Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Đi bầu hay không đi bầu, ta vẫn cần làm một cử tri có hiểu biết.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia vậy là đã nhắn tin cho tôi đến lần thứ ba. Nội dung thì chỉ có một.
“Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!”
Tôi chắc chắn không phải là công dân đặc biệt gì để mà được nhắn tin riêng. Nói thẳng ra, họ spam tin nhắn SMS đó đến điện thoại của người dân cả nước. Từ giờ cho đến ngày bầu cử vào Chủ nhật tới, chắc chắn sẽ còn vài lần. Cái câu dài 44 chữ trên kia còn được nhân giống vô tính trên hằng hà sa số các biểu ngữ, băng-rôn trên đường phố khắp nơi nơi, nhằm tạo một không khí nô nức cho ngày hội toàn dân.
Tôi chắc chắn không phải là công dân duy nhất cảm thấy trống rỗng. Rốt cuộc, ta cần tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới để làm gì?
***
Các cuộc thảo luận về bầu cử tại Việt Nam trong dân chúng thường kết thúc chóng vánh với những lời buồn chán giống nhau. Diễn kịch ấy mà. Sắp xếp hết rồi còn đâu. Bầu ai mà chả thế.
Những lời ấy nếu in ra thành băng-rôn tuyên truyền thì cũng sáo rỗng tương tự như những lời kêu gọi toàn dân đi bầu. Chúng có cùng một vấn đề: khước từ các cuộc thảo luận, khước từ những câu hỏi chất vấn, và chấp nhận hiện trạng. Cả hai thái độ đó đều không giúp nuôi dưỡng tinh thần công dân – nền tảng dẫn đến những thay đổi tích cực cho xã hội.
Một công dân tò mò và muốn tìm hiểu về chính trị ở Việt Nam thì có thể làm gì? Có thể bắt đầu bằng việc đọc sách. Sách viết về Quốc hội ở Việt Nam với tinh thần phê phán và mục tiêu cung cấp kiến thức cho cử tri chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có ba đầu sách có thể kể đến, đó là “ABC về bầu cử” – Lã Khánh Tùng (2016), “Chính trị bình dân” – Phạm Đoan Trang (2017) và “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm” – Nguyễn Sĩ Dũng (2017).
Luật Khoa đã từng giới thiệu hai cuốn sách đầu tiên trong các bài viết trước đây. Cuốn sách thứ ba cũng gợi mở nhiều không gian tư duy mới về Quốc hội – thiết chế đại diện chính thức cho người dân.
Tác giả Nguyễn Sĩ Dũng bàn về Quốc hội với hiểu biết của một người đã làm việc trong Quốc hội Việt Nam gần 30 năm và bằng giọng tiếc nuối của một người đã làm việc trong Quốc hội Việt Nam gần 30 năm rồi mà vẫn chưa nhìn thấy những thay đổi căn cốt. Trong cuốn sách, ông nói đến những thứ Quốc hội nên là, những điểm không hợp lý ở cách tổ chức của Quốc hội Việt Nam, và gợi ý tham khảo các mô hình trên thế giới.
Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách viết với thái độ ôn hòa, thì đây là lựa chọn dành cho bạn. Nó có thể giúp bạn trả lời một số câu hỏi cơ bản trước khi quyết định có đi bầu hay không vào ngày Chủ nhật tới.
Câu trả lời ngắn gọn là, để có trách nhiệm với chính chúng ta.
Về mặt lý thuyết, họ là cầu nối của cử tri với quyền lực nhà nước, thay mặt cử tri để quyết định các công việc quan trọng mang tầm cỡ quốc gia, như chuyện thông qua các chính sách pháp luật, thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách như thế nào, vào việc gì. Họ cũng là đại diện nhân dân để giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất vấn các cơ quan này khi làm sai. Đó là cách mà một nền dân chủ đại diện vận hành.
Nếu chức năng đại diện được thực hiện tốt, người dân sẽ có chỗ để kêu. Giá xăng lên cao quá, con tôi phải đi học thêm nhiều quá, nơi tôi sống ngập lụt quá, hàng xóm hát karaoke ồn ào quá. Với những vấn đề như thế, người dân có thể kêu ai? Câu trả lời là kêu đến đại biểu của họ, và vị đại biểu này có nhiệm vụ chuyển những ý nguyện đó đến các cơ quan chức năng để giải quyết.
