Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Một nghiên cứu cho thấy gia đình có người làm đảng viên thì có thu nhập tăng nhanh hơn.
Có khá nhiều giả định khi nói về vai trò của tấm thẻ đảng viên đối với các lợi ích kinh tế lẫn phi kinh tế tại Việt Nam.
Nhiều người cho rằng trở thành đảng viên không thay đổi bản chất lợi ích kinh tế mà một cá nhân đạt được. Bằng chứng của họ là hiện tượng nhiều công chức, viên chức đã làm việc cho đảng một thời gian thì phải ra làm tư nhân vì lương lậu khá hơn.
Một số lượng lớn khác lại khẳng định các đảng viên có những đặc quyền đương nhiên và các lợi ích kinh tế lẫn phi kinh tế đi kèm. Không phải ngẫu nhiên mà những câu chuyện liên quan đến minh bạch tài sản của lãnh đạo, của các đảng viên địa phương luôn là đề tài nóng hổi của các cư dân trong từng vùng.
Vấn đề của những quan sát nói trên là chúng chỉ tổng hòa chủ nghĩa kinh nghiệm và định kiến.
Cần có các nghiên cứu có cơ sở khoa học hơn, minh bạch hơn để cân nhắc và đánh giá một cách rõ ràng, rằng liệu tư cách thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam có phải là một trong những nguồn cơn của bất bình đẳng xã hội (source of social equality) hay không?
May thay, với nghiên cứu có tên gọi “Economic and non-economic returns to communist party membership in Vietnam” vừa công bố năm 2019, chúng ta có một điểm xuất phát rất đáng tham khảo. Hai tác giả của nghiên cứu này là Thomas Markussen thuộc Đại học Copenhagen và Ngo Quang-Thanh, thuộc trường Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Trước khi đi vào thử nghiệm mô hình dữ liệu và phân tích các con số để trả lời các câu hỏi nghiên cứu của mình, hai tác giả dành khá nhiều thời gian tìm hiểu hệ thống các nghiên cứu có liên quan về tư cách thành viên Đảng Cộng sản và các bất bình đẳng liên quan.
Họ cho biết giả thuyết nghiên cứu (hypothesis) của những nghiên cứu này khá giống nhau: tư cách thành viên Đảng Cộng sản tại Trung Quốc, Việt Nam, Cuba hay Triều Tiên đều là cơ sở cho sự phát triển của địa vị kinh tế lẫn địa vị xã hội. Điều này càng dễ thấy hơn tại các vùng nông thôn, nơi mà nguồn lực tư bản tự do và kinh tế thị trường ít khi chạm đến.
Không quá khó để lý giải hiện tượng này. Đảng viên là lực lượng độc quyền quản lý nhà nước, nắm giữ nhiều thông tin kinh tế quan trọng (như vay vốn nhà nước hoặc thu hồi đất), có lợi thế trong các mối quan hệ thân hữu… Do đó, nếu không có sự kiểm soát quyền lực hợp lý, họ đương nhiên là lực lượng hưởng lợi nhiều nhất từ vị trí đảng viên của mình, chưa cần nhắc đến các vấn đề như tham nhũng, hối lộ hay làm trái quy định.
Các tác giả cho thấy rất nhiều nghiên cứu trước đó khẳng định tư cách đảng viên là một nguồn đặc quyền kinh tế, và cũng là một nguồn sinh ra bất bình đẳng kinh tế. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu này còn mở rộng ra về tầm ảnh hưởng của thẻ đảng trong nhiều khía cạnh bất bình đẳng khác, từ tiêu chuẩn sống, đến giáo dục – đào tạo hay cơ hội việc làm…
Thậm chí, một số nghiên cứu chỉ ra tính kinh tế của tấm thẻ đảng cũng có thể trở thành lực cản của các cải cách kinh tế – chính trị. Đặc quyền kinh tế của các đảng viên càng lớn (bao gồm nhiều vấn đề về giấy phép, hàng rào quản trị nhà nước trong kinh doanh…) thì lực cản của họ đối với các mô hình chính trị mới, mô hình quản lý mới càng mạnh.
Hai tác giả cũng cẩn thận ghi nhận rằng hầu hết các nghiên cứu dạng này không bao giờ quá quả quyết về kết luận của họ.
Các nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi theo dạng “nguyên nhân – kết quả” (causes and effects) có độ khó tương đương với tầm quan trọng của nó. Một là bởi vì không phải cá nhân đảng viên nào cũng có cùng một trải nghiệm hay cùng một định hướng phát triển trong bộ máy công quyền của Đảng Cộng sản. Hai là có rất nhiều biến số quan trọng rất khó quan sát.
