Hồ sơ biến đổi khí hậu – Kỳ 5: Đào mộ “minh oan” cho hóa chất gây hại

Chuyện về một trong những hóa chất tai tiếng nhất, và một trong những nhà khoa học can đảm nhất.

Hồ sơ biến đổi khí hậu – Kỳ 5: Đào mộ “minh oan” cho hóa chất gây hại
Một bức tranh quảng cáo cho DDT. Ảnh: Science History.

Năm 1962, một quyển sách có tựa đề rất thơ mộng, “Mùa xuân vắng lặng” (Silent Spring), được xuất bản. Nhưng đây không phải là sách văn học. Tác giả Rachel Carson cũng không phải là nhà văn. Bà là một nhà khoa học.

“Mùa xuân vắng lặng” là cuốn sách chấn động về môi trường. Nó trình bày chi tiết các quan sát và dẫn chứng về tình trạng lạm dụng DDT và các loại hóa chất khác. Các cảnh báo nghiêm trọng trong sách khiến giới khoa học phải vào cuộc, chính quyền phải lắng nghe, và dư luận bắt đầu chú ý đến một loạt những tác hại mà con người gây ra với hệ sinh thái của trái đất.

DDT đã bị cấm phổ biến không lâu sau đó. Bẵng đi vài chục năm sau, đến đầu thế kỷ 21, bỗng dưng trào lưu “xóa tội” cho DDT và “buộc tội” Carson rộ lên.

Đi đầu và năng nổ nhất trong trào lưu này là những người mà ta đã thấy trước đó: hết mình ủng hộ cho các chủ doanh nghiệp, một mực bảo vệ ngành thuốc lá, chống lại các bằng chứng về mưa axítkhông thấy có vấn đề gì với lỗ thủng tầng ozone.

Câu chuyện được kể lại trong chương bảy quyển sách “Merchants of Doubt”.

Thần dược được đón nhận rộng rãi

DDT (Dichlorodiphenyltrichloroethane) là một hợp chất không màu, không vị và gần như không mùi.

Nó được chế ra lần đầu tiên vào năm 1873, nhưng không được chú ý nhiều. Đến năm 1940, Paul Muller, một nhà hóa học người Thụy Sĩ, tái tổng hợp và thực nghiệm chứng minh hiệu quả của chất này trong việc tiêu diệt các loại côn trùng như muỗi.

Người ta nhận ra DDT có thể được dùng để chống lại các bệnh chết người lây truyền qua côn trùng như sốt rét (malaria) và sốt phát ban (typhus).

Phát hiện này nhanh chóng được đón nhận. Vào thời điểm trên, Thế chiến II đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Số tử thương tăng cao. Nhu cầu bảo vệ quân lính khỏi các loại bệnh càng cấp thiết.

Quân lính Mỹ giới thiệu thiết bị phun xịt DDT. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định rằng loại thuốc này đã cứu mạng 25 triệu người từ Thế chiến II. Ảnh: CDC.

DDT được sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch quân sự ở Ý, châu Phi và khu vực Thái Bình Dương. Các nhà hoạch định chiến lược quân sự khẳng định nhờ sự xuất hiện của DDT, nhiều sinh mạng được bảo toàn.

Nó vừa có tác dụng tiêu diệt côn trùng ngay lập tức, vừa không có vẻ gì gây hại cho quân sĩ; vừa dễ sử dụng, những người lính có thể thoa nó lên da và quần áo, hoặc trộn với dầu để phun xịt từ trên máy bay; lại còn rẻ tiền.

Với những thành quả đó, Paul Muller được trao giải Nobel Y Sinh vào năm 1948 vì đóng góp trong việc phát triển DDT.

Sau chiến tranh, người ta bắt đầu dùng DDT cho sản xuất nông nghiệp.

Tất cả đều nghĩ hợp chất này là thần dược. So với những loại thuốc diệt côn trùng tổng hợp từ thạch tín (arsenic), thứ thuốc không màu không mùi không vị này có vẻ an toàn hơn hẳn. So với các biện pháp diệt côn trùng truyền thống như phát quang bụi rậm, dọn dẹp đầm lầy, dùng DDT nhanh gọn rẻ và tiện lợi hơn gấp nhiều lần.

