Tầng lớp trung lưu lụy chính quyền của Trung Quốc

Giàu sang, có địa vị và học thức không đồng nghĩa với việc sẽ ủng hộ dân chủ.

Trung Quốc, A Middle Class without Democracy
Minh họa: AP Photo/ Ng Han Guan/ Amazon.

Tóm tắt:

  • Nhiều học thuyết truyền thống về phát triển dân chủ khẳng định sự tồn tại của một mối quan hệ nhân quả tất yếu: phát triển kinh tế sẽ dẫn đến thể chế dân chủ. Đây được gọi là “cách tiếp cận một đường thẳng” (unilinear approach).
  • Đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển đó là tầng lớp trung lưu, những người được xem là động lực chính thúc đẩy quá trình dân chủ hóa.
  • Nhiều học giả khác phản đối cách tiếp cận này. Theo họ, mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và dân chủ hóa thay đổi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vai trò của tầng lớp trung lưu đối với dân chủ vì vậy cũng khác. Đây được gọi là “cách tiếp cận tùy thuộc” (contingent approach).
  • Quyển sách “A middle class without democracy” trình bày nghiên cứu về giới trung lưu ở Trung Quốc. Kết luận của nó ủng hộ cách tiếp cận tùy thuộc. Theo đó, tầng lớp trung lưu ở nước này, có quyền lợi gắn bó mật thiết với thể chế hiện tại, không ủng hộ các cải cách dân chủ hóa.
  • Nghiên cứu này có giá trị tham khảo với các quốc gia đang phát triển có hoàn cảnh tương tự, ví dụ như Việt Nam.

Nhiều học thuyết xưa nay về phát triển dân chủ đều đánh giá rất cao vai trò của tầng lớp trung lưu (middle class).

Samuel P. Huntington, học giả nổi tiếng với việc chỉ ra ba làn sóng dân chủ hóa, đã nhận định rằng một trong những nhân tố ảnh hưởng nhất đến làn sóng dân chủ hóa thứ ba là việc “giới trung lưu thành thị ở nhiều nước tăng mạnh về số lượng”.

Tầng lớp trung lưu thường được xem là những người có thu nhập và của cải nhất định, được giáo dục tốt, có tri thức, có ý thức về quyền lợi của bản thân. Nước nào có càng đông những người như vậy, nước đó sẽ càng có nhiều cơ hội chuyển đổi sang thể chế dân chủ.

Đây là cách tiếp cận xem phát triển kinh tế, hiện đại hóa là con đường tất yếu dẫn đến dân chủ hóa. Nó thường được gọi là cách tiếp cận một đường thẳng (unilinear approach).

Dựa theo cách tiếp cận này, khi một quốc gia càng phát triển về kinh tế, nó sẽ càng phải tiến hành những cải cách dân chủ, và một trong những động lực chính cho quá trình này là vai trò thúc đẩy dân chủ của giới trung lưu.

Tuy vậy, thực tế diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á và Mỹ Latin không cho thấy một mối quan hệ nhân quả giản đơn như vậy.

Trong quyển sách “A middle class without democracy” (Một tầng lớp trung lưu không có dân chủ), được xuất bản năm 2013, Giáo sư chính trị học Jie Chen (khi đó đang giảng dạy tại Đại học Idaho, Hoa Kỳ) trình bày các nghiên cứu thực địa tại ba thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thành Đô và Tây An. Qua đó, ông kết luận rằng giới trung lưu của nước này không những không ủng hộ mà còn có xu hướng chống lại các cải cách dân chủ hóa.

Bìa sách “A middle class without democracy” của tác giả Jie Chen. Ảnh: Amazon.
Bìa sách “A middle class without democracy” của tác giả Jie Chen. Ảnh: Amazon.

Các kết quả nghiên cứu của Jie Chen cung cấp bằng chứng cho một cách tiếp cận khác về phát triển dân chủ. Theo đó, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và dân chủ hóa không phải là con đường thẳng tắp tất yếu. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có đặc điểm khác biệt của giới trung lưu tại mỗi nước. Đây được gọi là cách tiếp cận tùy thuộc (contingent approach).

Công trình của Chen trả lời ba câu hỏi chính: tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc là ai, họ có ủng hộ dân chủ hay không, và vì sao.

Phụ thuộc vào nhà nước

Trước năm 1949, trong giai đoạn ngắn khi Quốc dân Đảng kiểm soát đất nước, một nhóm nhỏ thuộc tầng lớp trung lưu được hình thành tại các đô thị ở Trung Quốc.

Những người này có tài sản vừa phải, công việc đặc trưng đòi hỏi kỹ năng, và hình thành nên một lối sống riêng khá giống với giới trung lưu tại phương Tây.

Khi Đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949, tầng lớp trung lưu, cùng với các giai cấp khác, lần lượt biến mất trong nỗ lực “xóa bỏ giai cấp” của chính quyền mới.

Chỉ sau khi Mao Trạch Đông chết, các lãnh đạo mới của Trung Quốc tiến hành cải cách, hay “cởi trói” nền kinh tế từ năm 1978, những tầng lớp mới lại được dần dần xuất hiện.

Giai cấp trung lưu mới ra đời, phát triển mạnh nhất là từ thập niên 1990, mang những đặc tính khác biệt so với giới trung lưu của phương Tây.

Tác giả phân loại và nhóm những người này theo công việc. Họ gồm có những người tự kinh doanh, những người làm vị trí quản lý, những người làm công việc chuyên ngành cần kỹ năng đặc biệt, và nhân viên văn phòng.

