Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Các doanh nghiệp luôn tạo hình ảnh có trách nhiệm với môi trường. Thực tế khác những gì họ nói.
Ở phần cuối kỳ trước, chúng ta đã thấy các doanh nghiệp ngành công nghiệp giải khát và sản xuất chai nhựa bắt tay nhau, lập nên các tổ chức chuyên vận động nhắc nhở người tiêu dùng về trách nhiệm của mình trong vấn đề rác thải môi trường.
Nhưng trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng rác thải này thì lại được đề cập rất qua loa và mập mờ. Họ có lý do để làm việc đó.
Vài chục năm trước, người xem truyền hình ở Việt Nam phát sốt với một bộ phim hài kinh điển có tên “Thượng Đế cũng phải cười” (tựa gốc “The Gods must be crazy”).
Câu chuyện trong phim bắt đầu từ việc một chiếc chai thủy tinh chẳng biết rơi từ đâu xuống, lạc vào tay những con người thuần khiết trong một bộ lạc tại châu Phi. Lần đầu cầm trên tay một vật thể kỳ lạ, họ dần khám phá ra vô số trò hay ho thú vị với cái chai. Những người thổ dân thích thú, nghĩ rằng đó là món quà từ Thượng Đế.
Nhưng vì chỉ có một cái chai duy nhất, mà ai cũng khoái, nên bắt đầu tranh giành, và nảy sinh mâu thuẫn, rồi đánh nhau. Cuối cùng các già làng quyết định phải trả cái chai này lại cho Thượng Đế. Một người trong bộ lạc nhận trách nhiệm đi đến nơi tận cùng của quả đất để làm việc đó.
Câu chuyện hài hước này thật ra không quá xa rời hiện thực.
Vào giữa thế kỷ 19, các loại đồ uống chủ yếu được bày bán trong các nhà hàng hay quán bar. Một phần ít đồ uống được bán mang về, với các loại chai được đổ thủ công và đậy nắp bằng tay.
Cuối thế kỷ 19, ngành công nghiệp đóng chai phát triển và được cơ khí hóa. Ngày càng nhiều sản phẩm nước uống đóng chai được bán ra để người dùng mang về nhà, thay vì chỉ có thể sử dụng tại chỗ.
Nhưng việc sản xuất chai vào thời đó khá tốn chi phí, chai thủy tinh vẫn là một thứ có giá trị. Các nhà sản xuất vì vậy đóng thương hiệu của mình lên chai, và sử dụng mô hình đặt cọc để khuyến khích người dân trả lại chai sau khi sử dụng.
Sau Thế Chiến II, mọi thứ thay đổi.
Ngành công nghiệp đóng chai bùng nổ với các ông lớn nhập cuộc, cùng những dây chuyền sản xuất hàng loạt. Họ bắt đầu thử nghiệm làm những loại chai chỉ dùng một lần (disposable) với chi phí cực rẻ.
Trên các chai thay vì ghi “sản phẩm của ABC hay XYZ”, giờ đây nó xuất hiện dòng chữ “không đặt cọc, khỏi thu hồi” (no deposit, no return).
Đó là khúc dạo đầu cho thời đại “tình một lần” của những con người hiện đại.
Ở đây cần phải nói rõ, đối tượng chính bị phản đối khi người ta nhắc đến cơn khủng hoảng nhựa là các sản phẩm nhựa dùng một lần rồi bỏ (single-use/ disposable plastic), chứ không phải tất cả những thứ làm từ nhựa. Không ai có thể và cũng không ai nên phủ nhận sạch trơn vai trò quan trọng hữu ích của nhựa trong đời sống nhân loại.
Khi ngành công nghiệp nhựa bùng nổ với chi phí thấp, sản xuất dễ dàng nhanh chóng, các chai plastic lên ngôi, những nhà sản xuất thức uống như Coca Cola tìm mọi cách đảm bảo người tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm mới này.
Họ tung ra các quảng cáo nhấn mạnh tính chất ưu việt của chai nhựa.
“10 chai nhựa còn nhẹ hơn cả một chai thủy tinh”
“Vừa lớn, vừa cứng, lại vừa dễ dùng”
“Cầm đi, bạn sẽ yêu ngay mà”
Coca Cola không phải doanh nghiệp duy nhất yêu nhựa và muốn người tiêu dùng chia sẻ tình yêu đó với mình. Phong trào “nhựa hóa” cuốn theo toàn bộ thị trường, từ các loại đồ uống thực phẩm đến mọi mặt hàng tiêu dùng khác.