Các hình ảnh ghi lại thời đó cho thấy trẻ con thoải mái ăn uống tại chỗ khi người ta phun xịt DDT xung quanh chúng.

Giống như câu chuyện về thuốc lá, không ai mảy may nghi ngờ gì về việc DDT có hại cho con người hay môi trường.

Và giống như câu chuyện về mưa axit, trên thực tế, đã có những tiếng nói cảnh báo về tác hại của DDT cùng với các chất diệt côn trùng khác. Nhưng những thông tin này chỉ được đăng trong những tạp chí chuyên ngành, không mấy ai đọc, và không có ai tổng hợp đưa ra công luận.

Cho tới khi Rachel Carson xuất hiện.

Thần dược hóa độc dược

Cuốn sách của Carson dày đặc những câu chuyện và bằng chứng khoa học về ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng tràn lan DDT cùng các loại thuốc diệt côn trùng khác.

Cá chết tại những vùng phun thuốc. Chim chết tại khuôn viên các trường học và vùng ngoại ô. Sóc chết trong những chiến dịch phun xịt, và vật nuôi chết khi xuất hiện ở những nơi DDT đang được phun.

Việc sử dụng DDT như một kiểu “giết lầm chứ không bỏ sót” – những côn trùng có lợi cho cây trồng, đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc thụ phấn, cũng bị tiêu diệt.

Nguy hại nhất là, khác với những loại thuốc diệt côn trùng khác, DDT sống rất dai. Nó tích lũy trong nước, trong đất và trong cơ thể những sinh vật sống sót, len lỏi khắp hệ sinh thái, rồi cuối cùng chui vào miệng ăn của con người, ngay cả khi họ không phải là đối tượng bị phun xịt trực tiếp.

Các chứng cứ về tác hại của DDT đối với hệ sinh sản của đại bàng và chim ưng cũng được trình bày. Các con chim biểu tượng của nước Mỹ này không bị phun DDT trực tiếp, nhưng dính đạn khi ăn các con vật gặm nhấm. Bản thân các con vật gặm nhấm này cũng không bị xịt trực tiếp DDT. Chúng ăn phải những thứ dính loại hóa chất này.

“Mùa xuân vắng lặng” của Carson gây chấn động hơn cả quả bom mà các nhà khoa học Mỹ công bố với nghiên cứu về tác động gây ung thư của thuốc lá.

Rachel Carson và cuốn sách Silent Spring (1962). Ảnh: Population Connection.

Lý do là vì người ta đã quá phụ thuộc vào vai trò của thuốc diệt côn trùng nói chung và DDT nói riêng để phát triển nông nghiệp theo hướng độc canh, chuyên môn hóa, tăng sản lượng và năng suất.

DDT cùng các loại thuốc diệt côn trùng khác được cho là cứu tinh giúp nhân loại thoát khỏi nạn đói. Ngày nay nhiều người vẫn còn nghĩ vậy, dù rằng nhiều nhà khoa học đã chỉ ra vấn đề thực chất của nhân loại không phải là thiếu thực phẩm, mà nằm ở khâu phân phối. Những người cần thì không có mà những người có thì quá thừa thãi.

Bắt tay loại bỏ DDT

Các công bố của Rachel Carson thúc đẩy những nhà khoa học khác xắn tay vào nghiên cứu. Chính phủ Mỹ của Tổng thống John Kennedy giao trách nhiệm kiểm chứng cho nhóm tư vấn khoa học hàng đầu, Ủy ban Tư vấn Khoa học của Tổng thống (PSAC – President’s Science Advisory Committee).

PSAC đối mặt với khó khăn lớn.

Có rất ít nhà khoa học từng nghiên cứu một cách hệ thống về vấn đề này. Một số nhà khoa học làm trong chính quyền đã từng cảnh báo về nguy cơ của DDT. Nhưng vào thời điểm đó, hợp chất này được sử dụng chủ yếu trong các chiến dịch quân sự, các báo cáo của họ đều thuộc dạng bí mật quân sự, không công khai ra bên ngoài.