Điều này dẫn đến các kết quả nghiên cứu và các chủ thuyết rất khác nhau.
Tại Trung Quốc, nơi dồi dào các nghiên cứu dạng này, một lượng lớn tác giả đi theo luận điểm cho rằng tính cởi mở của nền kinh tế thị trường sẽ khiến cho địa vị chính trị không còn nhiều ý nghĩa. Chênh lệch thu nhập giữa đảng viên với các nhóm dân cư ngoài đảng gần như quy về không. Lợi ích của tấm thẻ đảng từ đó bị triệt tiêu.
Một nhóm đáng kể các tác giả khác chỉ trích cách lập luận trên. Theo họ, quá trình thị trường hóa (marketisation) đồng nghĩa với nguồn vốn tư bản tăng cao, và từ đó đẩy mạnh giá trị tiền tệ của các loại quyền lực độc quyền nhà nước – thân hữu, một đặc sản của các nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Nhìn chung, dù các kết quả thực tế vẫn còn tranh cãi, có thể khẳng định rằng vai trò của tư cách đảng viên trong sự gia tăng thu nhập và các lợi ích phi tiền tệ khác là có tồn tại, dù ít hay nhiều.
Để bắt đầu với Việt Nam, hai tác giả trước tiên cân nhắc nguồn dữ liệu và định hướng nghiên cứu của mình.
Về nguồn dữ liệu, may mắn là họ tiếp cận được một hệ thống thông tin được xây dựng một cách khá đầy đủ và lâu dài. Đó là bộ dữ liệu Vietnam Access to Resources Household Survey (VARHS), do United Nations University World Institute for Development Economics Research (UNU-WIDER), khảo sát và tổng hợp.
VARHS bao quát hơn 2.200 hộ gia đình với khoảng 6.800 cá nhân thành niên tham gia mỗi đợt nghiên cứu. Tiến trình nghiên cứu cũng được thực hiện bài bản đến tận năm đợt, trải dài suốt tám năm (2008 đến 2016).
Không chỉ vậy, mẫu nghiên cứu bao gồm tất cả các các vùng miền chính tại Việt Nam, với các khu vực dân cư đông đúc tại đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Đây là lượng thông tin dồi dào với tính chính xác cao, tạo nền tảng rất tốt cho độ khả tín của nghiên cứu.
Bộ dữ liệu này cho phép hai tác giả quan sát tỷ lệ thu nhập tăng lên qua thời gian của các gia đình có người là đảng viên, trước và sau thời điểm gia nhập. Cách làm này ưu việt hơn là chỉ đơn thuần so sánh mức thu nhập tuyệt đối giữa các hộ gia đình có và không có người là đảng viên, vì điều kiện của mỗi gia đình là khác nhau.
Thomas và Quang-Thanh lựa chọn mô hình tác động cố định (fixed effects model) để ước lượng tác động. Theo họ, mô hình này giúp loại trừ ảnh hưởng của những yếu tố khác có khả năng tác động đến thu nhập như tài năng, nền tảng gia đình, sự giáo dục…. Nhờ đó, nghiên cứu có thể tập trung hoàn toàn vào việc giải đáp liệu chiếc thẻ đảng có làm thay đổi thu nhập và các lợi ích phi kinh tế nhận được của cá nhân và hộ gia đình hay không.
Vậy kết quả mà hai tác giả tìm được là gì?
Trước tiên, về mặt thu nhập, hộ gia đình có người làm đảng viên có mức tăng thu nhập cao hơn các nhóm khác.
Cụ thể, hai tác giả phân chia mẫu dân cư thành bốn nhóm:
(1) hộ gia đình không có người gia nhập đảng;
(2) hộ gia đình có sẵn người nhà là đảng viên;
(3) hộ gia đình có thành viên mới được gia nhập đảng trong giai đoạn khảo sát (tạm gọi là nhóm “gia nhập đảng”); và
(4) những hộ gia đình có người không còn là đảng viên (có thể vì rời đảng hoặc mất, tạm gọi là nhóm “rời đảng”).
Kết quả hồi quy cho thấy nhóm gia nhập đảng có mức thu nhập bình quân tăng cao nhất (tăng gần 12 triệu đồng), trong khi nhóm rời đảng có mức thu nhập tăng thấp nhất (chỉ 6 triệu đồng).