Ngày nay, ai cũng có thể thấy rõ hậu quả của cơn sóng thần đồ nhựa rẻ tiền này. Nhưng có điều ít ai biết, rằng ngay từ thời điểm đó, những doanh nghiệp như Coca Cola đã biết trước hậu quả này.
Trong bộ phim tài liệu “Plastic tide” (cơn sóng nhựa) của Sandrine Rigaud, chiếu trên kênh truyền hình DW, các nhà làm phim đã đi gặp một nhân vật mà Coca Cola không bao giờ muốn công chúng biết tới.
Arsen Darnay là một kỹ sư từng làm việc tại EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ). Vào đầu thập niên 1970, khi Coca Cola bắt đầu chuyển hướng tập trung vào các loại chai nhựa, họ đã mời Darnay nghiên cứu tác động đến môi trường của việc sử dụng các loại vật liệu chai khác nhau, từ thủy tinh, nhôm, đến nhựa.
Mất hơn một năm thu thập số liệu, thống kê, tính toán phức tạp, Darnay cuối cùng hoàn thành bản báo cáo “Những tác động môi trường của các loại chai thức uống Coca Cola”.
Bản kết luận nói rõ, mô hình sử dụng chai thủy tinh có lợi nhất đối với môi trường. Coca Cola ngâm bản báo cáo này, vì họ đã quyết tâm kết tóc se duyên cùng chai nhựa.
Mối tình có lợi nhất cho túi tiền của họ.
Tháng 1/2018, James Quincey, CEO của Coca Cola, xuất hiện trước ống kính truyền hình tuyên bố chiến lược mới vì môi trường của công ty.
Chiến dịch “Thế giới không rác thải” (World without waste) đặt mục tiêu tất cả các loại chai thức uống của Coca Cola đều làm từ nguyên liệu có thể tái chế (recyclable). Cụ thể đến năm 2030, 50% số chai bán ra của công ty sẽ được làm từ nguyên liệu tái chế.
Nhiều người hoan nghênh động thái này của ông lớn ngành thức uống. Rốt cục họ cũng đã chịu nhận trách nhiệm và thay đổi để cứu lấy môi trường.
Những người từ lâu theo dõi ngành công nghiệp đồ uống và sản xuất nhựa thì không lạc quan như vậy.
Họ nhớ ra rằng vào năm 2008, Coca Cola đã công khai đặt mục tiêu vào năm 2015, 25% số chai nhựa bán ra của mình sẽ được làm từ vật liệu tái chế. Năm 2015 qua đi, không ai nghe doanh nghiệp này nói gì về mục tiêu trên. Các nhà làm phim tài liệu “Plastic tide” tìm thấy trong một bản báo cáo của công ty một dòng ngắn gọn:
“Mục tiêu: chệch hướng. Vào thời điểm hiện tại, 12,4% trên tổng số vật liệu đóng gói trên toàn cầu của chúng ta được làm từ vật liệu tái chế hoặc tái tạo”.
Mục tiêu rõ ràng không đạt được. Nhưng nhìn kỹ hơn, người ta còn phát hiện công ty thậm chí lập lờ cả việc không hoàn thành chỉ tiêu.
Họ nhập nhằng giữa “có thể tái chế” (recyclable) và “có thể tái tạo” (renewable).
Trong trường hợp của Coca Cola, tái chế là những thứ được làm từ vật liệu đã qua sử dụng (waste), còn tái tạo là những sản phẩm chai nhựa được chiết xuất có nguồn gốc thực vật (plant based). Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Nhựa tái tạo về cơ bản vẫn là nhựa, và vẫn có tác hại tương tự với môi trường.
Trong email trao đổi với tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” (Greenpeace), Coca Cola thừa nhận các sản phẩm chai nhựa tái chế của họ chỉ đạt 7%, cách rất xa so với mục tiêu 25%.
Mục tiêu hiện tại mà Coca Cola nhắm đến, theo như chính lời của vị CEO, là “một tham vọng to lớn toàn cầu” (massive global ambition).