Việc kiểm soát thuốc diệt côn trùng cho tới thời điểm trên vẫn chỉ nằm ở dạng dư lượng trong thực phẩm, đầu cuối đi vào cơ thể người, chứ không ai quan tâm tác hại của nó tới hệ sinh thái cùng các động thực vật trong đó.

DDT được phun xịt khắp nơi ở nước Mỹ vào những năm 1940. Ảnh: mediadrumworld.com/Daily Mail.

Thiếu dữ liệu, thiếu thông tin, các ca phát bệnh ở người cũng ít được ghi nhận (một phần do bác sĩ không được đào tạo để phát hiện các trường hợp nhiễm độc thuốc trừ sâu ở hàm lượng thấp), và lại phải đưa ra kết luận về nguy cơ trong dài hạn, một việc vốn đầy rủi ro sai sót, nhưng PSAC cuối cùng vẫn kết luận rõ ràng: cần phải có hành động ngay lập tức để hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Báo cáo của PSAC không khẳng định rằng tác hại của DDT cùng những loại thuốc diệt côn trùng khác là “chắc chắn”, “đã được chứng minh”, không cần tranh cãi.

Các nhà khoa học trong ủy ban ghi nhận cần phải có thêm nghiên cứu xác thực, làm rõ thêm nhiều vấn đề. Tuy nhiên, mức độ thuyết phục của bằng chứng hiện có đã đủ để người ta phải hành động, thay vì bó tay ngồi chờ.

Họ không áp dụng thứ logic mà nhiều người ủng hộ cho ngành công nghiệp hay dùng: buộc người sử dụng phải chứng minh sản phẩm có hại mới được cấm/ hạn chế.

Nguyên tắc “nghi ngờ hợp lý” (reasonable doubt) trong trường hợp này, dựa trên khuôn khổ luật lệ đã có, đặt trách nhiệm cung cấp chứng cứ (burden of proof) lên những nhà sản xuất.

Người sản xuất phải chứng minh sản phẩm của mình an toàn mới được đưa ra thị trường, chứ người tiêu dùng không có nghĩa vụ đi chứng minh sản phẩm mình sử dụng là có hại.

Những nhà sản xuất DDT chưa (và thực chất là không) chứng minh được sản phẩm của họ an toàn, nên người sử dụng hoàn toàn có quyền nghi ngờ nó.

Báo cáo của PSAC dọn đường cho các hành động quyết liệt từ chính phủ.

Đạo luật Không khí Sạch và Đạo luật Nước Sạch được Quốc hội thông qua. Các cơ quan chuyên trách về môi trường như Học viện Quốc gia về Khoa học Sức khỏe Môi trường, và đặc biệt là Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), được thành lập.

Các báo cáo kiểm chứng khác được tiến hành. Vào năm 1972, mười năm sau khi quyển sách của Carson được xuất bản, EPA cấm việc sử dụng DDT trên toàn nước Mỹ.

“Mùa xuân vắng lặng” của Carson có vẻ đã có một cái kết cổ tích.

Cho đến vài chục năm sau, khi người ta cố biến chuyện cổ tích thành phim kinh dị.

Các chuyên gia đào mộ

Những năm đầu thế kỷ 21, Internet bỗng tràn ngập các bài viết cáo buộc Rachel Carson. Những bài viết này đến từ những viện nghiên cứu quen thuộc, những nơi đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại giới khoa học trong các vấn đề về môi trường.

Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh (CEI – Competitive Enterprise Institute) khẳng định “Rachel đã sai” và “chỉ do một kẻ kích cuồng mà hàng triệu người trên thế giới phải chịu đựng và mất mạng vì bệnh sốt rét”.

Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI – American Enterprise Institute) thì bảo vệ DDT, cho đó “có lẽ là loại hóa chất có giá trị nhất từng được sản sinh ra để ngăn chặn bệnh tật”, mà tự dưng lại bị cấm chỉ vì “cơn điên” (hysteria) do Carson phát động.