Có và không.
Một khi được bầu ra, dù muốn dù không thì các đại biểu vẫn phải làm việc của họ. Đó là tiếp xúc cử tri, lắng nghe các nguyện vọng của cử tri để phản ánh. Các thông tin của đại biểu về nguyên tắc phải được công khai, bao gồm cả số điện thoại, để bất kỳ cử tri nào cũng có thể liên lạc được. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan điều hành hoạt động của Quốc hội có hẳn một ủy ban gọi là Dân nguyện. Cái tên phản ánh chức năng. Ngoài ra, người dân còn có những người đại diện ở cấp hội đồng nhân dân từ xã, phường cho đến quận, huyện để làm nhiệm vụ đại diện cho mình.
Tuy vậy, việc thực thi chức năng đại diện lại có nhiều vấn đề. Thứ nhất, chẳng mấy ai quan tâm. Có bao nhiêu người trong số chúng ta biết đại biểu của mình là ai? Thứ hai, việc công khai thông tin theo quy định không được đảm bảo, tìm ra được số điện thoại của đại biểu mà gọi cũng mất bao nhiêu thời gian công sức. Thứ ba là năng lực của đại biểu. Nếu có nhớ đến, có gọi được, thì cũng chưa chắc đã làm được gì. Năng lực và động lực để đại biểu làm tròn nhiệm vụ là một chuyện, cơ chế để vấn đề mà cử tri quan tâm được đưa vào nghị trình của Quốc hội lại là một vấn đề nan giải khác.
Thực tế cho thấy, giữa hàng trăm, hàng nghìn kiến nghị mà cử tri gửi đến trong mỗi kỳ họp Quốc hội, cuối cùng thì Quốc hội vẫn lựa chọn bàn bạc những vấn đề đã đưa vào chương trình nghị sự từ trước đó.
Theo quy định là có. Mỗi năm đại biểu tiếp xúc cử tri bốn lần. Người dân có thể nhận xét, yêu cầu, chất vấn đại biểu của mình trong các cuộc tiếp xúc cử tri đó. Họ cũng có thể phản ánh, nhận xét về đại biểu trên các phương tiện truyền thông.
Nhưng đó một lần nữa lại là quy định trên giấy. Các cuộc tiếp xúc cử tri thường được thực hiện chỉ trong phạm vi hẹp. Tác giả Nguyễn Sĩ Dũng nêu ra câu chuyện về một cử tri 90 tuổi ở Lạng Sơn, khi gặp được đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thì nói rằng đã đi bầu 12 khóa Quốc hội, nhưng nay mới lần đầu tiên nhìn thấy đại biểu bằng da bằng thịt. Câu chuyện này rõ ràng là không hiếm hoi. Truyền thông thì chưa bao giờ là một thiết chế đủ độc lập và gần gũi để người dân cất tiếng nói.
Điểm mấu chốt là quyền năng giám sát của cử tri chỉ có nghĩa lý khi mà các đại biểu cần đến lá phiếu của họ để tái cử trong nhiệm kỳ tới. Tuy vậy, nguyên tắc ứng cử ở đâu tái cử ở đó lại không được áp dụng ở Việt Nam. Trên thực tế, đại biểu được xếp ở đơn vị bầu cử nào là do cấp trên quyết. Tác giả cuốn sách xác nhận, không hiếm trường hợp một đại biểu kỳ này ứng cử ở miền Bắc, kỳ sau lại ứng cử ở miền Nam. Động lực để duy trì mối liên hệ với cử tri của các đại biểu, vì thế, là rất yếu.
Những biểu ngữ tuyên truyền bầu cử có vẻ là vẫn giữ nguyên trong mấy chục năm qua, nhưng hoạt động của Quốc hội không phải là dậm chân tại chỗ. Tác giả Nguyễn Sĩ Dũng sau 30 năm làm việc trong Quốc hội đã ghi nhận ít nhất hai thay đổi đáng kể.
