‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Tối ngày 6/1/2021, tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Washington, D.C. của nước Mỹ thất thủ. Cảnh tượng này xuất hiện dễ cũng phải cả ngàn lần xưa nay. Nhưng đó là trên các bộ phim hành động giải trí của Hollywood. Rất nhiều người Mỹ không ngờ rằng có ngày mình sẽ thấy nó diễn ra ngoài đời thực, ở chính đất nước được mệnh danh là thành trì dân chủ của thế giới.
Phải mất đến vài tiếng đồng hồ sau, khi lực lượng cảnh sát được tăng cường, lệnh giới nghiêm được đưa ra, tình hình mới tạm yên ắng trở lại.
Hàng trăm người xông vào tòa nhà Capitol, hàng ngàn người vây kín bên ngoài, đòi những nghị sĩ bên trong phải ngừng việc xác nhận phiếu đại cử tri, lật ngược kết quả bầu cử tổng thống.
Họ tin rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp. Họ tin rằng mình đang bảo vệ công lý. Họ tin rằng mình là những người yêu nước. Họ tin theo lời của Donald Trump.
Suốt hai tháng qua, kể từ khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống, Trump, người thua cuộc, liên tục cáo buộc bầu cử có gian lận và kêu gọi người ủng hộ mình phản đối kết quả. Trump – người tự mô tả bản thân “không chỉ rất thông minh, mà còn là một thiên tài” – không hề đưa ra được bằng chứng nào về các cáo buộc.
Theo thống kê, từ sau vụ bầu cử cho đến nay, Trump và những người ủng hộ đã tiến hành 62 vụ kiện nhằm đảo ngược kết quả. Các thẩm phán, từ cấp bang đến cấp liên bang, từ người của phe Dân chủ đến cả người do chính quyền Trump bổ nhiệm, bác bỏ hết 61 vụ. Nhiều vụ kiện thậm chí còn nhận được cái lắc đầu ngán ngẩm từ thẩm phán, với lý lẽ trong đơn kiện chắp vá hời hợt như “một con quái vật Frankenstein”, hoặc thiếu bằng chứng thực tế tới mức “không đủ để bác bỏ dù chỉ một phiếu bầu chứ đừng nói tới hàng triệu phiếu như yêu cầu”.
(Đơn kiện duy nhất được chấp thuận và xử theo yêu cầu của đội ngũ Trump là khi một thẩm phán tại bang Pennsylvania đồng ý không cho phép kéo dài thời hạn để cử tri cung cấp giấy tờ xác minh thân phận, trong trường hợp họ chỉnh sửa phiếu bầu. Luật trước đó là sáu ngày. Các quan chức bang nới rộng thời hạn thêm ba ngày. Yêu cầu gia hạn này bị bác bỏ, nhưng nó không ảnh hưởng gì đến kết quả bỏ phiếu tại bang.)
Nhiều người chỉ ra rằng, chính việc Trump liên tục từ chối nhận thua và kích động sự phản kháng từ những người ủng hộ là nguồn gốc cho cơn bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội.
Mọi chuyện bắt đầu xa hơn thế.
Nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, Trump đã liên tục lặp đi lặp lại rằng nếu ông thua, đó là vì “bầu cử có gian lận”. Trump không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để tố cáo gian lận.
Nó không phải chỉ xuất hiện ở cuộc bầu cử năm nay.
Năm 2016, Trump cảnh báo đảng Dân chủ của Hillary Clinton sẽ “gian lận” trước khi cuộc bầu cử bắt đầu. Hay trước đó, trong cùng năm, ông cũng lớn tiếng tố cáo đối thủ Ted Cruz của đảng Cộng hòa “ăn cắp phiếu bầu”. Ở những cuộc bầu cử tại bang các năm tiếp theo, Trump cũng thường xuyên cáo buộc gian lận – khi phe của ông thua cuộc.
Trong tất cả các trường hợp, Trump không bao giờ đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho những lời tố cáo của mình.
Hay nói chính xác hơn, ông không cần chứng minh gì cả. Những người ủng hộ ông không cần bằng chứng. Những người khác thì phủi tay lắc đầu mặc kệ.
Thống kê của tờ Washington Post cho thấy trong 1.386 ngày tại vị, Trump có 29.508 lần nói sai sự thật. Trung bình một ngày hơn 20 lần. Thống kê này không còn được cập nhật kể từ ngày 5/11/2020. Con số chắc chắn chỉ tăng chứ không giảm.