Viện Cato chào mừng sự trở lại của DDT. Viện Heartland cũng đăng bài viết cổ xúy sử dụng DDT – tác giả bài viết là một người ăn lương của ngành công nghiệp thuốc lá.

Trước đó, trong quyển sách “Làm bẩn hành tinh” (Trashing the Planet), nhà động vật học Dixy Lee Ray mà chúng ta đã được gặp ở chương về lỗ thủng ozone cũng dành một phần quan trọng để bảo vệ DDT và cáo buộc về “tội ác” của Carson.

Ray dẫn lại trường hợp của Sri Lanka. Theo đó, vào năm 1948, trước khi DDT được sử dụng, nước này có 2,8 triệu ca sốt rét. Sau đó người ta dùng DDT để diệt muỗi, và số ca sốt rét xuống chỉ còn 17 vào năm 1963. Rồi vào cuối thập niên 1960, khi việc sử dụng DDT bị chất vấn tại Mỹ, các quan chức tại đây cũng ngưng phun xịt loại thuốc này. Kết quả là bệnh sốt rét trở lại. Năm 1968 có một triệu ca mắc bệnh. Năm 1969, có 2,5 triệu ca, quay về thời kỳ trước khi DDT được dùng. Trường hợp tương tự cũng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.

Nhà khoa học Rachel Carson năm 1962. Ảnh: Beinecke Rare Book/ Manuscript Library, Yale University.

Những người này chụp cho Carson chiếc mũ “sát nhân hàng loạt”, thậm chí so sánh bà với những tên tuổi khét tiếng trong lịch sử như Hitler hay Stalin.

Đóng góp công sức dệt mũ còn có những người như Steven Milloy, khách mời bình luận thường xuyên xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News. Milloy vốn làm việc cho Viện Cato, là chuyên gia vận động hành lang (lobbyist) cho các công ty thuốc lá từ thập niên 1990.

Vào năm 2004, Milloy hợp tác cùng J. Gordon Edwards, một nhà côn trùng học, công bố báo cáo về DDT trên “Journal of American Physicians and Surgeons”, tạp chí dành cho y bác sĩ do một tổ chức thuộc trường phái thị trường tự do (Libertarian) lập ra.

Báo cáo của Edwards lặp lại khẳng định, rằng “hàng triệu người trên thế giới đã phải chết oan do kết quả từ lệnh cấm DDT tại Mỹ”, và trong những trường hợp khác, người ta đã có thể dùng từ “diệt chủng” (genocide) để nói về “tội ác” này.

Một nhân vật nổi tiếng khác, nhà kinh tế học người Đan Mạch Bjorn Lomborg, trong quyển sách “Nhà môi trường học hoài nghi” (The skeptical environmentalist) xuất bản năm 1998 cũng khẳng định rằng DDT, thông qua việc diệt các loại côn trùng gây bệnh và tăng lượng cung thực phẩm nông nghiệp, có lợi với con người hơn là gây hại.

Các tờ báo nổi tiếng như Wall Street Journal, thậm chí là New York Times, cũng đồng thanh phụ họa.

Họ (tái) ca ngợi DDT, buộc tội Carson cùng những nhà bảo vệ môi trường khác là “ác nhân”, khiến hàng triệu trẻ em ở những nước nghèo như châu Phi phải chịu đựng sốt rét hoành hành.

Không chịu chấp nhận sự thật

Ngay từ những năm 1960, khi Rachel Carson lên tiếng cảnh báo về tác hại của thuốc diệt côn trùng, bà đã trở thành đối tượng công kích của đủ giới.

Những nhà hóa học nghi ngờ, vì họ vẫn luôn tin tưởng vào quyền năng của hóa chất. Những nhà khoa học chuyên ngành thực phẩm cũng nhăn mặt, khi họ vẫn rất hài lòng với năng suất nông nghiệp tăng vọt từ việc sử dụng các loại hóa chất. Các doanh nghiệp hóa chất thì dọa kiện nhà xuất bản đã in quyển sách của bà.

