 thẩm phán để xoay ngược lại. Cứ thế, Tối cao Pháp viện sẽ trở thành một chế định chính trị không hơn không kém và nền tảng do Marshall tạo ra sẽ tan thành mây khói. Đây chẳng phải là một dự báo mà Thayer đã đưa ra từ thế kỷ trước sao?

Trong bối cảnh đó, Thẩm phán Owen Roberts – một thẩm phán có xu hướng trung dung trong Tối cao Pháp viện – bất ngờ thay đổi quan điểm. Trong vụ án West Coast Hotel Co. v. Parrish năm 1937, bỗng nhiên Roberts thay đổi quan điểm của mình và bỏ phiếu để tuyên chính sách New Deal của Roosevelt là phù hợp với Hiến pháp. Cú chuyển lịch sử này được gọi là “xoay chuyển kịp thời để cứu lấy bộ chín” (the switch in time that saved nine). Chứng kiến sự xoay chuyển đó của Tối cao Pháp viện, Roosevelt từ bỏ kế hoạch nhồi nhét tòa án và tính sống còn của Tối cao Pháp viện đã được đảm bảo. Cú chuyển này đã cứu lấy nền tư pháp Mỹ, đồng thời kết thúc thời kỳ “chính phủ ông tòa” kéo dài bốn thập niên.

Vĩ thanh

Một lần nữa, đây không phải là câu chuyện đáng tự hào của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, nhưng nó giúp ta hiểu rất nhiều điều về hệ thống này. Nó còn là một bài học về vai trò thực sự của một tòa án, không phải là chế định chính sách, mà là chế định luật pháp. Ngày nay, người ta không lo sợ một tòa án bảo thủ hay một tòa án cấp tiến – vì tòa án nào cũng không thể tự tuyên án theo ý thích của mình được. Cái người ta nên lo sợ là một tòa án quá năng động áp đặt các giá trị dù là cấp tiến hay bảo thủ như tòa án dưới thời Lochner.

Một tòa án năng động thật ra không phải lúc nào cũng xấu, nhưng nó là con dao hai lưỡi. Như chúng ta đã chứng kiến, Taney đã khiến Nội chiến nổ ra khi ông nghĩ mình có thể giải quyết dứt điểm câu chuyện nô lệ ở Mỹ trong vụ Dred Scott. Tối cao Pháp viện dưới thời Lochner suýt chút nữa đã tan vỡ vì sự năng động của nó. Nhưng nếu một tòa án năng động “đúng” thì sao? Một tòa án năng động để sửa sai cho những lỗi lầm của chế độ dân chủ thì sao? Đó sẽ là câu chuyện của kỳ sau, về Tối cao Pháp viện vào thập niên 50, 60, dưới tên gọi là Tòa án của Warren.


Chú thích:

[1] Một ví dụ xa nhưng dễ hình dung là tình trạng các cơ quan nhà nước ở Việt Nam không dám ra quyết định mà hoàn toàn đưa lên cho thủ tướng để tránh trách nhiệm.

[2] Đôi lúc, sự cấp tiến của Holmes hay Brandeis vào thời đó sẽ khiến chúng ta nhướn mày vào thời nay. Một trong những ví dụ là khi Holmes cho rằng đạo luật cho phép triệt sản người thiểu năng trí tuệ là hợp hiến và cần phải làm. Nhưng đó là một câu chuyện khác.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.