Thế hệ trẻ Trung Quốc và áp lực phô diễn lòng yêu nước

Người trẻ tại Trung Quốc ngày càng phải gồng mình lên bảo vệ hình ảnh của đất nước.

Thế hệ trẻ Trung Quốc và áp lực phô diễn lòng yêu nước
Ảnh minh họa: The Economist.

Tóm lược từ bài viết “How nationalism is shaping China’s young”, đăng trên The Economist vào ngày 21/01/2021. Bài nằm trong chuyên đề “Patriotism and the party”, bàn về mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước và đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc. Tựa đề do Luật Khoa đặt lại.

***

Cứ mỗi năm, khoảng 50 triệu người Trung Quốc, gồm nhiều đảng viên trẻ tuổi, lại đổ xô đến thành phố Diên An, tỉnh Thiểm Tây để tham gia các chuyến “lữ hành đỏ”.

Diên An, một thành phố khai khoáng với chỉ hai triệu dân, có  ý nghĩa đặc biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là điểm cuối trong cuộc Vạn lý Trường chinh nổi tiếng, từng là thành trì của quân đội cộng sản Mao Trạch Đông từ năm 1937 cho đến khi giành được quyền lực vào năm 1949.

Trong những năm tháng đó, nhiều thanh niên đã đổ về Diên An để tham gia phong trào cách mạng của Mao Trạch Đông. Ngày nay, trong bộ đồng phục xanh xám cùng với chiếc mũ thêu ngôi sao đỏ đặc trưng của lính hồng quân, các đảng viên trẻ lại đổ về Diên An.

Trong chuyến lữ hành đỏ này, họ sẽ tham quan những di tích gắn liền với lịch sử hình thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia một số khóa học bắt buộc về lịch sử hình thành đảng cũng như lý luận chính trị. Thỉnh thoảng, chuyến đi này cũng bao gồm một đêm ngủ lại trong hang đá nơi Mao Trạch Đông từng sống trong suốt thời kỳ kháng chiến.

Khách du lịch tham gia chuyến “lữ hành đỏ” tại Diên An vào năm 2019. Ảnh: Huo Yan/ China Daily.

Phải “chiếm được cảm tình của đông đảo thanh niên”

Những chuyến lữ hành đỏ nằm trong kế hoạch củng cố niềm tin của giới trẻ Trung Quốc vào đảng cộng sản, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Trong một phát biểu vào năm 2019, ông Tập cho rằng đảng cộng sản phải “chiếm được cảm tình của đông đảo thanh niên”, nhằm đảm bảo lý tưởng của đảng được truyền “từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Khác với những thế hệ đi trước, giới trẻ Trung Quốc ngày nay chưa từng phải trải qua thời bao cấp và nếm trải đói nghèo. Chính quyền cũng không còn áp đặt nhiều kiểm soát đối với cuộc sống của họ như đã từng làm với thế hệ đi trước. Việc trở thành đảng viên ngày nay cũng chủ yếu có mục đích làm đẹp bản lý lịch, nhằm có cơ hội làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Giới trẻ Trung Quốc thời hiện đại tiếp xúc nhiều với văn hóa ngoại quốc, nhiệt tình đón nhận các nhãn hiệu xa xỉ trên thế giới. Tuy nhiên, họ cũng ngày càng cảm thấy cần phải gồng mình lên để bảo vệ những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được.

Những chủ đề “nhạy cảm” có thể làm mích lòng người trẻ Trung Quốc vô cùng đa dạng và phong phú. Nó trải dài từ chuyện chủ quyền lãnh thổ như Hong Kong và Đài Loan cho đến lịch sử nhục nhã bị các cường quốc phương Tây xâu xé trong quá khứ.

Là những người tiêu dùng sành sỏi và chịu chi, họ sẵn sàng phô diễn sức mạnh của lòng yêu nước thông qua chiêu bài kinh tế: ủng hộ các sản phẩm nội địa, và sẵn sàng tẩy chay những thương hiệu nước ngoài một khi những thương hiệu này “dám” xúc phạm đến danh dự của tổ quốc.