Nhưng sau đó, khi các bằng chứng thực tế về tác hại của DDT và thuốc diệt côn trùng đối với môi trường đã quá rõ ràng, không ai dám bảo vệ độ an toàn của nó.

Những người ủng hộ đổi chiến thuật, chuyển từ khẳng định sự an toàn sang thần thánh hóa tính năng của các loại hóa chất.

Họ khẳng định DDT là thứ duy nhất có thể ngăn chặn có hiệu quả các loại bệnh do côn trùng gây ra.

Các bằng chứng trên thực tế cho thấy một câu chuyện khác.

Sau Thế chiến II, người ta nhân rộng việc sử dụng DDT. Từ năm 1955 đến 1969, nước Mỹ phối hợp với Hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly) tung chiến dịch diệt trừ bệnh sốt rét trên toàn cầu.

Kết quả của chiến dịch không được như mong muốn. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) xác nhận “mục tiêu đề ra không đạt được”.

Bệnh sốt rét bị loại bỏ tại những nước phát triển ở khu vực châu Âu và châu Úc, giảm đáng kể tại Ấn Độ và một số vùng thuộc Mỹ Latin, nhưng vẫn còn nguyên tại những nước kém phát triển như khu vực hạ Sahara ở châu Phi.

Một phần lý do là chỉ dùng hóa chất, trong trường hợp này là phun xịt trong nhà, thì không đủ để diệt trừ dịch bệnh.

Để có hiệu quả, các điều kiện về y tế, vệ sinh, sức khỏe, dinh dưỡng cũng phải đảm bảo, người dân địa phương cũng phải có kiến thức và thói quen phù hợp.

Trong chương trình này, DDT được dùng để phun xịt lên tường và trần nhà. Để có tác dụng, người dân phải giữ nguyên hiện trạng sau khi phun, không được gột rửa sơn sửa lại. Điều này trái với tập quán và sở thích của nhiều người.

Nhưng lý do quan trọng nhất khiến cho chương trình thất bại, và cũng chấm dứt vai trò thần thánh của DDT, là một thứ mà những người được đào tạo bài bản về khoa học như Dixy Lee Ray hay J. Gordon Edwards chắc chắn phải thuộc nằm lòng: khả năng thích nghi kháng thuốc của côn trùng.

Một người phun DDT để diệt muỗi ở Colombo, Srilanka. Ảnh: AP.

Trong trường hợp của Sri Lanka, đích thực là từ năm 1948 đến 1963, DDT có tác dụng, và số ca sốt rét gần như bị triệt tiêu. Nhưng đến năm 1968, khi dịch sốt rét trở lại, lượng DDT đã sử dụng phun xịt trước đây giờ không còn hiệu quả. Các quan chức Sri Lanka tăng thêm lượng DDT, xịt trên diện rộng hơn nữa, vẫn không ăn thua.

Báo cáo vào năm 1976 của Ủy ban Chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới nói rõ, “lượng DDT 1g/m2 phun xịt bốn lần mỗi tháng không đem lại hiệu quả khi so sánh với khu vực phun xịt theo hàm lượng thông thường hoặc ít hơn; ngay cả việc tăng lên 2g/m2 cũng không đem lại tác dụng gì”.

Cuối cùng họ phải chuyển qua dùng malathion, một loại thuốc trừ sâu đắt tiền hơn. Nhờ đó, tỉ lệ mắc bệnh sốt rét được kéo xuống trở lại. Lý do malathion có tác dụng đơn giản vì các loại côn trùng (muỗi) ở Sri Lanka chưa bị phun malathion bao giờ, và chưa có khả năng thích nghi.

Người ta ngưng sử dụng DDT không phải vì nó bị cấm, mà vì nó không còn tác dụng. Các loại côn trùng đã kịp thích nghi với nó.

DDT mất tác dụng nhanh chóng còn bởi việc lạm dụng bừa bãi.

Ma thuật của DDT mất hiệu lực nhanh nhất khi nó được đem qua áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, thay vì chỉ thuần túy dùng phun xịt trong nhà để kiểm soát bệnh.