Đây là kết quả mà hai tác giả đã dự tính trước, bởi các nghiên cứu và lý thuyết chủ đạo được đưa ra trước đó đều khẳng định cho sự tồn tại của bất bình đẳng kinh tế mà danh tính đảng viên tạo ra. Hai tác giả cũng ghi nhận rằng các nghiên cứu viên của VARHS đã rất cẩn thận không chỉ hỏi trực tiếp về “thu nhập bao nhiêu”, mà là “chi tiêu ra sao”.
Một người có thể nói giảm nói tránh thu nhập của họ, nhưng họ lại rất vui vẻ (hoặc đôi khi không thể chỉnh sửa) khi kể về thói quen chi tiêu của mình. Bằng cách này, các nghiên cứu viên và hai tác giả đã vẽ ra một bức tranh khá toàn cảnh và chính xác về sự khác biệt trong thu nhập giữa một hộ gia đình có đảng viên và không có đảng viên. So với nhóm gần kề nhất (nhóm có người nhà là đảng viên trong cả hai thời điểm 2008 và 2016), chênh lệch đã là 10%.
Thứ hai, các hộ gia đình có đảng viên tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vay vốn, hỗ trợ chính thức (của nhà nước) và phi chính thức (từ các cá nhân tổ chức khác).
Hai tác giả tìm thấy những bằng chứng số liệu rất rõ ràng của khả năng tiếp cận vay vốn. Trong đó, khả năng hộ gia đình thuộc nhóm gia nhập đảng tiếp cận khoản vay nhìn chung vượt trội hơn ba nhóm còn lại.
Họ cũng đưa ra các thông tin khá chi tiết kèm theo, ví dụ như danh nghĩa đảng viên không có ảnh hưởng nào quá tích cực lên các khoản vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, tấm thẻ đảng lại gây ảnh hưởng cực lớn lên các quyền lợi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội và những tổ chức tín dụng nhà nước khác.
Hai tác giả nhìn nhận thẳng thắn, nếu các khoản vay là dùng để hỗ trợ người dân ở nông thôn và xóa đói giảm nghèo, danh nghĩa đảng viên không bao giờ nên có tác động dương lên khả năng thành công của hồ sơ.
Thực tế cho thấy các nhóm đảng viên địa phương là nhóm có quyền lực lớn nhất, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của cá nhân, hộ gia đình với các khoản vay hỗ trợ, vay chính sách nhà nước.
Không chỉ chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị quần chúng như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá, xét duyệt hồ sơ tín dụng cho các ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hay Ngân hàng Chính sách Xã hội (chưa kể đến các khoản vay, khoản viện trợ chính sách khác hay quỹ tín dụng nhân dân).
Quyền lực của các vị trí dường như không có mấy tầm ảnh hưởng lại là nguồn gốc của các bất bình đẳng địa phương.
Cuối cùng, Thomas và Quang-Thanh so sánh mức độ hạnh phúc chủ quan (subjective well-being) của các hộ gia đình, xem liệu có sự khác biệt giữa các hộ có đảng viên và không có đảng viên hay không.
Trong hệ thống dữ liệu của VARHS, mức độ hạnh phúc chủ quan của một hộ gia đình được đánh giá dựa trên nhận định của người trả lời. Người đó thường là chủ hộ trên giấy tờ, hoặc là người được hộ đó đề xuất.
Các tác giả bất ngờ nhận thấy đây là yếu tố có sự khác biệt mạnh mẽ nhất.
Danh tính đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mang lại cho những hộ “gia nhập đảng” mức độ hạnh phúc chủ quan vượt trội, hơn hẳn nhóm kế cận lên đến trên 20 điểm phần trăm. Điều này có thể là do chênh lệch trong các yếu tố như quyền tiếp cận giáo dục của con cái trong hộ gia đình, quyền tiếp cận thông tin, vị thế xã hội, các mối quan hệ lợi ích…
***
Nghiên cứu của Thomas Markussen và Ngo Quang-Thanh có thể xem là một trong những nghiên cứu đầu tiên lý giải một cách có hệ thống những lợi ích của danh tính đảng viên đối với điều kiện của một hộ gia đình, không chỉ về mặt kinh tế mà còn bao gồm các đặc quyền phi vật chất khác.
Các tác giả không hề liệt kê hay đưa ra bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến tham nhũng, lạm quyền hay các hành vi phạm pháp khác. Như vậy có nghĩa là những lợi ích của đảng viên theo kết quả nghiên cứu này là những điều đã được thể chế hóa và chấp nhận rộng rãi.
Điều này là mầm mống cho những vấn đề lớn hơn, khi sự chênh lệch về kinh tế, địa vị và cả mức độ hạnh phúc giữa đảng viên và các nhóm dân cư không có liên hệ với đảng trở thành lẽ thường.