Vào năm 2019, mạng xã hội Weibo của Trung Quốc dậy sóng với phong trào yêu cầu một loạt các nhãn hàng thời trang quốc tế phải xin lỗi. Các hình ảnh, thông tin xuất hiện trên những sản phẩm và trang web của các doanh nghiệp này bị cho là “xâm phạm đến chủ quyền”, vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.

Thông tin in trên một sản phẩm của Versace bị chỉ ra là xâm phạm đến chủ quyền của Trung Quốc khi liệt kê Hong Kong và Macau là những vùng lãnh thổ độc lập. Vụ việc khiến nhãn hàng này phải xin lỗi người dùng Trung Quốc vào năm 2019. Ảnh: Sina Weibo/ BBC.

Cũng trong năm đó, đài truyền hình Trung Quốc cấm phát sóng giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA), sau khi Daryl Morey, quản lý khi đó của đội Houston Rockets, đăng trên Twitter rằng ông ủng hộ người biểu tình dân chủ Hong Kong. Tuy nhiên, sự kiện này lại làm cho các fan hâm mộ NBA tại Trung Quốc lâm vào tình thế khó xử: vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ các trận đấu bóng rổ.

Tháng 10 năm ngoái, ban nhạc K-pop BTS cũng phải chịu nhiều lời chỉ trích khi một thành viên của nhóm có phát biểu được cho là xúc phạm đến vai trò của quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, thật khó để nói rằng áp lực trên đến từ cư dân mạng Trung Quốc hay từ những cái loa của chính quyền.

Bên cạnh đó, bộ máy truyền thông của chính quyền rất chịu khó tạo dựng mối quan hệ thân thiết với giới trẻ. Đối với những thế hệ đi trước, Trung Quốc được xem là “mẫu quốc”. Còn đối với thế hệ trẻ, chính quyền đã khéo léo nhào nặn “mẫu quốc” thành “Trung ca ca”. “Ca ca” trong tiếng Hoa là một từ vốn dùng để xưng hô với bậc đàn anh, còn theo ngôn ngữ của giới trẻ thì đó là cách người hâm mộ gọi thần tượng của mình.

Đông Phương của những tiểu phấn hồng

Công cuộc nhuộm đỏ tư tưởng của thanh niên đại lục được chính quyền triển khai dựa trên ba cột trụ chính: khơi dậy tinh thần ái quốc trong giáo dục, giành được sự ủng hộ trên không gian mạng, và tăng cường kiểm duyệt.

Đầu tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình chương trình giảng dạy tại các trường đại học lớn.

Các trường không được giảng dạy bảy giá trị cốt lõi của Tây phương, chẳng hạn như khái niệm về nền dân chủ hiến pháp, các giá trị phổ quát, xã hội dân sự, và tự do báo chí. Khi mới bước vào ngưỡng cửa đại học, sinh viên năm thứ nhất của một số trường phải học một khóa bắt buộc về tư tưởng Tập Cận Bình, bên cạnh chủ nghĩa Karl Marx và tư tưởng Mao Trạch Đông. Ở trường trung học, các học sinh cũng đã làm quen với môn giáo dục lòng yêu nước từ sớm. Nội dung của môn học này nhấn mạnh vào quá khứ bị ngoại bang xâm lăng của Trung Quốc. Thậm chí kể từ năm 2015, nhiều trường đại học đã thành lập phân khoa với nhiệm vụ giám sát tư tưởng chính trị của giáo viên.

Một poster tuyên truyền tại Bắc Kinh vào năm 2018 với hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhiều trường đại học đã đưa vào chương trình giảng dạy khóa học về tư tưởng Tập Cận Bình. Ảnh: Nicolas Asfouri/ AFP/ Getty Images.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Political Economy vào năm 2017 cho thấy nhiều sinh viên bắt đầu có những quan điểm tích cực hơn đối với chế độ, đồng thời có cái nhìn kém thiện cảm hơn về các khái niệm dân chủ và thị trường tự do.