Đây cũng là chủ đề được Rachel Carson nhắm đến: việc sử dụng bừa bãi tràn lan thuốc diệt côn trùng trong nông nghiệp, chứ không phải các ứng dụng trong kiểm soát dịch bệnh ở người.

Khi phun xịt trong nhà để kiểm soát dịch bệnh, các cá thể côn trùng bị ảnh hưởng không đáng kể. Đa số côn trùng sống ngoài trời chứ không ở trong nhà. Những cá thể sống sót vì thế cũng không có bao nhiêu cơ hội truyền lại gen kháng thuốc cho đời sau.

Nhưng khi DDT được phun vô tội vạ ở ngoài đồng, công viên, các khu vực công cộng… đa số côn trùng đều dính đạn. Nó có nghĩa là những cá thể sống sót, có gen kháng thuốc, sẽ có cơ hội rất cao thành gia lập thất với nhau. Xác suất đời sau xuất hiện khả năng kháng thuốc sẽ nhanh và cao hơn nhiều.

Tóm lại, DDT nói riêng và các loại hóa chất diệt côn trùng nói chung đều không phải “thần dược”. Tác dụng của nó ngắn hạn, còn tác hại thì lâu dài.

DDT làm mòn vỏ trứng chim và khiến chúng dễ vỡ trong quá trình phôi thai lớn lên. Ảnh: Osprey Tales.

Cho đến ngày nay, vài chục năm sau khi DDT đã bị cấm sử dụng, các con chim ở Đảo Catalina vẫn còn dấu hiệu nhiễm độc DDT, khả năng cao do ăn phải những con cá vốn nuốt những thức ăn dưới đáy biển có dính tồn dư DDT, đọng lại từ quá trình sản xuất sử dụng ở California nhiều thập niên trước.

DDT hay các loại hóa chất diệt côn trùng cũng không phải giải pháp duy nhất có thể bảo vệ con người khỏi các loại bệnh tật.

Vào thế kỷ 19, dịch sốt rét hoành hành khắp nước Mỹ. Sau đó, tới trước Thế chiến II, dịch bệnh được kiểm soát. Kết quả này không phải nhờ vào DDT (được sử dụng từ năm 1940), mà nhờ vào các biện pháp truyền thống như xử lý hệ thống thoát nước, cống rãnh, ao hồ, loại bỏ các khu vực sinh sản của muỗi.

Trong khi có những người sống chết bảo vệ cho DDT, hàng loạt các nghiên cứu chỉ ra rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là của phụ nữ và trẻ em.

Vào năm 2000, Barbara A. Cohn và đội ngũ của mình tiến hành điều tra, xác định hồ sơ bệnh án của những phụ nữ mang thai đã được lưu trữ từ những năm 1960. Các chuyên gia phân tích lại mẫu máu của họ, những người vẫn còn là trẻ em hoặc thiếu niên vào thập niên 1940-50, giai đoạn DDT được dùng khắp hang cùng ngõ hẻm. Tại thời điểm tiến hành nghiên cứu, những người phụ nữ này đã 50-60 tuổi, độ tuổi thường xác định có nguy cơ mắc ung thư vú.

Khi so sánh, người ta nhận ra rằng những người trong huyết thanh có nồng độ cao DDT hoặc các chất chuyển hóa của nó (metabolites) có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp năm lần so với nhóm còn lại.

Đây không phải bằng chứng xác thực duy nhất về tác hại của DDT đối với sức khỏe con người. Nhưng giống như các câu chuyện về thuốc lá hay mưa axít, phải rất lâu sau người ta mới nhìn thấy quan tài, và mới chịu đổ lệ. Tuy vậy, rất nhiều người tới nay mắt vẫn còn ráo hoảnh.

Động lực đào mộ

DDT đã bị cấm vài chục năm. Rachel Carson thì mất năm 1964, chỉ hai năm sau khi “Mùa xuân vắng lặng” được xuất bản. Vì sao đến đầu thế kỷ 21, nhiều người lại muốn đào mộ chuyện này?

