Những việc nhà hàng ngày giết chết ước mơ một đời

Nếu không tìm ra lý do để ủng hộ nữ quyền, hãy đọc “The Moment of Lift” của Melinda Gates.

Những việc nhà hàng ngày giết chết ước mơ một đời
Ảnh minh họa: Anam Musta’ein/ TODAY.

Câu chuyện của Champa

Champa cần đưa con gái đi trị bệnh. Rani, đứa con gái hai tuổi của cô bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng tới mức hai chân teo lại như hai cái que. Rani không ăn được như bình thường nữa. Em cần được chăm sóc đặc biệt, mà ở làng thì không ai có chuyên môn cả.

Hy vọng duy nhất của Rani là trung tâm điều trị suy dinh dưỡng ở cách đó hai tiếng đi xe buýt, và nếu đi được, hai mẹ con em sẽ phải ở lại đó hai tuần.

“Nó không được đi. Nó phải ở lại nấu ăn cho cả nhà,” bố chồng của Champa phán.

Khi những cán bộ công tác xã hội nói với ông rằng nếu không được điều trị ngay, cháu của ông sẽ chết, ông khẳng định lại: bỏ công việc nấu ăn mà đi đến hai tuần là không chấp nhận được.

Ông nói thêm, “nếu Chúa lấy đi một đứa trẻ, rồi Ngài sẽ ban cho một đứa khác thôi. Ở mặt này thì Chúa rất vĩ đại và rộng lượng.”

Không một ai đề nghị thay Champa nấu ăn cho gia đình. Cô không nhận được một sự san sẻ nào, ngay cả trong tình huống khẩn cấp có thể đe dọa tính mạng của con gái cô. Sau cùng, Rani được cứu nhờ các chuyên viên công tác xã hội giúp đưa em đến trung tâm điều trị, trong khi mẹ em phải tiếp tục ở lại trong bếp, nấu ăn.

Ở nhiều nơi, công việc bếp núc vẫn được xem là gánh nặng chính của người phụ nữ mà không ai san sẻ. Ảnh minh họa: Jayanta Shaw/ Reuters.

Câu chuyện của Champa được kể trong cuốn sách mang tên “The Moment of Lift: How Empowering Women Changes the World” (Khoảnh khắc cất cánh: Vì sao trao quyền cho phụ nữ sẽ giúp thay đổi cả xã hội) của tác giả Melinda Gates.

Cuốn sách đầu tay của Melinda Gates, đồng sáng lập Bill & Melinda Gates Foundation, quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, đầy những câu chuyện như vậy. Rất đời thường, nhưng khiến ta kinh ngạc về hậu quả của những vấn đề mà ta tưởng là cỏn con, như chuyện ai nấu ăn rửa bát hôm nay.

Chuyện của Champa, 22 tuổi, không phải là hiếm hoi ở Ấn Độ. Đến tận lúc này, khi bạn ngáp dài mỗi lần nghe đến câu chuyện nữ quyền mùng Tám tháng Ba, vẫn có những người phụ nữ phải dành tất cả thời gian của mình để nấu ăn, dọn dẹp, và để những việc nhà hàng ngày ấy giết chết ước mơ của cả một đời.

Nếu phụ nữ được tính công thì đã khác

Tác giả Melinda Gates dành ra một chương trong cuốn sách để nói về những công việc không được trả công (unpaid work) mà chúng ta hay gọi là việc nhà. Những công việc này bao gồm chăm sóc con cái và các thành viên khác, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, mua sắm, và những chuyện lặt vặt khác trong gia đình. Những việc này thường gắn liền với cụm từ “việc của đàn bà”, ngay cả khi đàn bà cũng phải đi làm bên ngoài như đàn ông.

Melinda coi những công việc chăm sóc không được trả công ấy là một trong những căn nguyên gây ra bất công lớn nhất giữa nam và nữ trong xã hội hiện tại. Đó là mấu chốt cần can thiệp nếu như ai đó thực sự muốn nâng phụ nữ dậy.

Không phải đến khi được nghe những câu chuyện trầm trọng như chuyện của Champa thì chúng ta mới thấy lo ngại. Dữ liệu có thể chỉ ra những bất công hiển hiện khác.

Trung bình mỗi ngày, tại các nước đang phát triển, phụ nữ phải bỏ ra 4,5 giờ cho các công việc không được trả công, nhiều hơn 3,17 giờ so với nam. Tại những nước phát triển, con số này là 4,33 so với 2,33, chênh lệch 2 giờ. Nguồn: World Economic Forum.

Tính trung bình trên thế giới, phụ nữ làm việc nhà với thời gian gấp đôi đàn ông. Khoảng cách này thay đổi ở các nước khác nhau, nhưng không ở đâu đạt được tỷ lệ cân bằng. Nếu tính trong cả cuộc đời, phụ nữ làm việc nhà nhiều hơn đàn ông khoảng bảy năm. Đó là khoảng thời gian đủ để hoàn tất một bằng cử nhân và một bằng thạc sĩ.

