Xây dựng quốc gia qua những công trình xanh: Bài học từ Singapore

Các tòa nhà không tiêu tốn năng lượng ở Singapore đang truyền cảm hứng cho cả thế giới.

Xây dựng quốc gia qua những công trình xanh: Bài học từ Singapore
Tòa nhà SDE4 – một trong những công trình cân bằng năng lượng đầu tiên tại Singapore. Ảnh: indesignlive.sg

Lược dịch từ bài viết “Building a ‘Well and Green’ nation”, đăng ngày 11/10/2019 trên trang web của Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Tác giả bài viết – giáo sư Lam Khee Poh là Giám đốc Trường Kiến trúc và Môi trường (School of Design and Environment – SDE) thuộc NUS. Ông giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng mô hình quản lý thông tin về vòng đời của các công trình xây dựng, cũng như thiết kế hệ thống máy tính hỗ trợ cho việc phân tích hiệu năng và đánh giá các tòa nhà. Giáo sư Poh viết bài này nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập SDE.

Luật Khoa chọn đăng bài viết này trong chuỗi bài về xây dựng quốc gia, vì Singapore đang nổi lên như một điểm sáng trên thế giới nhờ những ý tưởng xây dựng đô thị bền vững, hài hòa với thiên nhiên, giảm thiểu tác động của con người với môi trường, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng sống. Họ làm được như vậy là nhờ huy động được sự tham gia tích cực của giới nghiên cứu học thuật.

***

Kinh tế toàn cầu vốn tăng trưởng nhờ việc tiêu thụ năng lượng, mà phần lớn trong số đó là năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo. Chẳng hạn, chỉ riêng lượng than dùng cho sản xuất điện đã vượt mức trên 10 tỷ tấn (10 gigatonnes), chiếm một phần ba tổng lượng phát thải khí carbon toàn cầu.

Lượng khí thải carbon ngày càng gia tăng đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu và môi trường. Singapore, một quốc đảo nhỏ nằm trong vùng nhiệt đới, dưới mực nước biển, lại càng dễ bị tổn thương. Vấn đề này có thể trở thành một cuộc khủng hoảng nếu chúng ta không hành động dứt khoát để xây dựng khả năng chống chịu trước những mối đe dọa sắp xảy ra, như nhiệt độ tăng cao và mực nước biển dâng.

Vì vậy, chính phủ Singapore đã tăng cường những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu với một kế hoạch hành động mạnh mẽ, bao gồm các biện pháp như tăng cường áp dụng các phương pháp sản xuất năng lượng sạch và áp thuế carbon. Bên cạnh đó, chính phủ còn triển khai những kế hoạch để giúp Singapore đạt được vị trí dẫn đầu thế giới về các tòa nhà xanh.

Năng lượng tiêu thụ của các tòa nhà và của ngành xây dựng, nếu kết hợp lại, sẽ chiếm khoảng 36% mức tiêu thụ trên toàn cầu. Ngành xây dựng cũng chịu trách nhiệm cho gần 40% trong tổng lượng khí thải carbon cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Do đó, cải tiến các tòa nhà là một nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trường Kiến trúc và Môi trường (School of Design and Environment – SDE) thuộc Đại học Quốc gia Singapore là cơ quan đi đầu trong nỗ lực này. Bắt đầu từ năm 2009, các nhà nghiên cứu từ SDE đã hợp tác với Cơ quan Quản lý Công trình và Xây dựng (Building and Construction Authority – BCA) của Singapore để thiết kế lại một tòa nhà ba tầng và biến nó thành công trình cân bằng năng lượng (net-zero energy building) đầu tiên của Singapore.

SDE cũng tích cực hỗ trợ một số sáng kiến của BCA, như Đại Kế hoạch Công trình Xanh (Green Building Master Plan) vào năm 2014, nhằm tìm cách “xanh hóa” ít nhất 80% các công trình xây dựng của Singapore. Đồng thời, tổ chức này triển khai các giải pháp sáng tạo để xây dựng các tòa nhà thấp tầng đạt tiêu chuẩn cân bằng năng lượng (net-zero) hoặc năng lượng dương (net-positive, tức là năng lượng tạo ra nhiều hơn mức tiêu thụ), và các tòa nhà cao tầng có mức tiêu thụ năng lượng thấp (low energy). Chúng tôi cũng hỗ trợ Tổ hợp Sáng kiến Công trình Xanh (Green Buildings Innovation Cluster), nơi các nhà nghiên cứu của SDE đã thực hiện nhiều dự án liên quan đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, năng lượng chỉ là một khía cạnh nhỏ để kiến tạo nên một cộng đồng bền vững. Vào năm 2015, Liên Hợp Quốc, với sự đồng thuận của các quốc gia thành viên, đã ban hành một văn kiện về phát triển bền vững một cách tổng thể. Chương trình nghị sự đầy tham vọng này đưa ra 17 mục tiêu phát triển mới, nhắm đến việc xóa bỏ đói nghèo, thúc đẩy sự thịnh vượng và cải thiện đời sống của người dân đến năm 2030, song song với việc bảo vệ môi trường. Những mục tiêu đó bao gồm giáo dục chất lượng, sức khỏe tốt, và một cuộc sống hạnh phúc – vốn là những điều liên quan mật thiết tới môi trường sống.