Thứ nhất, hoạt động của Quốc hội đã trở nên chuyên nghiệp và minh bạch hơn, với các quy định ngày càng xa mô hình Liên Xô cũ và gần với chuẩn mực quốc tế. Các cuộc họp Quốc hội ngày nay ít ra đã được truyền hình trực tiếp, và trong các phiên chất vấn, nhiều câu chuyện bức xúc trong nhân dân đã được đem ra nghị trường bàn luận. Nhờ vậy, người dân có thể biết chuyện gì đang diễn ra.
Thứ hai, tỷ lệ đại biểu chuyên trách có xu hướng tăng lên, từ chỉ có 5-7% ở khóa IX, khóa X, thì đến khóa XIV (thời điểm của cuốn sách) đã lên tới 35%. Đại biểu chuyên trách nhiều lên có nghĩa là thẩm quyền, thời gian và khả năng giải quyết các vấn đề của Quốc hội sẽ tăng lên. Đó là một dấu hiệu tích cực.
Dù đã cố gắng nhìn nhận một cách khách quan với ngôn ngữ tích cực, tác giả vẫn dành phần lớn dung lượng cuốn sách để bàn về những lỗi hệ thống của Quốc hội Việt Nam. Ông chỉ ra sáu vấn đề khác nhau.
Thứ nhất là xung đột lợi ích, bắt nguồn từ việc một phần lớn đại biểu Quốc hội là quan chức hành chính, vì thế không thể thực hiện chức năng giám sát Chính phủ, đơn giản là vì cấp dưới không thể giám sát cấp trên.
Thứ hai là xu hướng địa phương hóa. Sau khi được bầu ra, các đại biểu hoạt động theo tỉnh, đại diện cho lợi ích địa phương chứ không phải lợi ích quốc gia. Điều này dẫn đến rủi ro khiến cho nghị trường trở thành nơi cạnh tranh lợi ích của 63 tỉnh thành.
Thứ ba là thiếu động lực giám sát, do trong Quốc hội không có phe đối lập. Tác giả đưa ra một giải pháp cho việc này là tăng cường số đại biểu ngoài đảng lên 30%.
Thứ tư là năng lực thể chế không được bảo tồn, do cơ cấu đại biểu thay đổi liên tục. Sau mỗi nhiệm kỳ, lại có ⅔ đại biểu là lính mới, và họ phải làm quen lại từ đầu. Việc này gây khó khăn cho mục tiêu xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp.
Thứ năm là thiếu hụt sự khuyến khích đối với các đại biểu Quốc hội. Tác giả chỉ ra rằng thu nhập của các đại biểu là ở mức trung bình thấp. Với mức chi trả như thế, không thể kỳ vọng có được các đại biểu tài giỏi, đàng hoàng, tự tin.
Vấn đề thứ sáu là Quốc hội có xu hướng bị hành chính hóa, với việc các ủy ban ngày càng đòi quyền điều hành nhiều hơn và yêu cầu thành lập văn phòng. Trong khi đó, các hoạt động tranh luận, thảo luận, biểu quyết thì lại không thực sự hiệu quả. Tác giả cho rằng Quốc hội cần nhanh chóng áp dụng luật nghị viện và tập huấn cho các đại biểu và quan chức của Quốc hội về luật chơi, nếu không muốn Quốc hội trở thành một Chính phủ thứ hai.
***
Quốc hội Việt Nam rõ ràng là có rất nhiều vấn đề. Có những chuyện về kỹ thuật có thể giải quyết trong thời gian ngắn, lại có những chuyện cần đến những thay đổi căn bản về chính trị không biết đến bao giờ mới diễn ra. Nhưng có một điều chắc chắn là nếu như chúng ta quay lưng, từ chối biết, từ chối bàn luận, thì mọi thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Việc tối thiểu mà một cử tri có thể làm là khiến mình trở thành một người hiểu biết.
Cuối tuần này, bạn có thể đi bầu hoặc không đi bầu. Nhưng nếu như có ai hỏi, hãy chuẩn bị để trả lời thật rành mạch lý do cho lựa chọn của mình bằng những câu từ có nghĩa. Ít nhất, bạn cũng có thể giúp thêm một ai đó trở thành một cử tri hiểu biết.
Bài viết nằm trong chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang”, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.