Gánh nặng của những công việc không tên đè phụ nữ xuống sát đất. Dành càng nhiều thời gian cho việc nhà thì phụ nữ càng có ít thời gian để làm những công việc khác được xã hội trả công và trọng vọng. Cứ thế, con đường tiến thân của họ bị chặn lại, trong khi đàn ông thì có điều kiện để tiến lên.

Khoảng cách nam nữ càng lúc càng xa ra, không phải vì phụ nữ kém hơn và đàn ông giỏi hơn, mà đơn giản là vì đàn ông có nhiều thời gian hơn, do phụ nữ đã làm thay phần việc nhà của họ.

Ý tưởng này không được thừa nhận mãi cho đến vài chục năm trở lại đây. Trong các lý thuyết kinh tế, vốn thống trị cách ta nghĩ về lợi ích xã hội trong hàng trăm năm qua, việc nhà được coi là việc của đàn bà, và không được tính vào giá trị sản phẩm. Các nhà kinh tế cũng tư duy dựa trên giả định rằng việc phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình là chuyện đương nhiên.

Cách nghĩ này trở nên sai lầm trong xã hội hiện đại, khi mà phụ nữ cũng phải dành 8 tiếng mỗi ngày để làm việc như những đồng nghiệp nam giới của mình. Khác biệt là khi về nhà, họ vẫn phải nào là cho con ăn, dạy con học, nấu nướng, hút bụi, ủi quần áo cho chồng, cho con đi ngủ – những công việc mà nếu quy đổi thành tiền trả cho những người giúp việc thì chi phí sẽ không hề nhỏ. Nhưng nếu là vợ, là mẹ làm, thì lại không được tính.

Người tiên phong trong một lý thuyết kinh tế khác có “đếm xỉa” đến công sức của những người vợ, người mẹ là Marilyn Waring, một kinh tế gia người New Zealand. Bà là người đầu tiên đi khắp thế giới tìm cách tính toán giá trị lao động của việc nhà.

Marilyn Waring, một trong những học giả có ảnh hưởng nhất trong phong trào đấu tranh cho tiến bộ và bình đẳng giới. Ảnh: latitudemagazine.co.nz.

Trong cuốn sách “If Women Counted: A New Feminist Economic”, Waring kết luận rằng, nếu thuê nhân công với giá thị trường để làm tất cả những công việc mà phụ nữ phải làm, thì việc nhà sẽ chiếm phần  lớn nhất trong tổng giá trị của nền kinh tế toàn cầu.

Phát hiện của Waring làm thức tỉnh cả thế giới. Liên Hợp Quốc và các quốc gia phát triển bắt đầu tìm cách đưa việc nhà vào các tính toán chính sách, nhưng các nỗ lực gặp phải nhiều lực cản.

Waring giải thích lý do đơn giản là vì hệ thống hiện tại quá có lợi cho nam giới, và những người đàn ông vốn đang nắm các vị trí quyền lực cao nhất không dễ gì mà từ bỏ.

Các kinh tế gia theo trường phái nữ quyền đã đề ra một cách tiếp cận ba bước để giải quyết khoảng cách việc nhà, đó là ba chữ R: thừa nhận (recognize), giảm thiểu (reduce) và tái phân phối (redistribute).

Cuốn sách của Marilyn Waring xuất hiện vào năm 1988, tức là mới chỉ hơn 30 năm trước. Sẽ còn cần rất nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng bất công thầm lặng này.

Thông qua các câu chuyện chân thật về những người phụ nữ đang vất vả vượt qua rào cản và định kiến, cuốn sách “The Moment of Lift” của Melinda Gates (góc trái) hy vọng sẽ góp phần vào nỗ lực khai phóng phụ nữ trên khắp thế giới. Ảnh: gatesnotes.com.

Melinda Gates cùng tổ chức của bà đã góp phần lớn vào nỗ lực khai phóng phụ nữ trên thế giới. Trong cuốn sách, bà thổ lộ rằng chỉ đến khi có cơ hội nói chuyện, gặp gỡ, chứng kiến cuộc sống của những người phụ nữ như Champa ở Ấn Độ, ở Malawi, ở Uganda và những nơi tận cùng thế giới khác, bà mới vỡ lẽ ra rằng giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái chính là đòn bẩy để thúc đẩy cả xã hội phát triển.

Những sự “vỡ lẽ” ấy, nếu tôi viết ra thành câu ở đây, sợ là chẳng khác gì với những câu khẩu hiệu mà bạn đã chán ngấy rồi. Hãy thử đọc “The Moment of Lift” và lắng nghe những câu chuyện mà Melinda Gates muốn kể, về những người phụ nữ đang khao khát được tự quyết cuộc đời mình nhưng bị cản trở, đang nỗ lực vượt qua mọi định kiến để xác lập lại vị trí, không chỉ của mình, mà của cả những người phụ nữ xung quanh.

Một số câu chuyện sẽ khiến bạn thấy đau đớn. Một số khác sẽ khiến lòng bạn mừng vui. Và có thể cũng như tôi, bạn cuối cùng cũng hiểu vì sao mình cần ủng hộ cho bình đẳng giới.


Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.