Dựng xây một đất nước: Bài học từ thời lập quốc của Burma

Bài học kiến quốc từ một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất Myanmar.

Dựng xây một đất nước: Bài học từ thời lập quốc của Burma

Dịch từ bài viết “Building a Nation” của tác giả U Thant, đăng trên The Atlantic vào tháng 02/1958, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Burma (tên gọi khác của Myanmar) giành được độc lập khỏi thực dân Anh.

U Thant (1909 – 1974) là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Burma. Trong 10 năm đầu dựng nước, ông là cố vấn cấp cao của thủ tướng Burma, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông và ngoại giao. U Thant là đại diện của Burma tại Liên Hợp Quốc từ năm 1961, và sau đó trở thành tổng thư ký Liên Hợp Quốc từ 1961 – 1971. Bài viết này của ông giới thiệu sáu trụ cột trong kế hoạch kiến quốc của Burma sau khi thoát khỏi chế độ thực dân. Tầm quan trọng của những trụ cột này không chỉ giới hạn ở Burma buổi đầu lập quốc.

***

Ngày nay, một quốc gia hoàn toàn mới đang được xây dựng trong lòng Burma  – cả về mặt chính trị, xã hội, và kinh tế.

Một phần của nhiệm vụ xây dựng quốc gia nằm ở khía cạnh vật chất: sửa chữa những thiệt hại do chiến tranh, tạo ra đủ năng lực sản xuất để cải thiện mức sống và năng lực tự cường của đất nước. Một phần lớn hơn của nhiệm vụ này nằm ở khía cạnh xã hội và tâm lý: làm sao để giáo dục một dân tộc theo triết lý dân chủ và tự phát triển sau khi đã bị chủ nghĩa thực dân kìm hãm trong một thời gian dài. Do có rất ít nguồn vốn tư nhân ở Burma, trách nhiệm chính chắc chắn thuộc về nhà nước. Những sự đầu tư lớn nhất đang được dành cho các lĩnh vực dưới đây.

Giáo dục: Miễn phí cho tất cả mọi người. Miễn phí sách vở cho học sinh nghèo. Xây dựng nhiều trường học mới ở các vùng nông thôn. Mở rộng Đại học Rangoon gấp năm lần, kèm theo nhiều chi nhánh. Cao đẳng Mandalay được nâng cấp thành đại học. Mở nhiều trường kỹ thuật và nông nghiệp mới. Trao học bổng của chính phủ để du học về các ngành chuyên sâu. Đào tạo giáo viên. Triển khai chương trình giáo dục đại trà cho người trưởng thành. Tổ chức các dự án sách thuộc Hiệp hội Dịch thuật Burma (Burma Translation Society).

Y tế: Triển khai các chiến dịch phòng chống bệnh sốt rét, bệnh lao, bệnh phong, bệnh hoa liễu và các dịch bệnh khác. Giáo dục để cải thiện dinh dưỡng và vệ sinh. Xây dựng các bệnh viện mới và các trung tâm y tế vùng nông thôn. Mở các phòng khám sản khoa. Đào tạo nhân viên y tế công cộng và y tá.

Nông nghiệp: Phân phối lại các khối tài sản lớn cho những người không có đất. Giảm lãi suất cho vay trong ngành trồng trọt. Tăng các khoản vay phục vụ trồng trọt lên gấp 20 lần kể từ khi độc lập. Phát triển hợp tác xã. Cải tiến các phương pháp canh tác. Đa dạng hóa nông nghiệp. Thử nghiệm các loại cây trồng mới.

Thủ tướng Myanmar U Nu gặp gỡ Tổng thống Mỹ Eisenhower năm 1955. Đứng bên góc phải là U Thant, cố vấn thân cận của ông. Ảnh: Wikimedia Commons.

Dân chủ hóa: Thực hiện bầu cử bắt buộc. Bầu ra các hội đồng làng để thay thế hệ thống trưởng làng cũ. Phân tán quyền lực của cảnh sát và tòa án. Thử nghiệm quy trình dân chủ hóa hệ thống hành chính địa phương trên mười quận (một phần ba cả nước). Triển khai chương trình dạy nghề để cải tạo các nhóm phiến quân. Xây dựng các tổ chức dành cho phụ nữ và thanh niên trên toàn quốc.

Lao động: Triển khai đầy đủ hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền của người lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Tăng lương gấp đôi cho thời gian làm thêm ngoài mức 44 giờ theo quy định tại các nhà máy. Khuyến khích phong trào công đoàn. Mở các trung tâm phúc lợi lao động.

Phát triển cộng đồng: Dưới chương trình Pyidawtha (nghĩa là “Vùng đất hạnh phúc”), nhà nước đã cấp nhiều khoản tài trợ cho các nhóm cộng đồng. Đông đảo người dân hưởng ứng chương trình thông qua việc tự nguyện đóng góp sức lao động hoặc tiền bạc để xây dựng giếng, hệ thống tưới tiêu, bể chứa nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cầu đường, trường học, thư viện, và các trung tâm phúc lợi xã hội khác.

Ngoài ra, còn có các dự án phát triển nhà ở đô thị và cải thiện hệ thống giao thông, hệ thống điện, và hệ thống thông tin liên lạc.

Đây đều là những mục tiêu đầy tham vọng. Tiến độ thực hiện trong một số lĩnh vực từng bị trì hoãn do thiếu vốn và các điều kiện bất ổn. Thế nhưng, cả nhà nước và người dân đều quyết chí rằng một quốc gia mới và tốt đẹp hơn sẽ hình thành ở Burma trong thời gian ngắn nhất có thể.


Bài viết nằm trong chuỗi bài về chủ đề kiến quốc, hay xây dựng quốc gia. Trong các tài liệu nước ngoài, khái niệm xây dựng quốc gia (nation building/ state building) nhiều khi được hiểu là quá trình áp đặt từ bên ngoài vào. Chuỗi bài này sẽ tập trung vào nỗ lực của người dân kiến tạo nên quốc gia của chính mình.

Hoan nghênh độc giả đóng góp cho chuỗi bài này. Mọi bài viết xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.