Tiếp đến, Đảng Cộng sản Trung Quốc tăng cường việc kiểm duyệt thông tin.

Chính quyền nước này đã xây dựng một bức Vạn Hỏa Trường Thành nhằm cô lập không gian mạng của Trung Quốc với thế giới.

Đối với thế hệ 8x của Trung Quốc, các mạng xã hội quốc tế như Youtube và Facebook từng là cửa ngõ để họ kết nối với thế giới. Nhiều người vẫn còn nhớ đến việc lén lút xem các tư liệu về sự kiện Thiên An Môn trên Youtube, tìm kiếm thông tin trên Google, hay trò chuyện cùng bạn bè trên Facebook.

Nhưng kể từ năm 2010, các công cụ trên đều đã bị chính quyền Trung Quốc ngăn chặn, sau khi các công ty công nghệ quốc tế không thỏa hiệp trong vấn đề kiểm duyệt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những thế hệ đi sau không còn được tự do tìm kiếm thông tin đa chiều trong một xã hội bưng bít, là thứ mà những thế hệ đi trước từng có cơ hội được trải nghiệm, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Vào lúc mới thành lập vào năm 2009, mạng xã hội nội địa Weibo từng là niềm hy vọng trong việc thúc đẩy những tiến bộ trong vấn đề tự do ngôn luận trong xã hội Trung Quốc. Thế nhưng, sau sự kiện tai nạn tàu hỏa vào năm 2011 làm cư dân mạng Weibo dậy sóng, chính quyền đã tiến hành siết chặt nội dung trên mạng xã hội này, không để các cuộc thảo luận vượt ngoài tầm kiểm soát.

Và cuối cùng, Đảng cộng sản Trung Quốc đóng vai trò định hình các cuộc thảo luận trên không gian mạng.

Bộ máy tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc luôn theo sát những vấn đề mà giới trẻ quan tâm. Theo một nghiên cứu sinh của Đại học Stanford, tần suất đăng tải những bài viết với tiêu đề giật gân (clickbaits) từ các tài khoản mạng xã hội của chính quyền cũng nhiều tương tự như những người nổi tiếng.

Song song với đó, bộ máy kiểm duyệt chỉ cho phép các cuộc thảo luận về những đề tài có lợi cho chính quyền, cũng như can thiệp ngay lập tức một khi các cuộc thảo luận này đi quá xa.

Biếm họa về hệ thống kiểm duyệt thông tin của Trung Quốc. Nguồn: Financial Times.

Hành động kiểm duyệt khôn khéo này khiến nhiều người trẻ có một ấn tượng sai lầm, rằng không gian mạng của Trung Quốc đang ngày càng trở nên cởi mở chứ không phải bị bó hẹp hơn.

Đội ngũ dư luận viên là những cánh tay tuyên truyền đắc lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong số này, có một nhóm đặc biệt gây chú ý, thường được gọi là các “tiểu phấn hồng” (little pink).

Tập hợp của nhóm này dường như phần lớn là các nữ thanh niên. Bên cạnh việc “viết theo ý đảng”, họ còn đứng sau các cuộc kêu gọi tấn công vào trang cá nhân của những nhà lãnh đạo Đài Loan như Tổng thống Thái Anh Văn, hay khơi mào nhiều chiến dịch nhằm gây áp lực để Weibo xóa các tài khoản bất đồng chính kiến.

Bài viết kết thúc với nhận định cho rằng những gì giới trẻ Trung Quốc thể hiện là một thứ tinh thần yêu nước phô diễn (performative patriotism). Đó là một lựa chọn dễ dàng và an toàn khi sống dưới một chính quyền mạnh bạo.

Bên cạnh sự phô diễn lòng trung thành với đảng cộng sản, tinh thần yêu nước của những người trẻ tại đây còn là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố: cảm giác thuộc về một cộng đồng lớn mạnh, nhu cầu phải “xả van” các bức xúc và cả mong muốn được phản kháng.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.