Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Họ tự lập hội. Họ tự viết báo. Họ tự xuất bản. Chính quyền truy tố họ.
Vào sáng ngày mai, 5/1/2021, ba nhà báo ở ba độ tuổi khác nhau sẽ bị Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm.
Sáu năm trước, cùng với những người đồng chí hướng khác, họ đã gặp nhau và thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức báo chí độc lập hiếm hoi ở trong nước. Cơ quan truyền thông của hội là tờ Việt Nam Thời Báo cũng được lập ra sau đó.
Trong suốt sáu năm qua, tờ báo này đã đăng hàng chục nghìn bài viết về các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam.
Giờ đây, trước ngày tổ chức Đại hội Đảng, trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, chính quyền chuẩn bị đưa ba nhà báo ra xét xử.
Cả ba người bị truy tố hình sự theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự hiện tại, “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Họ là ai và đã làm gì để nhà nước phải bắt tạm giam, cáo buộc họ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia với mức án có thể lên đến 20 năm tù giam?
Trong ba người, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt đầu tiên vào ngày 21/11/2019 tại TP. Hồ Chí Minh.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cáo buộc ông là người điều hành chủ yếu các hoạt động của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và trang web Việt Nam Thời Báo.
Nhưng đây không phải là nguyên nhân chính khiến ông bị truy tố.
Ông bị truy tố vì đã viết 23 bài báo dưới nhiều bút danh có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây hoang mang làm cho người đọc hiểu sai sự thật”.
Cáo trạng khẳng định các bài viết này xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, của các tổ chức và của lãnh đạo các cấp chính quyền. Tuy nhiên, bản cáo trạng không nêu chi tiết về những bài viết này.
Đây không phải lần đầu tiên ông Dũng bị truy tố tội hình sự.
Vào tám năm trước, tháng 7/2012, ông Dũng, khi đó vẫn còn là một đảng viên và là một cán bộ ban An ninh Nội chính của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đã bị bắt tạm giam vì bị tình nghi làm ra tài liệu nhằm lật đổ nhà nước. Nhưng chính quyền đã đình chỉ cuộc điều tra sau sáu tháng tạm giam ông.
Chưa đầy một năm sau, ông Dũng tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm làm đảng viên.
Trong tâm thư từ bỏ tư cách đảng viên của mình, ông viết: “[…] Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò ‘lãnh đạo toàn diện’ trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng […]”.
Sau khi ra khỏi đảng, ông Dũng đã tìm được hy vọng của mình khi thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vào tháng 7/2014.
Ban đầu, hội có tất cả 41 thành viên. Hiện nay, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, hội có 72 thành viên. Ông Dũng giữ chức chủ tịch từ lúc thành lập hội đến nay.
Với lợi thế từng là đảng viên và làm việc cho các cơ quan cấp cao của đảng, ông Dũng là cây bút viết bình luận nổi bật trong môi trường bưng bít thông tin như Việt Nam.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông Dũng đã đăng tải khoảng 1.530 bài viết từ năm 2014 cho đến ngày bị bắt tạm giam. Đầu năm 2014, công an đã cấm ông xuất cảnh đi Thụy Sĩ theo lời mời của tổ chức UN Watch và tịch thu hộ chiếu của ông.
Bên cạnh việc làm báo, ông Dũng còn là một nhà văn, từng là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Vào ngày 23/5/2020, ông Thụy từ biệt vợ mình sau khi Công an Hà Nội đến nhà đọc lệnh bắt tạm giam.
Trước đó, công an thành phố Hà Nội đã mời ông làm việc nhiều lần về vụ án Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhưng ông từ chối làm việc vì lý do sức khỏe.
Ông Thụy tham gia Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam từ ngày đầu thành lập và giữ chức phó chủ tịch của hội.
Viện Kiểm sát cáo buộc ông đã gửi 245 bài viết cho ông Phạm Chí Dũng để đăng tải, trong đó có năm bài viết có nội dung “xuyên tạc, phỉ báng, chính quyền nhân dân”, “xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản”. Nhưng cáo trạng cũng không nói rõ đó là những bài viết nào.
Từ những năm 2010, ông Thụy nổi bật trong vai trò nhà hoạt động và blogger. Ông viết rất đều đặn trên blog của mình tại địa chỉ ntuongthuy.blogspot.com, và cộng tác nhiều bài viết cho Đài Á Châu Tự do. Hầu như gia đình tù nhân lương tâm hay dân oan mất đất nào cũng biết đến ông Thụy.
Năm 2016, ông đã tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 nhưng không thành công.
Sau khi bị bắt, ông Thụy bị cơ quan điều tra chuyển về giam giữ tại Trại tạm giam Chí Hòa, TP. Hồ Chí Minh.
Ông Tuấn bị bắt tạm giam vào ngày 12/6/2020, khoảng ba tuần sau khi công an bắt giữ ông Thụy.
Lúc bị bắt, ông Tuấn đang theo học bằng cử nhân thứ hai của mình tại trường Đại học Luật Hà Nội. Trước đó, Tuấn tốt nghiệp cử nhân khoa học lịch sử tại Đại học Đà Nẵng.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng ông Tuấn đã tham gia điều hành Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam từ tháng 8/2014. Ông bị cáo buộc đã viết sáu bài báo có nội dung xúc phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, danh dự lãnh đạo của các cấp chính quyền.
Tương tự như cáo buộc đối với ông Dũng và ông Thụy, Viện Kiểm sát cũng không nói rõ đó là những bài viết nào.
Nhà báo Phạm Đoan Trang từng nhận định rằng ông Tuấn là một trí thức trẻ tài năng, với nhiều khát vọng, có mong muốn được nghiên cứu và viết sách về lịch sử Việt Nam đương đại.
Ngày mai, cả ba người sẽ cùng ra khỏi trại tạm giam, cùng gặp lại nhau trong phòng xử án, một nơi đã quá đỗi quen thuộc đối với nhiều nhà báo, nhà hoạt động Việt Nam.