Lý do nằm ở việc Rachel Carson và quyển “Mùa xuân vắng lặng” được xem là dấu mốc chuyển hướng cho phong trào bảo vệ môi trường hiện đại.

Thay vì chỉ quan tâm đến việc lập ra các khu vực bảo tồn ở những chỗ hoang vu hẻo lánh, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động nghỉ dưỡng “trở về với thiên nhiên”, người ta bắt đầu để ý đến tác hại môi trường ngay tại nơi mình sinh sống. Người ta bắt đầu nhận ra những việc mình làm hóa ra có ảnh hưởng (tiêu cực) nhiều hơn họ tưởng.

Ống khói thải ra có thể gây mưa axít ở cách đó vài ngàn km. Thuốc trừ sâu phun ra không những giết sâu bọ có hại mà có thể hại chết cả chính mình. Hóa chất sản xuất có thể làm ô nhiễm không khí, làm nhiễm độc nguồn nước ngay tại nơi mình sống lẫn những nơi cách xa đó. Hoạt động khai thác dầu mỏ khoáng sản có thể hủy hoại môi trường sống của tất cả sinh vật…

Phun xịt DDT để diệt muỗi ở Long Island, năm 1945. Ảnh: Bettmann/Corbis.

Các nhà kinh tế theo trường phái tự do (libertarianism) như Milton Friedman gọi những hậu quả tiêu cực này theo một cách nhẹ nhàng là “ảnh hưởng tới nhà hàng xóm” (neighborhood effects). Nó chỉ là chuyện ảnh hưởng (tốt xấu không bàn đến), và là chuyện của anh hàng xóm, không phải chuyện của mình.

Friedman cùng những người theo trường phái tự do tuyệt đối cho rằng thứ ảnh hưởng đến hàng xóm này cho dù có lớn đến đâu, nhà nước cũng không có quyền can thiệp. Cứ để tự các anh hàng xóm nói chuyện với nhau.

Khi phong trào môi trường chuyển hướng vào thập niên 1960, người ta bắt đầu đặt ra các yêu cầu phải kiểm soát hoạt động sản xuất, đưa các luật lệ điều chỉnh hành vi những người tham gia thị trường, buộc họ phải tuân theo các quy chuẩn an toàn. Những người theo trường phái tự do tuyệt đối xem đây là điều không thể chấp nhận.

Thừa nhận sự tồn tại của những tác động tiêu cực này, đối với họ, giống như thừa nhận rằng chủ nghĩa thị trường tự do hoàn hảo rốt cục không hề hoàn hảo.

Nó “xúc phạm” đến niềm tin thần thánh của họ, rằng không gì có thể can thiệp được thị trường tự do tuyệt đối, và không ai có quyền kiểm soát lựa chọn của một người, ngay cả khi lựa chọn đó gây hại đến kẻ khác.

Carson cùng với câu chuyện về DDT là một minh chứng thành công của việc kiểm soát tác hại của ngành công nghiệp, của thị trường, nhưng là một vết đen phải xóa bỏ đối với những người chống lại việc kiểm soát đó.

Kể từ thời của Carson, các con mắt dò xét càng ngày càng nhiều, soi càng lúc càng kỹ mọi hoạt động của các doanh nghiệp, mọi hậu quả lớn nhỏ của họ.

Nếu có thể chứng minh rằng Carson cùng những người ủng hộ bà là những kẻ kích cuồng dở hơi, những người đào mộ hy vọng có thể lật đổ toàn bộ phong trào bảo vệ môi trường, giống như cách những người bảo vệ cho các ngành công nghiệp tấn công vào giới khoa học, vẽ ra hình ảnh những kẻ lừa đảo, kém cỏi, không đáng tin.

Chiến lược ở đây là: thấy chưa, hồi đó chúng đã sai, nên bây giờ tất cả những gì chúng nói đều không đáng tin.

Mô-típ vẫn chỉ có một: thay vì tìm hiểu sự thật, họ lại muốn nhào nặn ra một sự thật khác hợp ý mình.

——-

Kỳ tới: “Biến đổi khí hậu là trò lừa đảo”

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.