Nhưng Trump nói dối không phải chỉ từ lúc tham chính.
Trump, và người cha của mình, nói dối từ những ngày đầu tiên khi Donald Trump được lựa chọn để kế nghiệp gia sản kếch xù.
Để tạo dựng nên hình ảnh một thiên tài kinh doanh trẻ tuổi, Trump con đã lừa thiên hạ khi nhận vơ tất cả những công trình của cha là của mình. Trump cha gật đầu hùa theo, bất kể việc phải âm thầm hết lần này đến lần khác bỏ tiền ra cứu nguy các dự án phá sản của đứa con.
“Công tử Bạc Liêu” Donald Trump từ khi chào đời đã có thể nói cóc cần sách, mách cóc cần chứng, nhờ vào những người như cha của mình, và nhờ những ai mờ mắt với hào quang của đồng tiền.
Trump không phải một nhân vật đặc biệt. Người như Trump có ở mọi nơi, và luôn tồn tại trong lịch sử nhân loại. Nhưng chính những người xung quanh đã làm cho Trump trở thành hiện tượng có một không hai.
Cha ông phủ tấm lưới vàng bao bọc cậu con cưng. Người hâm mộ dệt nên hào quang về một thương nhân vĩ đại. Và những cử tri tìm thấy cho mình một cứu tinh sẵn sàng hứa hẹn với họ bất kỳ điều gì.
Trong số những người bất mãn đó, có không ít người là “single-issue voters” – những cử tri bỏ phiếu lựa chọn chỉ dựa trên một vấn đề.
Họ có thể bầu chọn cho một ứng viên chỉ theo giới tính, sắc tộc, đức tin, hoặc một chính sách cụ thể nào đó (chống/ ủng hộ quyền phá thai, chống/ ủng hộ nhập cư, tăng/ giảm thuế, hay bảo vệ/ bỏ qua vấn đề môi trường…).
Nhiều người Việt Nam ủng hộ Donald Trump cũng chỉ dựa trên một luận điểm duy nhất như vậy. Đó là vì ông “chống Trung Quốc”. Những chuyện khác Trump làm, cho dù ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến ai, đều không quan trọng.
Bản thân việc quan tâm đến một vấn đề tất nhiên không phải là vấn đề. Ngay cả việc xem một vấn đề nào đó là quan trọng nhất trên đời cũng không nhất thiết là chuyện xấu.
Nhưng nó là con đường ngắn nhất dẫn đến xung đột với những người khác. Đó là thực tế hiển nhiên, khi không phải ai trên đời cũng chỉ xem trọng cùng một vấn đề như mình.
Tuy vậy, thứ xung đột nghiêm trọng hơn đối với những “cử tri một vấn đề” lại không nằm ở mối quan hệ với người khác. Nó là xung đột với hiện thực.
Nhiều người Việt Nam ủng hộ Trump cuồng nhiệt đến mức không chấp nhận bất kỳ một thông tin nào bất lợi về ông. Từ đó, họ không những nghe theo những lời nói dối không bằng không chứng từ Trump, mà còn chủ động tạo ra những lời nói dối khác để trước hết, tự thuyết phục bản thân, và sau đó, tìm kiếm đồng minh từ những người cùng chí hướng.
Vô số các tin giả được chia sẻ nhan nhản, vô số các thuyết âm mưu được dựng nên, bất kể vô số bằng chứng hoàn toàn trái ngược.
Họ như những con thiêu thân lao vào hết ảo ảnh này đến ảo ảnh khác: tòa án sẽ xử thắng kiện, Tòa án Tối cao sẽ quyết định, quân đội sẽ vào cuộc, phó tổng thống sẽ ra tay, các luật sư thiên tài sẽ biết cách, và trên hết, một người vĩ đại như Donald Trump luôn “tính hết rồi”.
Ngay cả khi hình ảnh những kẻ cực đoan cuồng tín ở Mỹ xông vào đập phá tòa nhà Quốc hội được truyền đi rộng rãi, những fan Việt trung thành vẫn có thể tiếp tục ôm lấy tin giả “Antifa (nhóm hoạt động cánh tả) mới là những kẻ đập phá” chứ không phải những người “phe ta”.
