Văn minh, tiện nghi, và những cái cây của người Hy Lạp

Hành trình nhận thức của nhân loại, từ một thế giới vô hạn đến những mầm cây cho tương lai.

Văn minh, tiện nghi, và những cái cây của người Hy Lạp

Có lẽ ít từ nào xuất hiện nhiều bên cạnh “văn minh” bằng hai chữ “tiện nghi”.

Dày đặc trên các mẩu quảng cáo là những sản phẩm hiện đại đem đến sự tiện nghi hữu ích cho người sử dụng. Các dự án căn hộ được xây dựng sao cho người mua có được cuộc sống tiện nghi ấm cúng. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng được quảng cáo đem lại trải nghiệm tiện nghi sang trọng. Những công sở được thiết kế để nhân viên có thể tiện nghi thoải mái làm việc…

Nếu một đứa trẻ đột nhiên hỏi người lớn, “văn minh là gì”, sẽ không ngạc nhiên lắm nếu người lớn đó buột miệng “văn minh là tiện nghi”.

Khi bị nhồi vào đầu một thứ gì đó nhiều đến mức lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác, người ta dễ dàng tự động chấp nhận nó là sự thật.

Tất nhiên chẳng có người nghiêm túc nào lại đi định nghĩa “văn minh là tiện nghi”, trừ phi họ không biết chữ.

Cùng lắm họ sẽ chỉ nói “tiện nghi” là một đặc tính của văn minh.

Rất tình cờ, từ gốc tiếng Hoa của hai chữ “tiện nghi” (便宜) lại mang hai nghĩa khá khác biệt.

Một nghĩa là “tiện lợi”, như cách mà chúng ta dùng xưa nay. Nghĩa còn lại là “rẻ tiền”.

Và nghĩa thứ hai, tức rẻ tiền, mới là nghĩa được dùng phổ biến trong tiếng Hoa ngày nay.

Bất cứ khi nào ai đó bảo “thứ này rất tiện nghi”, nghĩa là họ đang nói “thứ này rất rẻ tiền”.

(Còn nếu họ muốn nói đến tính chất “tiện lợi, thuận tiện” thì từ tương đương trong tiếng Hán Việt là “phương tiện” (方便))

Rốt cuộc thì sự tình cờ đó có vẻ thật thích hợp: cái tiện nghi mà chúng ta đang thụ hưởng (và vẫn liên tục đòi-thêm-nữa) quá rẻ tiền, so với cái giá mà toàn bộ hệ sinh thái của trái đất đang phải trả.

Chuyện văn chuyện minh

Sẽ thật thiếu sót nếu như không định nghĩa “văn minh” rốt cuộc là gì.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “văn minh” là “trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng.”

Nếu bạn giống người viết, đọc xong định nghĩa trên vẫn còn mù mờ, có thể thử tìm hiểu gốc gác của nó.

Hai chữ “văn” (文) và “minh” (明) của tiếng Hoa có nghĩa khá đơn giản nhưng thú vị.

“Minh”, ghép từ chữ “nhật” (日) và “nguyệt” (月), có nghĩa là “ánh sáng”.

“Văn” (文) theo nghĩa gốc ban đầu, giống như hình vẽ, chỉ “những đường đan chéo phức tạp”. Sau đó nó được dùng để chỉ “chữ viết” nói chung (vì chữ Hoa là những chữ tượng hình, cũng được tạo thành theo cách “vẽ bùa” phức tạp như vậy). Sau này khi chữ viết được dùng để mô tả, kể lại cuộc sống con người, “văn” được nâng cấp lên thành “văn hóa”.

Một cách giản lược, “văn minh” ở đây chỉ “câu chuyện xán lạn về cuộc sống của con người”.

Từ tương đương của “văn minh” trong tiếng Anh, “civilization”, lại có nghĩa hơi khác.

“Civilization” được ghép từ chữ “civil” và cái đuôi “-ization” (trở thành).

Từ “civil” có gốc Latin “civilis”, cùng gốc với từ Latin khác là “civitas”, có nghĩa là “thành bang” (city).

Vì thế có hiểu “văn minh” hay “civilization” của tiếng Anh là câu chuyện về nhân loại khi họ bắt đầu tập hợp cố định lại một chỗ, sáng lập nên nhà nước, có tôn ti trật tự, không còn sống hoang dã bầy đàn vô luật pháp như trước.

Tựu chung, cách hiểu nào về văn minh cũng đều chỉ về một hướng: con người trở nên tốt hơn.

Tốt nhưng liệu có hơn?

Khả năng cao là bạn đã từng xem qua một trong những video giống như của BBC, với chủ đề “Trái đất sẽ ra sao khi con người biến mất”, hoặc từng đọc qua bài viết với ý tưởng tương tự.

Những bài viết, video đó, cùng vô số các bộ phim, sách truyện trong vài thập niên gần đây, đều mô tả về một thế giới mà khi con người không còn tồn tại, các sinh vật trên trái đất sẽ lại được hồi sinh.

Trái đất này sẽ tốt hơn nhiều khi không còn con người.

Đó quả thật là một ý nghĩ lạ lùng, nếu ta vẫn khẳng định rằng mình đang sống trong thời đại văn minh rực rỡ nhất của nhân loại.