Đích thực là vậy, nếu ta nhớ lại 10 năm trước họ đặt mục tiêu 25% tái chế, 10 năm sau thực tế chưa tới 10%. Giờ đây, họ lại tiếp tục hứa hẹn rằng chỉ 10 năm nữa thôi, vào năm 2030, mục tiêu sử dụng 50% vật liệu tái chế sẽ đạt được.
Trên khắp thế giới, cứ mỗi một phút, 1.000.000 chai nhựa được tiêu thụ. Đó là con số của ba năm trước. Ở thời điểm hiện tại, số lượng này chỉ có tăng chứ không giảm. Nhất là trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu về các sản phẩm nhựa dùng một lần để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm, tăng vọt nhiều lần so với các năm trước.
Vào năm 2016, hơn 480 tỷ chai thức uống bằng nhựa được bán ra trên toàn cầu. Số chai này xếp thành hàng sẽ đạt chiều dài hơn một nửa khoảng cách từ trái đất đến mặt trời. Với tốc độ sản xuất, bán ra và tiêu thụ chai nhựa không ngừng tăng, sẽ rất nhanh con người có thể xây cây cầu nhựa chạm được tới mặt trời.
Ở kỳ trước, chúng ta đã được giới thiệu về nghiên cứu trong đó cho biết từ năm 1950 đến 2018, đã có 8,3 tỷ tấn plastic được con người làm ra. Có một con số khác chưa đề cập: hơn một nửa trong số này được tạo ra chỉ từ năm 2000 trở lại đây.
Nghĩa là con người càng ngày càng làm nhiều, bán nhiều, mua nhiều, và vứt đi nhiều đồ nhựa. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy xu hướng ngược lại.
Báo cáo thường niên từ tổ chức Break Free From Plastic (Thoát khỏi đồ nhựa) công bố vào tuần đầu tháng 12/2020 kết luận rằng các công ty thức uống hàng đầu thế giới như Coca Cola, Pepsi và Nestlé đều “không có tiến bộ nào” (zero progress) trong nỗ lực giảm thiểu rác nhựa trên thực tế.
Năm thứ ba liên tiếp, các công ty này đều đứng top đầu trong danh sách những nhãn hàng sản xuất đồ nhựa tạo rác thải trên toàn cầu. Trong đó Coca Cola chiếm vị trí số một khi các nhãn hàng của công ty này xuất hiện nhiều nhất trong những chai rác nhựa thu thập được ở 55 quốc gia khảo sát. Tất nhiên điều này còn do số lượng sản phẩm của Coca Cola bán ra nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác, không nhất thiết có nghĩa rằng họ có ý thức tệ hơn những công ty khác. Trên thực tế, các loại rác nhựa xuất hiện nhiều nhất trong khảo sát ở trên là những loại chai dùng cho các loại nước sốt, cafe, dầu gội đầu… với đủ loại thương hiệu khác nhau. Phổ biến thứ hai là đầu lọc thuốc lá, và thứ ba là chai nhựa đựng thức uống.
Nghĩa là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức uống và mặt hàng tiêu dùng đều có phần trong cơn nghiện rác nhựa này của nhân loại. Không ai vô can.
Họ không những không vô can, mà còn có tội khi liên tục hứa lèo hứa hẻo, và nhất là lập lờ đánh lận con đen để xoa dịu người tiêu dùng.
Ngay từ thập niên 1980, khi người tiêu dùng bắt đầu phản ứng mạnh với vấn đề rác nhựa tràn lan, các doanh nghiệp đã rất khôn khéo khi đưa ra lời hứa “tái chế” (recycle) cho các sản phẩm nhựa của mình.
Những ông lớn như Coca Cola, Pepsi, Unilever, Nestlé… đều đưa ra các cam kết rằng 100% sản phẩm của mình hoặc đang, hoặc sẽ tái chế được (recyclable).
Cái dấu mũi tên tuần hoàn với dòng chữ có thể tái chế đó như một kim bài chắc nịch đảm bảo với người tiêu dùng rằng, đừng lo, các sản phẩm nhựa này đều sẽ được tái chế, không hại gì cho môi trường cả. Hãy cứ tiếp tục mua, mua nữa, mua nữa đi…
Họ chỉ ém nhẹm không cho công chúng biết, rằng trên thực tế, tái chế được và được tái chế là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Kỳ tới: Khủng hoảng nhựa – Huyền thoại về tái chế