‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Sao chúng ta lại để nhà báo phải đi tù vì can đảm cất lên tiếng nói tự do?
Vào chiều ngày 17/10/2020, Công an thành phố Cần Thơ đã bắt tạm giam nhà báo Trương Châu Hữu Danh. Sau đó, trang Facebook “Báo Sạch” do nhóm của ông Danh thành lập cũng biến mất khỏi Facebook.
Không ít người bất ngờ về vụ bắt giữ nhà báo Hữu Danh, nhưng cũng không ít người đã hả hê ra mặt khi hay tin. Có người còn nói ông Hữu Danh là “không biết tu tâm dưỡng tánh”, xứng đáng bị như thế.
Ông Hữu Danh “vô thực” hay “hữu thực” thì tôi không biết, nhưng có một điều chắc chắn là những hoạt động của ông đã làm mạng xã hội Việt Nam sống động hơn nhiều.
Công chúng được thấy một nhà báo thực sự dấn thân, một nhà báo dám công khai chỉ trích các quan chức, một người sẵn sàng tranh đấu cho những người yếu thế. Đó chính là vị thế mà một nhà báo chân chính luôn khao khát.
Công việc của một nhà báo không gì khác hơn là gây sự chú ý về những vấn đề mà họ cho là quan trọng.
Tiếng nói của nhà báo là lời mở đầu cho những cuộc thảo luận của công chúng về hiện thực xã hội. Dập tắt tiếng nói của nhà báo là dập tắt tự do ngôn luận, dập tắt quyền làm chủ của nhân dân.
Ông Danh thực sự đã gây được chú ý để mở đầu những cuộc thảo luận xã hội về các dự án BOT, các bản án oan, giải phóng mặt bằng, các vụ tham ô của các quan chức địa phương…
Ngay sau khi ông bị bắt, nhà báo Mạc Việt Hồng đã viết trên Facebook: “Nhìn vào người vừa bị bắt, có thể thấy, dù không chống cộng một cách trực diện, không đứng về phe dân chủ một cách công khai thì vẫn bị bắt. Điểm lại thì ‘chanh chua’ như chị [Bùi] Hằng, chị [Tạ Phong] Tần đi tù, ‘nhã nhặn’ như chị [Nguyễn Ngọc Như] Quỳnh cũng vô khám, cờ vàng như bạn [Huỳnh Thục] Vy hay cờ đỏ, hoặc không cờ gì như nhiều người khác, cũng bị hết”.
Quả đúng như vậy. Bộ luật Hình sự bao năm qua vẫn duy trì bao điều luật như vậy: “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “gây rối trật tự công cộng”…
Những điều luật này như những viên đạn bắn vào những con thú dám vượt ra ngoài hàng rào kiểm soát. Chúng như tấm lưới chụp vào bất kỳ con cá nào dám nhảy khỏi cái ao, con cá sẽ phải bị băm ra để làm thức ăn cho những con cá khác.
Những điều luật hãm hại các nhà báo, nhà hoạt động như thế chỉ xuất hiện ở những quốc gia độc tài, kém phát triển. Những nước này thường phải muối mặt khi nghe các nước phương Tây chỉ trích về những vi phạm nhân quyền của họ.
Điển hình như Myanmar. Đất nước này nổi tiếng trong mắt quốc tế khi dùng điều 66 (d) của Luật Viễn thông (Telecommunication Law) để áp hình phạt lên đến ba năm tù giam cho những ai dám “bôi nhọ, gây rối, gây ảnh hưởng hoặc đe dọa bất kỳ người nào đang sử dụng mạng viễn thông”. Nhiều nhà báo, nghệ sĩ Myanmar đã phải đi tù vì điều luật này khi họ công khai chỉ trích, châm biếm các quan chức.
Tuy vậy, trong mắt cộng đồng quốc tế, nền báo chí Myanmar vẫn tự do hơn hẳn Việt Nam. Vụ bắt giữ ông Danh chính là một minh chứng mới nhất.
Ông Hữu Danh bị bắt vì một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tội này có thể bị phạt tù lên đến bảy năm tù giam, hơn gấp đôi mức phạt quy định trong điều 66 (d) của Myanmar.
Từng vận động cho nhân quyền Việt Nam ở châu Âu, tôi phải nói rằng Việt Nam là một đất nước nhạt nhòa trong mắt cộng đồng quốc tế. Việt Nam chỉ có tai tiếng về các vụ đàn áp nhân quyền mà không hề có danh tiếng, ngoại trừ về ẩm thực.
Quốc tế đương nhiên không thể can thiệp trực tiếp vào cuộc đàn áp các nhà báo của chính quyền Việt Nam, nhưng họ hoàn toàn có thể khinh thường thứ chính quyền bỏ tù người dân chỉ vì dám cất tiếng nói trái ý. Nếu thứ chính quyền như vậy đáng để họ khinh thường thì họ phải suy nghĩ thế nào về người dân nước đó khi chấp nhận một thứ chính quyền như vậy bao lâu nay: người dân thích kiểu chính quyền đó, hay sức phản kháng của người dân quá yếu, hay như thế nào?
Trong những năm qua, nhiều người trong chúng ta ngưỡng mộ sự dấn thân của thanh niên Hong Kong, hay ngay lúc này là thanh niên Thái Lan. Không ít người trong chúng ta đã dè bỉu thanh niên Việt Nam là thụ động, trì trệ, nhát gan, nhưng chúng ta hãy thử suy xét xem, vì sao chúng ta để những điều luật áp bức đó tồn tại mà lại đòi hỏi thanh niên phải đứng lên?
Tương tự như vậy, chúng ta yêu thích đọc những bản tin vạch trần sự tham ô của quan chức và các phóng sự điều tra về những vụ án oan sai. Nhưng rồi chúng ta lại để các nhà báo phải đi tù vì những bản tin, phóng sự đó. Rồi chúng ta mủi lòng xót thương hay quay lại dạy đời họ. Vậy thì chẳng những chúng ta không làm nên sự tiến bộ cho đất nước mà còn phải xem lại lòng tự trọng của chính mình.
20 năm trước, chúng ta chỉ đọc được báo in với sự kiểm duyệt nặng nề. 20 năm sau, chúng ta đọc báo mạng, xem tin tức qua mạng xã hội, tương tác với nhau, bề ngoài có vẻ đã tiến bộ vượt bậc nhưng bên trong thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Các vụ bắt giữ nhà báo từ trước đến nay đã là câu trả lời chính thức của nhà nước đến công chúng: nhà nước sẽ không bao giờ từ bỏ kiểm duyệt thông tin, và sẽ không buông tha những ai cất tiếng nói độc lập.
Trong lúc bạn đọc bài viết này, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực trong trại giam. Lẽ ra ông Thức đã có thể đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng lại phải ngồi tù chỉ vì nêu lên ý kiến của mình về các chính sách kinh tế và chính trị làm trì trệ đất nước.
Những điều luật trừng phạt tự do ngôn luận trong Bộ luật Hình sự như cái một lồng kính sẽ chụp xuống bất cứ người nào dám cất lên tiếng nói độc lập của mình. Những chiếc lồng không chỉ giam giữ người dân vô tội mà còn cầm tù sự tiến bộ. Hãy đập vỡ những chiếc lồng đó, hãy cứu những người đã can đảm cất lên tiếng nói – đó cũng là cứu lấy sự tiến bộ của đất nước.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.