Thứ tư duy “phe ta luôn tốt, nếu xấu thì chắc chắn là phe địch” không phải là sản phẩm của chế độ dân chủ. Nó là tàn dư của chế độ quân chủ.
Ngày nay, khi “dân chủ” trở thành tiêu chuẩn cho cả thế giới – ngay cả những nước độc tài còn cố gắng khoác lên mình cái mác dân chủ – nhiều người vẫn dễ dàng rớt vào cái bẫy của các “minh chủ”.
Trump, một người luôn ôm mọi công lao bất kể của ai về mình và không bao giờ nhận bất kỳ trách nhiệm nào, là một cái bẫy lý tưởng.
Những người Việt Nam từ khi sinh ra cũng đã ở trong một cái bẫy giống vậy, với cùng thứ “chân lý” được ra rả qua nhiều thế hệ: mất mùa là do thiên tai, được mùa là nhờ thiên tài đảng ta.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi cái bẫy “minh chủ” ăn khớp với quá nhiều người Việt.
Trump, cùng những lời nói dối của mình, như một quả cầu tuyết lăn xuống dốc. Càng lăn càng phình to, cuốn phăng mọi thứ trên đường, tưởng như không gì cản nổi.
Nhưng mọi thứ đều phải có điểm dừng.
Với nhiều người Mỹ, vụ bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc hội vừa qua là điểm tới hạn của quả cầu Trump.
Câu nói được lặp lại nhiều nhất trong cơn bạo loạn vừa qua có lẽ là “enough is enough” – quá đủ rồi.
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa, những người trong bốn năm qua mắt nhắm mắt mở trước những lời nói dối của Trump rốt cuộc cũng công khai phản đối các hành động của ông.
Quốc hội cuối cùng cũng xác nhận Joe Biden là tổng thống mới. Trump, trước áp lực có thể bị buộc phải từ chức sớm trước hai tuần, cũng phải xuống nước “xác nhận chuyển giao quyền lực trong trật tự”.
Những fan trung thành nhất của Trump ở Mỹ, cho dù không chịu thức tỉnh, cũng không gặp phải hậu quả gì lớn. Họ dù sao cũng được sống trong một thể chế dân chủ. Dù bản thân họ có thể cả đời sẽ không nhận ra, nhưng quyền lợi của họ được những người tự do dân chủ khác đảm bảo.
Chỉ cần muốn tìm sự thật, họ luôn có thể được tiếp cận với nó, khi báo chí và sách vở không hề bị kiểm duyệt. Có đi lạc sang minh chủ, họ vẫn luôn có dân chủ – nhờ những người khác quyết tâm bảo vệ – để quay về.
Nhưng những người Việt Nam đặt trọn niềm tin nơi Trump thì khác. Ngoài Trump ra, họ lại phải tiếp tục bấu víu vào đâu?
Nếu không dám nhận cái sai, cái dốt và đặc biệt là cái sợ của mình, họ sẽ chỉ chạy từ minh chủ này sang minh chủ khác, càng lúc càng xa rời những giá trị thực sự của dân chủ.
Sai và dốt không bao giờ là vấn đề, vì ai cũng sai và ai cũng dốt.
Nhưng sợ – sợ sai, sợ dốt, sợ người khác chỉ ra cái sai cái dốt của bản thân, sợ gánh vác trách nhiệm thay đổi, cứ phải tìm kiếm một minh chủ để gửi gắm – đó mới là bãi lầy nuốt chửng mỗi người.
Nỗi sợ đó khiến cho những người có ăn có học có trình độ nhất trở thành những fan hâm mộ cuồng loạn nhất của các minh chủ. Họ là các luật sư, các doanh nhân, những trí thức, hay thậm chí là các nhà khoa học. Giống như những kẻ cuồng tín xông vào đập phá tòa nhà Quốc hội Mỹ, họ cũng tin rằng mình đang bảo vệ công lý, tin rằng mình là những người yêu nước chân chính.
Sự thật: họ chỉ là những người không dám nhảy ra khỏi bãi lầy của bản thân.
Và không giống như cái “đầm lầy” tưởng tượng mà Trump đã vẽ ra để hứa hẹn sẽ “quét sạch”, bãi lầy này là thứ có thật.
Họ chỉ cần nhìn vào gương, và không tiếp tục nhắm mắt.
***
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.