Bạn sẽ ngạc nhiên hơn nếu biết rằng ý niệm về sự tuyệt chủng của con người, hay sự tuyệt chủng của bất kỳ sinh vật nào, chỉ mới xuất hiện từ cách đây 200-300 năm, kể từ thời kỳ Khai Sáng (Enlightenment).

Vào năm 1799, Thomas Jefferson, người sau đó trở thành một trong những Tổng thống nổi tiếng và được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã khăng khăng bất chấp các bằng chứng khoa học, cãi rằng những loài động vật tuyệt chủng từ lâu như voi Ma-mút (Mammuthus) và lười khổng lồ (Megalonyx) vẫn còn hiện diện ở những vùng đất còn chưa được khám phá của nước Mỹ.

Vài thập niên sau đó, nhà địa chất người Scotland Charles Lyell tuyên bố rằng những loài khủng long đã tuyệt chủng sẽ… quay trở lại trái đất trong tương lai.

Jefferson và Lyell thực chất không “chơi nổi” hay “câu like”. Họ là đại diện cho số đông vào thời đó, những người vẫn còn chịu ảnh hưởng của “Nguyên tắc Hoàn hảo” hay còn gọi là “Nguyên tắc Trọn vẹn” (Principle of Plenitude), một niềm tin tồn tại trong suốt hàng ngàn năm.

Diễn đạt một cách đơn giản, nguyên tắc này cho rằng “mọi thứ có thể tồn tại đều tồn tại” (all legitimate possibilities must eventually be realised).

Suy ra từ đó, “mọi thứ trên đời đều hoàn hảo, không bao giờ thiếu, vì có thiếu, nó cũng sẽ xuất hiện trở lại”.

Ngày nay chúng ta có thể thấy nguyên tắc/niềm tin này khá ngộ nghĩnh, nhưng đặt vào thời điểm vài ngàn năm trước, nó không có gì ngạc nhiên.

Con người thời đó không có lý do gì để nghĩ rằng thế giới của họ có giới hạn nào.

Họ là trung tâm của vũ trụ. Mọi tài nguyên xung quanh đều dư thừa, xài hoài không hết.

Thứ duy nhất có giới hạn là cái chết thì được đắp lại bằng niềm tin về những thế giới bên kia, cũng vĩnh hằng và không giới hạn.

Như lời tuyên bố của nhà khoa học người Pháp Bernard Le Bouyer de Fontenelle vào thế kỷ 17, rằng không có chủng loài nào có thể hoàn toàn biến mất, vì cho dù trái đất bị phá hủy hay Mặt trời chết đi, một thế giới mới cũng sẽ lại được tạo ra ở đâu đó với cùng những chủng loài y chang như hiện tại.

Họ tin rằng sự tồn tại của con người, cùng các sinh vật khác, là lẽ tất nhiên, hay là đạo Trời.

Cho đến khi khoa học thực nghiệm phát triển, mở màn cho thời kỳ Khai Sáng.

Toán học, thiên văn học, vật lý, sinh học, khảo cổ học, địa chất học … ngày càng giúp con người mở được nhiều cánh cửa ngó ra thế giới hiện thực.

Người ta bắt đầu nhận ra thế giới thực tồn tại độc lập với suy nghĩ của con người.

Hay nói cách khác, thế giới mà con người muốn và thế giới tồn tại thực là hai thứ khác nhau.

Lần đầu tiên trong lịch sử, con người tự nhận thức mình là một “giống loài sinh vật” (a biological species).

Một loài như mọi loài khác. Có sinh có diệt.

Ý niệm về sự tuyệt chủng của “loài người” (human species) bắt đầu được bàn tới.

Cần lưu ý rằng khái niệm “nhân loại tuyệt chủng” bắt nguồn từ thời kỳ này khác rất nhiều về bản chất so với những câu chuyện thần thoại hay tôn giáo về “tận thế”, vốn được sáng tạo từ hàng ngàn năm qua.

Trong mọi phiên bản tận thế, con người đều tiếp tục tồn tại, dù ở hình thức này (được cứu rỗi) hay hình thức khác (tái sinh/ lên thiên đàng/ qua thế giới bên kia …).

Sẽ hơi lạ tai, nhưng khả năng biết nghĩ về sự tuyệt chủng của chính mình lại là thứ giúp con người trở nên văn minh.

Rốt cục thì có loài sinh vật nào trên hành tinh này nghĩ được điều tương tự?

(Tất nhiên đó là vì chúng ta chưa thể đọc được hết suy nghĩ của chúng, nhưng đó là câu chuyện cho một chủ đề khác.)

Tương tự, ở cấp độ cá nhân, những người có trải nghiệm gần với cái chết nhất lại thường là những người có suy nghĩ sâu sắc nhất về sự sống, và ý thức đầy đủ nhất về những việc mình làm.

Họ sống tốt hơn.

Đó chẳng phải định nghĩa giản dị nhất của văn minh?

Và sẽ thế nào khi một xã hội ngày càng có nhiều các cá nhân có ý thức về hệ quả của những việc mình làm?

Sẽ như những người Hy Lạp xưa từng nói,

“A society grows great when old men plant trees whose shade they know they shall never sit in.”

Một xã hội sẽ tốt đẹp khi những người lớn trồng nên những cái cây mà họ biết rằng mình sẽ không bao giờ ngồi dưới bóng mát của nó.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.