Theo khảo sát tại thời điểm nghiên cứu, năm 2007-2008, có đến 60% giới trung lưu tại Trung Quốc đang làm việc tại khu vực công (hoặc trực tiếp làm việc trong chính quyền, hoặc tại các công ty quốc doanh, hay các tổ chức chịu sự kiểm soát của nhà nước). Phần còn lại, 40%, làm việc trong khu vực tư nhân.

Cơ cấu này cho thấy một sự phụ thuộc rất lớn của giới trung lưu vào nhà nước.

Không mặn mà gì với dân chủ

Khảo sát theo mẫu ngẫu nhiên tại ba thành phố của Trung Quốc cho thấy, khoảng 25% người được hỏi thuộc giới trung lưu.

Những người này, cùng với người dân thuộc tầng lớp khác (chủ yếu là tầng lớp thấp – lower class), đều có ý thức cao về các quyền lợi thiết thân của mình. Trên 80% người được hỏi thuộc mọi tầng lớp đều ủng hộ các quyền tự do tôn giáo, quyền tiếp cận thông tin, quyền được giáo dục, tự do đi lại, sinh sống, làm việc…

Tuy nhiên, khi được hỏi về quyền tự do biểu đạt, cụ thể là việc cho phép biểu tình, giới trung lưu bày tỏ mức ủng hộ thấp hơn nhiều so với tầng lớp khác, 22,9% so với 35,6%. Tương tự, quyền tự do lập hội độc lập với chính quyền cũng chỉ được 23,5% giới trung lưu ủng hộ, so với 37,4% ủng hộ từ những người trong giới khác.

Về quyền của tất cả mọi người dân được tham gia quyết định các chính sách của nhà nước, chỉ có 24,9% những người trung lưu ủng hộ, so với 33,7% những người thuộc giới khác.

Tầng lớp trung lưu cũng có mức ủng hộ thấp hơn cho việc xuất hiện nhiều ứng viên thuộc các đảng phái khác nhau cạnh tranh trong các cuộc bầu cử. Chỉ 24,9% trong số họ ủng hộ, so với 38,7% mức ủng hộ từ các giới còn lại.

Giống như mặt bằng chung trong nhóm đối tượng khảo sát là các cư dân thành thị, giới trung lưu tại Trung Quốc không mặn mà gì với những thay đổi theo hướng dân chủ hóa đất nước. Không những vậy, họ còn có xu hướng chống lại những cải cách dân chủ mạnh hơn các nhóm khác.

Gắn chặt với chính quyền và hài lòng với hiện tại

Phần lớn giới trung lưu tại Trung Quốc đều gắn bó lợi ích mật thiết với chính quyền.

Khảo sát tại thời điểm nghiên cứu chỉ ra 60% trong số họ có công ăn việc làm thuộc khu vực công.

Điều này một phần lớn là do vai trò đầu tàu và độc chiếm của chính quyền trong quá trình “đổi mới”. Các quyết sách về kinh tế, việc kiểm soát tư liệu sản xuất, mức độ độc quyền phân phối nguồn lực xã hội… giúp chính quyền có vai trò chủ động trong việc khai sinh và nhào nặn các tầng lớp mới.

Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc có thu nhập cao, hưởng thụ mức sống tốt và hài lòng với địa vị xã hội của mình. Ảnh minh họa: China Briefing.
Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc có thu nhập cao, hưởng thụ mức sống tốt và hài lòng với địa vị xã hội của mình. Ảnh minh họa: China Briefing.

Trong giai đoạn tầng lớp trung lưu tăng mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng rất nhanh nhạy kết nạp những người thuộc giai cấp mới này vào đảng.

Khảo sát tại thời điểm tiến hành nghiên cứu cho thấy tỷ lệ những người thuộc nhóm trung lưu là đảng viên cao hơn cả tỷ lệ những người thuộc nhóm thấp hơn, trong khi trước đây chính những người “vô sản” được xem là thành phần nòng cốt lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Trong các tổ chức đoàn thể do chính quyền lập ra, tỷ lệ những người trung lưu tham gia vào ít nhất một trong số này cũng cao gấp đôi so với tỷ lệ những người thuộc tầng lớp thấp hơn, 47,3% so với 23,6%.

Phỏng vấn sâu những người thuộc giới trung lưu đều cho thấy mức độ hài lòng cao về mức sống và địa vị xã hội hiện tại, bất kể họ làm việc trong khu vực công hay tư.

***

Kết luận từ nghiên cứu của tác giả Jie Chen cho thấy giới trung lưu tại Trung Quốc, ít nhất là trong hiện tại và tương lai gần, không phải là nhóm đối tượng có nhu cầu thúc đẩy các cải cách dân chủ.

Ngược lại, họ là những người chống lưng mạnh mẽ cho thể chế độc tài hiện tại.

Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý điều này có thể thay đổi khi trong tương lai (1) khu vực tư phát triển, tầng lớp trung lưu không còn phụ thuộc nhiều vào nhà nước và (2) chính quyền không còn đảm bảo được mức sống và địa vị xã hội hiện tại của họ.

Xét trong bối cảnh rất tương đồng giữa hai nước, các kết quả này có thể được xem là tham khảo hữu ích để tìm hiểu về vai trò của giới trung lưu mới nổi tại Việt Nam, trong mối quan hệ với chính quyền, các doanh nghiệp thân chính quyền, và các cải cách dân chủ trong tương lai.


Bài viết nằm trong chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang”, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.

Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.