Tòa nhà SDE4 nằm trong khuôn viên NUS là một phần của chiến lược “Well and Green” mà SDE khởi động nhân dịp 50 năm thành lập. Ảnh: NUS.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine (2007), giáo sư Steven Schroeder và cộng sự kết luận rằng các nguyên nhân xã hội, hành vi, và môi trường gây ra 60% số ca tử vong sớm và di chứng tàn tật. Nguyên nhân do di truyền và y tế chiếm tỉ lệ lần lượt là 30% và 10%. Kể cả như vậy, ảnh hưởng của di truyền vẫn có thể giảm đi một khi môi trường được cải thiện.

Tuy nhiên, khi nói đến môi trường, hầu như chúng ta đều nghĩ đến các yếu tố ngoài trời, chẳng hạn như chất lượng không khí, thời tiết, hoặc điều kiện giao thông. Thế còn tác động của môi trường trong nhà thì sao? Chúng ta dành 90% thời gian bên trong các tòa nhà, nhưng nghiên cứu về sự liên đới giữa các tòa nhà với sức khỏe con người vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới mẻ.

Tại SDE, chúng tôi đã chứng minh rằng việc xây dựng một tòa nhà xanh có thể giúp cải thiện chất lượng sống là khả dĩ. Chúng tôi vừa hoàn thành tòa nhà mới nhất của mình – SDE4 – tòa nhà cân bằng năng lượng (net-zero energy) được xây mới đầu tiên ở Singapore.

Trái ngược với những thuật ngữ cao sang, tòa nhà này thực chất được thiết kế dựa trên các khái niệm cơ bản nhưng thiết thực, chẳng hạn như tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tận dụng hệ thống che nắng và làm mát để giảm tiêu thụ năng lượng, trong khi vẫn duy trì sự thoải mái cho người sử dụng. Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái giúp tòa nhà hấp thụ năng lượng mặt trời để tự cung cấp cho nhu cầu của chính nó. Hơn nữa, SDE4 còn được thiết kế để tối đa hóa việc lưu thông không khí và sự gần gũi với thiên nhiên, nhằm nâng cao năng suất làm việc và tâm trạng của những người sử dụng tòa nhà.

Tuy vậy, tòa nhà SDE4 chỉ là một trong những dự án xây dựng thuộc chiến lược “Well and Green” (Khỏe và Xanh) được triển khai nhân dịp niệm 50 năm thành lập trường SDE. Với một tầm nhìn xa hơn, chiến lược này sẽ hỗ trợ thực hiện mục tiêu của chương trình nghị sự quốc gia, nhằm khiến Singaporee kiến tạo nên “một ngôi nhà thân thương và một thành phố toàn cầu nổi bật”.

Để làm được điều này, chúng tôi đang mở rộng phạm vi hợp tác và mời gọi các nhà nghiên cứu và chuyên gia thực hành trong nhiều lĩnh vực cùng góp sức vào nỗ lực chung. Các lĩnh vực của họ trải rộng từ nghệ thuật, khoa học xã hội, kinh doanh, cho đến máy tính, kỹ thuật, y học, khoa học vật lý, và sức khỏe cộng đồng.

Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác nhau, trong đó có Trung tâm về thành phố đáng sống (Center for Livable Cities), trực thuộc Bộ Phát triển Quốc gia về ý tưởng “quận tích hợp” (integrated districts). Ý tưởng này nhằm nâng quy mô các giải pháp lên cấp quận để đạt được các mục tiêu kiến tạo đô thị bền vững. Các dự án đang thực hiện theo chiến lược này bao gồm thiết kế không gian làm việc thân thiện với người lớn tuổi, và cải thiện trải nghiệm chờ đợi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.


Bài viết nằm trong chuỗi bài về chủ đề kiến quốc, hay xây dựng quốc gia. Trong các tài liệu nước ngoài, khái niệm xây dựng quốc gia (nation building/ state building) nhiều khi được hiểu là quá trình áp đặt từ bên ngoài vào. Chuỗi bài này sẽ tập trung vào nỗ lực của người dân kiến tạo nên quốc gia của chính mình.

Hoan nghênh độc giả đóng góp cho chuỗi bài này. Mọi bài viết xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.